CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự phúc thẩm

16/10/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 12/10/2020, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự phúc thẩm (kèm theo Quyết định số 363/QĐ-VKSTC).

Quy định này hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình; kinh doanh, thương mại, lao động theo trình tự phúc thẩm (sau đây gọi tắt là phiên tòa dân sự phúc thẩm) gồm các giai đoạn trước, trong và sau phiên tòa, kể từ khi Kiểm sát viên nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và hồ sơ vụ án của Tòa án đến khi kết thúc việc kiểm sát bản án, quyết định phúc thẩm.

Các hoạt động của Kiểm sát viên trước phiên tòa

Theo Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự phúc thẩm (sau đây gọi chung là Quy định), sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên, người nghiên cứu hồ sơ thực hiện các việc sau:

1. Kiểm sát Quyết định đưa vụ án ra xét xử.

2. Nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên, người nghiên cứu hồ sơ tiến hành kiểm sát các nội dung sau:

a) Kiểm sát việc thụ lý vụ án.

b) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng từ khi thụ lý vụ án.

c) Nghiên cứu nội dung kháng cáo, kháng nghị; ý kiến của đương sự về kháng cáo, kháng nghị; yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập và ý kiến khác của đương sự.

d) Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

đ) Kiểm sát việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của đương sự việc xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ của Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm.

3. Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu cần thiết); Viện kiểm sát xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để thay đổi, bổ sung hoặc rút kháng nghị (khi có căn cứ).

4. Xây dựng báo cáo và báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án.

5. Xây dựng bản dự kiến diễn biến phiên tòa, dự kiến câu hỏi.

6. Xây dựng dự thảo bài phát biểu.

7. Xây dựng hồ sơ kiểm sát; chuyển trả hồ sơ cho Tòa án.

Hướng dẫn chi tiết các hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên trước phiên tòa được quy định từ Điều 6 đến Điều 17 Chương II Quy định này.

Các hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa

1. Theo dõi và ghi chép diễn biến tại phiên tòa.

2. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa.

3. Kiểm sát việc rút đơn khởi kiện; việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo; kiểm tra lại hoặc thực hiện việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị tại phiên tòa.

4. Kiểm sát việc Hội đồng xét xử chấp nhận tài liệu, chứng cứ được giao nộp tại phiên tòa, công bố tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; Kiểm sát viên yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa.

5. Hỏi và kiểm sát việc hỏi, tranh luận, đối đáp.

6. Kiểm sát việc tạm ngừng, hoãn phiên tòa.

7. Kiểm sát việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại phiên tòa.

8. Kiểm sát quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

9. Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa.

10. Trình bày và phát biểu quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

11. Kiểm sát việc nghị án, tuyên án và kiểm tra biên bản phiên tòa.

Hướng dẫn chi tiết các hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên tại phiên tòa được quy định từ Điều 19 đến Điều 29 Chương III Quy định này.

Các hoạt động của Kiểm sát viên sau phiên tòa

1. Gửi bài phát biểu, báo cáo kết quả xét xử.

2. Thông báo phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

3. Kiểm sát việc giao gửi bản án, quyết định.

4. Kiểm sát bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án.

5. Hoàn thiện, lưu hồ sơ kiểm sát.

Hướng dẫn chi tiết các hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên sau phiên tòa được quy định từ Điều 31 đến Điều 35 Chương IV Quy định này.

Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/10/2020. Những nội dung hướng dẫn trước đây trái với Quy định này bị bãi bỏ.

Những nội dung đã được quy định tại Quy chế công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, ban hành kèm theo Quyết định số 364 ngày 02/10/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (viết tắt là Quy chế số 364/2017); Quy định số 399/2019 và được quy định cụ thể, chi tiết hơn tại Quy định này thì được thực hiện theo Quy định này.

Những nội dung đã được quy định tại Quy chế số 364/2017, Quy định số 399/2019 mà không có trong Quy định này thì thực hiện theo Quy chế số 364/2017 và Quy định số 399/2019.

File đính kèm
NTH (giới thiệu)
Tìm kiếm