CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Thực trạng và kinh nghiệm thụ lý, giải quyết đơn, án giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân

29/11/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 24/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước được Quốc hội thông qua theo tinh thần Hiến pháp mới và cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển của Tòa án nhân dân...

 Thực trạng và kinh nghiệm thụ lý, giải quyết đơn, án giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân

              Ngày 24/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước được Quốc hội thông qua theo tinh thần Hiến pháp mới và cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển của Tòa án nhân dân (TAND), bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người. Điểm khác biệt cơ bản của Luật Tổ chức TAND năm 2014 so với các luật Tổ chức TAND trước đây là hiện nay TAND được tổ chức theo mô hình4 cấp gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và TAND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Từ cơ cấu tổ chức như vậy, thẩm quyền thụ lý, giải quyết đơn, án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cũng có những thay đổi cơ bản. Cụ thể:
              TAND tối cao không thực hiện nhiệm vụ xét xử phúc thẩm mà thực hiện nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Thẩm phán TAND tối cao. Tại khoản 4, Điều 22 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định “Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị”.
              TAND cấp cao có nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị bằng Hội đồng 3 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao.
              Về Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm.
              Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” xác định: “Từng bước hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng quy định chặt chẽ những căn cứ kháng nghị và quy định rõ trách nhiệm của người ra kháng nghị đối với bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục tình trạng kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ". Hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật tố tụng trong đó có thủ tục giám đốc thẩm nói riêng đang được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
              Hiện nay, công tác thụ lý, giải quyết đơn, án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND có nhiều thuận lợi như: Các Vụ giám đốc kiểm tra của TAND tối cao và các TAND cấp cao được thành lập, kiện toàn, ổn định tổ chức và triển khai các nhiệm vụ công tác, trong đó chú trọng công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Số lượng đơn, vụ án xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tập trung về đầu mối là TAND tối cao và TAND cấp cao cũng giúp cho việc giải quyết loại án này được thuận lợi, thống nhất. Bên cạnh đó, công tác thụ lý, giải quyết đơn, án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cũng gặp khó khăn như: Lực lượng cán bộ, công chức giải quyết đơn, án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm ở các TAND cấp cao còn thiếu, đang đuợc bổ sung; Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã có hiệu lực nhưng Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự đang trong giai đoạn sửa đổi, bổ sung cũng làm cho công tác này gặp không ít lúng túng trong việc áp dụng pháp luật.
              Trang  tin điện tử VKSND tối cao trích đăng thực trạng công tác thụ lý, giải quyết đơn, án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh và những bài học kinh nghiệm để bạn đọc tham khảo:
              Giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là một trong những nhiệm vụ cơ bản của TAND. Trong những năm gần đây, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND ngày càng gia tăng.
Đề thúc đẩy quá trình giải quyết đơn, án theo thủ tục giám đốc thẩm được nhanh chóng, đạt hiệu quả cao, TAND tiếp tục hoàn thiện quy trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cho phù hợp với Luật Tổ chức TAND năm 2014 theo hướng nâng cao vai trò chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao nhằm giảm bớt số lượng các vụ án phải giám đốc thẩm, tái thẩm ở TAND tối cao. Hiện nay, TAND tối cao đã thành lập Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự, hành chính (Vụ Giám đốc kiểm tra I); Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự, kinh doanh - thương mại (Vụ Giám đốc kiểm tra II); Vụ Giám đốc, kiểm tra về lao động, gia đình và người chưa thành niên (Vụ Giám đốc kiểm tra III). Đối với TAND cấp cao thì cũng thành lập các phòng giám đốc kiểm tra để tiếp nhận thụ lý, giải quyết đơn được nhanh gọn kịp thời, khắc phục tình trạng chuyển đơn lòng vòng, ảnh hưởng đến việc giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm.
Đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm gửi đến TAND chủ yếu thông qua đường bưu chính, một số lượng nhỏ được gửi trực tiếp tại Phòng tiếp công dân của TAND tối cao và TAND cấp cao, một số lượng nhỏ do các cơ quan ban ngành chuyển đơn. Việc tiếp nhận, xử lý, phân loại, thụ lý đơn được thực hiện theo quy trình cụ thể ở TAND tối cao và TAND cấp cao:
Tại TAND tối cao: Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao là nơi tiếp nhận đơn, thư ban đầu và thực hiện việc phân loại đơn. Đơn thuộc thẩm quyền của Vụ giám đốc kiểm tra nào sẽ chuyển đến Vụ đó để thụ lý, giải quyết. Đơn không đủ điều kiện thụ lý trả về yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Đơn không thuộc thẩm quyền chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Ban thanh tra TAND tối cao là nơi tiếp nhận đơn trực tiếp thông qua việc tiếp công dân. Sau khi nhận đơn và làm biên nhận nhận đơn cho đương sự, Ban Thanh tra chuyển toàn bộ đơn đã nhận về Văn phòng TAND tối cao để thực hiện việc phân loại đơn.
Tại TAND cấp cao: Văn phòng TAND cấp cao là nơi tiếp nhận ban đầu các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, thực hiện việc phân loại đơn trùng lặp, đơn thuộc thẩm quyền giải quyết và đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp đơn gửi thiếu thủ tục thì Văn phòng yêu cầu người gửi đơn bổ sung cho đủ thủ tục. Việc yêu cầu bổ sung thủ tục được kiểm tra cụ thể để yêu cầu bổ sung một lần, tránh gây phiền hà cho đương sự. Trường hợp đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho đương sự biết về việc chuyển đơn. Văn phòng kiểm tra đơn đủ thủ tục, đúng thẩm quyền giải quyết mới chuyển Phòng giám đốc kiểm tra có chức năng tham mưu về loại án đó để vào sổ thụ lý. Phòng giám đốc kiểm tra thụ lý đơn, thông báo bằng văn bản (cấp giấy xác nhận đơn) cho đương sự biết và làm thủ tục mượn hồ sơ vụ án lên giải quyết.
Hiện nay TAND đã xây dựng phần mềm nội bộ quản lý, thống kê các loại án dùng chung cho toàn ngành. Phần mềm cho phép quản lý tất cả các loại vụ án từ khi thụ lý sơ thẩm cho đến khi phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, thực hiện các nghiệp vụ quản lý, kiểm soát đối với cả quá trình thụ lý và giải quyết vụ án, vụ việc. Điều này, sẽ giúp cho công tác thụ lý đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm một cách nhanh chóng, khoa học.
Công tác giải quyết đơn, án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
Trước thực trạng lượng đơn/án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều và tính chất vụ án ngày càng phức tạp, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tối cao chỉ đạo các Vụ giám đốc kiểm tra của TAND tối cao và TAND cấp cao tập trung cao độ, phát huy tinh thần trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Những năm trước đây (trước thời điểm Luật tổ chức TAND năm 2014 có hiệu lực), TAND tối cao chủ yếu thực hiện 2 quy trình giải quyết đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm:
Quy trình 1: Thẩm tra viên nghiên cứu hồ sơ báo cáo trực tiếp Thẩm phán phụ trách, sau khi có ý kiến của Thẩm phán phụ trách thì báo cáo Chánh Tòa Tòa chuyên trách hoặc Phó Chánh Tòa Tòa chuyên trách phụ trách mảng án đó. Nếu trả lời đơn thì Chánh Tòa hoặc Phó Chánh Tòa ký văn bản. Nếu đề xuất kháng nghị hoặc có ý kiến không thống nhất giữa Thẩm tra viên, Thẩm phán và Chánh Tòa (Phó Chánh Tòa) thì báo cáo với ít nhất hai Phó Chánh án TAND tối cao hoặc báo cáo Chánh án TAND tối cao.
Quy trình 2: Thẩm tra viên nghiên cứu hồ sơ báo cáo với Tổ thẩm phán (gồm 3 Thẩm phán, trong đó có một thẩm phán là Chánh Tòa hoặc Phó Chánh Tòa Tòa chuyên trách) nếu Tổ Thẩm phán thống nhất không kháng nghị, trả lời đơn cho đương sự thì Chánh Tòa hoặc Phó Chánh Tòa (trong Tổ Thẩm phán đó) ký văn bản trả lời. Nếu ý kiến của Tổ Thẩm phán thống nhất kháng nghị hoặc có ý kiến khác nhau thì báo cáo với ít nhất hai Phó Chánh án TAND tối cao hoặc báo cáo Chánh án TAND tối cao.
Do thực hiện Luật TAND năm 2014 có những thay đổi cơ bản về tình hình thực hiện nhiệm vụ giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm nên TAND đang nghiên cứu mô hình thành lập các Tổ Thẩm phán và quy trình giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm tái thẩm để áp dụng thống nhất cho TAND tối cao và TAND cấp cao.
Hiện nay, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đang giải quyết đơn yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy trình:
- Thẩm tra viên được phân công nghiên cứu hồ sơ báo cáo Thẩm phán được phân công. Thẩm tra viên và Thẩm phán thống nhất quan điểm không có căn cứ kháng nghị hoặc Thẩm tra viên nhận thấy cần kháng nghị nhưng Thẩm phán không đồng ý thì Thẩm tra viên soạn văn bản trình Thẩm phán ký trả lời đơn.
- Thẩm tra viên và Thẩm phán thống nhất quan điểm cần kháng nghị hoặc Thẩm tra viên đề xuất trả lời đơn nhưng Thẩm phán thấy cần kháng nghị thì báo cáo lên Phó Chánh án phụ trách. Nếu Phó Chánh án đồng ý kháng nghị thì Thẩm tra viên soạn thảo văn bản trình Phó Chánh án ký kháng nghị. Nếu Phó Chánh án thấy không kháng nghị thì Thẩm tra viên lập tờ trình báo cáo Chánh án xem xét quyết định. Nếu Chánh án đồng ý không kháng nghị thì Thẩm tra viên thảo văn bản để Phó Chánh án ký trả lời đơn. Nếu Chánh án đồng ý kháng nghị thì Chánh án hoặc Chánh án ủy nhiệm cho Phó Chánh án phụ trách ký kháng nghị. Chánh án có thể xem xét lại các trả lời đơn hoặc kháng nghị khi cần thiết.
- Mỗi giai đoạn báo cáo lên một cấp chậm nhất là 5 ngày làm việc.
Việc giải quyết đơn, án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo một quy trình cụ thể, góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong quá trình thực hiện, TAND đã làm tốt công tác rà soát, phân loại để tập trung xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Vụ án nào có căn cứ thì kháng nghị, nếu không có căn cứ thì thông báo việc không kháng nghị. Nhiều vụ việc đã giải quyết nhưng đương sự tiếp tục khiếu nại vẫn được thụ lý để xem xét cẩn trọng; các vụ việc khiếu nại bức xúc đều được quan tâm giải quyết nhanh chóng, dứt điểm. Đối với các vụ án có quyết định tạm hoãn thi hành án đều được giải quyết trong thời hạn theo quy định của pháp luật. Những vụ việc được các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội… quan tâm có ý kiến hay chuyển đơn đều được khẩn trương xem xét và thông báo kết quả giải quyết.
              Những kinh nghiệm trong công tác thụ lý, giải quyết đơn, án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân.
              Kinh nghiệm trong công tác thụ lý
              Có thể nói công tác thụ lý đơn là một khâu quan trọng trong tiến trình giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm đảm bảo việc thụ lý đơn đủ điều kiện và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Để làm tốt công tác này TAND đã rút ra một số kinh nghiệm như sau:
              Thứ nhất, về nguồn nhân lực: Trong những năm qua, TAND đã xây dựng được một đội ngũ làm công tác thụ lý đơn vừa có trình độ chuyên môn (cử nhân luật) vừa có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, để có khả năng phân loại đơn, đánh giá đơn thuộc thẩm quyền của đơn vị mình hay đơn vị khác, đơn có đủ điều kiện thụ lý hay không, điều này làm hạn chế tối đa việc thụ lý đơn không thuộc thẩm quyền hay không đủ điều kiện thụ lý, giảm tình trạng quá tải đơn, hay để đơn hết thời hiệu giải quyết mới thụ lý.
              Thứ hai, về điều kiện phương tiện làm việc: Tối đa các điều kiện, phương tiện, trang thiết bị làm việc cho cán bộ thụ lý, đặc biệt là trang bị về công nghệ thông tin trong công tác thụ lý, thống kê, giúp cho cán bộ thụ lý cập nhập dữ liệu, theo dõi thông tin, thống kê dữ liệu một cách nhanh chóng, chính xác, khoa học.
              Thứ  ba, về chế độ phân công công việc và chịu trách nhiệm: Phân công cán bộ phụ trách chung trong công tác thụ lý và phân công cán bộ phụ trách từng mảng, hoạt động cụ thể trong công tác thụ lý, điều này giúp nâng cao trách nhiệm của cán bộ, tránh sai sót, trùng lắp và dễ quản lý, theo dõi công việc. Cán bộ phụ trách mảng công việc nào phải chịu trách nhiệm và báo cáo công việc với  cán bộ phụ trách chung, điều này giúp cho công tác thụ lý vừa có sự quản lý thống nhất  vừa đề cao trách nhiệm cá nhân.
              Thứ tư, về tập huấn công tác thụ lý, thống kê: Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về thụ lý, thống kê cho cán bộ thụ lý, giúp cán bộ thụ lý thống nhất về nhận thức, cách xử lý, cập nhập dữ liệu, thu thập và sử dụng số liệu thống kê, kịp thời hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc phát sinh.
              Thứ năm, cần có sự thống nhất giữa lãnh đạo ngành TAND và Viện kiểm sát nhân dân trong việc trao đổi thông tin giải quyết án theo thủ tục giám đốc, tái thẩm vì trên thực tế TAND và VKSND thụ lý đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trùng nhau rất nhiều dẫn đến thực hiện các thủ tục không cần thiết như: Làm phiếu mượn hồ sơ vụ án ở Tòa án địa phương trong khi hồ sơ vụ án đã được chuyển đến TAND hoặc VKSND; thụ lý, nghiên cứu đơn trong khi Tòa án hoặc VKS đã có kháng nghị…vấn đề này làm tốn thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả thụ lý, giải quyết đơn, án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
              Kinh nghiệm giải quyết đơn, án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân
              Trong những năm qua, công tác giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm tại TAND đã đạt được những thành tựu nhất định, số lượng và chất lượng giải quyết án không ngừng tăng lên qua các năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn và yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Thông qua công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã kịp thời phát hiện những sai sót trong quá trình giải quyết, xét xử của Tòa án cấp dưới; những vấn đề bất cập trong các quy định của pháp luật đều kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn pháp luật cho phù hợp. Các phán quyết trong quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm có chấp nhận kháng nghị hay không chấp nhận kháng nghị đều nhằm mục đích hướng dẫn áp dụng đúng pháp luật trong việc giải quyết vụ án. Do đó, các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm đặc biệt là các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ngoài việc giải quyết những vụ án cụ thể còn là văn bản có tính chất hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong hệ thống TAND nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật. Thông qua thực tiễn giải quyết đơn, án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND, chúng tôi rút ra một số vấn đề cần lưu ý như sau:
              Thứ nhất, phải xây dựng một quy trình giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị. Quy trình giải quyết án phải được áp dụng thống nhất và có giá trị bắt buộc đối với các cán bộ, công chức làm công tác giải quyết án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Quy trình này phải được xây dựng dựa trên tiêu chí nhanh chóng, đơn giản, linh hoạt và đúng pháp luật.
              Thứ hai, phải nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách kỹ lưỡng, thận trọng, khoa học. Đây là một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giải quyết vụ án và  giúp hạn chế trường hợp án bị trả về nghiên cứu lại làm mất thời gian của Thẩm tra viên nghiên cứu cũng như Thẩm phán và lãnh đạo Tòa án.  Có nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án thì Thẩm tra viên nghiên cứu mới có đủ điều kiện viện dẫn các căn cứ, các chứng cứ và lời khai của đương sự, bị can, nhân chứng khi trình bày quan điểm và đề xuất ý kiến với Thẩm phán phụ trách và lãnh đạo đơn vị. Tùy vào tính chất của từng hồ sơ vụ án phức tạp hay đơn giản, nhiều hành vi hay ít hành vi, nhiều đương sự hay không, có đồng phạm hay không…và căn cứ vào sở trường, năng khiếu của Thẩm tra viên mà đề ra phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án khác nhau. Thông thường đối với các vụ án có nội dung phức tạp, Thẩm tra viên lập bản cứu ghi chú lại các tài liệu, nội dung quan trọng của vụ án để thuận lợi trong quá trình báo cáo án với lãnh đạo Tòa án.
              Thứ ba, TAND thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn  nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi, rèn luyện kỹ năng cho đội ngũ công chức này. Đây là vấn đề quan trọng và có ý nghĩa thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm tại TAND. Qua các buổi tập huấn, các cán bộ công chức cũng có cơ hội trao đổi kinh nghiệm cũng như nêu ra vướng mắc và đề xuất kiến nghị, giải pháp trong quá trình giải quyết án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, đồng thời giúp cho lãnh đạo đơn vị kịp thời khắc phục, sửa chữa, bổ sung quy trình giải quyết án phù hợp với thực tế hơn.
              Thứ tư, TAND tối cao tổ chức các hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác xét xử. Qua hội nghị này, TAND tối cao tập trung giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thực tiễn xét xử. Điều này giúp các Tòa án địa phương hạn chế các sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết vụ án, rút kinh nghiệm từ những vụ án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, phần nào giảm thiểu được lượng đơn đề nghị kháng nghị và bản án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
              Thứ năm, TANDTC phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, nhằm khắc phục tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất ở mỗi cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm. Bên cạnh đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhằm tạo hành lang pháp lý để TAND có cơ sở pháp lý chắc chắn để giải quyết, xét xử các loại vụ án nói chung và án giám đốc thẩm, tái thẩm nói riêng.
              Trong thời gian vừa qua TAND đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, với sự chủ động, linh hoạt trong cách điều hành công việc của lãnh đạo và sự nỗ lực cố gắng của các cán bộ, công chức TAND và việc sử dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý việc tiếp nhận, xử lý, thụ lý và giải quyết đơn nên công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã có những chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả cao. Thực tế cho thấy công tác giám đốc thẩm của TAND đã góp phần bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong đội ngũ Thẩm phán Tòa án các cấp, tạo tiền đề để TAND tối cao ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Đồng thời, công tác giám đốc thẩm cũng là một kênh để đánh giá chất lượng cán bộ, công chức trong ngành TAND. Từ đó, không ngừng nâng cao chất lượng giải quyết các loại án từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm,  giảm thiểu số lượng án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
TAND cấp cao tại Tp Hồ Chí Minh
Tìm kiếm