Thông qua công tác kháng nghị và kết quả xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy quá trình giải quyết...
Thông qua công tác kháng nghị và kết quả xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm có một số vi phạm cần thông báo để rút kinh nghiệm.
Nội dung vụ án
Ngân hàng cho Công ty Thủy sản vay tổng cộng số tiền 15 500 000 000 đồng thông qua 05 hợp đồng tín dụng sau:
1. Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 01/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO ngày 14/1/2011 vay số tiền 02 tỷ đồng; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu sửa đổi số 01/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO-SĐ1 ngày 06/9/2011.
2. Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 06/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO ngày 28/1/2011 vay số tiền là 03 tỷ đồng; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu sửa đổi số 06/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO-ĐC ngày 30/6/2011; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu sửa đổi số 06/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO-SĐ2 ngày 06/9/2011; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu sửa đổi số 06/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO-SĐ3 ngày 26/8/2015.
3. Hợp đồng tín dụng xuất khẩu sửa đổi số 18/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO ngày 19/4/2011, vay số tiền 3,5 tỷ đồng; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu sửa đổi số 18/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO-ĐC1 ngày 20/6/2011; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu sửa đổi số 18/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO-SĐ2 ngày 06/9/2011; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu sửa đổi số 18/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO-SĐ3 ngày 26/8/2015.
4. Hợp đồng tín dụng xuất khẩu sửa đổi số 22/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO ngày 26/4/2011, vay số tiền 3,5 tỷ đồng; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu sửa đổi số 22/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO-SĐ1 ngày 06/9/2011; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu sửa đổi số 22/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO-SĐ2 ngày 26/8/2015.
5. Hợp đồng tín dụng xuất khẩu sửa đổi số 26/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO ngày 28/4/2011 vay số tiền 3,5 tỷ đồng; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu sửa đổi số 26/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO-SĐ1 ngày 06/9/2011; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu sửa đổi số 06/2011/HĐTDXK-NHPT-KHO-SĐ2 ngày 26/8/2015.
Tài sản thế chấp cho các hợp đồng vay trên là máy móc, thiết bị bao gồm hệ thống tủ đông gió công suất 600kg/h, máy phát điện công suất 600KVA hiệu Cummins và 05 lô hàng thủy sản (tôm, cá) theo các Hợp đồng thế chấp số 26B/2011/HĐTCTS-NHPT-KHO ngày 31/8/2011, số 01A/2011/HĐTCTS-NHPT-KHO ngày 14/4/2011; số 06A/2011/HĐTCTS-NHPT-KHO ngày 28/1/2011; 18A/2011/HĐTCTS-NHPT-KHO ngày 19/4/2011; 22A/2011/HĐTCTS-NHPT-KHO ngày 26/4/2011; 26A/2011/HĐTCTS-NHPT-KHO ngày 28/4/2011.
Quá trình vay, Công ty Thủy sản đã trả nợ gốc là 3 568 620 594 đồng. Thời điểm cuối cùng Công ty trả nợ cho Ngân hàng là tháng 12/2015. Tính đến ngày 11/7/2016, Công ty còn nợ Ngân hàng tổng cộng 26 038 893 164 đồng. Trong đó, nợ gốc: 11 931 379 406 đồng; nợ lãi tính đến ngày 11/7/2016: 14 107 513 758 đồng.
Vì Công ty Thủy sản không có khả năng trả nợ dù Ngân hàng đã tạo điều kiện và đôn đốc nên Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Công ty trả số nợ nêu trên.
Quá trình giải quyết vụ án
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự số 12/2016/QĐST-KDTM ngày 21/7/2016 của TAND thành phố N, tỉnh K quyết định:
“Tính đến ngày 11/7/2016, Công ty Thủy sản còn nợ Ngân hàng số tiền 26 038 893 164 đồng, trong đó, nợ gốc là 11 931 379 406 đồng, nợ lãi 14 107 513 758 đồng. Tất cả đương sự đều thống nhất về phương thức trả nợ như sau:
Ngày 11/9/2016, Công ty Thủy sản sẽ trả cho Ngân hàng số nợ gốc và lãi 26 038 893 164 đồng.
Trong quá trình trả nợ nêu trên, Công ty Thủy sản còn phải chịu thêm tiền lãi theo các Hợp đồng tín dụng mà các bên đã ký, số tiền làm căn cứ phát sinh lãi dựa trên số dư nợ thực tế còn lại chưa thanh toán cho đến ngày trả nợ.
Nếu Công ty Thủy sản không trả số nợ nêu trên, Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo quy định chung.
Sau khi Công ty Thủy sản đã trả nợ xong toàn bộ các khoản tiền nợ thì Ngân hàng có nghĩa vụ trả lại toàn bộ các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp cho Công ty Thủy sản”.
Ngày 14/5/2018, VKSND tỉnh K phát hiện vi phạm pháp luật trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự số 12/2016/QĐST-KDTM ngày 21/7/2016 của TAND thành phố N và đã có Công văn số 576/VKS-P10 đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định trên.
Ngày 01/10/2018, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 112/2018/QĐ-VKS-KDTM với nội dung đề nghị hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 12/QĐST-KDTM ngày 21/7/2016 của TAND thành phố N, tỉnh K và giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố N, tỉnh K giải quyết sơ thẩm theo đúng quy định pháp luật.
Quyết định giám đốc thẩm số 01/2019/KDTM-GĐT ngày 27/7/2019 của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm, quyết định:
“1. Hủy một phần Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 12/2016/QĐST-KDTM ngày 21/7/2016 của TAND thành phố N, tỉnh K về phần xử lý tài sản thế chấp, đối với vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, giữa nguyên đơn là Ngân hàng với bị đơn là Công ty Thủy sản.
2. Giao hồ sơ cho TAND thành phố N, tỉnh K để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm đối với phần bị hủy nêu trên…”
Vấn đề cần rút kinh nghiệm
Theo đơn khởi kiện ngày 25/2/2016 và đơn khởi kiện bổ sung ngày 12/5/2016, Ngân hàng yêu cầu nếu Công ty Thủy sản không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng được quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự phát mãi tài sản theo 06 hợp đồng thế chấp là máy móc thiết bị bao gồm hệ thống tủ đông gió công suất 600kg/h và máy phát điện công suất 600KVA hiệu Cummins và 05 lô hàng thủy sản (lô tôm cá) thuộc các hợp đồng xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài.
Theo Công văn số 2194/CTHADS ngày 03/11/2017 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh K và Công văn số 175/NHPT.KHO.NTH-TD ngày 07/7/2017 của Ngân hàng thì toàn bộ tài sản thế chấp thuộc 06 hợp đồng thế chấp, trong đó, có 03 tài sản thuộc Hợp đồng thế chấp số 01A/2011/HĐTCTS-NHPT-KHO ngày 14/1/2011; số 06A/2011/HĐTCTS-NHPT-KHO ngày 28/1/2011; số 26A/2011/HĐTCTS-NHPT-KHO ngày 28/4/2011 đã được xuất bán cho khách hàng nước ngoài, còn lại 02 tài sản thuộc Hợp đồng thế chấp 18A/2011/HĐTCTS-NHPT-KHO ngày 19/4/2011 (tài sản thế chấp là hàng tôm the thịt, tôm sú thịt đông lạnh) và Hợp đồng thế chấp số 22A/2011/HĐTCTS-NHPT-KHO ngày 26/4/2011 (tài sản thế chấp là lô hàng cá hố câu nguyên con) do quá trình bảo quản hàng hóa tại kho đã quá thời hạn quy định, không còn chất lượng nên Công ty Thủy sản đã ra quyết định tiêu hủy.
Công ty Thủy sản thế chấp tài sản để vay Ngân hàng nhưng khi bán tài sản thế chấp không dùng khoản tiền thu được để trả nợ cho Ngân hàng. Theo quy định tại khoản 3 Điều 349 Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là khoản 4 Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015), trong trường hợp này, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp. Công ty Thủy sản đã không thực hiện nghĩa vụ của mình, vi phạm Điều 348, Điều 349 Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 320, Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Như vậy, khi giải quyết vụ án, tài sản thế chấp đã không còn nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành xác minh để xác định hiện trạng tài sản thế chấp dẫn đến công nhận nội dung thỏa thuận: “Nếu Công ty Thủy sản không trả số nợ trên, Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo quy định chung” là trái pháp luật, không thể thi hành được (do đối tượng thi hành án không còn); thỏa thuận này vi phạm điểm b khoản 2 Điều 180 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004. Do đó, nội dung Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 112/QĐ-VKS-KDTM ngày 01/10/2018 của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 12/2016/QĐST-KDTM ngày 21/7/2016 của TAND thành phố N về phần xử lý tài sản thế chấp là có căn cứ.
Thanh Hằng
(Tổng hợp)