CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quyền được xét xử công bằng nhìn từ góc độ pháp luật quốc tế và pháp luật Tố tụng Hình sự Việt Nam

01/02/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Quyền được xét xử công bằng là một trong những nguyên tắc cơ bản có tính chất đặc thù trong tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nội dung của quyền này được thể hiện ở nhiều nguyên tắc khác nhau có vai trò quan trọng bảo đảm cho hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện khách quan, hợp pháp; góp phần bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự.

Quyền được xét xử công bằng trong tố tụng hình sự (TTHS) là tổng thể những quyền được quy định trong pháp luật TTHS với nội dung là sự thừa nhận hay quy định cho các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật với những địa vị pháp lý khác nhau được đảm bảo quyền bào chữa, được xét xử nhanh chóng, công khai bởi một Tòa án độc lập không thiên vị.

Quyền được xét xử công bằng là thuật ngữ dựa trên ý tưởng “đúng quy trình” (due process) của hệ thống pháp luật Anglo - Saxon. Quyền được xét xử công bằng (right to a fair trial) là quyền con người cơ bản và có tính phổ quát cao, tồn tại trong cả vụ án hình sự và vụ án dân sự hoặc vụ án hành chính (các lĩnh vực phi hình sự). Tuy nhiên, với đặc trưng mang tính chất đối trọng rõ ràng giữa một bên là quyền lực công (quyền công tố) và một bên là chủ thể bị buộc tội trong TTHS thì quyền được xét xử công bằng trong TTHS có vai trò, ý nghĩa và sự thể hiện rõ nét nhất. Pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới đều có những hệ thống học thuyết lý luận cụ thể về quyền được xét xử công bằng và từ đó xây dựng được cơ chế bảo đảm quyền được xét xử công bằng trong xét xử vụ án hình sự.

1. Quy định của pháp luật quốc tế về quyền được xét xử công bằng

Pháp luật quốc tế ghi nhận cá nhân có quyền được xét xử bởi cơ quan tài phán độc lập và vô tư, không thiên vị trong việc định đoạt án hình sự hoặc các quyền và nghĩa vụ khác theo luật. Những bảo đảm xét xử công bằng này được cụ thể hóa tại các điều 10 và 11 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 (UDHR), Điều 6 Công ước nhân quyền châu Âu năm 1950 (ECHR), các điều 14, 15 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) và Điều 8 Công ước nhân quyền châu Mỹ năm 1969 (ACHR). Nhìn chung, quá nửa số án lệ được xét xử bởi các cơ quan nhân quyền giám sát thực thi các điều ước trên tập trung vào quyền được xét xử công bằng tại các quốc gia thành viên.

Ngoài các văn kiện pháp lý mang tính toàn cầu nói trên, một số văn kiện mang tính khu vực cũng quy định về quyền được xét xử công bằng như: Điều 6 Công ước châu Âu về bảo vệ nhân quyền và tự do căn bản (ECHR) năm 1950, Điều 8 Công ước châu Mỹ về nhân quyền (1969) đều quy định với tiêu đề “quyền được xét xử công bằng” (Right to a fair trial), khẳng định quyền được xét xử bởi “Tòa án độc lập và không thiên vị, được thiết lập theo luật pháp” trong các vụ việc dân sự hay hình sự, quyền được suy đoán vô tội và các quyền tối thiểu liên quan đến việc bị buộc tội. Tại các điều ước khu vực khác, có thể không đề cập trực tiếp tên quyền này, như Điều 7 Hiến chương châu Phi về nhân quyền và quyền của các dân tộc, nhưng cũng quy định về một số quyền như được kháng cáo, được suy đoán vô tội, được bào chữa, được xét xử bởi “một Tòa án không thiên vị”. Cũng cần lưu ý là châu Phi đã có riêng một văn kiện về quyền được xét xử công bằng là Tuyên ngôn Dakar về quyền được xét xử công bằng tại châu Phi (2000).

Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu quyền được xét xử công bằng trong lĩnh vực hình sự. Đồng thời, chắt lọc những nhận định và kết luận của Ủy ban nhân quyền (HRC, cơ quan giám sát thực thi ICCPR) và Tòa án nhân quyền châu Âu (ECHR, cơ quan giám sát thực thi ECHR) để làm “kim chỉ nam” hành động cho các quốc gia nhằm pháp điển hóa và thực thi hiệu quả những bảo đảm xét xử công bằng ở cấp độ quốc gia.

Nghiên cứu các nội dung về quyền xét xử công bằng trong pháp luật quốc tế có thể rút ra nội dung cơ bản của quyền này như sau:

Một là, các quyền trước giai đoạn xét xử. Mặc dù quyền xét xử công bằng được thể hiện nhiều nhất trong hoạt động xét xử của Tòa án nhưng giai đoạn trước xét xử (khởi tố, điều tra, truy tố) lại có vai trò quan trọng làm tiền đề cho hoạt động xét xử. Vì vậy, quyền công bằng trong xét xử chỉ đạt được khi các giai đoạn trước xét xử đảm bảo được công lý và công bằng trong các hoạt động tố tụng. Các quyền con người bị xâm phạm trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng đến các quyền ở giai đoạn sau. Chẳng hạn, quyền không bị tra tấn, bức cung hay nhục hình nếu bị xâm hại, rất dễ dẫn đến những lời khai không khách quan, làm sai lệch nội dung vụ án.

Hai là, quyền bình đẳng của các chủ thể trước Tòa án, quyền được xét xử bởi một Tòa án độc lập, không thiên vị và quyền được xét xử công khai.

Đây chính là nội dung quan trọng nhất của quyền được xét xử công bằng, bao gồm 03 nội dung là: Quyền bình đẳng trước Tòa án; xét xử độc lập, công bằng; xét xử công khai. Sự bình đẳng, ngang bằng về quyền giữa các bên tham gia tố tụng là yêu cầu cốt lõi của quyền được xét xử công bằng. Sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở cho quyền được xét xử công bằng. Đây cũng chính là yêu cầu thể hiện trong Điều 7 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948. Bên cạnh đó, khi xét xử, Tòa án cần đảm bảo tính độc lập, không thiên vị. Một số văn kiện pháp lý quốc tế đã thể hiện điều này như: Hướng dẫn về vai trò của Công tố viên (được Hội nghị Liên hợp quốc thông qua năm 1990) đã khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm cho Công tố viên thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn mà không bị đe dọa, ngăn cản, can thiệp (khoản 4) và văn phòng Công tố viên phải triệt để tách khỏi chức năng xét xử (khoản 10)... Trong Quy ước đạo đức của quan chức thi hành pháp luật (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1979), một số khía cạnh liên quan đến tính độc lập như các quan chức thi hành pháp luật (thực thi quyền lực Cảnh sát) không được tham nhũng (Điều 7). Cuối cùng, việc xét xử công khai, minh bạch là một nội dung của quyền xét xử công bằng. Tòa án xét xử công khai là một yêu cầu trong Điều 14/1 ICCPR. Tuy nhiên, việc xét xử công khai có thể bị hạn chế vì lý do an ninh quốc gia hoặc để giữ kín đời tư của các bên. Trong Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR), tính công khai của việc xét xử (Điều 6) cũng như việc đảm bảo quyền thông tin của công chúng (Điều 10) được đề cao.

Ba là, quyền được suy đoán vô tội. Theo Điều 14/2 ICCPR đã ghi nhận quyền được suy đoán vô tội của bị can, bị cáo, bên cạnh đó, khoản 7 Bình luận chung số 13 nhấn mạnh mối quan hệ của quyền này với nghĩa vụ chứng minh của bên công tố, bên công tố có nghĩa vụ chứng minh trong suốt quá trình xét xử. Quy định về suy đoán vô tội có quan hệ chặt chẽ với quy định về Tòa án không thiên vị. Các cơ quan tiến hành tố tụng, Thẩm phán, Công tố viên có nghĩa vụ không được có định kiến trước về kết quả của việc xét xử.

Bốn là, quyền bào chữa trong hoạt động xét xử. Điều 14/3 ICCPR khẳng định trong quá trình xét xử hình sự, mọi người phải được bảo đảm tối thiểu về quyền bào chữa. Các quyền đó bao gồm quyền được biết lý do buộc tội, quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, được xét xử nhanh chóng, được đối chất với người làm chứng... Quyền bào chữa chính là cơ sở quan trọng của quyền được xét xử công bằng, bởi lẽ, khi được bảo đảm về quyền bào chữa thì mới đảm bảo tính bình đẳng, công bằng giữa các bên buộc tội và gỡ tội trong quá trình xét xử.

Năm là, quyền được xét xử theo thủ tục riêng đối với người dưới 18 tuổi. Điều 14/4 ICCPR quy định thủ tục áp dụng đối với người chưa thành niên phải xem xét đến độ tuổi và khuyến khích sự phục hồi của trẻ. Theo Công ước về quyền trẻ em năm 1989, Điều 40/2/b cũng đã khẳng định các quyền của trẻ em được đảm bảo khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về tư pháp người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh) năm 1985 đã dành rất nhiều quyền lợi đặc biệt cho người chưa thành niên. Ngoài ra, Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do năm 1990, bên cạnh việc quy định rất nhiều bảo đảm đối với người chưa thành niên, cũng nhấn mạnh quyền có Luật sư bào chữa và được yêu cầu trợ giúp pháp lý không phải trả tiền trong giai đoạn chờ xét xử của họ (khoản 18 Phần III).

Sáu là, quyền được kháng cáo. Điều 14/5 ICCPR quy định quyền kháng cáo, quyền được xét xử phúc thẩm. Người nào bị kết án đều có quyền yêu cầu Tòa án cấp cao hơn xem xét lại bản án và hình phạt đối với họ mà Tòa án cấp dưới đã tuyên. Quyền này nhằm hạn chế những sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới. Khoản 7 Bình luận chung số 13 về quyền kháng cáo đã nhấn mạnh, trong các vụ án hình sự, quyền này không chỉ áp dụng đối với những tội phạm nghiêm trọng mà áp dụng đối với tất cả các loại tội phạm.

2. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 của Việt Nam về quyền được xét xử công bằng

Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (gọi tắt là BLTTHS năm 2015) không quy định trực tiếp về quyền được xét xử công bằng, nhưng nội dung của quyền này được thể hiện trong rất nhiều nguyên tắc cơ bản và các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng, đặc biệt là quy định về xét xử vụ án hình sự.

Thứ nhất, quyền được xét xử công bằng được thể hiện trong các nguyên tắc cơ bản của TTHS như: Nguyên tắc bảo đảm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS; nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số; nguyên tắc xét xử công khai; nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật; nguyên tắc suy đoán vô tội; nguyên tắc tranh tụng; nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội; nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án… Định hướng này bảo đảm sự tôn trọng quyền con người; đồng thời, khẳng định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội.

Thể hiện điều này, Điều 26 BLTTHS năm 2015 quy định: “Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bị buộc tội, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án”. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của mình theo đúng các quy định của BLTTHS khi tiến hành các hoạt động tố tụng đối với mọi đối tượng, mọi trường hợp, không có sự thiên vị.

Thứ hai, quyền được xét xử công bằng được thể hiện trong nhóm quy định về địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng trong TTHS.

Quy định này có ý nghĩa giúp bị cáo cung cấp thêm những chứng cứ gỡ tội, chứng minh bị cáo không phạm tội hoặc chứng minh những tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo có quyền được “trình bày lời khai…, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Bị cáo có quyền “đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa”. Bị cáo có quyền được “xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa”. Pháp luật về quyền được xét xử công bằng của bị cáo tại phiên tòa hình sự được thể hiện thông qua các nguyên tắc trong TTHS, được quy định trong BLTTHS năm 2015 (các điều 4 - 12, 18, 19, 29 - 31, 58, 74).

Thứ ba, quyền được xét xử công bằng thể hiện trong quy định về các thủ tục TTHS.

Sự bình đẳng giữa Công tố viên (bên buộc tội) với bị cáo và người bào chữa (bên gỡ tội) trong việc đưa ra chứng cứ và lập luận tại phiên tòa cũng như những thay đổi về hình thức tiến hành phiên tòa theo BLTTHS năm 2015 đã bảo đảm cho hoạt động xét xử được công bằng. Ví dụ: Điều 253 BLTTHS năm 2015 quy định về nghĩa vụ tiếp nhận chứng cứ do người bào chữa giao nộp của Tòa án, theo đó: “Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải tiếp nhận và có thể hỏi người đã cung cấp về những vấn đề có liên quan đến chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó. Việc tiếp nhận được lập biên bản”. Điều 322 BLTTHS năm 2015 quy định trước yêu cầu tranh luận, đối đáp của người bào chữa, Hội đồng xét xử đã đề nghị Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Quy định của Điều 260 BLTTHS năm 2015 về ghi đầy đủ ý kiến của người bào chữa, bị hại, đương sự, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập, lý do mà Hội đồng xét xử không chấp nhận những chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự và người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đưa ra… Tất cả những quy định về thủ tục tố tụng trên là sự thể hiện cụ thể của quyền được xét xử công bằng mà BLTTHS năm 2015 đã ghi nhận.

3. Một số kiến nghị, đề xuất

Trên cơ sở nghiên cứu pháp luật TTHS Việt Nam về quyền được xét xử công bằng, có sự so sánh, đối chiếu với các quy định quốc tế, để hoàn thiện quy định về quyền được xét xử công bằng trong TTHS, theo tác giả, BLTTHS năm 2015 cần sửa đổi, bổ sung như sau:

Một là, sửa đổi quy định về nghĩa vụ chứng minh của Tòa án.

Điều 15 BLTTHS năm 2015 quy định trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trong đó có Tòa án. Quy định này chưa phù hợp với chức năng xét xử của Tòa án trong Hiến pháp năm 2013 (khoản 1 Điều 102); ảnh hưởng đến hoạt động xét xử độc lập, khách quan của Tòa án, ảnh hưởng đến quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội. Là cơ quan thực hiện chức năng xét xử, Tòa án không có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Tòa án chỉ có nghĩa vụ chứng minh cho quyết định của mình: Chấp nhận lời buộc tội (nếu phán quyết của Tòa án là có tội) hoặc bác bỏ lời buộc tội (trong trường hợp Tòa án tuyên vô tội).

Để bảo đảm cho người bị buộc tội được xét xử công bằng bởi Tòa án xét xử độc lập, khách quan, tác giả cho rằng cần sửa đổi Điều 15 BLTTHS năm 2015 theo hướng bỏ nghĩa vụ chứng minh của Tòa án, cụ thể: “Tòa án chỉ có nghĩa vụ kiểm tra, đánh giá chứng cứ”, đồng thời bỏ những nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án không thuộc chức năng xét xử, ảnh hưởng đến nguyên tắc xét xử công bằng như: Trách nhiệm chứng minh tội phạm; thẩm quyền khởi tố vụ án (Điều 18, khoản 4 Điều 153 và khoản 7 Điều 326 BLTTHS năm 2015); thẩm quyền tiếp tục xét xử vụ án khi Viện kiểm sát đã rút quyết định truy tố; thẩm quyền xét xử vượt quá giới hạn truy tố của Viện kiểm sát.

Hai là, sửa đổi một số quy định về thủ tục tố tụng nhằm đảm bảo quyền được xét xử công bằng. Theo đó, cần nghiên cứu, sửa đổi một số quy định tại Mục V (Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa). Việc tham gia của Hội đồng xét xử không phải với vai trò chủ động xét hỏi bị cáo, hỏi nhân chứng, xem xét vật chứng, hay nói chính xác hơn là chủ động tham gia vào quá trình buộc tội hay gỡ tội như hiện nay. Vì vậy, cần sửa đổi quy định về vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tố tụng và trình tự xét xử tại phiên tòa theo hướng: Trách nhiệm xét hỏi chính thuộc về bên buộc tội (Kiểm sát viên), bên gỡ tội (người bào chữa) và các chủ thể khác (đương sự, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự). Kiểm sát viên hỏi về các tình tiết chứng minh việc buộc tội. Người bào chữa hỏi về các tình tiết gỡ tội. Chủ thể khác hỏi về tình tiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ hoặc của đương sự. Hội đồng xét xử chỉ hỏi khi cần thiết để kiểm tra chứng cứ buộc tội, gỡ tội nhằm nhận thức đúng sự thật, hỏi về những vấn đề chưa rõ hoặc có mâu thuẫn. Do đó, cần sửa đổi BLTTHS năm 2015 theo hướng Hội đồng xét xử điều hành phần xét hỏi, hướng dẫn các bên thực hiện việc xét hỏi hoặc trình tự, căn cứ pháp luật tố tụng cần áp dụng, chỉ thực hiện việc hỏi bổ sung, xem xét vật chứng sau khi bên buộc tội và bên gỡ tội đã thực hiện chức năng buộc tội và gỡ tội, đã tiến hành việc thẩm vấn, kiểm tra chéo nhân chứng, xem xét vật chứng mà thấy vấn đề còn chưa rõ, yêu cầu Kiểm sát viên, người bào chữa hỏi thêm hoặc trực tiếp thẩm vấn, xem xét vật chứng, trên cơ sở kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ban hành phán quyết.

Ba là, cần hoàn thiện quy định về địa vị pháp lý của người bị buộc tội và người bào chữa trong hoạt động xét xử nhằm đảm bảo quyền được xét xử công bằng.

Trên thực tế, việc thực hiện các quy định liên quan đến địa vị pháp lý của người bị buộc tội và người bào chữa còn hạn chế, dẫn đến việc người bị buộc tội chưa được bảo đảm quyền được xét xử công bằng. Theo tác giả, cần hoàn thiện các quy định sau để nâng cao địa vị pháp lý của người bào chữa và người bị buộc tội trong TTHS.

Bổ sung quy định về quyền của người bị buộc tội là bị cáo: “Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa” tại Điều 61 BLTTHS năm 2015. Tại điểm i khoản 1 Điều 60 BLTTHS năm 2015 quy định, bị can có quyền: “Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu”, nhưng lại không quy định cho bị cáo có quyền này. Theo tác giả, không chỉ bị can mà bị cáo rất cần được nghiên cứu hồ sơ trong tất cả các giai đoạn tố tụng, nhất là giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự để đảm bảo tính khách quan của các tình tiết, chứng cứ có trong vụ án, đảm bảo tính dân chủ, công bằng trong hoạt động bào chữa của bị cáo tại phiên tòa.

Mở rộng hơn quyền đặt câu hỏi của bị cáo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 61 BLTTHS năm 2015 và các quy định khác có liên quan. Việc thực hiện đặt câu hỏi của bị cáo không nên bị giới hạn bởi việc cho phép của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, mà cần được mở rộng theo hướng bị cáo có quyền đặt câu hỏi đối với những người tham gia tố tụng khác, chủ tọa phiên tòa có quyền dừng những câu hỏi trùng lặp, không liên quan đến vụ án mà bị cáo đưa ra. Quy định như vậy sẽ đảm bảo được quyền tự do trình bày của bị cáo, đảm bảo quyền công bằng, dân chủ đối với bị cáo. Do vậy, theo tác giả, cần sửa đổi điểm i khoản 2 Điều 61 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Bị cáo có quyền “đặt câu hỏi đối với những người tham gia tố tụng khác, chủ tọa phiên tòa có quyền cắt những câu hỏi trùng lặp, không liên quan đến vụ án”.

Bổ sung quyền được ghi chép, sử dụng các tài liệu theo quy định của pháp luật tại phiên tòa cho bị cáo. Để đảm bảo cho quyền bào chữa của bị cáo tại phiên tòa thì cần cho phép bị cáo thực hiện việc ghi chép lại nội dung, diễn biến vụ án tại phiên tòa mà bị cáo cho là cần thiết để thực hiện việc tranh luận cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Bị cáo được sử dụng các văn bản theo quy định của pháp luật, các tài liệu liên quan khác. Mặt khác, trong hoạt động tranh tụng thì bị cáo phải tham gia tranh tụng, đối đáp với bên buộc tội là Viện kiểm sát, để thuận lợi cho hoạt động bào chữa của mình trong TTHS, nhất là tại phiên tòa xét xử.

ThS. Nguyễn Thị Lan Anh; ThS. Lê Xuân Lục

(kiemsat.vn)
Tìm kiếm