Ngày 23/6/2020, VKSND tối cao ra Thông báo số 467/TB-VKSTC để VKSND cấp cao 1, 2, 3, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rút kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết vụ việc yêu cầu tuyên bố phá sản. Nội dung cụ thể như sau:
Người yêu cầu mở thủ tục phá sản:Ông Hoàng Văn T.
Địa chỉ: phường Đông Sơn, thành phố T, tỉnh T.
Người bị yêu cầu mở thủ tục phá sản:Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu T.
Địa chỉ trụ sở: phường Điện Biên, thành phố T, tỉnh T.
Địa chỉ giao dịch: đường Dương Đình Nghệ, phường Đông Thọ, thành phố T, tỉnh T.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Văn L – Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Người tham gia thủ tục phá sản:Công ty Cổ phần Vật tư N.
Trụ sở: phường Văn Miếu, quận Đ, thành phố H.
Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Tiến D – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc.
Tóm tắt nội dung vụ việc và quá trình giải quyết của Tòa án
Ngày 22/5/2015, TAND thành phố T, tỉnh T ban hành Quyết định số 09/2015/QĐST-KDTM công nhận sự thỏa thuận của các đương sự giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu T với bị đơn là Công ty Cổ phần vật tư N, có nội dung: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu T phải trả cho Công ty Cổ phần vật tư N số tiền 20.038.234.802 đồng. Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T đã ban hành Quyết định số 39/KDTM/2016/QĐ-CCTHA ngày 01/12/2015 và Quyết định số 171/QĐ/CCTHADS ngày 10/8/2016 buộc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu T phải trả cho Công ty Cổ phần vật tư N theo Quyết định số 09/2015/QĐST-KDTM ngày 22/5/2015 của TAND thành phố T, tỉnh T nhưng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu T không tự nguyện thi hành.
Sau khi có Quyết định số 09/2015/QĐST-KDTM ngày 22/5/2015 của TAND thành phố T, tỉnh T, ngày 19/11/2015, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu T chuyển nhượng 600.000 cổ phần tại Công ty phân bón L tương đương với 06 tỷ đồng cho ông Lê Văn L, bà Lê Thị Th và bà Lê Thị Tr; ngày 23/11/2015, chuyển nhượng 650.000 cổ phần tại Công ty H tương đương 6,5 tỷ đồng cho ông Lê Văn L, bà Nguyễn Thị Thu H và bà Trịnh Thị Thanh H; ngày 28/7/2017, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu T chuyển nhượng tài sản trên đất tại số 02 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, thành phố T, tỉnh T cho Công ty H (Các tài sản chuyển nhượng nêu trên không bị Cơ quan Thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh T áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định tại Điều 66 Luật Thi hành án dân sự, sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Ngày 01/9/2017, ông Hoàng Văn T là chủ nợ không có bảo đảm của Công ty Xuất nhập khẩu T có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty Xuất nhập khẩu T.
Ngày 13/9/2017, TAND tỉnh T ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản số 05/2017/QĐ-MTTPS đối với Công ty Xuất nhập khẩu T và xác định Công ty Cổ phần Vật tư N là người tham gia thủ tục phá sản.
Trong quá trình giải quyết việc phá sản, Công ty Cổ phần Vật tư N có đơn yêu cầu tuyên bố các giao dịch chuyển nhượng cổ phần và chuyển nhượng tài sản trên đất tại số 2 Phan Chu Trinh của Công ty Xuất nhập khẩu T vô hiệu (Công ty Xuất nhập khẩu T đang có nghĩa vụ trả nợ cho Công ty Cổ phần Vật tư N theo Quyết định số 09/2015/QĐST-KDTM của TAND thành phố T).
Ngày 30/1/2018, TAND tỉnh T ban hành Quyết định số 01/2018/QĐ-TA không chấp nhận yêu cầu của Công ty Cổ phần Vật tư N.
Ngày 03/2/2018, Công ty Vật tư N có đơn gửi TAND cấp cao tại H đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định số 01/2018/QĐ-TA ngày 30/1/2018 của TAND tỉnh T.
Ngày 01/3/2018, TAND cấp cao tại H căn cứ Điều 60 Luật Phá sản năm 2014; các Điều 499, 504, 505 và 506 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chuyển đơn của Công ty Cổ phần Vật tư N đến Chánh án TAND tỉnh T xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 20/3/2018, Chánh án TAND tỉnh T đã có Công văn số 1163/TAND-KT trả lời cho Công ty Cổ phần Vật tư N (không có căn cứ giải quyết lại) và thông báo là TAND tỉnh T đã ra Quyết định số 01/2018/QĐ-ĐCTTPS ngày 28/2/2018 đình chỉ giải quyết thủ tục phá sản do ông Hoàng Văn T đã rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Ngày 26/6/2018, Chánh án TAND cấp cao tại H căn cứ Điều 326, khoản 2 Điều 331, Điều 346 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 06/2018/KN-DS đối với Quyết định số 01/2018/QĐ-TA của TAND tỉnh T.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 14/2018/KDTM-GĐT ngày 30/8/2018, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại H đã hủy Quyết định số 01/2018/QĐ-TA ngày 30/1/2018 của TAND tỉnh T; tuyên bố Công ty Cổ phần N có quyền khởi kiện lại vụ án khi có đủ điều kiện.
Ngày 19/9/2018, Công ty Xuất nhập khẩu T có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định giám đốc thẩm nêu trên của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại H.
Ngày 11/9/2019, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 02/QĐKNGĐT-VKS-KDTM kháng nghị đối với Quyết định giám đốc thẩm số 14/2018/KDTM-GĐT của TAND cấp cao tại H.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 15/2019/KDTM-GĐT ngày 03/12/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, hủy Quyết định giám đốc thẩm số 14/2018/KDTM-GĐT ngày 30/8/2018 của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại H.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm
Quyết định giám đốc thẩm số 14/2018/KDTM-GĐT của TAND cấp cao tại H bị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hủy là do có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật tố tụng dân sự thay cho pháp luật phá sản để giải quyết. Đây là một trong những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ việc phá sản và là căn cứ để Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị tại Quyết định kháng nghị số 02/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 11/9/2019, đã được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm chấp nhận tại Quyết định giám đốc thẩm số 15/2019/KDTM-GĐT ngày 03/12/2019, cụ thể:
Điều 1 Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Luật này quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản”và khoản 1 Điều 3 Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Luật phá sản được áp dụng khi giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.Do đó, Tòa án phải áp dụng các quy định của Luật Phá sản để giải quyết các vụ việc phá sản.
Quyết định không chấp nhận yêu cầu của người tham gia thủ tục phá sản số 01/2018/QĐ-TA ngày 30/1/2018 của TAND tỉnh T là một trong những quyết định được ban hành trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản đối với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu T, nên khi áp dụng pháp luật để giải quyết, TAND tỉnh T đã căn cứ khoản 16 Điều 9; các khoản 1, 2, 3 Điều 59; điểm a khoản 1 Điều 60 Luật Phá sản năm 2014, để giải quyết vụ việc là đúng, nên việc giải quyết khiếu nại của các bên phải theo quy định của Luật Phá sản năm 2014.
Nhưng tại Quyết định giám đốc thẩm số 14/2018/KDTM-GĐT ngày 30/8/2018, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại H lại áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để giải quyết và hủy Quyết định không chấp nhận yêu cầu của người tham gia thủ tục phá sản số 01/2018/QĐ-TA ngày 30/01/2018 của TAND tỉnh T là không đúng.
Vụ việc giải quyết phá sản đối với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu T đã được TAND tỉnh T đình chỉ giải quyết tại Quyết định đình chỉ thủ tục tuyên bố phá sản số 01/2018/QĐ-ĐCTTPS ngày 28/2/2018 do người yêu cầu mở thủ tục phá sản là ông Hoàng Văn T có đơn rút yêu cầu mở thủ tục phá sản. Do đó, dẫn đến Quyết định không chấp nhận yêu cầu của người tham gia thủ tục phá sản số 01/2018/QĐ-TA ngày 30/1/2018 của TAND tỉnh T cũng không còn hiệu lực. Như vậy, trong trường hợp vụ việc phá sản bị đình chỉ thì tất cả các quyết định có liên quan được ban hành trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản cũng không còn hiệu lực. Nếu các bên còn có tranh chấp thì có quyền khởi kiện để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Việc Chánh án TAND cấp cao tại Hcăn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để xét lại Quyết định không chấp nhận yêu cầu của người tham gia thủ tục phá sản số 01/2018/QĐ-TA ngày 30/1/2018 của TAND tỉnh T là có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra quyết định không đúng.