CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Rút kinh nghiệm vụ án dân sự bị cấp phúc thẩm hủy án do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

16/08/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
Qua công tác xét xử phúc thẩm vụ án dân sự Tranh chấp đòi tài sản giữa nguyên đơn bà Dương Chiêu V với bị đơn ông Lê Nghĩa T bị Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh hủy án do thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ không đầy đủ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo...

 Rút kinh nghiệm vụ án dân sự bị cấp phúc thẩm hủy án do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Qua công tác xét xử phúc thẩm vụ án dân sự Tranh chấp đòi tài sản giữa nguyên đơn bà Dương Chiêu V với bị đơn ông Lê Nghĩa T bị Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh hủy án do thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ không đầy đủ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Nội dung vụ án: Theo bà V và ông L từ năm 2002 đến 2005 có gửi số tiền 70.100 AUD (đô la Úc) thông qua Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho ông Lê Nghĩa T xây dựng các công trình để làm nơi thờ cúng tổ tiên, việc xây dựng các công trình trên thì hai bên không thỏa thuận số tiền cụ thể. Bà Vân xác định sau khi trừ đi các chi phí ông T đã chi 478.112.552 đồng, còn thừa 312.804.560 đồng bà V đòi lại.
Ông T thừa nhận có nhận tiền của bà V, ông L gửi về để ông thực hiện việc xây dựng các công trình là khoảng 68.835 AUD, được quy đổi từng thời điểm tiền Việt Nam đồng, tổng cộng 790.917.112 đồng. Ông T đã chi để xây dựng các công trình được bà V thừa nhận 478.112.552 đồng. Ngoài ra ông T yêu cầu được khấu trừ số tiền 117 triệu đồng ông chi phí tổ chức đám cưới cho con gái bà V và tiền công sức lao động ông đã quản lý, thi công các công trình theo yêu cầu của bà V.
Kết quả giải quyết: Tòa án cấp sơ thẩm đã xử buộc ông Lê Nghĩa T có nghĩa vụ trả cho bà V và ông L số tiền 312.804.560 đồng, các tài sản đã được định giá thuộc sở hữu của bà V, ông L. Không chấp nhận yêu cầu của bà V và ông L đòi ông T số teiefn 150 triệu đồng.
Sau khi xét xử sơ thẩm nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo xin xem xét lại.
Ngày 21/4/2016 Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được quy định tại Điều 85, Điều 96, Điều 176 Bộ luật tố tụng dân sự.
Những vi phạm của cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm:
Vụ án trên thuộc quan hệ pháp luật tranh chấp “Đòi tài sản” có yếu tố nước ngoài nên việc thu thập, đánh giá chứng cứ phải được xác thực. Ông T yêu cầu được khấu trừ số tiền 117 triệu đồng mà ông chi phí tổ chức đám cưới cho con gái bà V là yêu cầu chính đáng, thực tế bà V và ông L thừa nhận ông T có tổ chức đám cưới cho con gái bà từ năm 2006. Cấp sơ thẩm cho rằng ông T không cung cấp được chứng từ nên không xem xét yêu cầu của ông T là vi phạm Điều 85 về thu thập chứng cứ và Điều 96 về đánh giá chứng cứ của Bộ luật tố tụng dân sự.
Ông T yêu cầu bà V và ông L trả tiền công sức lao động ông T quản lý, thi công các công trình theo yêu cầu của bà V, ông L. Đây là yêu cầu phản tố của ông T thể  hiện trong bản tự khai và tại phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không giải thích và hướng dẫn cho ông T làm đơn phản tố và nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật để xem xét bù trừ nghĩa vụ đối với nguyên đơn là vi phạm Điều 176 Bộ luật tố tụng dân sự.
Bởi vì, các yêu cầu của ông T qua các bản án trước đây cũng không được xem xét bị kháng nghị giám đốc thẩm và Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Khi cấp sơ thẩm giải quyết lại cũng không thu thập, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, thực tế ông T có chi phí đám cưới cho con gái bà V và thực tế ông T đã quản lý, thi công các công trình trên cho bà V bà ôn L. Cấp sơ thẩm chỉ giải quyết yêu cầu của bà V và ông L buộc ông T trả lại 312.804.560 đồng cho bà V và ông L buộc ông T là gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của ông T.
Để hạn chế những sai sót nêu trên trong quá trình giải quyết án dân sự, Viện kiểm sát địa phương cần thực hiện tốt công tác kiểm sát việc thụ lý của cấp sơ thẩm xác định rõ loại quan hệ pháp luật tranh chấp, xem xét đầy đủ các yêu cầu của đương sự để được giải quyết triệt để trong cùng một vụ án. Trong quá trình thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự và việc đánh giá chứng cứ của cấp sơ thẩm theo đúng quy định tại Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự; nhằm đảm bảo tính khách quan, đúng pháp luật.
Sau phiên tòa thực hiện chức năng kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án phải đầy đủ, kịp thời mới phát  hiện được vi phạm, thiếu sót của bản án, quyết định để kiến nghị yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm khắc phục vi phạm hoặc thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm hoặc báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị theo thẩm quyền là các biện pháp thực hiện quyền năng nhằm hạn chế tối đa cấp phúc thẩm phải tuyên hủy án để giải quyết lại vụ án, làm mất nhiều thời gian, công sức, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của đương sự.
TH
Tìm kiếm