Vừa qua Hội đồng giám đốc thẩm TAND cấp cao đã quyết định: Hủy phần quyết định hình phạt về tội “Giết người” và phần tổng hợp hình phạt đối với Trần Thị L, sinh năm 1972; Trú tại: thôn 3, xã X, huyện N, tỉnh H tại Bản án hình sự sơ thẩm số 07/2019/HS-ST ngày 12/3/2019 của TAND tỉnh H. Thông qua vụ án này, VKSND cấp cao thông báo để VKSND các cấp nghiên cứu, rút kinh nghiệm chung như sau:
1. Tóm tắt nội dung và quá trình trình giải quyết
Trần Thị L và Phạm Anh S đều trú tại thôn 3, xã X, huyện N, tỉnh H là vợ chồng đã có với nhau 03 người con chung là Phạm Thị H sinh năm 1995; Phạm Sỹ K sinh năm 1997 (đang đi lao động tại Đài Loan) và Phạm Thị Thu Q sinh năm 1999.
Khoảng 12 giờ ngày 06/7/2018 sau khi đi làm chứng minh nhân dân về, Trần Thị L cùng 2 người con gái là Phạm Thị Thu Q và Phạm Thị H thấy anh Phạm Anh S và bà Lê Thị V (là người bà con ở cạnh nhà L) đang ngồi ở sân uống bia, ăn bánh cuốn. L và Q, H chào anh S và bà V rồi đi vào nhà nằm nghỉ. Thấy mọi người về, bà V ngồi một lát rồi về, anh S vào rủ cả nhà đi sang biển Cửa Lò, tỉnh Nghệ An chơi nhưng không ai đồng ý nên anh S chửi bới vợ con một lúc rồi đi ra khỏi nhà. Khoảng 30 phút sau, anh S về nhà lấy đồ thắp hương do con gái lớn là Phạm Thị H mua về thắp hương cho ông nội xuống (vì ngày 06/7/2018 là ngày giỗ bố đẻ anh S) và nói “ai mượn mi về đây thắp hương, mi đưa về trong nhà mi mà thắp”. Thấy vậy, H nói “ông cũng là ông của con, con về thắp hương cho ông thì sao”. Hai bố con anh S cãi nhau, anh S dùng tay đánh vào đầu H. Thấy vậy, L và Q vào can ngăn và đẩy H ra phía sau giếng gần phòng bếp. Anh Phạm Anh S tiếp tục đi xuống phòng bếp lấy bàn xoa (là dụng cụ dùng để làm thợ nề) đánh vào đầu L nên L gọi “Q ơi, cha đánh mẹ”.
Q chạy vào và cùng với L cầm tay anh S bẻ ra phía sau và đẩy anh S úp mặt vào tường, làm vùng trán và mặt anh S bị xây xát. Lúc này anh S cắn vào vai L và vùng vẫy làm Q bị đau nên L bảo Q "con lấy cho mẹ đoạn dây để mẹ trói bố". Q lấy dao cắt từ tấm riđô 01 sợi dây vải, rồi cùng với L trói tay anh S.
Sau khi bị trói, anh S giãy dụa nên sợi dây bị lỏng. L gọi H lấy cho L đoạn dây, H lấy 01 sợi dây điện màu đen ở giường trong phòng bếp đưa cho Q để L và Q tiếp tục trói tay anh S.
Sau khi trói anh S, L đẩy anh S vào phòng ngủ ở gian lồi thì anh S chạy ra phía bếp và hô hoán nhưng bị L đẩy trở lại phòng ngủ và lấy 02 sợi dây điện màu đen (loại dây cắm nồi cơm điện và âm đun nước) tiếp tục trói tay, trói chân anh S lại.
Lúc này, bà Lê Thị V lại sang nhà chơi, nên L đi ra phía sau bếp nói chuvện với bà V, một lúc sau bà V ra về thì H vào nhà năm nghỉ, còn L và Q chuẩn bị làm giỗ cho bố anh S. Trong lúc làm, L vẫn đi lại phòng của anh S để kiểm tra, xem xét anh S, lúc thấy dây trói tay, trói chân anh S bị lỏng, L cắt từ riđô ra 02 sợi dây và tiếp tục trói tay, chân anh S lại. Sau khi trói anh S bằng 02 dây vải, L cắt 02 sợi dây điện buộc ở tay và 01 sợi dây điện buộc ở chân anh S ra vứt xuống nền nhà và đi ra ngoài thì Q hỏi L "Làm thế này có tội quá không mẹ", L nói "tội gì mà tội, trói lại ta cho ăn, giờ mẹ con mình đều đi làm, ai cũng có tiền cả rồi, mỗi tháng trích 1.000.000 đồng để nuôi cha. Sáng, tối mẹ cho cha ăn, ỉa đái mẹ lo, con không phải lo, con cho cha ăn vào buổi trưa vì buổi trưa con được nghỉ".
Khoảng 16 giờ chiều cùng ngày, sau khi H ngủ dậy thì L lấy xôi gà để H mang về nhà chồng. Trước khi về H hỏi Q: "bố thế nào rồi?”, Q nói: “bố vẫn bị nhốt trong phòng”, H nói: “cho bố ăn với, lúc nào bố tỉnh thì cởi trói cho bố", rồi H ra về. Sau đó, anh S tiếp tục chửi bới vợ con nên Trần Thị L dùng 01 sợi dây vải màu đỏ buộc quanh miệng anh S lại rồi L và Q đến nhà chị Trần Thị P (sinh năm 1986) huyện N. Tại nhà chị P, L bảo Q đi mua 01 ổ khoá đế đưa về nhà khóa cửa rồi hai mẹ con đi về nhà. Khi về đến nhà, anh S tiếp tục chửi bới nên L bảo Q đi mua cuộn băng dính loại to để dán miệng anh S lại. Phạm Thị Thu Q đến một quán tạp hoá ở xóm 2, xã X mua 01 cuộn băng dính đưa về cho Trần Thị L, L dùng băng dính dán quanh miệng anh S rồi tiếp tục cùng Q dọn nhà.
Khoảng 19 giờ cùng ngày bà Lê Thị D (sinh năm 1964), trú cùng thôn đi chăn bò về nghe thấy tiếng anh S kêu, bà D hỏi thì L nói "anh S say rượu nên L trói lại".
Một lúc sau Trần Thị L thấy mệt nên bảo Phạm Thị Thu Q chở L đi truyền nước. Trước khi đi, Q đứng ở ngoài cửa phòng còn L vào hỏi anh S “có ăn gì không”, anh S nói “không ăn” nên L đóng cửa phòng ngủ và chốt phía ngoài rồi cùng Q đến nhà chị Trần Thị X, là y sỹ xã Y để truyền nước.
Khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày Trần Thị L và Phạm Thị Thu Q ra về. Khi về đến nhà, L bảo Q dừng xe ở cổng, L vào trước nhìn qua cửa sổ phòng lồi thấy trong phòng điện sáng và có bật quạt, anh S vẫn bị trói và nằm trên giường, xe đạp của anh S vẫn dựng ở trước sân. Lúc này L bảo Q đi cùng L sang nhà bà V. Khi đến khu vực nhà bếp của bà V, L hỏi bà V "Mợ có thấy anh S đâu không thì bà V nói “tao không biết”. Sau đó L, Q về nhà nằm nghỉ ở nệm trước cửa phòng ngủ nơi anh S nằm.
Khi L về nhà thì có cho anh S uống nước và lấy bô cho anh S đi vệ sinh. Sau đó, L ngồi canh chừng không cho anh S đi ra khỏi phòng ngủ, anh S vẫn chửi L và các con nên hai vợ chồng tiếp tục cãi nhau.
Đến khoảng 01 giờ ngày 07/7/2018, do bức xúc vì bị anh Phạm Anh S chửi bới, nên Trần Thị L dùng chiếc áo sơ mi dài tay sọc xanh của anh S, quấn hai vòng quanh cổ anh S, siết lại rồi buộc hai lần. Anh S vùng vẫy, phản kháng làm sập giường, đầu đập vào mạn giường rồi úp mặt xuống đất nằm im. Lúc này L tiếp tục nắm chặt chiếc áo siết cổ anh S cho đến lúc anh S chết.
Sau khi xác định anh S chết, L gọi Q dậy và nói với Q: “cha chết rồi”. Q dậy dọn dẹp đồ ở trong nhà còn L vào phòng ngủ lấy kéo cắt hết dây đang trói ở tay và áo đang siết cổ anh S rồi thu gom tất cả các sợi dây đã cắt từ trước để vào túi ni lông màu đen rồi vứt ra vườn. Sau đó, L và Q gọi người thân, hàng xóm đế thông báo sự việc anh S chết.
Tại Bản Kết luận giám định pháp y tử thi số 58/PC54 ngày 10/7/2018 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh H kết luận: Nguyên nhân chết của ông Phạm Anh S: Ngạt cơ học.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 07/2019/HS-ST ngày 12/3/2019, TAND tỉnh H áp dụng khoản 2 Điều 123; khoản 1 Điều 157; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 55 Bộ luật hình sự, xử phạt Trần Thị L 04 năm tù về tội “giết người”, 06 tháng tù về tội “giữ người trái pháp luật”. Tổng hợp hình phạt, buộc L phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 04 năm 06 tháng tù.
Tại Quyết định số 18/2020/HS-GĐT ngày 30/5/2020, Hội đồng giám đốc thẩm TAND cấp cao quyết định: Hủy phần quyết định hình phạt về tội “Giết người” và phần tổng hợp hình phạt đối với Trần Thị L tại Bản án hình sự sơ thẩm số 07/2019/HS-ST ngày 12/3/2019 của TAND tỉnh H; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh H xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
2. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đủ căn cứ kết luận: TAND tỉnh H kết án Trần Thị L về các tội “giết người” và “giữ người trái pháp luật” theo quy định tại khoản 2 Điều 123 và khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự là đúng pháp luật.
Về hình phạt:
- Đối với tội “giữ người trái pháp luật”: Trong vụ án này, L giữ vai trò chính, còn Q làm theo chỉ đạo của L và chỉ đóng vai trò giúp sức. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt L 06 tháng tù, xử phạt Q 04 tháng tù về tội “giữ người trái pháp luật” và cho Q được hưởng án treo là phù hợp.
- Đối với tội “giết người”: Xem xét sự việc xảy ra ngày 06/7/2018, cũng là ngày giỗ bố đẻ của anh Phạm Anh S. Tuy rằng anh Phạm Anh S là người có lôi, đã chửi bới và đánh vợ con; trước đây cuộc sống vợ chồng của Trần Thị L và anh Phạm Anh S không hòa thuận; theo lời khai của bị cáo L và các con thì anh S là người thường xuyên uống rượu, chửi bới, đánh đập vợ con gây bức xúc cho Trần Thị L, nhưng sự việc xảy ra ngày 06/7/2018 anh S cũng có lý do để bức xúc khi L có công việc ra ngoài đến tận trưa ngày 06/7/2018 mà không nói gì với anh S về việc làm giỗ nên anh S cho rằng L đã bỏ mặc. Sau đó anh S rủ ba mẹ con đi chơi thì ba mẹ con từ chối. Mặt khác, khi anh S đã bị L và Q trói, nhốt trong phòng ngủ, thì anh S chỉ có thể chửi bới vợ con, chứ không gây nguy hại cho vợ con. Bản thân L là vợ anh S, nhưng sẵn sàng giết chồng để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình mà không lựa chọn cách giải quyết khác là không chỉ trái pháp luật mà còn trái cả đạo đức.
Việc Trần Thị L dùng áo siết cổ anh S đến chết mặc dù anh S đã phản kháng, thể hiện hành vi phạm tội quyết liệt và ý thức mong muốn tước đoạt tính mạng anh S, là lỗi cố ý trực tiếp, hậu quả làm anh S chết. TAND tỉnh H xử phạt bị cáo Trần Thị L 04 năm tù về tội “giết người” là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và không có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm.