Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm các vụ án hình sự, VKSND cấp cao tại Hà Nội nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã có những...
Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm các vụ án hình sự, VKSND cấp cao tại Hà Nội nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã có những kết luận trong bản án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án và sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, cần thông báo để rút kinh nghiệm chung.
Vụ thứ nhất
Khoảng 09 giờ ngày 17/4/2018, Sùng Seo L, sinh ngày 28/12/2000 đi thăm chị gái ở thôn Cốc Rế, xã Bản Mế, huyện S, tỉnh L. Khi đi đến đầu thôn Cốc Rế, L nhìn thấy 01 chiếc xe mô tô BKS 24B1-15891 dựng ở cạnh đường, chìa khóa cắm ở ổ điện, L tiến lại ngồi lên xe bật chìa khóa rồi thả trôi dốc khoảng 150 mét thì nổ máy đi về xã Tả Gia Khâu, huyện M với mục đích ai mua thì bán. L đi đến ngã ba chợ Tả Gia Khâu thì bị Công an xã Tả Gia Khâu yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ và đưa L về trụ sở Công an làm việc. L khai vừa trộm cắp xe mô tô, Công an xã Tả Gia Khâu bàn giao L cùng xe mô tô cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện S giải quyết.
Bản kết luận số 03/KL-ĐGTS ngày 19/4/2018 của Hội đồng định giá tài sản huyện S kết luận: Trị giá xe mô tô BKS 24B1-15891 là 5 triệu đồng.
Về tiền án: Bị án Sùng Leo L có 2 tiền án, Bản án hình sự sơ thẩm số 07/2017/HSST ngày 29/9/2017 của TAND huyện S xử phạt tù 03 tháng 06 ngày về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999 và Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2017/HSST ngày 30/11/2017 của TAND huyện S xử phạt 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999.
Quá trình giải quyết vụ án
Bản án hình sự sơ thẩm số 05/2018/HSST ngày 26/6/2018, TAND huyện S, tỉnh L áp dụng điểm g khoản 2 Điều 173; điểm h và s khoản 1 Điều 51; Điều 90; khoản 1, khoản 3, khoản 6 Điều 91 và khoản 1 Điều 101 BLHS năm 2015 xử phạt Sùng Seo L 01 năm 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Bản án không có kháng cáo và không bị kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật.
Ngày 17/12/2018, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm số 05/2018/HSST ngày 26/6/2018 của TAND huyện S về phần trách nhiệm hình sự. Ngày 15/3/2019, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận Kháng nghị của Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm
Khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.
Khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý”.
Như vậy, Bản án hình sự sơ thẩm số 07/2017/HSST ngày 29/9/2017 và Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2017/HSST ngày 30/11/2017 của TAND huyện S xét xử bị cáo Sùng Seo L về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999 khi bị cáo chưa đủ 17 tuổi, bị cáo bị kết án đều về tội ít nghiêm trọng nên không được coi là án tích. Lần phạm tội này, bị cáo có hành vi trộm cắp tài sản trị giá 5.000.000 đồng nên thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng được quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo có hai tiền án chưa được xóa án tích để xét xử bị cáo với tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 là không đúng quy định của pháp luật.
Vụ thứ hai
Khoảng 15 giờ ngày 14/5/2017, Bùi Đình X, sinh năm 1986, trú tại xã Vân Hà, huyện P, thành phố H có mâu thuẫn với Đào Khương D, sinh năm 1990, trú tại xã Vân Nam, huyện P, thành phố H về việc dẹp bỏ cuộn sắt để trên đường bê tông đang thi công thuộc cụm 7, xã Vân Nam, huyện P, thành phố H để X điều khiển xe ô tô đi qua nhưng D không dẹp nên hai bên xảy ra mâu thuẫn. X nhặt được viên gạch vỡ ở ven đường ném D nhưng D tránh được. D liền nhặt được một viên gạch vỡ ở ven đường rồi ném trúng vào đầu X khiến X bị thương, chảy máu phải đi sơ cứu ở Trạm y tế xã Vân Hà. Sau đó, X có rủ Bùi Văn H đến nhà bà Viết Thị B ở cụm 7, Vân Nam, huyện P, thành phố H để lấy xe ô tô đã để lại trước đó. Tại đây, khi thấy ông Đào Văn Q (bố của D) và ông Bùi Hăng Đ (bố của H), cho rằng ông Q lúc trước cũng tham gia đánh mình nên X liền nói: “Thằng đánh tao đây” rồi lao vào dùng tay đấm liên tiếp vào đầu, mặt ông Q. H thấy vậy cũng lao vào dùng tay không đấm ông Q. Thấy sự việc đánh nhau, những người xung quanh vào can ngăn. H chạy đến góc nhà lấy được một việc quạt cây rồi quay lại vụt khiến phần cánh quạt bằng nhựa trúng đỉnh đầu ông Q. Mọi người xung quanh chạy đến đông thì X bỏ ra ngoài, H chạy vào bếp tìm và lấy một con dao để đánh nhau nhưng cũng bị những người có mặt ở đó can ngăn đẩy ra ngoài. Hậu quả là ông Đào Văn Q bị thương tích ở vùng mắt trái, tỷ lệ thương tích là 42%.
Quá trình giải quyết vụ án
Bản án sơ thẩm số 11 ngày 13/3/2018 của TAND huyện P, thành phố H tuyên các bị cáo Bùi Đình X và Bùi Văn H phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015, xử phạt X 02 năm tù, xử phạt H 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Bản án không có kháng cáo và không bị kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật.
Bản án sơ thẩm số 11 ngày 13/3/2018 của TAND huyện P, thành phố H bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm. Ngày 11/3/2019, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm quyết định: Hủy bản án sơ thẩm số 11 ngày 13/3/2018 của TAND huyện P, thành phố H để xét xử lại theo hướng áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015 để xét xử đối với Bùi Văn H và Bùi Đình X.
Về vấn đề cần rút kinh nghiệm
Bùi Đình X là người trực tiếp có mâu thuẫn với Đào Khương D nhưng đã được mọi người can ngăn. Khi X rủ Bùi Văn H đi lấy lại xe ô tô thì gặp ông Đào Văn Q (bố của D) đang ngồi uống nước. Mặc dù giữa ông Q và X, H không có mâu thuẫn nhưng X và H đã dùng tay đấm liên tiếp vào mặt và đầu ông Q làm ông Q bị thương tích, tỷ lệ 42%. Ngoài ra, H còn dùng quạt cây đập trúng đỉnh đầu ông Q. Hành vi phạm tội của Bùi Văn H là nguy hiểm, có tính chất côn đồ. Như vậy, có tính chất côn đồ ở đây là tình tiết định khung được quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 (hoặc điểm i khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999). Với tỷ lệ tổn thương cơ thể mà bị cáo đã gây ra đối với ông Q là 42% thì hành vi phạm tội của bị cáo H và X thuộc điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015.
Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng điểm a khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 58; Điều 65 BLHS năm 2015 xử phạt Bùi Đình X 02 năm tù, xử phạt Bùi Văn H 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích” là không đúng quy định của pháp luật, chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của các bị cáo, chưa có tác dụng giáo dục, phòng ngừa.
Thanh Hằng
(Tổng hợp)