Qua công tác kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam...
Qua công tác kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và ông Nguyễn Văn P, chủ doanh nghiệp tư nhân TX, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc thấy việc giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm về tố tụng nên đã ban hành quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tại Bản án phúc thẩm số 05/2019/KDTM-PT ngày 04/11/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện LT.
Nội dung vụ án: Ngày 30/5/2011, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng) đã ký hợp đồng tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân TX (gọi tắt là doanh nghiệp TX) vay số tiền là 1.400.000.000 đồng (một tỷ bốn trăm triệu đồng), mục đích vay để mua bán xăng dầu, kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống, vận tải đường bộ bằng ô tô. Thời hạn cho vay tối đa là 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Đến kỳ hạn trả nợ, doanh nghiệp TX đã trả được toàn bộ khoản nợ và đề nghị được vay lại 1.400.000.000 đồng, Ngân hàng cũng đã giải ngân cho doanh nghiệp vay lại số tiền 1.400.000.000 đồng. Lãi suất cho vay theo hợp đồng tín dụng là 18%/năm, sau đó lãi suất điều chỉnh theo lãi suất hàng năm, lãi suất quá hạn là 150% lãi suất cho vay, các thỏa thuận khác đều thể hiện trong hợp đồng và giấy nhận nợ.
Để đảm bảo cho các khoản vay của hợp đồng tín dụng trên, ngày 26/5/2011, giữa Ngân hàng với ông Nguyễn Văn P (đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp TX) ký hợp đồng thế chấp tài sản là nhà ở xây cấp 3 có diện tích 440m2, xây năm 2010 thuộc thửa đất 384, tờ bản đồ số 02; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 575594 do UBND huyện LT cấp ngày 29/6/2009, đứng tên ông Nguyễn Văn P, nguồn gốc đất thuê có nộp tiền thuê đất hàng năm.
Do doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc doanh nghiệp tư nhân TX phải trả cho Ngân hàng tổng số tiền gốc, lãi tính đến ngày 21/6/2019 là 2.646.142.027 đồng và đề nghị doanh nghiệp phải tiếp tục trả tiền lãi quá hạn cho Ngân hàng tính từ ngày 22/6/2019 đến khi doanh nghiệp trả được toàn bộ khoản nợ cho Ngân hàng.
Nếu doanh nghiệp không trả được nợ cho Ngân hàng thì đề nghị xử lý tài sản thế chấp là trụ sở doanh nghiệp tư nhân TX diện tích là 440m2, xây năm 2010 trên diện tích đất 120m2 , trong tổng số 249m2 thuộc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất số AO 575594 do UBND huyện LT cấp ngày 29/6/2009. Trường hợp tài sản thế chấp không đủ để thanh toán thì Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mại các tài sản khác thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của bị đơn cũng như tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của người đại diện theo pháp luật của bị đơn cho đến khi trả hết nợ.
Bị đơn nhất trí với trình bày của Ngân hàng về quá trình vay tiền, ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và các khoản tiền đã trả được cho Ngân hàng. Từ năm 2013, doanh nghiệp đã trả lại tài sản thế chấp là trụ sở doanh nghiệp cho Ngân hàng để phát mại tài sản nên doanh nghiệp không tiếp tục trả lãi nữa.
Nay Ngân hàng khởi kiện, ông P, chủ doanh nghiệp đồng ý trả tiền gốc cho Ngân hàng 1.259.700.000 đồng và tiền lãi tính đến năm 2013, còn từ năm 2013 đến nay, ông không đồng ý phải trả tiền lãi nữa vì từ thời điểm đó ông đã giao tài sản thế chấp cho Ngân hàng tự phát mại, bán đấu giá. Vì điều kiện kinh tế hiện nay khó khăn, không có khả năng trả bằng tiền, ông đề nghị trả toàn bộ tài sản đã thế chấp cho Ngân hàng là trụ sở doanh nghiệp tư nhân TX, diện tích 440m2, xây trên diện tích đất 120m2 trong tổng số 249 m2 đất thuê, thời hạn thuê là 40 năm, bắt đầu từ năm 2009. Nhà nước có thu tiền thuê đất hàng năm, ông P đã trả tiền thuê đầy đủ và đề nghị Ngân hàng xóa nợ cho doanh nghiệp tư nhân TX.
Tại Bản án số 01/2019/KDTM-ST ngày 21/6/2019, Toà án nhân dân huyện LT đã quyết định (tóm tắt):
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam;
Buộc doanh nghiệp tư nhân TX trả nợ cho Ngân hàng số tiền gốc, lãi tính đến ngày 21/6/2019 là 2.646.142.027 đồng, trong đó: Tiền gốc là 1.259.700.000 đồng; tiền lãi trong hạn là 948.785.518 đồng, lãi quá hạn là 437.656.508 đồng.
Doanh nghiệp tư nhân TX phải tiếp tục trả tiền lãi phát sinh cho Ngân hàng kể từ ngày 22/6/2019 theo mức lãi suất nợ quá hạn thỏa thuận đã ký kết trong Hợp đồng tín dụng 2808-LAV-201102405 ngày 30/5/2011 và các giấy nhận nợ ngày 07/5/2012, ngày 09/5/2012, ngày 11/5/2012, ngày 15/5/2012 và ngày 18/5/2012 cho đến khi thanh toán xong.
Trường hợp doanh nghiệp tư nhân TX không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đầy đủ thì Ngân hàng có quyền đề nghị Cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý bán phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo Hợp đồng thế chấp tài sản ngày 26/5/2011, cụ thể là trụ sở doanh nghiệp tư nhân TX.
Nếu tài sản bảo đảm sau khi được phát mại không đủ để trả nợ thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mại các tài sản khác thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của bị đơn cũng như tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của người đại diện theo pháp luật của bị đơn để thanh toán hết khoản nợ cho nguyên đơn.
Bản án còn giải quyết án phí, quyền kháng cáo bản án theo quy định pháp luật.
VKSND tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm có những vi phạm như sau:
- Vi phạm trong việc xác định tư cách đương sự:
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khởi kiện buộc doanh nghiệp tư nhân TX phải trả cho Ngân hàng đối với khoản tiền nợ gốc và nợ lãi mà doanh nghiệp tư nhân TX vay của Ngân hàng theo hợp đồng tín dụng và các giấy nhận nợ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định doanh nghiệp tư nhân TX là bị đơn, ông Nguyễn Văn P là giám đốc, đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Việc xác định tư cách bị đơn như vậy là không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp, vi phạm khoản 3 Điều 185 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: "Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp''. Từ việc xác định không đúng tư cách bị đơn dẫn đến việc Tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết vụ án đã tuyên buộc doanh nghiệp tư nhân TX phải trả nợ Ngân hàng là không đúng quy định của pháp luật vì người phải thi hành án là ông Nguyễn Văn P, chủ doanh nghiệp tư nhân TX, chứ không phải doanh nghiệp tư nhân TX.
- Vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ, dẫn tới quyết định của bản án về quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ không đúng quy định pháp luật, gây khó khăn cho việc thi hành án:
Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định: Nếu doanh nghiệp tư nhân không trả được nợ, Ngân hàng được quyền đề nghị Cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý bán phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo hợp đồng thế chấp ngày 26/5/2011 là trụ sở doanh nghiệp tư nhân TX (3 tầng và 1 tầng hầm để xe), diện tích 440 m2, xây trên diện tích 120 m2 trong tổng diện tích đất thuê theo sơ đồ hiện trạng là 249 m2 thuộc thửa số 384, tờ bản đồ số 02.
Theo kết quả thẩm định lại xác định: Trụ sở doanh nghiệp xây trên diện tích 110 m2, không phải xây trên diện tích 120 m2 trong tổng số diện tích đất thuê 249m2 như bản án sơ thẩm nhận định. Ngoài ra, trên đất còn có các tài sản không bảo đảm gồm có: 1 lán xây gạch không trát lợp mái tôn diện tích 20,9m2; 1 nhà cấp 4 lợp mái tôn diện tích 34,9 m2; một phần nhà của cây xăng diện tích 11,6m2; bậc tam cấp trước cửa nhà cấp 3 diện tích là 3,0 m2 nằm trong thửa đất số 384, tờ bản đồ số 02 nhưng bản án sơ thẩm không xem xét quyết định.
Theo Điều 68 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; khoản 12 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều về giao dịch bảo đảm; khoản 3 Điều 189 Luật Đất đai năm 2013; khoản 2 Điều 326 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trong trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất, khi xử lý tài sản gắn liền với đất, người mua, người nhận chính tài sản gắn liền với đất đó được tiếp tục sử dụng đất. Quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong hợp đồng về quyền sử dụng đất giữa bên thế chấp và người sử dụng đất, được chuyển giao cho người mua, người nhận chính tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Phần giá trị tăng thêm của tài sản không thế chấp được ưu tiên thanh toán cho người đã đầu tư vào tài sản thế chấp.
Căn cứ quy định nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm phải quyết định cho Ngân hàng được phát mại toàn bộ tài sản của doanh nghiệp trên toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm; phần giá trị tăng thêm của tài sản không thế chấp được ưu tiên thanh toán cho người đã đầu tư vào tài sản tài sản thế chấp. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ quyết định cho Ngân hàng được phát mại tài sản doanh nghiệp đã thế chấp cho Ngân hàng trên một phần đất của doanh nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm là chưa phù hợp với các tình tiết, chứng cứ của vụ án, chưa phù hợp với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của nguyên đơn và gây khó khăn cho công tác thi hành án.
Với những vi phạm trong tố tụng nêu trên, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã kháng nghị theo hướng đề nghị hủy án sơ thẩm để giải quyết lại. Tuy nhiên, do Tòa án cấp phúc thẩm đã khắc phục được vi phạm của cấp sơ thẩm, nên tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đề nghị sửa án, được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
Nguyễn Tuyết, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc