CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Thực trạng công tác tham gia phiên tòa dân sự của Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Ninh thời gian qua

10/08/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Trong những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ công tác, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo VKSND hai cấp tỉnh Bắc Ninh, Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã đề cao trách nhiệm..

Thực trạng công tác tham gia phiên tòa dân sự của Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Ninh thời gian qua

Trong những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ công tác, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo VKSND hai cấp tỉnh Bắc Ninh, Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã đề cao trách nhiệm, chú trọng việc học tập, rèn luyện nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa xét xử các vụ, việc dân sự, đảm bảo quá trình giải quyết các vụ việc dân sự kịp thời, đúng quy định của pháp luật và góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Kiểm sát viên và ngành Kiểm sát nhân dân.
Tuy nhiên, còn có phiên tòa, phiên họp Kiểm sát viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa phát huy được quyền năng pháp lý của Kiểm sát viên và Viện kiểm sát theo pháp luật quy định, nên chất lượng công tác kiểm sát giải quyết một số vụ việc còn chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng “Thực trạng công tác tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên hai cấp tỉnh Bắc Ninh trong thời gian từ 01/1/2012 đến 31/5/2014” để bạn đọc tham khảo:
Trong thời điểm, VKS hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã kiểm sát giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 520 vụ; Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp tham gia phiên tòa là 457 vụ, đạt tỷ lệ 88%; Viện kiểm sát kháng nghị 7 vụ; trong đó Tòa án chấp nhận 6 vụ, đạt tỷ lệ 86%. Kiểm sát theo thủ tục phúc thẩm 188 vụ; Kiểm sát viên tham gia phiên tòa 188 vụ, đạt tỷ lệ 100% (y án 113 vụ, hủy án 17 vụ, sửa án 58 vụ); Viện kiểm sát kháng nghị 17 vụ (trong đó: Viện kiểm sát cấp huyện kháng nghị 07 vụ, Viện kiểm sát cấp tỉnh kháng nghị 10 vụ; Tòa án chấp nhận 15 vụ, đạt tỷ lệ 85%; Kiểm sát viên phát biểu đề xuất quan điểm giải quyết vụ án được HĐXX phúc thẩm chấp nhận là 187 vụ. Đã báo cáo kháng nghị giám đốc thẩm 1 vụ và được VKSND tối cao chấp nhận và đã ban hành kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Đã kiểm sát theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 04 vụ (Kiểm sát viên tham gia phiên tòa 04 vụ), trong đó: Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh kháng nghị 03 vụ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị 01 vụ; Đã xét xử 4 vụ, kết quả Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh chấp nhận 4 kháng nghị.
Những kết quả đã đạt được trong nghiên cứu hồ sơ vụ án
Việc nghiên cứu, nắm chắc hồ sơ vụ án có vai trò rất quan trọng nhằm kiểm sát chặt chẽ quá trình giải quyết vụ án của Tòa án, giúp Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu, kháng nghị, kiến nghị đảm bảo cho việc giải quyết vụ án dân sự kịp thời, đúng pháp luật và nhằm nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Trong thời gian qua, Kiểm sát viên hai cấp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã chủ động, tích cực theo dõi nắm bắt việc thu thập các tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán Tòa án cùng cấp tiến hành. Thực hiện việc nghiên cứu hồ sơ vụ án cả về trình tự thủ tục tố tụng và nội dung. Quá trình nghiên cứu, Kiểm sát viên đã tiến hành trích cứu tài liệu, chứng cứ và phô tô lưu giữ những tài liệu, chứng cứ quan trọng. Trên cơ sở các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên báo cáo đề xuất bằng văn bản về tố tụng và đường lối giải quyết vụ án để Lãnh đạo đơn vị phê duyệt đường lối giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Kết quả tham gia phiên tòa theo quy định của pháp luật
 Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã tham gia đầy đủ các phiên tòa xét xử các vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự và Thông tư liên tịch số 04/TTLT-VKSTC-TANDTC, năm 2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao. Kiểm sát viên trước khi tham gia phiên tòa đã kiểm tra chặt chẽ thủ tục mở phiên tòa, phiên họp; các điều kiện để đảm bảo cho việc Tòa án mở phiên tòa có căn cứ theo quy định của pháp luật và không có trường hợp nào Viện kiểm sát và Tòa án hai cấp có quan điểm mâu thuẫn về việc Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
Tư thế, tác phong của Kiểm sát viên tại phiên tòa
Khi tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa xét xử các vụ việc dân sự, hầu hết Kiểm sát viên đã chấp hành đúng quy định của pháp luật và của Ngành trong việc sử dụng trang phục. Kiểm sát viên có tác phong, lời nói, cử chỉ đúng mực; tôn trọng và đảm bảo sự bình đẳng trong đánh giá, nhận xét đối với Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Khi tham gia hỏi, cơ bản các Kiểm sát viên đã đặt những câu hỏi rõ ràng, cụ thể không trùng lặp với những vấn đề Hội đồng xét xử đã hỏi; khi phát biểu quan điểm, Kiểm sát viên đọc to, rõ ràng, rành mạch và có điểm nhấn góp phần nâng cao vị thế của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa
Trong thủ tục bắt đầu phiên tòa, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật của Hội đồng xét xử, các đương sự trong vụ án theo đúng quy định tại Mục 2, Chương XIV Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011. Kiểm sát chặt chẽ sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và lý do vắng mặt. Kiểm sát việc phổ biến quyền, nghĩa vụ của đương sự và những người tham gia tố tụng khác; kiểm sát việc giới thiệu người tiến hành tố tụng …theo quy định tại Điều 213 Bộ luật tố tụng dân sự. Khi phát hiện Hội đồng xét xử, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác có vi phạm, Kiểm sát viên đã kịp thời phát biểu ý kiến về các vi phạm, viện dẫn điều luật, yêu cầu, kiến nghị Hội đồng xét xử khắc phục, sửa chữa vi phạm. Tất cả các yêu cầu, kiến nghị của Kiểm sát viên đã được Hội đồng xét xử chấp nhận khắc phục sửa chữa kịp thời.
Điển hình như tại phiên tòa ngày 19/8/2013, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân huyện Thuận Thành tổ chức rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và đòi lại tài sản. Tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa chưa giải thích rõ thẩm quyền xét xử của Tòa án, giới thiệu thiếu quyền kháng nghị của Viện kiểm sát. Vi phạm này đã được Kiểm sát viên kiểm sát xét xử tại phiên tòa kịp thời phát hiện, yêu cầu khắc phục và đã được Hội đồng xét xử tiếp thu.
Trong phần hỏi tại phiên tòa
Việc hỏi tại phiên tòa có ý nghĩa rất quan trọng, làm rõ các thủ tục tố tụng và những nội dung còn mâu thuẫn trong quá trình nghiên cứu hồ sơ; kiểm tra tính hợp pháp của các tài liệu do Tòa án thu thập, giúp Kiểm sát viên bổ sung, chỉnh sửa bài phát biểu phù hợp với tài liệu được làm rõ tại phiên tòa.
Trong thời gian qua, Kiểm sát viên hai cấp khi tham gia phiên tòa đều xây dựng và chuẩn bị đầy đủ đề cương xét hỏi, dự kiến các tỉnh huống có thể phát sinh tại phiên tòa xét xử các vụ việc dân sự. Câu hỏi của Kiểm sát viên đã bám sát vào việc chấp hành pháp luật tố tụng và nội dung vụ án nhằm làm sáng tỏ những tình tiết, chứng cứ do các đương sự cung cấp hoặc do Tòa án thu thập nhằm làm căn cứ để Hội đồng xét xử ban hành bản án đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình hỏi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên đã theo dõi, ghi chép nội dung chính các câu hỏi và trả lời để tiến hành hỏi tránh trùng lặp. Câu hỏi của Kiểm sát viên thường là những vấn đề mà Hội đồng xét xử chưa đề cập hoặc có đề cập nhưng chưa rõ, chưa đầy đủ. Đã hạn chế thấp nhất việc tham gia phiên tòa nhưng Kiểm sát viên không tham gia hỏi hoặc hỏi những câu mà Hội đồng xét xử đã hỏi, đã làm rõ. Tại các phiên tòa, đã có sự phối kết hợp giữa Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên trong việc hỏi nhằm làm rõ các vấn đề cơ bản như: Việc chấp hành pháp luật của đương sự, thẩm quyền, thời hiệu khởi kiện, quan hệ pháp luật đang có tranh chấp, tư cách tham gia tố tụng, tính có căn cứ pháp luật của những tài liệu chứng cứ cung cấp và mới xuất trình tại phiên tòa…
Một số vụ án, tại phiên tòa xét xử Kiểm sát viên đã tham gia hỏi có chất lượng góp phần nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên tại phiên tòa, giúp cho Hội đồng xét xử quyết định trong bản án được khách quan, đúng pháp luật, điển hình như: Vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa: Nguyên đơn Nguyễn Thị Đan, sinh năm 1948; Bị đơn Nguyễn Thị Thục, sinh năm 1963.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, phía bị đơn đã đưa ra yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, yêu cầu phản tố của bị đơn đã vi phạm Điều 177, Điều 178 BLTTDS song vẫn được Hội đồng xét xử chấp nhận. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thị xã Từ Sơn kháng nghị phúc thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Tại phiên tòa xét xử theo thủ tục phúc thẩm ngày 12/9/2013, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã chủ động hỏi, đưa ra các dẫn chứng chứng minh việc đương sự là bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố đã vi phạm về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố. Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu phản tố, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thị xã Từ Sơn và đã được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Một số vụ án xét xử theo thủ tục phúc thẩm, sau khi tiến hành hỏi để làm rõ Kiểm sát viên đã phát hiện cấp sơ thẩm thẩm định, định giá tài sản không đúng quy định của pháp luật, không đúng với thực tế nên Kiểm sát viên đã yêu cầu và phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiến hành thẩm định, định giá tài sản lại cho đúng với giá trị của tài sản đang có tranh chấp trong vụ án dân sự. Điển hình: Vụ án tranh chấp hôn nhân gia đình giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1960; Bị đơn Bạch Ngọc Minh, sinh năm: 1959
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 18/6/2013, nguyên đơn là bà Hiền kháng cáo không chấp nhận bản án dân sự sơ thẩm về phần thẩm định, định giá tài sản. Tại phiên tòa phúc thẩm dân sự ngày 20/8/2013, bà Hiền đưa ra chứng cứ và cho rằng cấp sơ thẩm đã thẩm định và định giá tài sản của vợ chồng bà là không chính xác. Sau phần hỏi để xác định căn cứ kháng cáo, Kiểm sát viên đã đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để tiến hành thẩm định, định giá tài sản lại. Kết quả thẩm định, định giá tài sản đã xác định: Cấp sơ thẩm đã xác định sai hướng nhà, sai số tầng nhà và sai số diện tích thực tế so với diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì các vi phạm trên, cấp phúc thẩm đã phải sửa bản án dân sự sơ thẩm.
Kiểm sát phần tranh luận và kiểm sát việc bổ sung chứng cứ tại phiên tòa
Viện kiểm sát nhân dân không phải là chủ thể của việc tranh luận tại các phiên tòa xét xử các vụ án dân sự. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, phục vụ cho phát biểu đường lối giải quyết vụ án, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ quá trình tranh luận, thủ tục, nội dung tranh luận của các đương sự trong vụ án. Đảm bảo cho việc tranh luận và sự điều hành tranh luận của Hội đồng xét xử được tuân thủ theo quy định tại Điều 232, 233 Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với vụ án, đương sự xuất trình một số tài liệu chứng cứ mới nhằm bổ sung, củng cố quan điểm của mình tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã phối hợp với Hội đồng xét xử kiểm tra tính căn cứ của tài liệu chứng cứ mới và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận tài liệu chứng cứ mới.
Điển hình, vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa: nguyên đơn Đàm Duy Huyền, sinh năm 1947; Bị đơn Đàm Văn Lớp, sinh năm 1958.
Bản án dân sự sơ thẩm số 13 ngày 04/7/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Bắc Ninh đã bác đơn khởi kiện của nguyên đơn buộc phía bị đơn phải trả 792m2 đất nông nghiệp. Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn kháng cáo không chấp nhận bản án dân sự sơ thẩm. Tại phiên tòa xét xử theo thủ tục phúc thẩm ngày 30/9/2013, nguyên đơn đã đưa ra các tài liệu làm cơ sở chứng minh: Toàn bộ số diện tích 792m2 đất nông nghiệp có vị trí thuộc thôn Đa Cấu, xã Nam Sơn được Hợp tác xã nông nghiệp cấp cho hộ nguyên đơn; có 02 thửa đất nằm trong số 06 thửa đất trên được Nhà nước thu hồi, số tiền đã bị hộ ông Lớp nhận. Trên cơ sở các tài liệu mới được nguyên đơn xuất trình như: Sổ giao đất nông nghiệp, các phiếu thu chi nhận tiền đền bù, Kiểm sát viên đã tiến hành hỏi, đối chất giữa các đương sự, xem xét đối chiếu tài liệu chứng cứ mới được xuất trình, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận các tài liệu, chứng cứ này; Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm. Đề nghị của Kiểm sát viên đã được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Phát biểu của Kiểm sát viên
Hầu hết Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa đều dự thảo bài phát biểu theo mẫu thống nhất của Ngành. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát đã cập nhật đầy đủ những tình tiết, diễn biến mới phát sinh tại phiên tòa. Phát biểu của Kiểm sát viên đã thể hiện đầy đủ quan điểm của Viện kiểm sát về chấp hành pháp luật tố tụng (đối với phiên tòa xét xử theo thủ tục sơ thẩm), việc chấp hành pháp luật về tố tụng, về nội dung kháng cáo, kháng nghị (đối với phiên tòa xét xử theo thủ tục phúc thẩm); những kiến nghị khắc phục vi phạm (nếu có) theo hướng dựa trên những căn cứ pháp luật quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 04 ngày 01/8/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, phù hợp với diễn biến, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa. Bản phát biểu của Kiểm sát viên đã giúp Hội đồng xét xử ban hành bản án đúng pháp luật và bảo vệ kháng nghị của Viện kiểm sát, góp phần quan trọng nâng cao được vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên và vị thế của Viện kiểm sát tại phiên tòa.
Điển hình, vụ án Kiểm sát viên đã phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát có chất lượng cao như:
- Vụ án đề nghị hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn Khúc Thị Nhã, sinh năm 1970; Bị đơn Nguyễn Thị Minh Biến, sinh năm 1956. Tại phiên tòa xét xử theo thủ tục sơ thẩm, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Lương Tài đã kịp thời phát hiện và yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục một số vi phạm như: Giải thích chưa đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng xét xử, của Kiểm sát viên. Vụ án có diễn biến phức tạp, quan điểm của các đương sự đối lập và có sự thay đổi về yêu cầu của nguyên đơn. Trong bài phát biểu, Kiểm sát viên đã kịp thời cập nhật việc chấp hành pháp luật về tố tụng, góp phần quan trọng để Hội đồng xét xử ra bản án đúng pháp luật. Trong các phiên tòa giám đốc thẩm do Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị, Kiểm sát viên đã trình bày nội dung kháng nghị và căn cứ của việc kháng nghị; phát biểu quan điểm, phân tích làm rõ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân kháng nghị, Kiểm sát viên đã phát biểu ý kiến về tính có căn cứ và hợp pháp của kháng nghị, nêu rõ lý do nhất trí hoặc không nhất trí với quan điểm kháng nghị của Chánh án Tòa án theo đúng quy định tại Chương XVIII Bộ luật tố tụng dân sự và Thông tư liên tịch số 04/TTLT-VKSNDTC-TANDTC năm 2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao.
Công tác kiểm sát việc tuyên án, biên bản phiên tòa
Về cơ bản, Kiểm sát viên kiểm sát xét xử tại phiên tòa dân sự đã theo dõi và ghi chép quá trình diễn biến phiên tòa và kết quả tuyên án của Hội đồng xét xử. Trên cơ sở các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và được xem xét làm rõ tại phiên tòa, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Kiểm sát viên báo cáo kết quả xét xử tại phiên tòa và các hoạt động nghiệp vụ tiếp theo với lãnh đạo đơn vị. Trong trường hợp, bản án có vi phạm thì tùy theo mức độ, Kiểm sát viên báo cáo đề xuất biện pháp giải quyết như kiến nghị, kháng nghị để lãnh đạo đơn vị quyết định. Hầu hết Kiểm sát viên sau khi Hội đồng xét xử tuyên án đều kiểm tra biên bản phiên tòa. Khi phát hiện Thư ký ghi biên bản phiên tòa ghi chép không đúng với diễn biến và kết quả phiên tòa đã kịp thời yêu cầu Thư ký sửa chữa, khắc phục. Yêu cầu của Kiểm sát viên đã được Thư ký Tòa án chấp nhận sửa chữa, khắc phục, không có trường hợp nào phải tiến hành lập biên bản.
Việc tổ chức phiên tòa để rút kinh nghiệm
Trong năm 2013 và 06 tháng đầu năm 2014, Viện kiểm sát đã phối hợp với Tòa án hai cấp tỉnh Bắc Ninh tổ chức 32 phiên tòa rút kinh nghiệm. Trong đó: Năm 2013 tổ chức 20 phiên tòa, năm 2014 tổ chức 12 phiên tòa; cấp tỉnh tổ chức 07 phiên tòa, cấp huyện tổ chức 25 phiên tòa. Các đơn vị đã quán triệt nghiêm túc Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hướng dẫn công tác kiểm sát của Vụ 5 Viện kiểm sát nhân dân tối cao; kế hoạch công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm và coi đây là công tác trọng tâm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự. Việc tổ chức và xây dựng các phiên tòa rút kinh nghiệm không những phản ánh kết quả phối hợp giữa hai ngành Kiểm sát và Tòa án mà còn góp phần nâng cao nhận thức về chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự của Kiểm sát viên. Về cơ bản, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Tòa án trong việc chọn và tổ chức phiên tòa theo đúng hướng dẫn của ngành đảm bảo các tiêu chí như: Các dạng tranh chấp phổ biến, vụ án có phức tạp về chứng cứ, có nhiều đương sự, có luật sư hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia. Kiểm sát viên được phân công kiểm sát đã có sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo; các thao tác tại phiên tòa cơ bản đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao vị thế của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Sau mỗi phiên tòa đều được lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh hoặc lãnh đạo đơn vị tổ chức họp để các thành viên tham dự tham gia đóng góp ý kiến đối với đơn vị tổ chức và Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật; tiến hành thông báo rút kinh nghiệm chung bằng văn bản gửi các đơn vị kịp thời nhằm phát huy những ưu điểm, hạn chế được những thiếu sót, vi phạm và nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật dân sự, rèn luyện kỹ năng công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
Công tác kháng nghị phúc thẩm, thông báo rút kinh nghiệm và kiến nghị với Tòa án nhân dân.
Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành kiểm sát 3002 bản án, quyết định của Tòa án hai cấp tỉnh Bắc Ninh. Trong đó: 654 bản án, 2348 quyết định. Thông qua công tác kiểm sát bản án, quyết định và công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành 10 thông báo rút kinh nghiệm đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Đây chính là bài học kinh nghiệm thực tiễn cho Kiểm sát viên khi tiến hành kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự. Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã ban hành 17 kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, 01 kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, báo cáo đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm 01 vụ. Do thực hiện tốt công tác kiểm sát các bản án, quyết định, công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa nên Kiểm sát viên đã phát hiện được nhiều vi phạm của cơ quan Tòa án, của Hội đồng xét xử , kịp thời đề xuất báo cáo lãnh đạo đơn vị để ban hành kháng nghị đảm bảo chất lượng, đúng pháp luật và được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 88%. Có 02 kháng nghị, Kiểm sát viên rút kháng nghị tại phiên tòa do các đương sự trong vụ án tự thỏa thuận về đường lối giải quyết vụ án. Thông qua công tác kiểm sát bản án, quyết định, kiểm sát việc tuân tuân theo pháp luật tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã kịp thời tham mưu với lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp tổng hợp báo cáo Viện kiểm sát tối cao và ban hành 48 kiến nghị (Viện kiểm sát cấp huyện 43, Viện kiểm sát tỉnh 5) với Tòa án nhân dân cùng cấp yêu cầu khắc phục, sửa chữa vi phạm trong quá trình thụ lý giải quyết các vụ, việc dân sự. Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân đã được Tòa án nhân dân chấp nhận, khắc phục vi phạm./.
T.T (Biên tập)
Tìm kiếm