CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Rút kinh nghiệm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

25/02/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, thông qua vụ án Trần Thị Tuyết phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bị TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh tuyên xử hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, VKSND cấp cao đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự theo Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao...

 Rút kinh nghiệm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

Vừa qua, thông qua vụ án Trần Thị Tuyết phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bị TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh tuyên xử hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, VKSND cấp cao đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự theo Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để để bạn đọc tham khảo.
Theo Cáo trạng và Bản án sơ thẩm thì Trần Thị T làm thủ quỹ Công ty bảo vệ Thiên Long từ năm 2006. Năm 2007 em ruột Trần Thị T là Trần Văn L mua lại Công ty với giá 200 triệu, đến tháng 8 năm 2008 ông L bán Công ty cho ông Hồ Tấn Đ, ông Đ đổi tên Công ty thành Công ty Bảo Định. Đến tháng 7/2010 bà Vương Thị Mỹ H làm giám đốc Công ty. Trước tháng 7/2010 Công ty có sổ quỹ theo dõi chung những khoản thu, chi có chứng từ và không có chứng từ. Khi bà H lên làm Giám đốc đã chỉ đạo lập sổ quỹ: Sổ 1 theo dõi những khoản thu mà Công ty có xuất hóa đơn và những khoản chi hợp lệ có hóa đơn, chứng từ; Sổ 2 theo dõi những khoản công ty thu về nhưng không xuất hóa đơn và những khoản chi không có chứng từ, hai sổ này tồn tại cho đến khi bị cáo Trần Thị T nghỉ việc từ ngày 11/4/2013.
Vào ngày 11/4/2013 khi T bàn giao quỹ để nghỉ việc thì Giám đốc M (giám đốc sau bà H), kế toán L và thủ quỹ T kiểm tra (có lập biên bản) xác định tồn quỹ trên sổ sách của Quỹ 1 và Quỹ 2 là 47.365.635 đồng, trong đó Quỹ 1 âm 15.584.383 đồng, Quỹ 2 dương 62.950.980 đồng. Sau khi T nghỉ, bà M chỉ đạo kế toán rà soát lại sổ sách chứng từ, xác định quỹ 2 khớp, riêng tồn quỹ 1 trên sổ sách là 716.477.249 đồng nên làm đơn tố cáo T. Cơ quan điều tra trưng cầu giám định, trên cơ sở đối chiếu chứng từ ngày 01/7/2010 đến ngày T nghỉ việc, giám định viên kết luận tồn quỹ là 716.422.404 đồng.         
Trần Thị T thừa nhận qua đối chiếu có sự chênh lệch giữa chứng từ kế toán với sổ quỹ tiền mặt 01 và 02 do T ghi chép, quản lý với số tiền 732.062.724 đồng, nhưng T không nhận có chiếm đoạt tiền của Công ty Bảo Định mà cho rằng trước tháng 7/2010 có mượn của một số cá nhân 7174 triệu đồng để chi cho Công ty gồm:  mượn của Ngô Mỹ L 350 triệu, Đoàn Văn L 120 triệu, Phan Quốc D 130 triệu, Nguyễn Minh L 77 triệu, Huỳnh Văn T 40 triệu. Số nợ này T khai không vào sổ theo dõi, T đã lấy quỹ trả dần cho bà L, ông D, ông L từ tháng 5/2012 đến tháng 12/2012 thì hết số nợ 350 triệu của bà L, 120 triệu của ông L, 130 triệu của ông D; trả cho ông L 3 lần hết 77 triệu, không nhớ thời gian; khi trả T không ghi sổ theo dõi, không xác định được số tiền từng tháng bao nhiêu, đến khi nghỉ việc còn âm trên 15 triệu.
Cấp sơ thẩm kết luận Trần Thị T lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt của Công ty Bảo Định 732.062.724 đồng, phạm vào 4 Điều 140 Bộ luật hình sự.          
Quá trình giải quyết vụ án: Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và khởi tố bị can Trần Thị T ngày 19/5/2014. Ngày 15/5/2015 VKSND có Cáo trạng truy tố Trần Thị T về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điểm a, Khoản 4, Điều 140 Bộ luật hình sự.
Bản án hình sự sơ thẩm ngày 27/8/2015 đã áp dụng Điểm a, Khoản 4, Điều 140; Khoản 2, Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Trần Thị T 12 năm tù. Về trách nhiệm dân sự: áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự buộc Trần Thị T phải bồi hoàn cho Công ty Bảo Định số tiền 732.006.787 đồng. Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa hình sự phúc thẩm ngày 24/2/2016, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đề nghị và Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Vào thời điểm bàn quỹ để nghỉ việc vào ngày 11/4/2015 bị cáo bàn giao quỹ 1 trên sổ sách âm 15.584.383 đồng, sau khi bị cáo nghỉ, giám đốc chỉ đạo kế toàn rà soát lại sổ sách chứng từ, xác định tồn quỹ 1 trên sổ sách là 716.477.249 đồng nên làm đơn tố cáo T. Nhưng quá trình điều tra chưa làm rõ trong các khoản chi bị cáo diễn giải từ tháng 7/2010 đến ngày nghỉ việc dẫn đến âm 15.584.383 đồng có những khoản nào bị cáo kê chi nhưng không có chứng từ. Cấp sơ thẩm dựa vào sự chênh lệch giữa con số bị cáo bàn giao với con số Công ty kiểm tra lại và kết luận giám định, để từ đó xác định bị cáo chiếm đoạt là chưa đầy đủ. Lẽ ra phải làm rõ bị cáo chiếm đoạt trên cơ sở kê khống những khoản chi nào, vào thời gian nào, số tiền bao nhiêu, bằng thủ đoạn gì mới có đủ cơ sở kết luận bị cáo phạm tội.                    
Bị cáo cho rằng số tiền chênh lệch là do bị cáo mượn trước tháng 6/2010 của bà L, ông L, ông D, ông L, ông T nên giai đoạn từ tháng 7/2010 đến ngày nghỉ việc 11/4/2013 bị cáo lẫy quỹ trả cho những người này. Thực tế những người này xác hận có việc mượn tiền, nhưng không khớp với bị cáo, trong đó bà L khao trước năm 2010 T có mượn tiền cho Công ty và đã trả gần hết, tính đến ngày 30/6/2010 Công ty còn nợ 80 triệu nên đã đưa bà L vào thành viên Công ty, số nợ này chuyển thành vốn góp, không có việc T mượn của bà L 350 triệu. Ông L khai trước năm 2010 T có mượn của tiền cho Công ty và đã trả gần hết, tính đến ngày 30/6/2010 Công ty còn nợ 40 triệu và ngày 17/7/2010 Công ty có giấy xác nhận còn nợ; không có việc T mượn của ông L 120 triệu không theo dõi trên sổ sách. Ông Dũng khai có cho Công ty cho mượn 130 triệu nhưng mượn năm 2013 trước khi T nghỉ, có vào sổ sách và đã được trả lại; không có việc T mượn của ông D 130 triệu trước năm 2010. Ông T khai trước 2010 T có mượn 40 triệu cho Công ty, tính đến ngày 30/6/2010 còn nợ 40 triệu không theo dõi trên sổ sách. Lời khai không thống nhất nhưng cấp sơ thẩm kết luận theo hướng bất lợi cho bị cáo. Bị cáo yêu cầu thu thập chứng cứ gốc từ tháng 7/2010 trở về trước để được đối chiếu là cần thiết, để chứng minh giai đoạn trước đó Công ty có bị mất cân đối thu chi không để xác định có việc mượn tiền không.
Bà H là giám đốc Công ty từ tháng 7/2010 tại phiên tòa sơ thẩm khai mâu thuẫn nhau, lúc thì khai khi tiếp quản Công ty thấy trên sổ sách thể hiện số âm nhiều sau đó có nghe T và hội đồng thành viên báo lại công ty nợ của 3 thành viên 160 triệu nên bà chỉ đạo đưa số nợ này vào sổ sách để theo dõi và có kế hoạch trả nợ để giảm bớt số âm, lúc thì khai cùng với kế toán T và thủ quỹ T đối chiếu chứng từ sổ sách thì tồn quỹ tiền mặt trên sổ sách kế toán và thủ quỹ là dương trên 22 triệu, thủ quỹ và kế toán cùng công nhận lấy con số này làm con số tồn quỹ đầu kỳ kể từ khi nhận nhiệm vụ giám đốc. Quá trình điều tra chưa làm rõ tại thời điểm tháng 7/2010 khi bà H nhận nhiệm vụ giám đốc và thời điểm tháng 4/2012 khi bàn giao nhiệm vụ giám đốc cho bà M thì có việc bàn giao tiền mặt giữa giám đốc cũ và giám đốc mới hay không? Số tiền tồn quỹ tại thời điểm bàn giao là bao nhiêu?
Trong thời gian từ tháng 10/2010 đến ngày nghỉ việc 11/4/2013 Công ty nhiều lần kiểm quỹ để xác định tồn quỹ trên sổ sách và tồn quỹ thực tế, các lần kiểm quỹ đều xác định số tồn quỹ luôn dương, không bị âm. Cấp sơ thẩm kết luận bị cáo ghi tồn âm để lấy quỹ, nhưng chưa làm rõ bị cáo cân đối như thế nào để khi kiểm quỹ luôn là con số dương.
TT
Tìm kiếm