CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tìm hiểu về đạo luật Megan của Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam trong ngăn chặn tội phạm tình dục

15/02/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Đạo luật Megan quy định việc xây dựng một hệ thống quản lý và đăng ký tội phạm tình dục, cho phép công dân có thể tra cứu danh tính của người phạm tội để chủ động phòng tránh, đồng thời hỗ trợ quá trình thống kê, theo dõi, dự đoán các tình huống tội phạm; từ đó hạn chế nguyên nhân gây ra tội phạm ẩn. Tìm hiểu đạo luật Megan là tiếp cận dưới góc độ nạn nhân của tội phạm hình sự, hướng đến một biện pháp phòng ngừa tội phạm hiệu quả.

Số lượng tội phạm tình dục đang là một con số đáng báo động đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Do đó, mỗi quốc gia đã và đang xây dựng các quy định và chính sách riêng đối với tội phạm tình dục và nạn nhân của loại tội phạm này, trong đó có đạo luật Megan của Hoa Kỳ. Gắn liền với sự phát triển của ngành khoa học “nạn nhân học” (victimology), đạo luật Megan, một mặt là công cụ hữu ích nhằm ngăn chặn tội phạm tình dục, mặt khác, nó khẳng định vai trò của nạn nhân trong mối quan hệ với xã hội và tội phạm.

1. Về ngành nạn nhân học và đạo luật Megan

1.1. Về ngành nạn nhân học

Nạn nhân học là ngành khoa học nghiên cứu về nạn nhân, bao gồm các mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội, nạn nhân và hệ thống tư pháp hình sự, nạn nhân với các nhóm và tổ chức xã hội khác. Nạn nhân học nghiên cứu nạn nhân của tội phạm và các hình thức vi phạm nhân quyền khác mà không nhất thiết là tội phạm. Nạn nhân học làm rõ nguyên nhân tại sao một số người lại trở thành đối tượng của tội phạm hình sự. Bên cạnh đó, nó còn nghiên cứu về nhiệm vụ của Cảnh sát, Tòa án và hệ thống hình sự, cũng như việc ngăn chặn các hành vi của nạn nhân. Nạn nhân học như một phần của tội phạm học, không chỉ liên quan đến tội phạm, mà còn liên quan đến các vấn đề rộng lớn hơn về kiểm soát xã hội, sự lệch lạc và đánh giá những điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hình phạt và việc xét xử đối với tội phạm hình sự. Ở nước ta, việc nghiên cứu về nạn nhân học và áp dụng những thành tựu của nó trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói chung và trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói riêng vẫn ở mức độ nhất định. Trong nạn nhân học có cả hai thuật ngữ “nạn nhân” và “người bị hại”. Đối với nạn nhân học với tính chất là học thuyết chung về nạn nhân - đối tượng chịu thiệt hại trong tình huống không có tính chất tội phạm thì thuật ngữ “nạn nhân” hoàn toàn đầy đủ. Tuy nhiên, đối với nạn nhân học trong tội phạm học thì cần thêm thuật ngữ “người bị hại”, bởi vì nó phản ánh không chỉ việc nạn nhân hóa, mà còn thể hiện cách tiếp cận tố tụng hình sự đối với nạn nhân (vỏ pháp lý của nạn nhân). Trên phương diện nạn nhân học, người bị hại được hiểu là nạn nhân trực tiếp của tội phạm.

Năm 1996, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật Megan (sửa đổi Đạo luật kiểm soát tội phạm bạo lực và thực thi pháp luật năm 1994). Luật liên bang không phải là đạo luật đầu tiên đề cập đến vấn đề đăng ký tội phạm tình dục bị kết án. Ngay từ năm 1947, tại bang California đã có luật yêu cầu những người phạm tội tình dục phải đăng ký. Tuy nhiên, kể từ khi luật liên bang được thông qua vào tháng 5/1996, tất cả các bang của Hoa Kỳ đều đã thông qua một số quy định của luật Megan để thi hành nhằm ngăn chặn và hạn chế tội phạm tình dục.

1.2. Quy định của đạo luật Megan

Đạo luật Megan sửa đổi Đạo luật kiểm soát tội phạm bạo lực và thực thi pháp luật năm 1994 nhằm yêu cầu công bố thông tin liên quan để bảo vệ công chúng khỏi những kẻ phạm tội bạo lực tình dục. Cụ thể, tại Mục 2 điểm d quy định về nội dung “Tiết lộ thông tin”: (1) Thông tin được thu thập theo chương trình đăng ký của tiểu bang có thể được tiết lộ cho bất kỳ mục đích nào được pháp luật của tiểu bang cho phép; (2) Cơ quan thực thi pháp luật liên bang được chỉ định và bất kỳ cơ quan thực thi pháp luật địa phương nào được cơ quan liên bang ủy quyền sẽ công bố thông tin liên quan cần thiết để bảo vệ công chúng liên quan đến một người cụ thể được yêu cầu đăng ký theo phần này, ngoại trừ danh tính của nạn nhân của một hành vi phạm tội.

Việc đăng ký lý lịch tội phạm dựa trên các lý do sau: Nguy cơ tái phạm sau thời gian tạm giữ là cao đối với tội phạm mại dâm; bảo vệ công dân khỏi tội phạm tình dục là lợi ích chính của chính phủ; tiết lộ một số thông tin nhất định về tội phạm tình dục cho các cơ quan có thẩm quyền và công dân sẽ hỗ trợ trong việc bảo vệ an toàn công cộng. Đạo luật Megan yêu cầu các tiểu bang thiết lập hệ thống cung cấp thông tin đăng ký cho công dân thông qua các phương pháp thông báo của cộng đồng.

Dựa trên luật pháp liên bang, Bộ Tư pháp ở các bang khác nhau thực thi đạo luật tại các bang của họ. Các yêu cầu đăng ký tội phạm tình dục là khác nhau, tùy theo từng tiểu bang nhưng có chung một số đặc điểm nhất định. Những kẻ phạm tội tình dục đã bị kết án phải đăng ký với cơ quan thực thi pháp luật địa phương của họ. Thông tin này được chuyển đến các cơ quan đầu mối, chẳng hạn như Cảnh sát tiểu bang hoặc Cục điều tra tiểu bang. Thông tin cần thiết cho cơ quan đăng ký thường bao gồm tên, địa chỉ, ngày sinh, thông tin an sinh xã hội, mô tả ngoại hình, dấu vân tay và ảnh. Thông tin xác thực cũng có thể được yêu cầu, cũng như các mẫu để nhận dạng DNA. Cục điều tra liên bang (FBI) duy trì một trang web liên kết đến tất cả các trang web đăng ký tội phạm tình dục của tiểu bang. Trang web công khai về tội phạm tình dục quốc gia do Bộ Tư pháp điều phối, cho phép mọi công dân tìm kiếm thông tin mới nhất từ ​​tất cả 50 tiểu bang, đặc khu Columbia, Puerto Rico, Guam và nhiều bộ lạc da đỏ để biết danh tính và vị trí của những tội phạm tình dục đã biết.

Các quy định của luật Megan được áp dụng rộng rãi ở các bang của Hoa Kỳ; điều đó cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với nạn nhân của tội phạm (đặc biệt là nạn nhân của tội phạm tình dục). Thông tin của tội phạm được đăng ký để biết một cách chi tiết nhất có thể. Thông tin của nạn nhân được bảo mật để hạn chế ảnh hưởng tâm lý của họ. Bên cạnh đó, mọi bang đều chủ động thực hiện quy định của luật liên bang (Đạo luật Megan) tại bang của mình. Đạo luật Megan có tác động lớn đến xã hội, đặc biệt là tâm lý của nạn nhân và người phạm tội. Trên thực tế, không chỉ Hoa Kỳ mà nhiều quốc gia khác cũng đã xây dựng luật Megan. Với sự phát triển của ngành khoa học nghiên cứu về nạn nhân của tội phạm, việc đánh giá lại các quy định của đạo luật Megan là thực sự cần thiết.

2. Đánh giá về đạo luật Megan và kinh nghiệm cho Việt Nam trong ngăn chặn tội phạm tình dục

2.1. Ưu điểm

Dưới góc độ nạn nhân của tội phạm và các cơ quan thực thi pháp luật, đạo luật Megan mang đến những đánh giá tích cực và được ủng hộ trong quá trình áp dụng bởi những ưu điểm sau:

- Công dân có thể chủ động trong công tác phòng chống tội phạm, nắm được có hay không tội phạm tình dục tại khu phố của họ để có các biện pháp phòng ngừa nhất định. Quyền truy cập vào sổ đăng ký hoặc việc công bố thông tin của cơ quan thực thi pháp luật hoặc các cơ quan được chỉ định khác sẽ cho phép họ đạt được mục tiêu này.

- Chính phủ cũng như các cơ quan thực thi pháp luật xem xét và tra cứu các nghi phạm liên quan đến bất kỳ vụ việc nào một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, việc đăng ký cũng hỗ trợ giai đoạn điều tra và tìm ra hung thủ. Việc sử dụng sổ đăng ký như một công cụ thực thi pháp luật để theo dõi những đối tượng tình nghi. Nếu một hành vi phạm tội tình dục được thực hiện và không có nghi phạm nào được xác định, sổ đăng ký có thể được sử dụng để xác định các nghi phạm tiềm năng sống trong khu vực hoặc những người có kiểu phạm tội tương tự.

- Với quy định của luật Megan, việc tái phạm có thể sẽ được hạn chế. Khi đã đăng ký, người vi phạm hiểu rằng họ đang bị theo dõi, do đó sẽ ngăn chặn tái phạm. Việc này cũng có tác động với những kẻ phạm tội tình dục lần đầu.

- Nạn nhân sẽ cảm thấy yên tâm khi người phạm tội được chính quyền quản lý, theo dõi.

- Việc đăng ký giúp Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền có thể theo dõi số vụ án và người phạm tội, hỗ trợ quá trình thống kê, báo cáo và dự đoán các tình huống tội phạm. Các công cụ báo cáo sẽ giúp hạn chế các nguyên nhân gây ra tội phạm ẩn (latency crime).

2.2. Một số hạn chế

- Hệ thống đăng ký mâu thuẫn với các mục tiêu bảo vệ nhân quyền của cộng đồng và được coi là hành vi xâm phạm quyền của người vi phạm, tội phạm.

- Những kẻ phạm tội tình dục đã được trả tự do không nên bị trừng phạt thêm. Bằng cách buộc những người phạm tội tình dục phải đăng ký, xã hội sẽ gửi một thông điệp đến những người phạm tội rằng họ không đáng tin cậy, rằng họ là những người xấu và nguy hiểm. Một thông điệp như vậy có thể chống lại nỗ lực cải tạo người phạm tội và vô tình khuyến khích hành vi chống đối xã hội. Người vi phạm có thể sử dụng luật để hợp lý hóa các tội ác khác: “Nếu xã hội nghĩ rằng tôi là mối đe dọa thường trực, tôi đoán tôi là vậy và tôi không thể làm gì để ngăn mình”. Một nguy cơ khá rõ là luật đăng ký có thể khuyến khích những kẻ phạm tội tình dục trốn tránh sự chú ý của cơ quan thực thi pháp luật bằng cách hoạt động ngầm. Một số tội phạm xâm hại tình dục sẽ chọn cách không tuân thủ luật pháp, thay đổi danh tính và che giấu nơi ở, khiến việc điều tra các vụ tấn công tình dục trở nên khó khăn hơn. Điều này không chỉ khiến Cảnh sát khó theo dõi các đối tượng đó hơn mà còn gây khó khăn cho các chuyên gia như cố vấn và nhà tâm lý học, những người có thể giúp họ. Nếu người phạm tội bị săn đuổi hết nơi này đến nơi khác, họ ít có khả năng ở trong một môi trường ổn định và được hỗ trợ, làm giảm triển vọng phục hồi.

- Các mục tiêu của hệ thống có thể không đạt được bởi sự bất hợp tác của người vi phạm, họ có thể từ chối đăng ký hoặc cung cấp tên và địa chỉ sai.

- Đăng ký tạo ra một cảm giác an toàn giả. Người dân có thể phụ thuộc quá nhiều vào sổ đăng ký, không nhận ra rằng phần lớn những người phạm tội tình dục không bao giờ xuất hiện trong danh sách đăng ký.

- Việc đăng ký những người phạm tội tình dục ngụ ý rằng, những người phạm tội này là nguy hiểm nhất, trong khi tội phạm khác có nguy cơ tương tự hoặc cao hơn.

  - Đăng ký có thể khuyến khích một tâm lý cảnh giác. Khi danh sách đăng ký được công khai, công dân có thể đe dọa và có hành động chống lại người vi phạm, thậm chí là gia đình của người phạm tội.

- Nếu được công khai, danh sách những tội phạm tình dục đã đăng ký có thể vô tình tiết lộ danh tính của nạn nhân. Việc vi phạm quyền riêng tư như vậy có thể khiến nạn nhân bị tổn thương. Mặt khác, nhìn từ góc độ kinh tế, sẽ rất tốn kém để tạo lập và duy trì danh sách tất cả những tội phạm tình dục bị kết án (bao gồm tên, địa chỉ và các thông tin khác). Công quỹ có thể được chi tiêu tốt hơn cho các lĩnh vực như điều trị những kẻ phạm tội tình dục bị giam giữ, giám sát chuyên sâu một nhóm nhỏ những kẻ phạm tội tình dục nghiêm trọng nhất hoặc để hỗ trợ các nạn nhân của lạm dụng tình dục.

- Kinh nghiệm của Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, nơi nào có sổ đăng ký để công chúng kiểm tra thì sẽ có tác động đến giá trị tài sản tại nơi đó. Sự hiện diện của một tội phạm tình dục có thể làm giảm giá nhà trong khu phố và các đại lý bất động sản đã đưa ra các quy định trong hợp đồng, yêu cầu người thuê nhà phải khai báo nếu họ được thông báo về bất kỳ tội phạm tình dục nào sống trong khu vực.

2.3. Kinh nghiệm đối với Việt Nam trong ngăn chặn tội phạm tình dục

Tình trạng tội phạm xâm phạm tình dục ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra phức tạp. Nạn nhân của loại tội phạm này chiếm đa số là phụ nữ và trẻ em - những đối tượng có khả năng chống cự, phòng vệ và tự vệ còn hạn chế. Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thực tế cho thấy, các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tội phạm tình dục ở Việt Nam vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Pháp luật hình sự Việt Nam có những chế tài nghiêm khắc để xử lý tội phạm xâm phạm tình dục, tuy nhiên cách thức và biện pháp phòng ngừa loại tội phạm này mới thực sự là yếu tố quan trọng. Nạn nhân của loại tội phạm này phải chịu những tổn thất lớn, chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức cũng như đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa là vấn đề then chốt để bảo vệ nạn nhân của tội phạm tình dục.

Dựa trên những mặt ưu điểm và hạn chế của đạo luật Megan để có cơ sở xác định: Có thực sự cần thiết phải xây dựng những quy định tương tự để áp dụng tại Việt Nam trong tình hình hiện nay hay không? Có nghĩa là xây dựng một hệ thống quản lý và đăng ký tội phạm tình dục, cho phép mọi công dân có thể tra cứu danh tính của kẻ phạm tội để chủ động phòng tránh. Nếu áp dụng, các quy định này cần phải phù hợp với các quyền con người quy định trong Hiến pháp, các quy định của pháp luật hiện hành, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.

Sự phát triển của ngành nạn nhân học ngày càng được quan tâm nhiều hơn bởi các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam chưa coi nạn nhân học là một lĩnh vực khoa học mà nó nằm trong phạm vi nghiên cứu của tội phạm học. Vì vậy, đây là vấn đề cần được đánh giá lâu dài ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Các quy định của luật Megan là một bước đệm quan trọng đánh dấu quá trình phát triển của ngành nạn nhân học trên thế giới. Việc tìm hiểu các quy định của đạo luật này cũng là cách Việt Nam nghiên cứu sâu hơn về ngành nạn nhân học. Tiếp cận dưới góc độ nạn nhân của tội phạm hình sự cũng là một trong số các biện pháp nhằm phòng ngừa tội phạm một cách có hiệu quả.

Vấn đề công khai danh tính kẻ phạm tội cũng có mối liên quan đến nội dung công lý phục hồi (restorative justice). Vì vậy, cần phải xem xét có thực sự cần thiết để công khai danh tính người phạm tội hay không nếu họ đã thỏa thuận hòa giải thành với nạn nhân và người nhà nạn nhân. Công lý phục hồi là vấn đề đang được tiếp cận ở Việt Nam hiện nay. Đây là hình thức thực thi công lý thông qua việc hòa giải hai bên: Bên xâm hại và bên bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp, cùng với sự tham gia của cộng đồng. Hình thức này khác với hình thức công lý trừng phạt nhằm mục đích để người phạm tội tự nhận lấy trách nhiệm và tham gia khắc phục hậu quả gây ra. Đây không phải xử phạt hội đồng mà là một buổi hòa giải đích thực, với quyền lợi được trao cho đôi bên dựa trên quan điểm việc áp dụng hình phạt không giúp ích gì cho việc thay đổi thái độ và các mối quan hệ xã hội10. Nạn nhân (người có quyền và lợi ích bị xâm hại) có vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm của việc hòa giải. Ba dấu hiệu của công lý phục hồi bao gồm: Cuộc gặp gỡ giữa các nạn nhân và người phạm tội; nghĩa vụ khắc phục thiệt hại, hậu quả và kỳ vọng rằng sự chuyển đổi có thể diễn ra (liên quan đến lối sống và cảm xúc của nạn nhân).

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định “nguyên tắc hòa giải”. Nhưng khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 lại quy định: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, được người bị hại hoặc người đại diện tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định trình tự hay các trường hợp bắt buộc phải hòa giải hay hậu quả pháp lý của việc hòa giải. Trên cơ sở đó, bài học rút ra là Việt Nam cần nghiên cứu và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề nạn nhân của tội phạm. Việc xây dựng mối quan hệ giữa công lý phục hồi và luật Megan có thể mang lại cho nạn nhân và tội phạm cơ hội giảm thiểu hậu quả của tội phạm như nhau (hai bên cùng có lợi) và giảm đi gánh nặng cho các cơ quan thực thi pháp luật. Từ đó, nghiên cứu xây dựng các quy định giống như đạo luật Megan để áp dụng tại Việt Nam như là một biện pháp đấu tranh đối với tội phạm tình dục./.

Nguyễn Huyền My, Nguyễn Văn Hiếu

(kiemsat.vn)
Tìm kiếm