Vừa qua, tại thành phố Tuyên Quang, Tạp chí Kiểm sát đã phối hợp với VKSND tỉnh Tuyên Quang tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học nghiệp vụ về công tác kiểm sát giải quyết án hình sự, dân sự, hành chính, lao động. Tham dự cuộc tọa đàm có đại diện Lãnh đạo, Kiểm sát viên Vụ 12 và Vụ 5 VKSNDTC và các đại biểu là đại diện Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo, Kiểm sát viên một số Phòng nghiệp vụ của VKSND các tỉnh: Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái cùng tập thể lãnh đạo Viện, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ và các VKSND cấp huyện thuộc tỉnh Tuyên Quang...
Tọa đàm khoa học nghiệp vụ kiểm sát tại VKSND tỉnh Tuyên Quang
Toàn cảnh tọa đàm
Vừa qua, tại thành phố Tuyên Quang, Tạp chí Kiểm sát đã phối hợp với VKSND tỉnh Tuyên Quang tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học nghiệp vụ về công tác kiểm sát giải quyết án hình sự, dân sự, hành chính, lao động. Tham dự cuộc tọa đàm có đại diện Lãnh đạo, Kiểm sát viên Vụ 12 và Vụ 5 VKSNDTC và các đại biểu là đại diện Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo, Kiểm sát viên một số Phòng nghiệp vụ của VKSND các tỉnh: Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái cùng tập thể lãnh đạo Viện, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ và các VKSND cấp huyện thuộc tỉnh Tuyên Quang.
Đồng chí Lý Văn Binh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tuyên Quang thay mặt lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang tới dự tọa đàm và phát biểu ý kiến chào mừng. Nhà báo Nguyễn Huy Miện, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát và đồng chí Phùng Tiến Quân, Viện trưởng VKSND tỉnh Tuyên Quang đồng chủ trì cuộc tọa đàm.
Để chuẩn bị nội dung cho cuộc tọa đàm này, trước đó, Ban tổ chức tọa đàm (VKSND tỉnh Tuyên Quang và Tạp chí Kiểm sát) đã nhận được tài liệu của 07 VKSND tỉnh trong khu vực gửi về, phản ánh nội dung 15 vụ việc (trong đó có 10 vụ án hình sự, 05 vụ án dân sự) hiện đang có các quan điểm khác nhau về cách giải quyết. Đồng thời, Vụ 12 VKSNDTC cũng đã cung cấp cho Ban Tổ chức 01 vụ án hành chính và 01 vụ án lao động hiện có nhiều vấn đề cần trao đổi, thông tin nhằm góp phần nâng cao nhận thức và phổ biến kinh nghiệm trong áp dụng pháp luật và nghiệp vụ để giải quyết các loại án phức tạp này.
Qua nghiên cứu nội dung các vụ việc và trên cơ sở trao đổi, thống nhất với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan (Vụ 1, Vụ 1A, Vụ 5, Vụ 12 thuộc VKSNDTC), Ban tổ chức đã lựa chọn, đưa ra 05 vụ việc (gồm có 02 vụ án hình sự, 01 vụ dân sự, 01 vụ hành chính và 01 vụ án lao động) để trao đổi tại cuộc tọa đàm cũng đã được gửi trước cho các đơn vị để tổ chức nghiên cứu, thảo luận, tổng hợp ý kiến và chuẩn bị bản tham luận trình bày tại tọa đàm.
Các đại biểu tham dự tọa đàm
Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát Nguyễn Huy Miện nêu rõ: Quán triệt các Nghị quyết, quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI và các quy định mới của pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp; trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh khu vực phía Bắc nói chung và Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Kạn nói riêng, đã kịp thời quán triệt nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, các quy định mới của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Ngành, bám sát sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cấp ủy địa phương; trên cơ sở đó đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt công tác để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong bối cảnh cải cách tư pháp.
Với tinh thần đó, trên cơ sở sáng kiến của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang và được sự ủng hộ của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ và Bắc Cạn; Tạp chí Kiểm sát và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp tổ chức cuộc Tọa đàm hôm nay để trao đổi, lấy ý kiến về cách giải quyết những vấn đề, những vụ, việc cụ thể còn có vướng mắc, đồng thời trao đổi, thảo luận, tìm biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn mới. Ban tổ chức (VKSND tỉnh Tuyên Quang và Tạp chí Kiểm sát) đã thống nhất lựa chọn 02 vụ án hình sự, 01 vụ án dân sự, 01 vụ án hành chính và 01 vụ án lao động nêu lên tại cuộc Toạ đàm hôm nay để các đơn vị phát biểu ý kiến tham luận về hướng giải quyết các vụ án này. Trước đó, Tạp chí Kiểm sát đã chuyển nội dung các vụ, việc này tới các Vụ nghiệp vụ trực thuộc VKSNDTC, đề nghị các Vụ có ý kiến trao đổi để các đại biểu tham khảo.
Tiếp đó, Th.s Nguyễn Như Hùng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát đã trình bày báo cáo đề dẫn tọa đàm. Theo đó:
1. Đối với vụ án "Lê Thị Bích Thủy và Nguyễn Thu Dung", bị khởi tố về tội chứa mại dâm, theo nội dung tài liệu do đơn vị cung cấp phản ánh thì vụ án này hiện có 3 quan điểm khác nhau về xác định tội danh (quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng, đã khởi tố bị can Nguyễn Thu Dung về tội "chứa mại dâm"; quan điểm thứ hai cho rằng Nguyễn Thu Dung và Lê Bích Thủy phạm tội "mua bán người", và quan điểm thứ ba thì cho rằng chưa đủ căn cứ để xác định Dung và Thủy có hành vi "mua bán người")
Như chúng ta đã biết, khoa học tư pháp hình sự đưa ra khái niệm xác định tội danh là hoạt động được tiến hành trên cơ sở đánh giá các chứng cứ, tài liệu thu thập được và các tình tiết thực tế của vụ án hình sự để xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng do luật hình sự quy định nhằm đạt được sự thật khách quan, tức là đưa ra sự đánh giá chính xác tội phạm về mặt pháp lý hình sự.
Như vậy, để trao đổi về các quan điểm khác nhau về xác định tội danh trong vụ án này, có lẽ phải đi từ các dấu hiệu đặc trưng, cấu thành tội phạm của tội "mua bán phụ nữ", trên cơ sở đó, đối chiếu với nội dung của vụ án để xác định chính xác tội danh của các bị can. Một điểm cần chú ý là tội "mua bán người" quy định tại Điều 119 Bộ luật hình sự; đây là một điều luật mới được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Trước đó, điều 119 quy định về tội "mua bán phụ nữ". Cũng do mới được sửa đổi, bổ sung nên việc hướng dẫn áp dụng điều luật cũng chưa kịp thời và cũng chưa được phân tích, đề cập nhiều trong các giáo trình, tài liệu, bài viết của các nhà nghiên cứu. Thực tế đó cũng làm cho việc nhận thức và áp dụng quy định của Điều 199 Bộ luật Hình sự nảy sinh những vướng mắc trong thực tiễn.
2. Đối với vụ án "Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Thanh Hiền", vấn đề đặt ra cũng là việc xác định tội danh của các bị can. Vụ việc này hiện có 3 quan điểm khác nhau về xác định hành vi của các bị can Nam và Hiền theo các tội danh như: "công nhiên chiếm đoạt tài sản", "cướp giật tài sản", "trộm cắp tài sản". Theo thông tin phản ánh vụ việc thì ngay cả cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án này cũng đã có sự lúng túng trong việc xác định tội danh, thể hiện ở việc Cơ quan điều tra đã có quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội danh "công nhiên chiếm đoạt tài sản" sang tội "trộm cắp tài sản".
Với những vấn đề đặt ra như vậy, chúng tôi xin đề nghị các ý kiến tham luận có thể phân tích, làm rõ về các dấu hiệu đặc trưng, cấu thành tội phạm của các tội danh đã được nêu trong các quan điểm khác nhau; đối chiếu với nội dung của vụ án (ở đây, chúng ta tạm quy ước là nội dung án chỉ giới hạn trong phạm vi những thông tin thể hiện trong Báo cáo tổng hợp của Ban Tổ chức, vì không có hồ sơ vụ án). Trên cơ sở lý luận và đánh giá nội dung cụ thể của vụ án để đưa quan điểm mà đồng chí cho rằng là có căn cứ và phù hợp nhất.
Ngoài ra, cũng đề nghị đồng chí có thể chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của cá nhân hoặc của đơn vị trong việc giải quyết các vụ án có nội dung tương tự. Đề xuất ý kiến trong các tình huống cụ thể này thì Kiểm sát viên cần yêu cầu điều tra, làm rõ những vấn đề gì để củng cố chứng cứ. Đó cũng có thể coi là luận cứ thực tiễn để luận chứng cho quan điểm của đồng chí.
3. Về vụ án dân sự: Quá trình giải quyết vụ án này phản ánh vướng mắc trong việc nhận thức và áp dụng quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 179; khoản 5 Điều 189 của Bộ luật Tố tụng Dân sự và tiết a điểm 1.3 Điều 1 Mục II Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đó là về thủ tục tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do chờ kết quả giám định của cơ quan chuyên môn.
Căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 179 và tại Điều 189 Bộ luật TTDS năm 2004. Trường hợp cụ thể trong vụ việc này được quy định tại khoản 5 Điều 189. Khoản 5 cũng chính là khoản mới được bổ sung vào Điều 189 trong lần sửa đổi, bổ sung năm 2011 vừa qua. Về khoản 5 Điều 189, theo chúng tôi thì chính là sự pháp điển hóa nội dung quy định tại tiết a, điểm 1.3 Điều 1 Mục II của Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/6/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Tuy nhiên, quy định tại khoản 5 Điều 189 mặc dù mới được bổ sung nhưng vẫn có điểm chưa thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự, ở chỗ: Theo khoản 2 Điều 179 thì khi có căn cứ, Tòa án ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong thời hạn chuẩn bị xét xử; còn theo khoản 5 Điều 189 thì Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi thời hạn giải quyết đã hết. Đó là điểm vướng mắc dẫn đến có hai quan điểm khác nhau trong vụ án dân sự này. Đề nghị chúng ta cùng thảo luận để có cách hiểu và áp dụng quy định một cách thống nhất.
Đối với vụ án hành chính và vụ án lao động, do Vụ 12 VKSNDTC cung cấp, đưa ra trao đổi tại tọa đàm ngày hôm nay. Ban tổ chức nhận thấy đây là 2 vụ việc có nội dung khá phức tạp và nhìn chung thì công tác kiểm sát việc giải quyết án hành chính, án lao động luôn phức tạp; đòi hỏi có sự am hiểu khá rộng về nhiều ngành luật cũng như các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý hành chính, kinh tế, xã hội.
Nội dung, diễn biến quá trình giải quyết 2 vụ việc cũng như các vấn đề cần thảo luận đã được Vụ 12 nêu ra cụ thể. Quá trình biên tập tài liệu, chúng tôi đã phản ánh đầy đủ vào Báo cáo tổng hợp gửi tới các đơn vị. Cùng với ý kiến trao đổi của các VKS địa phương thì Ban tổ chức và các đại biểu rất chờ đón phần trình bày của đại diện Vụ 12 VKSNDTC ở phần sau cuộc tọa đàm với hy vọng sẽ được cập nhật thêm nhiều thông tin và kinh nghiệm nghiệp vụ trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, lao động.
Tại tọa đàm, đã có 15 lượt ý kiến phát biểu trao đổi, phân tích các căn cứ pháp lý và các tình tiết, nội dung các vụ việc, đưa ra các lập luận để chứng minh cho quan điểm về hướng giải quyết trogn từng vụ việc; đồng thời, một số ý kiến cũng đã nêu lên những kinh nghiệm của các đơn vị trong thực tiễn giải quyết các vụ việc có nội dung tương tự. Cụ thể như sau:
Nhóm ý kiến thứ nhất, của đại diện các đơn vị: VKSND tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên phát biểu tại tọa đàm và của Vụ 1A VKSNDTC (có văn bản gửi đến Ban tổ chức tọa đàm), cho rằng, chưa đủ căn cứ để xác định hành vi của Dung và Thủy phạm tội "mua bán người" quy định tại Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Bởi vì:
Về mặt khách quan: Tội mua bán người thể hiện ở hành vi vì vụ lợi hoặc lợi ích vật chất khác mua bán, trao đổi con người như một thứ hàng hóa. Trên thực tế để thực hiện hành vi mua bán người có thể thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau để có được "hàng" như thủ đoạn tìm kiếm, lừa gạt, thu gom, bắt cóc, chiếm đoạt, vận chuyển, cất giấu.... nhưng đây chỉ là những hành vi nhằm thực hiện hành vi khách quan "mua bán", bản thân những hành vi nêu trên không phải là hành vi khách quan của tội phạm mà chỉ là những hành vi mang tính chuẩn bị, hành vi đi liền trước, hành vi giúp sức cho hành vi mua bán mà thôi.
Hậu quả của tội phạm là con người bị đưa ra để mua bán, trao đổi như súc vật hay những thứ hàng hóa khác, danh dự, nhân phẩm của họ bị chà đạp, cũng có thể họ bị bóc lột sức lao động, bị bóc lột tình dục, bị đày ải, đánh đập và có thể bị sử dụng vào những mục đích phi nhân đạo khác... Hậu quả của tội phạm không có ý nghĩa trong việc định tội nhưng nó là một trong những tiêu chí để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, là cơ sở để xem xét hình phạt áp dụng đối với người phạm tội.
Hành vi "mua bán" đã được thực hiện hay chưa không có ý nghĩa trong việc định tội danh mà chỉ có nghĩa trong việc xác định giai đoạn thực hiện tội phạm. Tội phạm được coi là hoàn thành khi tội phạm thực hiện được hành vi mua bán, khi đó danh dự, nhân phẩm của nạn nhân đã bị xâm hại.
Về mặt chủ quan: Tội phạm mua bán người được thực hiện với hình thức lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức được hành vi mua bán người là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn hoặc có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Nếu họ không nhận thức được hành vi mua bán người thì không phải là tội phạm.
Đối chiếu với nội dung vụ việc đưa ra tọa đàm thì: Nguyễn Thu Dung và Lê Thị Bích Thủy khai: Dung nhờ Thủy tìm hộ người bán hàng giúp. Khi Thủy đưa được 5 phụ nữ, trong đó có Phạm Thị Liễu, Bàn Thị Ngọc (tức Hiền) đến thì Dung đã thanh toán toàn bộ tiền thuê xe và trả cho Thủy 1 triệu đồng mỗi người. Thủy và Dung đều khai đây chỉ là tiền công trả cho việc tìm người bán hàng giải khát giúp, không ép Thủy, Liễu phải bán dâm.
Phạm Thị Liễu, Bàn Thị Ngọc đều khai: Thủy là người giới thiệu, đưa Liễu, Ngọc đến làm nhân viên bán hàng cho Dung ở Thái Nguyên và bị ép phải bán dâm. Một tháng sau, Liễu về nhà; còn Ngọc xin Dung cho về nhà vào ngày15/1/2010 (âm lịch) và được Dung đưa cho 14 triệu đồng. Đến tháng 12/2011, Dung gọi điện thoại bảo Liễu, Ngọc tiếp tục đến bán hàng và bị ép phải bán dâm cho đến 28/12/2011 Ngọc mới trốn được ra ngoài để cầu cứu gia đình nhờ Công an giải cứu.
Thứ nhất, chưa làm rõ được hành vi "mua bán" của Nguyễn Thu Dung và Lê Thị Bích Thủy trong việc tìm người phụ giúp bán hàng; Đồng thời, chưa làm rõ được ý thức chủ quan của Dung, Thủy có nhận thức khi thực hiện hành vi trên với mục đích mua bán những người trên không, hay chỉ nhận thức là trả công cho việc môi giới để tìm người giúp việc.
Thứ hai, Phạm Thị Liễu và Bàn Thị Ngọc khai bị ép buộc bán dâm, bị nhốt không cho ra ngoài nên không tố cáo được, nhưng khi Liễu và Ngọc từ nhà Dung về nhà cũng không tố cáo. Sau một thời gian gần 2 năm lại tiếp tục đến làm việc cho Dung. Có thể đánh giá các tình tiết trong lời khai của Liễu, Ngọc có nhiều điểm mâu thuẫn, bất hợp lý nhưng chưa được làm rõ hoặc được các chứng cứ khác chứng minh.
Kết luận: Từ những phân tích trên cho thấy, chưa có đủ căn cứ xác định hành vi của Nguyễn Thu Dung, Lê Thị Bích Thủy có dấu hiệu phạm tội Mua bán người quy định tại Điều 119 BLHS.
Nhóm ý kiến thứ hai (gồm 2 ý kiến, của đại diện VKSND tỉnh Yên Bái và VKSND tỉnh Hà Giang), cho rằng, hành vi của Nguyễn Thu Dung và Lê Thị Bích Thủy đã cấu thành tội "mua bán người", bởi vì, Dung và Thủy có sự trao đổi, thỏa thuận trước về việc tìm người - trả riền; thực tế Thủy đã tìm người, chuyển giao cho Dung và đã nhận tiền; Dung tiếp nhận người, sử dụng và mục đích vụ lợi, bóc lột lao động, bóc lột tình dục để kiếm lợi. Vì vậy, hành vi của Dung và Thủy đã phạm tội "mua bán người". Trong thực tế, nhiều vụ án đưa người ra nước ngoài để bán cho người nước ngoài lấy làm vợ, hoặc bán để làm người lao động, để làm gái bán dâm... đều đã bị xử lý hình sự về tội "mua bán người" Hầu hết ý kiến đều cho rằng, đã có đủ căn cứ để xác định Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Thanh Hiền phạm tội "trộm tài sản". Các căn cứ và lập luận như sau:
Hành vi của Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Thanh Hiền không cấu thành tội "công nhiên chiếm đoạt tài sản". Khi Nam và Hiền đi xe ngang qua phát hiện thấy túi xách của chị T để trên ghế nên quay xe lại, Nam dừng trước cổng căng tin để Nguyễn Thanh Hiền đi bộ vào lấy chiếc túi xách trên. Khi Hiền đi vào căng tin để thực hiện hành vi lấy chiếc túi xách của chị T thì phát hiện đang bị 3 người phụ nữ để ý, bằng thủ đoạn là “giả vờ đi thẳng vào quầy hỏi mua thuốc” nhằm đánh lạc hướng theo dõi của họ; đồng thời, Hiền còn lợi dụng việc chị T không có mặt tại nơi để chiếc túi xách để chiếm đoạt chiếc túi xách của chị T một cách “lén lút” rồi chạy ra xe của Nam đang chờ sẵn để tẩu thoát. Như vậy, hành vi lấy chiếc túi xách của Hiền và Nam không phải là hành vi ngang nhiên chiếm đoạt chiếc túi trước mắt người quản lý tài sản là chị T hay 3 người phụ nữ ngồi chung bàn nước với chị T nên hành vi của Hiền và Nam không cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” qui định tại Điều 137 BLHS bởi vì: Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản. Đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản mà họ không làm được gì (không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai). Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản, người bị hại biết ngay người lấy tài sản của minh( biết mà không thể giữ được). Tính chất công khai trắng trợn tuy không phải là hành vi khách quan, nhưng lại là một đặc điểm cơ bản, đặc trưng đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Đây là dấu hiệu chủ yếu để phân biệt tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với tội trộm cắp tài sản, nếu chiếm đoạt tài sản một cách lén lút mà người quản lý tài sản không biết thì là hành vi trộm cắp tài sản. Công nhiên chiếm đoạt tài sản trước hết là công nhiên với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, sau đó là công nhiên đối với mọi người xung quanh.
Hành vi của Nguyễn Thanh Hiền và Nguyễn Hoàng Nam cũng không phạm vào tội “Cướp giật tài sản” qui định tại Điều 136 BLHS bởi vì:
Thứ nhất, lợi dụng sơ hở của chị T đi lên Phòng đào tạo Nhà trường nhưng lại để túi xách ( bên trong có chứa tài sản hơn 8 triệu đồng) trên ghế tại bàn uống nước mà không nói gì với 3 người bạn ngồi cùng bàn; đồng thời, lợi dụng sơ hở (không để ý) của 3 người phụ ngồi chung bàn nước với chị T, Nguyễn Thanh Hiền đã lấy chiếc túi xách đen của chị T. Như vậy, Chiếc túi xách của chị T là đối tượng mà Hiền nhằm vào chứ Hiền không nhằm vào tính mạng hay sức khoẻ của chị T.
Thứ hai, để chiếm đoạt được chiếc túi xách của chị T, Nguyễn Thanh Hiền không đi thẳng vào chiếc ghế chị T để túi xách rồi nhanh chóng giật lấy chiếc túi xách mà Hiền phải giả vờ đi vào quầy hỏi mua thuốc lá, khi đi ngược trở ra, lợi dụng sơ hở của 3 người phụ nữ, Hiền mới lấy được chiếc túi xách của chị T rồi chạy ra xe của Nam tẩu thoát. Hành vi này của Nguyễn Thanh Hiền là lén lút chứ không công khai, trắng trợn để giật lấy chiếc túi xách của chị T.
Thứ ba, hành vi cầm chiếc túi xách của chị T rồi bỏ chạy của Hiền và việc truy bắt của người bị hại chỉ là đặc trưng của tội cướp giật tài sản nhưng hành vi này không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội cướp giật tài sản. Người phạm tội có trốn chạy hay không còn tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nếu như trong hoàn cảnh nhất định người phạm tội thấy không cần chạy trốn mà vẫn không bị bắt thì họ không cần chạy trốn vẫn không bị lộ tung tích của mình nên không thể coi hành vi tiếp cận để chiếm đoạt chiếc túi xách của chị T rồi bỏ chạy ra ngoài lên xe của đồng bọn nhanh chóng tẩu thoát là hành vi đặc trưng của tội cướp giật tài sản để cho rằng Nam và Hiền phải bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội “Cướp giật tài sản” quy định tại Điều 136 BLHS.
Hành vi của Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Thanh Hiền đã phạm tội "trộm cắp tài sản" qui định tại Điều 138 BLHS bởi vì: Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút lấy tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản. Đặc điểm nổi bật của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội lén lút (bí mật) lấy tài sản mà chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết mình bị lấy tài sản, chỉ sau khi bị mất họ mới biết bị mất tài sản. Tính chất lén lút (bí mật) của hành vi trộm cắp tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội giấu diếm hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, lén lút không phải đặc trưng duy nhất của tội trộm cắp tài sản, mà trong nhiều tội phạm người phạm tội cũng lén lút nhưng là để thực hiện một mục đích khác; vì vậy, khi nói đến tội trộm cắp tài sản thì không thể không đi kèm với hành vi chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội trộm cắp tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Do đặc điểm của tội trộm cắp tài sản nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt” nhưng chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, không trông giữ cẩn thận hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết. Vì vậy, vấn đề cần được xác định trong vụ án này là chiếc túi xách bên trong có đựng tài sản của chị T bị Nguyễn Thanh Hiền chiếm đoạt bằng hình thức nào và khách thể bị Hiền và Nam xâm phạm là gì?
Trở lại vụ án nêu trên, khi Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Thanh Hiền phát hiện thấy túi xách của chị T để trên ghế không có ai quản lý, Hiền và Nam đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Nam đã quay xe lại và dừng trước cổng căng tin để Nguyễn Thanh Hiền đi bộ vào lấy chiếc túi xách trên. Khi Hiền đi vào căng tin để thực hiện hành vi lấy chiếc túi xách của chị T thì phát hiện đang bị 3 người phụ nữ để ý, bằng thủ đoạn “giả vờ đi thẳng vào quầy hỏi mua thuốc” nhằm đánh lạc hướng theo dõi của họ; đồng thời, Hiền còn lợi dụng việc chị T không có mặt tại nơi để chiếc túi xách rồi chiếm đoạt chiếc túi xách của chị T một cách “lén lút”, sau đó chạy ra xe của Nam đang chờ sẵn để tẩu thoát. Hành vi nêu trên của Hiền và Nam không phải là hành vi công nhiên chiếm đoạt hay nhanh chóng giật lấy chiếc túi xách trước mặt chủ sở hữu là chị T hay mọi người xung quanh mà Hiền phải thực hiện hành vi “lén lút” mới láy được chiếc túi xách của chị T. Vì vậy, hành vi nêu trên của Hiền và Nam không cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” qui định tại Điều 137 BLHS hay tội “Cướp giật tài sản” qui định tại Điều 136 BLHS mà cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” qui định tại Điều 138 BLHS sửa đổi bổ sung năm 2009.
3. Về vụ kiện dân sự:
Mặc dù, các ý kiến đều thống nhất với nhau ở một số điểm như: Xét thời điểm khởi kiện và thụ lý vụ kiện thì phải áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 trước khi sửa đổi, bổ sung (năm 2011) và việc giám định chữ ký là cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết vụ án này. Tuy nhiên, về việc Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết trước khi hết thời hạn xét xử, trong trường hợp này, là đúng hay sai, thì ý kiến tại cuộc tọa đàm cũng chưa thống nhất, vẫn chia thành 2 nhóm quan điểm khác nhau:
- Nhóm thứ nhất, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ là đúng, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 179 Bộ luật TTDS thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án có quyền ra một số các quyết định, trong đó có quyết định tạm đình chỉ giải quyết; mặt khác, trên thực tế, việc ra quyết định tạm đình chỉ sẽ tạo thuận lợi cho việc thống kê số liệu, đánh giá kết quả, tiến độ giải quyết án dân sự của Tòa án.
- Nhóm thứ hai, việc Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ khi hưa hết thời hạn là không đúng, vì nếu chỉ căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 179 Bộ luật TTDS là chưa đầy đủ. Đó chỉ mới là căn cứ quy định về thẩm quyền của Tòa án mà chưa có căn về nội dung; do đó, phải áp dụng quy định tại Nghị quyết số 02/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (đã được pháp điển hóa tại khoản 5 Điều 198 BLTTDS trong lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2011). Mặt khác, xét trên ý nghĩa bảo vệ quyền lợi của các đương sự thì việc Tòa án cần chờ đợi đến khi hết thời hạn mới ra quyết định tạm đình chỉ là việc cần làm.
4. Về việc giải quyết vụ án hành chính và vụ án lao động.
Đã có rất nhiều ý kiến trao đổi về 2 vụ việc này. Đại diện Vụ 12 VKSNDTC tham dự tọa đàm cũng đã cung cấp thêm một số thông tin chi tiết liên quan đến nội dung của 2 vụ việc và đưa ra một số gợi ý thảo luận. Cuối buổi tọa đàm, ông Phương Hữu Oanh, Vụ trưởng Vụ 12 đã có bài phát biểu, làm rõ những vấn đề về phương pháp nghiên cứu, xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết, về áp dụng pháp luật và về quan điểm giải quyết các vụ việc hành chính, lao động. Vụ 12 VKSNDTC cũng đã cung cấp tài liệu bằng văn bản, giải đáp về hướng giải quyết đối với vụ án lao động và vụ án hành chính đưa ra trao đổi tại tọa đàm.
(Theo Kiểm sát online)