hông qua công tác theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố trực thuộc tỉnh trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về trật tự xã hội, thời gian qua nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự...
Rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về trật tự xã hội
Thông qua công tác theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố trực thuộc tỉnh trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về trật tự xã hội, thời gian qua nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, chất lượng giải quyết các vụ án, Cáo trạng ngày được nâng lên, thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra” theo Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác năm 2015 của Ngành. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Cáo trạng, Bản án, phiếu kiểm sát Bản án của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, còn có những sai sót cần rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong giai đoạn kiểm sát điều tra, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng Cáo trạng truy tố. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo.
Vụ Phạm Quang Hợp, Nguyễn Văn Tỉnh, Vũ Văn Hoàng, Bùi Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Nam, Vũ Tiến Đạt, Trần Đình Cảnh phạm tội Đánh bạc.
Cáo trạng số 34/KSĐT ngày 29/01/2015 của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Thái Bình, kết luận: Trong thời gian khoảng từ 22 giờ ngày 24/10/2014 đến 02 giờ ngày 25/10/2014 tại nhà ở của Phạm Quang Hợp có Phạm Quang Hợp, Nguyễn Văn Tỉnh, Bùi Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Nam, Vũ Ngọc Hoàng, Vũ Tiến Đạt và Trần Đình Cảnh có hành vi đánh bạc sát phạt nhau bằng tiền, hình thức xóc đĩa, tổng số tiền dùng để đánh bạc là 3.010.000 đồng, nhưng phần nội dung vụ án thể hiện: Khoảng từ 22 giờ ngày 24/10/2014 đến khoảng 02 giờ 30 phút ngày 25/10/2014 các bị can Hợp, Tỉnh, Hoàng, Nghĩa, Nam, Đạt và Cảnh đánh bạc sát phạt nhau bằng tiền tại nhà Hợp. Sau khi chuẩn bị dụng cụ các bị can ngồi đánh bạc và thống nhất luật chơi: Đặt cửa chẵn hoặc lẻ theo nguyên tắc chẵn tính từ bát về phía trong lòng người cầm cái, lẻ từ bát ra phía ngoài, đặt thấp nhất là 5.000.000 đồng, không hạn chế mức cao nhất. Như vậy tại phần Kết luận và nội dung vụ án trong Cáo trạng mâu thuẫn về số tiền, điểm sai sót lớn nhất là đặt cửa thấp nhất chỉ có 5.000 đồng nhưng lại ghi thành 5.000.000 đồng làm cho người nghe và đọc thấy tính chất mức độ tăng lên và mâu thuẫn về tổng số tiền, trong khi đó Cáo trạng là văn bản pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát, nội dung là những căn cứ để truy tố bị can ra trước Tòa nhưng không được Kiểm sát viên thận trọng soát xét kỹ dẫn đến thành sai sót nghiêm trọng.
Phần lý lịch bị can trong Cáo trạng trên ghi các bị can Hợp, Tỉnh, Hoàng, Nghĩa, Nam bị bắt tạm giam ngày 27/10/2014; Bị can Cảnh bị bắt tạm giam từ ngày 31/12/2014 nhưng trong Bản án ghi các bị can Hợp, Tỉnh, Hoàng, Nghĩa, Nam bị bắt tạm giam từ ngày 28/10/2014, Cảnh bị bắt tạm giam từ ngày 01/01/2015. Phòng 1A đã kiểm tra thì thấy Bản án đã ghi đúng như biên bản bắt bị can để tạm giam còn Cáo trạng của Viện kiểm sát ghi bị can bị bắt tạm giam từ ngày ra Lệnh bắt bị can để tạm giam là không đúng, nếu Tòa tuyên đúng ngày bị bắt tạm giam như trong Cáo trạng của Viện kiểm sát thì các bị cáo phải chịu tăng thêm 1 ngày giam dẫn đến vi phạm tố tụng.
Hồ sơ vụ án được chuyển truy tố và tại Bản án số 33/2015/HSST ngày 14/02/2015 của Tòa án xét xử các bị cáo Hợp, Tỉnh, Hoàng, Nghĩa, Nam, Đạt và Cảnh thì trong phần Nhận thấy của Bản án, nội dung của vụ án sao chép y nguyên như nội dung của Cáo trạng, vì vậy số tiền đặt cửa và tổng số tiền các bị can dùng để đánh bạc vẫn mâu thuẫn nhau như đã nêu trên không được phát hiện, sữa chữa, không được Kiểm sát viên và đơn vị tích lũy vi phạm để kiến nghị.
Ngoài ra Bản án còn nhiều sai sót như trong phần Xét thấy của Bản án nêu các bị cáo được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì 02 lần nêu bị cáo Hợp được hưởng các tình tiết giảm nhẹ nhưng không nêu bị cáo Hoàng được áp dụng những tình tiết giảm nhẹ nào. Bản án có những lỗi trên không được Kiểm sát viên và đơn vị tích lũy để kiến nghị rút kinh nghiệm với Tòa án.
Vụ Bùi Thị Phương Thoa phạm tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Cáo trạng số 04/KSĐT ngày 14/01/2015 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư truy tố bị can Bùi Thị Phương Thoa về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự.
Khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự quy định: Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Như vậy tội phạm này xâm phạm vào qui định về trật tự an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác. Hành vi của bị can vi phạm các quy định của Nhà nước về an toàn giao thông vận tải đường bộ dẫn đến thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác. Nhưng Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện truy tố bị can Bùi Thị Phương Thoa chỉ nêu bị can đi vào đường ngược chiều, không nêu cụ thể và viện dẫn bị can đã vi phạm điểm nào, điều nào của Luật giao thông đường bộ, dẫn dến người tham gia tố tụng không nắm được bị can vi phạm vào qui định nào của Luật an toàn giao thông đường bộ để rồi dẫn đến hành vi phạm tội.
Nguyên nhân và những vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Thông qua hai Bản cáo trạng của hai vụ án nêu trên cho thấy Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự và Lãnh đạo phụ trách án còn chủ quan, chưa thận trọng, chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao, không nghiên cứu kỹ quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 27 Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, dẫn đến Bản cáo trạng là văn bản pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát, nội dung Cáo trạng là căn cứ truy tố người phạm tội ra trước Tòa án để xét xử lại không được kiểm soát chặt chẽ, sai sót ảnh hưởng tới chất lượng công tố của Viện kiểm sát, những thiếu sót sai phạm trên cần phải được Lãnh đạo các đơn vị tập trung làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân cán bộ và khắc phục rút kinh nghiệm nghiêm túc.
TH