Trong thời gian qua, tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp và được phát hiện hầu hết ở các địa bàn trong cả nước từ thành phố đến nông thôn, biên giới, hải đảo và lan rộng đến vùng núi cao, khu vực rừng sâu. Việt Nam vẫn là địa bàn trung chuyển ma túy từ các nước trong khu vực Đông Nam Á sang nước thứ ba tiêu thụ trên nhiều tuyến, nhiều cửa khẩu...
Tổng hợp khó khăn, vướng mắc
trong việc giải quyết án ma túy thời gian qua
Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án ma túy
Trong thời gian qua, tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp và được phát hiện hầu hết ở các địa bàn trong cả nước từ thành phố đến nông thôn, biên giới, hải đảo và lan rộng đến vùng núi cao, khu vực rừng sâu. Việt Nam vẫn là địa bàn trung chuyển ma túy từ các nước trong khu vực Đông Nam Á sang nước thứ ba tiêu thụ trên nhiều tuyến, nhiều cửa khẩu. Do đó, tội phạm ma túy ở nước ta có xu hướng gia tăng về số lượng, tính chất và mức độ của tội phạm. Nguồn ma túy chủ yếu được thẩm lậu từ nước ngoài với nhiều chủng loại khác nhau. Phương thức thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi xảo quyệt hơn, tính chất manh động chống trả quyết liệt khi bị truy bắt như: Vụ vận chuyển trái phép 229 kg (600 bánh) heroin được cất giấu trong 12 chiếc loa thùng qua đường hàng không từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến sân bay quốc tế Đào Viên (Đài Loan); vụ Tráng A Tàng, Giàng Thị Sua, trú tại Hà Nội và Tráng A Nếnh, trú tại Sơn La có hành vi vận chuyển 265 bánh heroin; tại Điện Biên, Thào Chứ Dơ (SN 1987) và Thào A Công (SN 1998), đều trú tại Điện Biên Đông có biểu hiện nghi vấn đã yêu cầu kiểm tra, bất ngờ đối tượng Thào A Công dùng dao đâm vào người lực lượng công tác, làm 01 đồng chí chết tại chỗ, 02 đồng chí bị trọng thương. Tang vật thu giữ gồm: 01 gói heroin và 02 gói ma túy tổng hợp...; tại khu vực thung lũng xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La (khu vực biên giới Việt - Lào) phát hiện 25 đối tượng đang đi từ hướng biên giới vào Việt Nam có trang bị vũ khí quân dụng và đeo ba lô. Tổ công tác kêu gọi đầu hàng thì các đối tượng nổ súng chống trả quyết liệt nên tổ công tác đã nổ súng ngăn chặn. Kết quả: 02 chiến sỹ cảnh sát thuộc Công an tỉnh Sơn La bị thương nặng và 5 đối tượng bị trúng đạn. Tang vật thu giữ gồm: 108 bánh heroin; 02 khẩu súng tiểu liên AK; 02 khẩu súng Kabin; 01 khẩu súng ngắn; 92 viên đạn các loại và một số tang vật khác...
Trong thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy đặc biệt nghiêm trọng đã bị triệt phá. Các tụ điểm ma túy phức tạp ở nhiều địa phương được dẹp bỏ. Việc vận chuyển ma túy ở khu vực biên giới được các lực lượng chức năng bắt giữ có dấu hiệu từng bước được kiềm chế. Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy được tăng cường, kết quả phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm về ma túy đạt hiệu quả cao. Các Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án ma túy đã kiểm sát chặt chẽ ngay từ đầu, việc bắt, khám xét, giám định của Cơ quan điều tra có căn cứ và đúng pháp luật. Do vậy, hầu hết các vụ án khi đã khởi tố đều được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời đúng luật định.
Những khó khăn, vướng mắc
Với những diễn biễn ngày càng phức tạp nêu trên, tuy nhiên trong thời gian qua việc giải quyết các vụ án ma túy đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Những khó khăn, vướng mắc chung
Tội phạm diễn biến phức tạp, liều lĩnh, gia tăng ở nhiều địa phương nhưng lực lượng phòng, chống còn mỏng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ma túy vận chuyển chủ yếu qua khu vực biên giới (địa bàn hiểm trở) lực lượng chuyên trách rất mỏng. Khó khăn trong việc phối hợp giữa các nước có chung đường biên giới. Nhiều đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ma túy tại Việt Nam sau đó trốn sang Lào trở thành đầu mối vận chuyển ma túy vào Việt Nam.
Tệ nạn ma túy ở địa bàn thành phố chưa được giải quyết triệt để dẫn đến tội phạm ma túy tiếp tục gia tăng.
Phương tiện đấu tranh phòng, chống ma túy còn hạn chế ảnh hưởng đến kết quả đấu tranh như: Thiếu máy soi, chiếu tại cửa khẩu, sân bay máy móc giám định ma túy. Một số vụ án còn chậm có kết luận giám định do chưa có mẫu chuẩn, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, phải gia hạn thời hạn tạm giữ đến khi có kết quả giám định.Tại nhiều địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh đảm nhiệm việc giám định các chất ma túy, nhưng chỉ giám định được một số chất ma túy như thuốc phiện, heroin, methaphetamin còn việc giám định hàm lượng các chất ma túy và giám định các loại ma túy khác thì không đủ điều kiện về phương tiện, mẫu vật so sánh nên phải trưng cầu Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định đã ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ án.
Hệ thống các quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ, các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa đầy đủ, kịp thời. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện BLHS còn nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn diễn biến tình hình tội phạm. BLHS quy định nhiều tội danh trong cùng một điều luật với chế tài, khung hình phạt chung cho tất cả các hành vi phạm tội là chưa hợp lý, gây khó khăn cho việc định tội danh và quyết định hình phạt chính xác, công bằng vì tính chất, mức độ, nguy hiểm của mỗi hành vi không giống nhau.
Một số văn bản có những nội dung không còn phù hợp với hành vi phát sinh trong xã hội dẫn đến việc áp dụng BLHS còn xảy ra quan điểm không thống nhất nhau cần được hướng dẫn cụ thể. Văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật như Thông tư liên tịch số 172007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự 1999chưa rõ ràng, kịp thời và thống nhất. Ngay sau khi Thông tư liên tịch số 17 ban hành, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vấn đề, gây ra những cách hiểu và áp dụng khác nhau tại các địa phương, trong đó có nội dung 1.4 mục I hướng dẫn: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất” hướng dẫn này không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu không thống nhất và thực tế không phù hợp với quy định tại các Điều 193, 194, 195 của Bộ luật Hình sự. Trong các Điều luật này chỉ quy định trọng lượng làm căn cứ định tội, định khung hình phạt để truy tố, xét xử. Vì vậy, vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy, tại Hội nghị sơ kết 01 năm và 03 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 17 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức, có đại diện lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và lãnh đạo VKSND địa phương cũng đã nêu những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện và đề nghị bỏ quy định giám định hàm lượng các chất thu giữ nghi là chất ma túy, mà chỉ thực hiện việc giám định hàm lượng để tính trọng lượng chất ma túy đối với các chất quy định tại điểm a, b nêu trong phần 1.1 Mục I và tiểu mục 3.5, mục 3, phần II Thông tư liên tịch số 17 (cụ thể gồm: Ma túy pha vào dung dịch; xái thuốc phiện; thuốc có chứa chất gây nghiện). Từ kết quả hội nghị, VKSND tối cao đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi Bộ Công an đề nghị sửa đổi Thông tư liên tịch số 17. Tuy nhiên, đến nay Thông tư liên tịch số 17 chưa được sửa đổi, bổ sung.
Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến Công văn số 234 và Thông báo số 264
Tính pháp lý của Công văn số 234 và Thông báo 264
Ngày 17/9/2014, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 234/TANDTC-HS hướng dẫn Tòa án các địa phương giải quyết án ma túy, trong đó có nội dung: “Bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất thu giữ nghi là chất ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999” (sau đây viết tắt là Công văn số 234).
Về tính pháp lý của Công văn số 234 thì đây là công văn đơn ngành do Tòa án nhân dân tối cao ban hành để hướng dẫn Tòa án địa phương áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, Công văn số 234 đã vượt quá quy định của pháp luật khi có thêm cụm từ “để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo”. Tiếp theo đó, ngày 29/10/2014, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông báo số 264/TANDTC-TB trong đó quy định “việc giám định hàm lượng chất ma túy là bắt buộc đối với các chất thu giữ được nghi là chất ma túy, để từ đó xác định trọng lượng chất ma túy làm căn cứ xử phạt bị cáo (trọng lượng chất ma túy được hiểu là trọng lượng ma túy tinh chất, ma túy nguyên chất)”. Thông báo 264 lại có những nội dung vượt quá quy định của pháp luật: (trọng lượng chất ma túy được hiểu là trọng lượng ma túy tinh chất, ma túy nguyên chất)”.
Theo quy định hiện hành:Việc xử lý các tội phạm về ma túy đều căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Thông tư liên tịch số 17, trong đó chất thu được phải được quy định trong danh mục các chất ma túy do Chính phủ ban hành. Việc truy tố, xét xử căn cứ vào trọng lượng, số lượng chất ma túy thu giữ được quy định chỉ có 03 trường hợp cụ thể tại điểm a, b tiểu mục 1.1, mục 1, phần I và tiểu mục 3.5, mục 3, phần II thông tư liên tịch số 17. Do đó, với các quy định của pháp luật hiện hành ngoài các trường hợp cụ thể nêu trên thì không có trường hợp nào được xác định trọng lượng chất ma túy trên cơ sở giám định hàm lượng. Việc quy định thêm các trường hợp xác định trọng lượng trên cơ sở tỷ lệ hàm lượng ma túy là trái với quy định của Bộ luật Hình sự, không phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và sẽ nảy sinh mâu thuẫn trong áp dụng thực tiễn.
Chỉ đặt vấn đề bắt buộc giám định hàm lượng chất ma túy trong các trường hợp quy định tại Điểm a, b Mục 1.1 Phần I và quy định tại Mục 3.5 Phần II Thông tư liên tịch số 17. Mặt khác, cũng tại điểm 1.4, Mục I Thông tư liên tịch 17 quy định: “Nếu chất được giám định không phải là chất ma tuý hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma tuý hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì tuỳ hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma tuý”.
Căn cứ vào quy định này, thì ngay cả trong trường hợp giám định chất đã thu giữ không phải là ma túy mà người thực hiện ý thức chất đó là ma túy vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm ma túy. Do đó, Công văn số 234 và Thông báo 264 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn như trên là không đúng với quy định của Bộ luật hình sự, Thông tư liên tịch số 17 (vì tại Luật và văn bản này không quy định về việc bắt buộc giám định hàm lượng của tất cả các chất thu giữ nghi là chất ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội và cũng không có quy định nào bắt buộc phải giám định trọng lượng chất ma túy (ma túy tinh chất, ma túy nguyên chất) làm căn cứ xử phạt bị cáo.
Mặt khác, theo quy định tại điểm 5 Mục III Thông tư liên tịch số 17 quy định: “Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu thấy có vướng mắc hoặc cần phải hướng dẫn, giải thích bổ sung thì đề nghị phản ánh về Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp để có giải thích, hướng dẫn kịp thời”. Việc Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 234 để hướng dẫn Tòa án địa phương trong việc áp dụng pháp luật nhưng lại có giá trị thực tiễn rất quan trọng đối với cả ba cơ quan tố tụng Công an, Kiểm sát, Tòa án, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc, gây cản trở tới công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy thời gian qua.
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng không nước nào quy định phải giám định hàm lượng của tất cả các chất thu giữ nghi là ma túy để tính trọng lượng ma túy tinh chất, ma túy tinh chất và cũng không coi việc giám định hàm lượng các chất ma túy là căn cứ duy nhất để kết tội.
Những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện Công văn 234 và Thông báo 264
Khi cơ quan Tòa án các cấp thực hiện Công văn số 234 và Thông báo số 264, phần lớn Tòa án địa phương đã quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp để điều tra bổ sung với lý do chưa giám định hàm lượng các chất thu giữ nghi là chất ma túy và Viện kiểm sát tiếp tục trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra do không có sự thống nhất về nhận thức pháp luật. Từ đó, đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát các cấp trong thực tiễn giải quyết án ma túy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng hợp như sau:
- Khi bắt quả tang, bắt khẩn cấp đối tượng phạm tội ma túy gặp nhiều khó khăn trong công tác phê chuẩn các quyết định, lệnh của cơ quan điều tra vì không thể xác định ngay được hàm lượng chất ma túy để xử lý hình sự hay xử lý hành chính cũng như việc phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam.
Đối với những trường hợp bắt giữ đối tượng mà trọng lượng ma túy thu giữ chỉ tương đương với mức khởi điểm để xử lý hình sự sẽ gặp khó khăn vì không xác định được ngay hàm lượng nên Viện kiểm sát khó ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc phê chuẩn áp dụng biện pháp ngăn chặn (tạm giữ, tạm giam) của cơ quan điều tra.
Thời gian vừa qua, xuất hiện tư tưởng chỉ bắt các vụ có khả năng thu giữ số lượng ma túy lớn, không bắt những vụ buôn bán, tàng trữ nhỏ lẻ, trong khi chính những vụ buôn bán ma túy nhỏ lẻ thường là yếu tố gây mất trật tự trị an, bức xúc trong quần chúng nhân dân. Đồng thời, có nhiều trường hợp đã gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự không còn căn cứ để gia hạn tạm giam thì liên ngành tư pháp địa phương chưa có hướng giải quyết, chờ hướng dẫn của liên ngành trung ương, dẫn đến việc áp dụng biện pháp tạm giam gặp rất nhiều khó khăn và không theo quy định của pháp luật (Điện Biên, Cơ quan điều tra gia hạn: 57 vụ/72 bị can; Viện kiểm sát: 16 vụ/22 bị can; Tòa án: 18 vụ/37 bị cáo; Hà Nội các cơ quan tiến hành tố tụng phải hợp thức lệnh tạm giam đối với 613 đối tượng bằng việc trả hồ sơ giữa các cơ quan tố tụng nhiều lần mà không đưa ra xét xử được)…
Bên cạnh đó, thời gian qua Cơ quan điều tra chưa bắt được vụ án nào các đối tượng phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy nguyên chất mà các chất ma túy đều ở dạng thành phẩm qua chiết xuất như bánh heroin, bột heroin và các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy khi mua bán ma túy cũng không bao giờ mặc cả giá về hàm lượng.
Viện kiểm sát đã hoàn thành cáo trạng truy tố nhưng chưa giám định hàm lượng chất ma túy, khi chuyển hồ sơ vụ án để xét xử thì Tòa án không nhận gây tồn đọng số lượng lớn các vụ án ma túy ở Viện kiểm sát và ở Tòa án. Tại Tp. Hồ Chí Minh là 1.229 vụ/1.829 đối tượng, trong đó: Giai đoạn điều tra: 612 vụ/862 bị can; giai đoạn truy tố: 300 vụ/500 bị can; giai đoạn xét xử: 317 vụ/467 bị cáo. Tại Hà Nội 924 vụ/1.096 đối tượng: Giai đoạn điều tra 557 vụ/684 bị can (trong đó có 400 vụ không đủ trọng lượng ma túy tinh khiết thì không truy tố, xét xử được phải đình chỉ điều tra); giai đoạn truy tố: 141 vụ/187 bị can, sau khi giám định có 100 vụ không đủ trọng lượng ma túy tinh khiết phải đình chỉ điều tra; giai đoạn xét xử: 157 vụ/190 bị cáo, có khoảng 120 vụ không đủ trọng lượng tinh khiết phải đình chỉ điều tra; Bà Rịa - Vũng Tàu 79 vụ/101 đối tượng (giai đoạn điều tra 28 vụ/41 bị can; giai đoạn truy tố 05 vụ/05 bị can; giai đoạn xét xử 46 vụ/55 bị cáo); Tiền Giang 38 vụ/53 bị can…
Đối với các vụ án ma túy điều tra qua truy xét không thu giữ được ma túy quá trình điều tra, truy tố xác định đối tượng phạm tội đã mua bán, vận chuyển... hàng chục, trăm bánh heroin (khẳng định qua các lời khai, còn thực tế không thu giữ được bánh heroin nào) nhưng không có vật chứng để giám định hàm lượng nên không có căn cứ để xử lý đối tượng phạm tội theo hàm lượng được. Hoặc các đối tượng trước đây bị khởi tố điều tra theo trọng lượng ma túy truy xét qua lời khai, bỏ trốn bị truy nã nay bắt được để xử lý, việc trưng cầu giám định hàm lượng là bất cập, dẫn đến không thể xử lý được các đối tượng là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Khó xử lý các đối tượng phạm tội Tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, trọng lượng ma túy thu được rất ít, đã tổ chức giám định loại, trọng lượng ma túy trước đây, nay không còn đủ lượng hoặc không còn mẫu để giám định hàm lượng dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Mặt khác, có những vụ án bắt giữ hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp có nhiều loại ma túy khác nhau thì sẽ phải giám định hàm lượng từng viên một thì cơ quan giám định không thể thực hiện được và không đảm bảo thời gian, dẫn đến vi phạm thời hạn giải quyết án theo quy định của BLTTHS. Do đó, thời gian vừa qua, một số địa phương đã không bắt, giữ, xử lý các vụ án truy xét.
Sau khi văn bản số 234 ban hành, tại nhiều địa phương Tòa án các cấp đã trả lại phần lớn hồ sơ cho Viện kiểm sát để yêu cầu giám định hàm lượng, tập trung nhiều ở cấp huyện, dẫn đến tình trạng giám định đi, giám định lại nhiều lần, trả hồ sơ vụ án nhiều lần làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến tiến độ, gây ách tắc trong quá trình giải quyết án, nhiều vụ án sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu giám định, sau khi giám định xác định hàm lượng không còn đủ định lượng để khởi tố, truy tố đã dẫn đến:
+ Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung để giám định hàm lượng ma túy: Hà Nội 613 vụ; TP Hồ Chí Minh 325 vụ; Lai Châu 119 vụ; Thanh Hóa 83 vụ; Nghệ An 65 vụ; Nam Định 63 vụ; Điện Biên 61 vụ; Sơn La 47 vụ; Bắc Ninh 43 vụ; Đà Nẵng 29 vụ; Lạng Sơn 26 vụ; Vĩnh Phúc 25 vụ; Yên Bái 23 vụ; Hải Phòng 31 vụ; Hải Dương 16 vụ; Tiền Giang 14 vụ…
Tạm đình chỉ điều tra: Sơn La 91 vụ/95 bị can; Thanh Hóa 50 vụ/63 bị can Hải Phòng 13 vụ/13 bị can; Điện Biên 04 vụ/04 bị can...
Đình chỉ điều tra: Bắc Ninh 23 vụ/26 bị can (căn cứ Khoản 1 Điều 25 BLHS); Vĩnh Phúc 09 vụ/09 bị can; Đà Nẵng 04 vụ...
Không đủ trọng lượng truy tố và không còn vật chứng là ma túy để giám định hàm lượng: Đăk Lăk 11 vụ; Thừa Thiên - Huế 10 vụ; Đà Nẵng 10 vụ; Yên Bái 04 vụ...
Nhiều vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy đã, đang khởi tố, điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử sẽ không cấu thành tội phạm Nam Định có 65 vụ…
Nhiều vụ án phải hoãn phiên tòa làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án để chờ ý kiến chỉ đạo của liên ngành: Nam Định 16 vụ; Sơn La 12 vụ…
Nhiều vụ phải chuyển khoản truy tố: Hải Phòng 07 vụ/8 bị can; Nam Định 03 vụ...
Xét xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại để giám định hàm lượng ma túy: TP Hồ Chí Minh 08 vụ/11 bị cáo; Đồng Nai 03 vụ/03 bị cáo; Lai Châu 03 vụ/03 bị cáo; Thanh Hóa 02 vụ; Vụ 1C 01 vụ; Sơn La 01 vụ...
Đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật và án ma túy đã xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị thì xử lý thế nào. Đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật nếu áp dụng xác định hàm lượng có thể thay đổi khung, khoản xét xử, mức hình phạt... thì có phải xem xét lại không. Tương tự đối với án ma túy đã xét xử sơ thẩm nay có kháng cáo, kháng nghị thì kết quả giám định hàm lượng cũng có thể làm thay đổi mức hình phạt đối với các bị cáo có xử lý theo hướng giảm hình phạt không. Đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật thi hành thì có được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hay không? Nếu áp dụng pháp luật hồi tố thì những bản án đã được xét xử có hiệu lực pháp luật ở tất cả các cấp (kể từ khi Thông tư 17 có hiệu lực đến nay) phải được xem xét sẽ có khả năng có rất nhiều bị cáo được tuyên không phạm tội, nếu không hồi tố thì dẫn đến pháp luật không công bằng trong các trường hợp bị án đã thi hành án (kể cả án tử hình). Mặt khác, thời gian gần đây, qua thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự nhiều vụ án ma túy, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã hoãn nhiều phiên tòa hoặc hủy nhiều vụ án để điều tra lại với lý do để giám định hàm lượng chất ma túy.
Có địa phương, cơ quan Tòa án cho rằng công văn số 234 là chỉ đạo nghiệp vụ của Tòa án cấp trên. Do vậy, Tòa án cấp dưới phải chấp hành thực hiện và phải trả hồ sơ để giám định hàm lượng chất ma túy. Nếu Tòa án thực hiện không đúng theo chỉ đạo tại công văn số 234 tâm lý sợ bị Tòa án cấp trên hủy án ảnh hưởng đến việc xét thi đua hoặc bổ nhiệm lại của thẩm phán. Tại Lai Châu: Tòa án địa phương đã đưa nhiều vụ án ra xét xử và vận dụng cách tính hàm lượng ma túy cụ thể là lấy trọng lượng Hêrôin nhân với hàm lượng Hêrôin chia cho 100 để ra kết quả Hêrôin tinh chất để tính lượng ma túy phải chịu TNHS.
Việc giám định hàm lượng chất ma túy hoặc tiền chất ma túy hầu hết các cơ quan giám định ở địa phương chưa đủ điều kiện về con người, phương tiện kỹ thuật, mẫu ma túy chuẩn so sánh để giám định, nếu thực hiện theo hướng dẫn của công văn 234 thì tất cả các vụ án thu được chất ma túy ở địa phương đều phải đưa về Viện khoa học hình sự, Bộ Công an giám định. Việc tổ chức đưa đối tượng cùng tang vật đi giám định, chuẩn bị kinh phí rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều bất trắc không an toàn. Việc giám định hàm lượng tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại Hà Nội thường không có kết quả ngay mà phải chờ đợi, dẫn đến việc phê chuẩn bắt khẩn cấp, tạm giữ ban đầu sẽ gặp khó khăn. Theo cơ quan giám định Công an quy định các mẫu nghi ma túy gửi đến giám định phải có đủ từ 0,3 gam trở lên mới đủ điều kiện giám định. Vậy các vụ án mà lượng ma túy thu giữ dưới 0,3 gam sẽ không đủ điều kiện giám định thì xử lý như thế nào. Đối với những vụ án xảy ra trước khi có Công văn 234 vật chứng thu giữ ít dẫn đến mẫu vật giám định ít, dưới 0,1 gam hoặc 0,1 gam đã gửi toàn bộ mẫu vật giám định, không còn mẫu vật nhưng Tòa án vẫn trả hồ sơ yêu cầu giám định hàm lượng thì xử lý như thế nào. Đối với những vụ án truy xét không thu được chất ma túy hoặc các bị can trốn, nay bắt truy nã trong khi đó chất ma túy đã tiêu hủy theo bản án đã có hiệu lực pháp luật thì cũng chưa biết xử lý thế nào? Nhiều nơi do đợi kết quả giám định đã phải gia hạn thời gian điều tra, tạm giam nhiều vụ án/bị can làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án.
Nhiều địa phương cho rằng các trường hợp vướng mắc nêu trên Tòa án trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung sau khi có công văn số 234 thì trước đây các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn xử lý và giải quyết các vụ án ma túy đảm bảo đúng pháp luật, không có khiếu kiện gì. Mặt khác, tại TP Hồ Chí Minh việc nhận thức Công văn 234 của Tòa án cũng chưa thống nhất, trong một số vụ án cụ thể như: có Hội đồng xét xử tuyên hủy trả hồ sơ để điều tra lại (yêu cầu giám định hàm lượng). Bên cạnh đó, có Hội đồng tuyên bác kháng cáo giữ nguyên bản án sơ thẩm (các vụ này trong quá trình điều tra Cơ quan điều tra chưa giám định hàm lượng ma túy).
Do vậy, nhiều địa phương, cơ quan Công an, Viện kiểm sát e ngại trong việc bắt, phê chuẩn các đối tượng có hành vi phạm tội về ma túy để xử lý theo quy định của pháp luật, làm giảm tinh thần đấu tranh đối với loại tội phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội. Việc giám định, xác định hàm lượng chất ma túy hiện nay là khó khăn, tốn kém (ít nhiều làm ảnh hưởng tâm lý của những người trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, nhiều nơi lượng án ma túy khởi tố mới trong Quý I năm 2015 giảm so với cùng kỳ 2014, tại Điện Biên giảm 41 vụ/66 bị can. Số liệu giảm không phải tội phạm ma túy giảm mà do các chiến sỹ ngại không dám bắt các đối tượng phạm tội tàng trữ, vận chuyển số lượng ma túy nhỏ, lẻ.
Giải pháp, kiến nghị
Thứ nhất, đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật hình sự để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên.
Thứ hai, đề nghị lãnh đạo liên ngành pháp luật Trung ương khẩn trương chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 17 cho phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy hiện nay.
Thứ ba, Công văn số 234 và Thông báo số 264 của riêng ngành Tòa án ban hành nhưng nội dung hướng dẫn đã vượt quá quy định của BLHS hiện hành, ảnh hưởng nghiêm trọng và gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp trong quá trình giải quyết án ma túy. Do đó, đề nghị Ủy ban Tư pháp Quốc hội sớm nghiên cứu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên./.
Rút kinh nghiệm giải quyết án ma túy
VKSND TP Đà Nẵng
Công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy nói chung (trong đó có đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy) tại Tp. Đà Nẵng đã được cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm đúng mức; Thành phố đã có chủ trương “5 không”, trong đó, có “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”. Và chỉ đạo hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường vào cuộc và xử lý rất kiên quyết hành vi sử dụng, tàng trữ… trái phép chất ma tuý.
Thành phố thành lập Trung tâm cai nghiện ma túy với quy mô lớn; khi phát hiện có người sử dụng ma túy là ra Quyết định đưa ngay vào Trung tâm để cách ly cộng đồng (bỏ qua bước xử lý hành chính tại xã, phường). Đối với người phạm tội về ma túy đã được các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm minh, áp dụng hình phạt tù rất nặng (thường là ở mức án tù gần hết khung hình phạt).
Mặc dù, đã có những biện pháp kiên quyết như đã nêu trên nhưng cũng chỉ kiềm chế được sự gia tăng chứ chưa làm giảm bớt số người và số vụ việc phạm tội về ma túy; dưới đây là số liệu thống kê trong vòng 05 năm qua:
NĂM
|
ĐIỀU TRA
|
TRUY TỐ
|
XÉT XỬ
|
SỐ VỤ ÁN
|
GHI CHÚ
|
2010
|
46
|
42
|
47
|
62
|
|
2011
|
65
|
56
|
52
|
81
|
|
2012
|
87
|
84
|
79
|
118
|
|
2013
|
99
|
102
|
102
|
137
|
|
2014
|
120
|
103
|
108
|
150
|
|
TỔNG
|
417
|
387
|
388
|
548
|
|
Trong những năm vừa qua, chúng ta căn cứ các quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” Bộ luật hình sự 1999 và Thông tư liên tịch số 17/2007 của Liên ngành Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương này; Việc khởi tố, điều tra, truy tố xét xử tội phạm ma tuý chỉ cân trọng lượng và giám định loại ma tuý để giải quyết mà không giám định hàm lượng, tuy vẫn có một số vướng mắc nhưng cơ bản vẫn đảm bảo xử lý các vụ án ma tuý nghiêm minh.
Tuy nhiên, kể từ ngày 17.9.2014, TAND Tối cao ban hành Công văn 234 yêu cầu TAND các cấp bắt buộc phải giám định hàm lượng các chất ma túy, tiền chất ma túy trong các chất nghi là chất ma túy được thu giữ để làm căn cứ xét xử; thì việc giải quyết các vụ án ma túy phát sinh những khó khăn, vướng mắc.
Nếu như trước ngày có Công văn 234 của TAND Tối cao (17.9.2014) thì việc giải quyết các vụ án về ma tuý chỉ cần giám định trọng lượng của chất ma tuý là đã xử lý được cho tất cả các loại tội về ma tuý. Nay, phải xác định hàm lượng thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho việc xử lý các vụ án ma tuý như: Thực hiện chỉ đạo của TAND Tối cao tại Công văn 234; yêu cầu phải giám định hàm lượng các chất ma túy, tiền chất ma túy trong các chất nghi là chất ma túy được thu giữ để làm căn cứ xét xử; Toà án 2 cấp ở Tp. Đà Nẵng không nhận thụ lý xét xử các vụ án ma tuý chưa được giám định hàm lượng. Trong đó, có 10 vụ án đã giám định xác định trọng lượng nhưng không còn mẫu để giám định hàm lượng và một số vụ án khác bị khởi tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” tuy còn mẫu để giám định hàm lượng nhưng sau khi giám định thì không đủ định lượng cấu thành tội. Do đó, phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để trưng cầu giám định hàm lượng, qua giám định có 4 trường hợp hàm lượng ma tuý không đủ trọng lượng để truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” nên đã đình chỉ điều tra. Đối với 10 vụ án không có mẫu để giám định hàm lượng, 3 ngành đã báo cáo Ban Nội chính Thành uỷ họp thống nhất mặc dù không có giám định hàm lượng nhưng do không còn mẫu để giám định đề nghị Toà án vẫn đưa ra xét xử. Ban đầu, Toà án còn e ngại không chịu thụ lý xét xử nhưng sau khi Ban Nội chính báo cáo Ban Thường trực Thành uỷ cho ý kiến chỉ đạo thì Toà án mới tiến hành xét xử xong vào cuối năm 2014.
Để đảm bảo cho nguyên tắc suy đoán vô tội và theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo thì việc giám định hàm lượng các chất nghi là ma tuý để xác định trọng lượng của chất ma tuý ấy là bao nhiêu gam nhằm xử lý vụ án đúng tính chất, mức độ phạm tội, đảm bảo công bằng.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, khi thực hiện Công văn 234 của TAND Tối cao thì các Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Toà án gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc trong hoạt động đấu tranh chống tội phạm, cụ thể như sau:
1. Khi phát hiện người có hành vi tội Tàng trữ, Vận chuyển, Mua bán trái phép chất ma tuý, bắt giữ, thu tang vật nghi là ma tuý, bằng phương pháp cảm quang hoặc cân đo thì có thể xác định được trọng lượng vật ấy là bao nhiêu gam, có thể trưng cầu giám định loại và trọng lượng trong thời gian từ 2-3 ngày là có kết quả. Còn việc giám định hàm lượng của chất nghi là ma tuý cần phải có thời gian dài hơn rất nhiều lần. Vì hiện nay, chỉ có ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh mới có cơ quan giám định hàm lượng các chất ma tuý (ở Đà Nẵng có cán bộ kỹ thuật, có thiết bị giám định nhưng không được cấp trên cấp mẫu để thực hiện việc giám định).
Trong các trường hợp sau đây thì cơ quan bắt giữ người và nên xử lý như thế nào?
Nếu trả tự do cho người bị bắt chờ có kết quả giám định hàm lượng để xác định có phạm tội hay không thì người vi phạm đã bỏ trốn, không bao giờ bắt lại được là bỏ lọt tội.
Nếu tạm giữ hình sự để chờ kết quả giám định hàm lượng, sau đó tuỳ theo trường hợp mà xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính dẫn đến vi phạm Nghị quyết 37 của Quốc hội về chỉ tiêu bắt giữ hình sự, xử lý hành chính tăng.
2. Đối với những vụ án không thu được tang vật là ma tuý thì xử lý như thế nào?
Trong thực tế có những vụ án Cơ quan điều tra phát hiện người phạm tội, thu giữ được một số ít ma tuý nhưng qua điều tra xác định được bọn phạm tội người mua ma tuý đã chuyển tiền qua tài khoản trả tiền cho người bán ma tuý hàng tỷ đồng và đã nhận hàng chục kg ma tuý mang về bán lại cho người khác. Căn cứ vào giá mua bán và số tiền giao dịch giữa người mua và người bán, Cơ quan điều tra quy kết họ đã mua bán ma tuý với số lượng và trọng lượng gam ma tuý tương ứng và kết tội họ theo khung hình phạt quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này không có hoạt động giám định nào cả mà vẫn kết tội được. Nếu nay làm theo yêu cầu của Công văn 234 của TAND Tối cao “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất” mà không giải thích rõ thêm thì những trường hợp không thu giữ được vật chứng nghi là ma tuý thì xử lý thế nào? Nếu cho rằng không có vật chứng thì không thể xử lý vụ án được và sẽ bỏ lọt tội phạm thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
3. Đối với các vụ án truy xét, chủ yếu dùng nguồn chứng cứ là lời khai của các đối tượng làm căn cứ để buộc tội, trong khi đó đối tượng bị bắt theo dạng này thường là chủ mưu, cầm đầu, không thu được các chất ma tuý nên không có mẫu vật để giám định hàm lượng; các đối tượng trước đây bị khởi tố theo trọng lượng, truy xét qua lời khai bỏ trốn bị truy nã nay bắt lại được để xử lý. Việc trưng cầu giám định lại hàm lượng là không thể. Vì vậy sẽ không giải quyết được các vụ án truy xét.
Để đảm bảo phục vụ tốt cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý, một loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, cần thiết phải đấu tranh trừng trị, nghiêm minh và kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay; chúng tôi đề nghị:
1. Nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về tội phạm ma tuý, nhất là hệ thống Thông tư Liên ngành hướng dẫn xử lý các tội phạm về ma tuý có nhiều điểm đã không còn phù hợp với thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử.
2. Bộ Công an báo cáo Chính phủ cung cấp mẫu các chất ma tuý; phương tiện kỹ thuật và giám định viên cho các Phòng kỹ thuật hình sự Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tiến hành việc giám định các chất ma tuý, mà trước hết là các tỉnh, thành phố trọng điểm về ma tuý.
3. Bộ Công an chủ trì phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 17.
Trong đó, quy định những vụ án có thu giữ được vật chứng nghi là các chất ma tuý thì phải trưng cầu giám định hàm lượng. Những vụ án không thu được vật chứng là ma tuý thì căn cứ vào kết quả điều tra mà kết luận có hay không có việc phạm tội, phạm tội đến mức độ nào.
Không quy định, định lượng của chất ma tuý là cấu thành tội phạm đối với tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý./.
Những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết án ma túy
Viện KSND tỉnh Lai Châu
Lai Châu là một tỉnh miền núi, ở phía Tây bắc, mới được chia tách và thành lập từ tháng 01/2004. Có diện tích tự nhiên hơn 9000 km2, với đường biên giới giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc dài 273 km, trong nước giáp với các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lào Cai,Yên Bái. Lai Châu có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 3 huyện giáp biên giới Trung Quốc). Toàn tỉnh có 20 dân tộc, với dân số hơn 37 vạn người. Trừ thành phố Lai Châu, 7 huyện còn lại có địa hình hiểm trở, cắt cứ, giao thông đi lại hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Sau khi chia tách, Lai Châu là tỉnh nghèo và lạc hậu, có tốc độ phát triển kinh tế chậm nhất cả nước. Đời sống của nhân dân nhìn chung hết sức khó khăn, phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số sống rải rác ở các vùng sâu, vùng xa với cơ sở hạ tầng kém phát triển. Trình độ văn hoá - xã hội thấp. Mặt khác Lai Châu là một tỉnh vốn có nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, lâu đời trái pháp luật về quan niệm sản xuất, ma chay, cưới hỏi, đặc biệt là việc sử dụng thuốc phiện ... Đây cũng là một trong các điều kiện, để bọn tội phạm lợi dụng, lôi kéo đồng bào dân tộc cùng tham gia thực hiện tội phạm vận chuyển, cất dấu để đem đi tiêu thụ … Những yếu tố trên đã tác động đến diến biến tình hình vi phạm, tội phạm về ma tuý trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ở Lai Châu vi phạm, tội phạm về ma tuý phổ biến và nghiêm trọng nhất vẫn là vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép các chất ma tuý. Với những đặc điểm, tình hình nêu trên, Lai Châu đã trở thành địa bàn trung chuyển cho các đối tượng phạm tội vận chuyển ma tuý đi các địa phương khác, cũng như đưa qua biên giới sang Trung quốc tiêu thụ với số lượng ma tuý lớn.
Đối tượng phạm tội chủ yếu là dân tộc ít người, liên quan đến nhiều tỉnh, có cả cán bộ, đảng viên, nhiều đối tượng tái phạm, tái phạm nguy hiểm, nhiều đối tượng phạm tội là phụ nữ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người có quan hệ thân thiết trong gia đình dòng tộc (cha con, anh em, vợ chồng). Nguồn gốc ma tuý cơ bản vẫn từ Lào vận chuyển vào tỉnh Điện Biên, tỉnh Sơn La, rồi bằng nhiều tuyến khác nhau vào Lai Châu, sang Trung Quốc và xuống các tỉnh miền xuôi. Chất ma tuý chủ yếu là loại hêrôin, thuốc phiện và đặc biệt trong những năm gần đây nổi lên là chất ma túy tổng hợp. So với các loại án đã xẩy ra trên địa bàn thì loại án ma tuý vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên dưới 70%).
Lực lượng trực tiếp đấu tranh PCMT mỏng, ĐTV, KSV, TP 2 cấp trong tỉnh, nhất là số ĐTV của lực lượng điều tra tội phạm về ma tuý rất thiếu, lại hay bị phân tán. Riêng ngành kiểm sát tỉnh Lai Châu ở cấp tỉnh (phòng nghiệp vụ giải quyết án an ninh, ma tuý) có lúc chỉ có 02 Kiểm sát viên cấp tỉnh là Trưởng phòng, phó phòng và 01 kiểm sát viên sơ cấp; 02 chuyên viên; ở cấp huyện do thiếu cán bộ, KSV nên cũng không bố trí được KSV chuyên về giải quyết án ma tuý, mà phải kiêm nhiệm.
Khắc phục khó khăn, ngành kiểm sát tỉnh Lai Châu đã nỗ lực, tích cực phấn đấu, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm về ma tuý.
Trong 08 năm qua kể từ khi thực hiện Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng Chương XVIII "Các tội phạm về ma túy" của BLHS năm 1999, ngành kiểm sát tỉnh Lai Châu, đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, cơ quan Toà án, Bộ đội biên phòng khám phá, điều tra, truy tố, xét xử, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm phạm tội về ma tuý. Từ năm 2007 -2014 toàn tỉnh đã kiểm sát điều tra 2.959 vụ/ 4.193 bị can; VKS đã truy tố và xét xử 2.672 vụ/ 3.755 bị cáo. Trong đó có rất nhiều vụ án, các bị can mua bán trái phép với số lượng ma tuý rất lớn như vụ Hạng A Chứ cùng đồng bọn mua bán 6.080 gam Hêrôin; vụ Hờ A Cưa cùng đồng bọn mua bán 23.487,5 gam Hêrôin, vụGiàng A Dế cùng đồng bọn có hành vi mua bán 3.000gam Hêrôin; vụ Vàng Seo Lẻng mua bán 1.720g ma túy tổng hợp... Việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xẩy ra oan sai, không có tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng, không có tình trạng Tòa án tuyên khác khung khoản VKS đã truy tố hay Tòa án tuyên không phạm tội. Đã phối hợp liên ngành đưa 320 vụ (trong đó có 303 là án điểm) đi xét xử lưu động ở các địa bàn trọng điểm, để tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa. Nhiều đối tượng phạm tội với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, mua bán với số lượng ma tuý lớn, đều bị Viện Kiểm sát truy tố và bị Toà án xét xử với mức án cao 20 năm tù, tù chung thân, đáng lưu ý trong 8 năm (2007 – 2014)đã có tới 27 bị cáo bị tuyên phạt tử hình. Kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy có hiệu quả rất cao, có chất lượng. Đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn và ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua.
Những khó khăn vướng mắc, bất cập qua thực tiễn thực hiện Thông tư liên tịch số 17
Đối với việc xác định hàm lượng chất ma tuý: Theo qui định tại tiểu mục 1.4, mục 4, phần I nêu trên thì trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là ma tuý đều phải trưng cầu giám định để xác định hàm lượng chất ma tuý.
Nhưng trong thực tiễn giải quyết án, có nhất thiết vụ án nào cũng phải giám định xác định hàm lượng chất ma túy không ? Vì :BLHS không qui định phải giám định; Mặt khác căn cứ để truy tố, xét xử tội phạm về ma túy chỉ cần giám định chất đó có phải ma túy không ? thuộc loại gì, trọng lượng bao nhiêu ; Hơn nữa thực tiễn giải quyết án ma túy cho thấy, nếu qui định hàm lượng thì những vụ truy xét, không thu được vật chứng, không thể giám định được hàm lượng, mà chỉ căn cứ lời khai, tài liệu điều tra để qui kết (thì giải quyết như thế nào ?). Trong khi đó cũng tại phần I, mục 1, tiểu mục 1.1, các điểm a và b của Thông tư chỉ qui định có hai dạng phải giám định hàm lượng đó là: Các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch, hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng để tiện cho việc sử dụng và xái thuốc phiện. Vậy vấn đề hướng dẫn cần được cụ thể, thống nhất.
- Những khó khăn vướng mắc trong việc xác định chứng cứ:
Việc xử lý đối với tội Trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý: Tại điều 1 phần II của Thông tư quy định: Người thực hiện hành vi trồng cây có chứa chất ma tuý chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp : “Đã được gíao dục nhiều lần; đã được tạo điều kiện ổn đinh cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”. Tuy nhiên Thông tư lại không hướng dẫn với số lượng diện tích cây có chứa chất ma tuý là bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặt khác trong thực tiễn hiện nay việc quy định phải có đủ ba điều kiện (nêu phần trên) thì mới xử lý được đối với tội “ Trồng cây thuốc phiện ” đã tạo ra rất nhiều khó khăn trong quá trình đấu tranh đối với loại tội này trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Việc xử lý đối với tội Sản xuất trái phép chất ma tuý: Tại điều 2 phần II của Thông tư hướng dẫn: “Sản xuất trái phép chất ma tuý” là làm ra chất ma tuý (Chế biến, điều chế …) bằng thủ công hoặc có áp dụng khoa học công nghệ…” Như vậy hướng dẫn của Thông tư có nội dung vẫn còn chưa cụ thể, do đó có những nhận thức khác nhau trong việc xác định tội danh... Ví dụ Nguyễn Văn A có hành vi trồng 100 m2 cây thuốc phiện, sau đó đến thời gian thu hoạch A đã có hành vi triết xuất (Rạch quả thuốc phiện) để lấy nhựa thuốc phiện, như vậy A có phạm tội Sản xuất trái phép chất ma tuý hay không? Mặt khác theo hướng dẫn của Thông tư thì phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm a khoản 3 điều 193 là “Thực hiện hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý từ 5 lần trở lên”, trong thực tế để thu hoạch một nương thuốc phiện của mình, thì A phải nhiều lần (trên 5 lần) rạch qủa thuốc phiện để lấy nhựa thuốc phiện, vậy có coi A là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp hay không? Đây cũng là những khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý đối với loại tội này.
- Những hành vi liên quan đến tội phạm về ma tuý đã xẩy ra ở địa phương, nhưng Thông tư chưa hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa đầy đủ dẫn đến khó xử lý, hoặc không xử lý hình sự được:
Tại đoạn 2, tiểu mục 1.5, mục 1, phần II của Thông tư 17/2007/TTLT quy định: Người nào mua bán trái phép cây có chứa chất ma tuý khi cây hoặc các bộ phận của cây có chứa chất ma tuý là đối tượng (chất ma tuý) quy định tại điều 194 BLHS thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma tuý theo điều 194 của BLHS.
Nhưng tại điểm i, k, l khoản 2 ; điểm c, d, đ khoản 3, khoản 4 điều 194 BLHS thì chỉ quy định xử lý đối với những người có hành vi mua bán: Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây cô ca, quả thuốc phiện khô và quả thuốc phiện tươi. Không có quy định xử lý đối với những người có hành vi mua bán thân, rễ, lá cây thuốc phiện. Như vậy phạm vi quy định hướng dẫn xử lý của Thông tư rộng hơn phạm vi qui định xử lý của BLHS, liệu hướng dẫn như vậy có trái luật không ? Rễ, thân, lá cây thuốc phiện cũng có chứa một hàm lượng chất ma túy nhất định. Trong thực tế hiện nay, hành vi bán rễ, thân lá, quả cây thuốc phiện để ngâm rượu… diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, nhưng với những quy định của pháp luật hiện hành thì rất khó xử lý, thậm trí không xử lý được, do vậy đã góp phần làm cho việc ngăn chặn hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện thêm phần khó khăn hơn.
Tại điểm a, tiểu mục 3.7, mục 3, phần II của Thông tư 17/2007/TTLT quy định, khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý cần phân biệt:
a - Người nào đã bị kết án về tội tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, chưa được xoá án tích mà tiếp tục tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt một trong các chất ma tuý được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.3 trên đây nếu không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều194 BLHS ...
Quy định như trên là thiếu hành vi mua bán TPCMT, dẫn đến thực tiễn có trường hợp đã có tiền án về tội “ Mua bán trái phép chất ma tuý ” chưa được xoá án tích, nay lại tiếp tục có hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý, nhưng trọng lượng chưa đủ theo quy định từ điểm a đến điểm g, tiểu mục 3.3, mục 3, phần II của Thông tư 17/2007/TTLT, dẫn đến không xử lý được bằng biện pháp hình sự, làm hạn chế đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy.
- Về Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Đ198 BLHS):
Ví dụ: Một người sau khi bán trái phép chất ma túy cho người khác, tuy không
cho thuê, cho mượn địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu, hoặc đang do mình quản lý, nhưng để mặc cho họ sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu, hoặc đang do mình quản lý. Theo ví dụ này:
Nếu áp dụng Tiểu mục 7.2, mục 7, phần II Thông tư thì, hành vi của đối tượng chỉ bị xử lý về tội Mua bán trái phép chất ma túy và sẽ không bị xử lý về tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Vì theo hướng dẫn tại Tiểu mục 7.2, mục 7 thì hành vi để mặc là phải để mặc cho sử dụng từ hai lần trở lên, hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng, còn trong trường hợp này mới để mặc cho sử dụng một lần, một người.
Còn nếu áp dụng Tiểu mục 3.7, mục 3, phần II Thông tư thì, hành vi của đối tượng cũng chỉ bị xử lý về tội Mua bán trái phép chất ma túy và sẽ không bị xử lý về tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Vì theo hướng dẫn tại Tiểu mục 3.7, mục 3 thì sau khi bán … đối tượng phải đồng ý cho người mua sử dụng địa điểm của mình … sử dụng. Nhưng trong ví dụ này, đối tượng lại để mặc, chứ không tỏ thái độ đồng ý rõ ràng. Và như vậy việc đấu tranh với loại tội này sẽ chưa được triệt để.
Khó khăn vướng mắc khi ngành Tòa án thực hiện CV 234/TANDTC-HS
Ngày 17/9/2014 ngành Tòa án ban hành CV 234 đôn đốc các Tòa án địa phương thực hiện nghiêm túc Thông tư 17 về việc "bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma túy trong các chất nghi là chất ma túy, để lấy đó làm căn cứ kết tội bị cáo..." thì có rất nhiều khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình giải quyết. Ngay sau khi có CV 234, LNTT cấp tỉnh đã họp bàn giải quyết nhưng không đi đến thống nhất, dẫn đến tình trạng án ma túy của cả hai cấp tồn đọng, kéo dài và xử lý không thống nhất.Hiện nay toàn tỉnh Lai Châu số án vướng mắc theo CV 234 là 119 vụ (cấp tỉnh: 14 vụ; cấp huyện:105 vụ), những vướng mắc chủ yếu đó là:
Về công tác giám định
- Mẫu giám định: Hiện nay tỉnh Lai Châu đã có phương tiện giám định tuy nhiên về mẫu ma túy chuẩn được Bộ Công an cấp mới chỉ có 02 mẫu đó là Hêrôin và Thuốc phiện, còn các loại ma túy khác chưa có, nếu ngoài 02 loại trên, muốn giám định đều phải gửi xuống Bộ Công an giám định. Theo cơ quan giám định Công an quy định các mẫu nghi ma túy gửi đến giám định phải có đủ từ 0,3 gam trở lên mới đủ điều kiện giám định. Vậy các vụ án mà lượng ma túy thu giữ dưới 0,3 gam sẽ không đủ điều kiện giám định thì xử lý như thế nào.
- Đối với những vụ án xảy ra trước khi có CV 234 vật chứng thu giữ ít dẫn đến mẫu vật giám định ít, dưới 0,1 gam hoặc 0,1 gam đã gửi toàn bộ mẫu vật giám định, không còn mẫu vật nhưng Tòa án vẫn trả hồ sơ yêu cầu giám định hàm lượng thì xử lý như thế nào.
Về căn cứ khởi tố:
Trước khi chưa có CV 234 thì căn cứ khởi tố tội phạm ma túy của LNTT hai cấp tỉnh Lai Châu chỉ cần giám định chất đó có phải là ma túy không, thuộc loại ma túy gì, trọng lượng bao nhiêu để xử lý các đối tượng phạm tội. Tuy nhiên sau khi Tòa án thực hiện CV 234 đã yêu cầu bắt buộc tất cả các vụ án ma túy đều phải giám định hàm lượng. Dẫn đến những khó khăn, vướng mắc:
Việc giám định hàm lượng ma túy có phải là căn cứ xác định trọng lượng chất ma túy để xử lý hình sự hay không?
Trường hợp CQĐT bắt các đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, tạm giữ hình sự sau đó ra quyết định trưng cầu hàm lượng ma túy, kết quả hàm lượng ma túy không đủ 0,1 tinh chất ma túy thì có xử lý hình sự hay không?
Các vụ án tội tàng trữ trái phép chất ma túy đã được điều tra, truy tố chuyển Tòa nhưng Tòa trả hồ sơ yêu cầu giám định hàm lượng ma túy. Kết quả giám định hàm lượng (theo cách tính của Tòa) thì không đủ 0,1 gam tinh chất ma túy thì có tiếp tục xử lý hình sự hay chuyển xử lý hành chính. Về số án thuộc trường hợp này tỉnh Lai Châu hiện có 31 vụ/ 39 bị cáo phạm tội "tàng trữ trái phép chất ma túy" theo Khoản 1 Điều 194 BLHS đã giám định hàm lượng Hêrôin đều dưới 0,1 gam đang hoãn xét xử chờ hướng dẫn của cấp trên.
Trong công tác truy tố, xét xử:
Hiện nay CQĐT, VKS hai cấp tỉnh Lai Châu vẫn tiến hành điều tra, truy tố các vụ án ma túy theo trọng lượng ma túy thu giữ, mặc dù các vụ án đều được trưng cầu giám định hàm lượng.
Đối với ngành Tòa án địa phương thì bắt buộc các vụ án ma túy đều phải giám định hàm lượng, những vụ án chưa có kết quả giám định thì trả hồ sơ điều tra bổ sung, đến nay hai cấp tố tụng đã có 29 vụ án ma túy bị trả hồ sơ điều tra bổ sung để giám định hàm lượng ma túy.
Trong thời gian vướng mắc CV 234 Tòa án địa phương đã đưa nhiều vụ án ra xét xử và vận dụng cách tính hàm lượng ma túy cụ thể là lấy trọng lượng Hêrôin nhân với hàm lượng Hêrôin chia cho 100 để ra kết quả Hêrôin tinh chất. Vận dụng cách tính này Tòa án hai cấp đã áp dụng Điều 196 BLTTHS xét xử 06 vụ án khác khung khoản VKS truy tố, trong đó có 01 bị cáo Tòa án tỉnh Lai Châu tuyên không phạm tội (lý do hàm lượng Hêrôin tàng trữ dưới 0,1 gam). Theo quan điểm của CQĐT và VKS cho rằng Tòa án địa phương thực hiện CV 234 bắt buộc toàn bộ các vụ án ma túy đều phải giám định hàm lượng và lấy hàm lượng tinh chất ma túy để làm căn cứ xét xử, kết tội các bị cáo là trái với BLHS năm 1999 và TTLT số 17. Bởi vì TTLT số 17 chỉ hướng dẫn giám định đối các chất "nghi là chất ma túy" còn đối với những chất ma túy mà ngay từ khi bị bắt đối tượng đều khai nhận chất đó là "ma túy" thuộc loại (Hêrôin, thuốc phiện, hồng phiến...) thì chỉ cần giám định trọng lượng, loại để làm căn cứ khởi tố, truy tố, xét xử là đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Cách tính hàm lượng ma túy hiện nay của Tòa án địa phương là không có căn cứ vì TTLT số 17 không có hướng dẫn và cũng chưa có cấp có thẩm quyền nào hướng dẫn cách tính cụ thể. Trong Nghị định 134/2007/CP ngày 14/8/2007 của Chính phủ cũng không có hướng dẫn về tính hàm lượng, tinh chất ma túy. Trong TTLT 17 không có khái niệm thế nào là hàm lượng ma túy, thế nào là tinh chất ma túy. Đặc biệt là việc yêu cầu giám định hàm lượng Thuốc phiện, bởi vì kết quả giám định Thuốc phiện chỉ ra hàm lượng Moocphin trong khi BLHS năm 1999 và TTLT 17 quy định lấy trọng lượng nhựa thuốc phiện làm căn cứ khởi tố, truy tố, xét xử chứ không có hướng dẫn lấy hàm lượng Moocphin trong Thuốc phiện để làm căn cứ khởi tố, truy tố, xét xử các đối tượng phạm tội.
- Hiện địa phương có 02/02 vụ án ma túy (chưa giám định hàm lượng ma túy thuộc thẩm quyền của huyện) đã xét xử sơ thẩm sau đó bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, Tòa án cấp tỉnh thụ lý đã ra Quyết định hủy án để yêu cầu giám định hàm lượng, như vậy việc Tòa án hủy án có căn cứ hay không.
Kể từ tháng 9/2014 ngành Tòa án ban hành CV 234 đến nay, việc đấu tranh với loại tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, hiệu quả thấp, tình trạng án tồn đọng, kéo dài, án trả hồ sơ điều tra bổ sung, xét xử trái quan điểm, hoãn xét xử... xảy ra tương đối nhiều trong khi tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Lai Châu ngày càng gia tăng, tính chất, mức độ tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp và cần thiết phải đấu tranh, phòng chống và xử lý kịp thời. Nếu vướng mắc kéo dài, LNTT trung ương không sớm có hướng dẫn giải quyết thì diễn biến về loại tội phạm này sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương.
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để kiểm sát giải quyết tốt loại án ma tuý, góp phần giữ vững an ninh, chính trị địa phương, VKS tỉnh Lai Châu chúng tôi đề nghị:
Về Luật hình sự:
Cần tách riêng các hành vi phạm tội đang qui định ở Điều194, BLHS thành các điều luật khác nhau, để điều chỉnh riêng.
Cần bổ sung hành vi bán trái phép chất ma tuý cho nhiều người vào khoản 2 Điều 194, BLHS để tương thích với Điều 198, BLHS.
Cần bổ sung hành vi mua bán thân, rễ, lá cây thuốc phiện vào Điều 194, BLHS cho toàn diện, đầy đủ.
Cần sửa đổi Điều 192, BLHS về “ Tội trồng cây thuốc phiện … ” theo hướng bỏ bớt từ ba điều kiện ghi trong điều luật, xuống chỉ cần một điều kiện là: Đã được giáo dục nhiều lần mà còn vi phạm thì phải chịu TNHS. Đồng thời cần lượng hóa diện tích cây thuốc phiện …vào điều luật để có căn cứ xử lý.
Về Luật tố tụng hình sự
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, cần được kịp thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, nhằm cụ thể hóa quan điểm, tư tưởng của Đảng đã được xác định trong Nghị quyết 49 và Kết luận 79 của Bộ Chính Trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Nhằm đảm bảo cho các cơ quan chức năng, từng bước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, theo tiến trình cải cách đã được xác định.
Theo quy định của pháp luật, thì Bộ đội biên phòng có trách nhiệm điều tra một số tội phạm nhất định, rồi kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đề nghị truy tố, nhưng hiện nay Bộ đội biên phòng lại chưa có các Điều tra viên (có đủ tư cách pháp lý theo qui định của BLTTHS), để tiến hành tố tụng đầy đủ đối với một vụ án. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu bổ sung, xuất phát từ tính chất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Bộ đội biên phòng tại khu vực biên giới.
Về sửa đổi bổ sung Thông tư 17:
Cần bổ sung hành vi Mua bán trái phép chất ma tuý, vào điểm a, tiểu mục 3.7, mục 3, phần II của Thông tư, để việc xử lý về tội Mua bán trái phép chất ma túy được toàn diện.
Cần hướng dẫn bổ sung về xử lý hình sự đối với người có hành vi mua hộ chất ma tuý cho người khác sử dụng vào tội Mua bán trái phép chất ma túy.
LNTT Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung TTLT số 17 theo hướng bỏ nội dung "giám định hàm lượng ma túy" trong thông tư 17 vì BLHS năm 1999 Chương XVIII "Các tội phạm về ma túy" chỉ ghi trọng lượng ma túy chứ không ghi hàm lượng và tinh chất ma túy. Căn cứ để truy tố, xét xử tội phạm ma túy chỉ cần giám định chất đó có phải là ma túy không, là loại ma túy gì, có trong danh mục quy định không, trọng lượng bao nhiêu. Bởi vì thực tế đấu tranh đối với loại tội phạm này trong thời gian qua cho thấy nếu quy định hàm lượng thì các vụ án truy xét (không thu giữ được vật chứng) không thể giám định hàm lượng mà chỉ căn cứ lời khai, tài liệu điều tra và ý thức chủ quan của các bị can khi tham gia phạm tội để quy kết cho các bị can phạm tội về ma túy. Thực tế đấu tranh đối với các tội phạm mua bán ma túy thì việc thanh toán chỉ cần vào số lượng ma túy chứ không cần biết hàm lượng ra sao.
Trường hợp bỏ giám định hàm lượng thì cần nâng mức trọng lượng các chất ma túy lên để phù hợp với thực tiến hiện nay. Ví dụ Heroin thì trên mức 0,1 gam, nhựa thuốc phiện thì trên mức 1 gam...
Trường hợp thực hiện theo chỉ đạo CV 234 của ngành Tòa án thì LNTT trung ương sớm có thống nhất hướng dẫn chỉ đạo thực hiện cụ thể như thế nào? hiệu lực CV 234 của ngành Tòa án được thực hiện từ thời gian nào? có hồi tố đối với những trường hợp trước đây Tòa án đã xét xử mà không giám định hàm lượng ma túy hay không.
Nếu việc giám định hàm lượng là bắt buộc thì hướng dẫn lấy mẫu vật giám định cụ thể như thế nào? trong 01 bánh Hêrôin thì lấy mẫu vật ở vị trí nào, hay lấy toàn bộ? bởi thực tế chứng minh trong 01 bánh Hêrôin nếu lấy 04 mẫu vật 04 góc của bánh đó thì sẽ cho ra kết quả giám định hàm lượng khác nhau thì sẽ lấy kết quả nào làm chuẩn.
Đối với chất ma túy là Thuốc phiện thì có giám định hàm lượng hay không?
Hướng dẫn cụ thể việc tuyên tịch thu tiêu hủy tang vật khi xét xử căn cứ vào hàm lượng ma túy (VD như tinh chất Hêrôin, tạp chất...) hay phải trả lại tạp chất cho người phạm tội.
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, đề nghị các ngành có thẩm quyền, sớm nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết. VKSTC tăng cường công tác tổng kết kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương để công tác đấu tranh phòng chống ma tuý ngày càng có hiệu quả./.
RÚT KINH NGHIỆM GIẢI QUYẾT ÁN MA TÚY
VKSND tỉnh Nam Định
Nam Định là một trong những tỉnh có tình hình phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy; theo báo cáo tổng kết công tác của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Nam Định hàng năm cả hai cấp đã thụ lý và giải quyết khoảng trên dưới 600 vụ án về ma túy chiếm khoảng 60% tổng số án hình sự; trong đó, có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng với số lượng ma túy lớn; thu giữ đa dạng về các chất ma túy. Tất cả các vụ án về ma tuý cả hai cấp đã giải quyết (cả trước và sau khi thực hiện thông tư liên ngành số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của liên ngành Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp) đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không có trường hợp nào oan, sai.
Sau khi Tòa án hai cấp tỉnh Nam Định triển khai thực hiện Công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/09/2014 của Tòa án nhân dân tối cao với nội dung quán triệt và triển khai về việc bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma tuý trong các chất thu giữ nghi là chất ma túy, để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma tuý” của Bộ luật hình sự năm 1999 và ngành Kiểm sát thực hiện theo Công văn số 3240/VKSTC-V1C ngày 24/9/2014 của Viện kiểm sát tối cao chỉ đạo các Viện kiểm sát địa phương về việc áp dụng pháp luật giải quyết án ma túy; VKSND tỉnh Nam Định đã cùng các ngành làm án (CQĐT – TAND tỉnh) họp bàn tháo gỡ nhứng vướng mắc và đã có kiến nghị liên ngành số 01/KN ngày 13/10/2014 và số 02/KN ngày 18/11/2014 gửi Bộ Công an, VKSND tôi cao và TAND tối cao đề nghị tháo gỡ những vướng mắc trong công tác giải quyết các vụ án ma túy. Đồng thời hướng dẫn VKSND cấp huyện thực hiện đúng quy định của Pháp luật cũng như chỉ đạo của VKSND tối cao về việc áp dụng pháp luật trong công tác giải quyết án ma túy; thường xuyên theo dõi, quản lý chặt chẽ việc giải quyết án ma túy của VKSND cấp huyện; kịp thời báo cáo VKSND tối cao những vướng mắc phát sinh.
Tuy nhiên những vướng mắc trong công tác giải quyết các vụ án ma túy chưa được tháo gỡ kịp thời do đó đến nay vẫn còn những vướng mắc cả ở cấp tỉnh và cấp huyện liên quan đến vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy và lấy hàm lượng chất ma túy nguyên chất làm căn cứ truy cứu TNHS. Cụ thể như sau:
+/ Số vụ phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung: 63 vụ;
+/ Các trường hợp không còn căn cứ để gia hạn tạm giam: 0;
+/ Số vụ/ bị can phải đình chỉ qua giám định hàm lượng: 0;
+/ Số vụ phải hoãn phiên tòa để kéo dài thời hạn xét xử chờ chỉ đạo: 16 vụ;
+/ Số vụ TAND đã xét xử sơ thẩm, VKSND kháng nghị phúc thẩm do liên quan đến việc giám định hàm lượng: 3 vụ/6 bị cáo, gồm Vụ Giàng A Hờ (1 bị cáo); vụ Trần Văn Long (2 bị cáo), vụ Vi Mạnh Dũng (3 bị cáo)
Thứ hai, Những đề xuất kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án về ma túy:
1. Tội phạm về ma tuý xảy ra hàng ngày, hàng giờ nếu không thực hiện được giám định kịp thời hàm lượng các chất ma tuý sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đấu tranh với tội phạm về ma tuý do khó khăn trong việc xác định căn cứ để tạm giữ, khởi tố, tạm giam, điều tra, truy tố.
2. Cơ quan điều tra khẳng định với phương tiện kỹ thuật, con người hiện có của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Nam Định thì không thể giám định hàm lượng các chất ma tuý được. Nếu muốn thực hiện việc giám định hàm lượng các chất ma tuý thì cơ quan điều tra địa phương phải trưng cầu Viện khoa học hình sự - Bộ công an; việc giám định của Viện khoa học hình sự Bộ công an cũng mất nhiều thời gian và không xác định được thời gian có kết quả để làm căn cứ cho việc khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn vì phải thực hiện giám định trên phạm vi toàn quốc.
3. Ma túy tổng hợp luôn có nhiều loại mới; có những loại chưa có mẫu nên không giám định được hàm lượng; có vụ chất ma túy ở dạng vết nên không giám định được hàm lượng như vụ Phạm Thị Thu Hằng, cơ quan điều tra – Công an thành phố Nam Định thu giữ tại nơi ở của Hằng 20 viên nén mầu xanh nghi là chất ma túy và đã trưng cầu giám định tại Viện khoa học hình sự - Bộ Công an, có kết luận là: Hoạt chất delta-9-tetrahydrocanabinol; Codeine; MAM-6 và Morphine (các chất này đều là sản phẩm của heroine và là chất ma túy ở danh mục I, II Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính Phủ). Về hàm lượng Hoạt chất delta-9-tetrahydrocanabinol; Codeine; MAM-6 và Morphine tìm thấy trong các viên nén đều ở dạng vết nên không xác định hàm lượng. Vậy trong trường hợp chất ma túy ở dạng vết như nêu nếu căn cứ vào kết luận giám định về hàm lượng thì sẽ không xử lý được tội phạm?
4. Theo quan điểm của ngành TAND lấy trọng lượng chất ma túy thu giữ nhân với hàm lượng chất ma túy để tính lượng ma túy phải chịu TNHS thì nhiều vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy đã, đang khởi tố, điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử sẽ không cấu thành tội phạm (tỉnh Nam Định hiện nay có 65 vụ).
5. Đối với một số vụ án đã và đang xử lý ngoài vật chứng là các chất ma túy thu giữ trực tiếp, còn có các chứng cứ khác để chứng minh trước đó các bị can, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội về ma túy hay nói cách khác là điều tra “truy xét”, không thu giữ được chất ma túy nên không có vật chứng để giám định. Vì vậy nếu thực hiện theo Công văn 234 thì không thể xử lý được tội phạm hoặc không thể điều tra, truy tố, xét xử các bị can, bị cáo theo tình tiết định khung “phạm tội nhiều lần” tại điểm b khoản 2 điều 194 BLHS hoặc áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 điều 48 BLHS được.
6. Thông tư liên ngành số 17/2007/TTLT quy định: “…nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy”. Như vậy quy định này của Thông tư số 17/2007/TTLT rõ ràng không cần hàm lượng (vì ma túy giả) nhưng vẫn truy tố được.
7. Về căn cứ pháp luật để giải quyết các vụ án ma túy: Tại điều 194 BLHS cũng như các hướng dẫn áp dụng điều 194 BLHS năm 1999 như:Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của liên ngành Bộ công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ tư pháp hướng dẫn một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” BLHS năm 1999 và Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/03/2001 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 BLHS năm 1999” cũng như các quy định khác của pháp luật về đấu tranh chống tội phạm ma túy đều lấy trọng lượng chất ma túy để làm căn cứ quyết định bị can, bị cáo phạm vào khung khoản nào trong điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về ma túy; không có văn bản pháp luật nào hướng dẫn áp dụng lấy hàm lượng chất ma túy nhân với trọng lượng chất ma túy bị thu giữ để xác định trọng lượng chất ma túy phải chịu TNHS.
8. Từ khi BLHS năm 1999 có hiệu lực thi hành đến nay, việc truy cứu TNHS đối với các bị can, bị cáo phạm tội về ma túy, các Cơ quan tiến hành tố tụng đều căn cứ vào trọng lượng các chất ma túy để điều tra, truy tố, xét xử, quyết định hình phạt. Nay TAND tỉnh Nam Định căn cứ hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy (hay chất ma túy nguyên chất) làm căn cứ để truy cứu TNHS gây bất bình đẳng đối với những người phạm tội về ma túy đã bị xét xử và thi hành án; gây hệ lụy và khó khăn, vướng mắc trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy – một loại tội phạm nguy hiểm cao đối với xã hội.
9. Sau khi TAND cả hai cấp của tỉnh Nam Định vận dụng Công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/09/2014 của Tòa án nhân dân tối cao đã lấy trọng lượng chất ma túy thu giữ nhân với hàm lượng chất ma túy giám định để xác định trọng lượng chất ma túy các bị cáo phải chịu TNHS để xét xử một số vụ án, VKSND tỉnh Nam Định đã kháng nghị phúc thẩm do các bản án này vi phạm nghiêm trọng pháp luật vì: Công văn 234 là một văn bản của TAND tối cao hướng dẫn các TAND địa phương; vấn đề giám định hàm lượng các chất ma túy là vướng mắc trong các hội nghị sơ kết 1 năm và 3 năm thực hiện thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP vì vậy nội dung này phải do Liên ngành TW thống nhất hướng dẫn giải quyết.
10. Theo chúng tôi cần tham khảo các nhà khoa học tự nhiên về khái niệm thế nào là một “chất” và trong tự nhiên có chất nào đủ hàm lượng 100% hay không? Từ đó cần phải đưa ra khái niệm khoa học pháp lý về “chất” rồi mới đặt vấn đề về giám định hàm lượng chất ma túy trong các vụ án ma túy.
Thứ ba, về những vướng mắc trong thực hiện Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của liên ngành Bộ công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ tư pháp. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã kiến nghị liên ngành TW nhưng đến nay chưa được sửa đổi bổ sung. Tại hội nghị này chúng tôi nêu một số vướng mắc như sau:
1. Theo quy định điểm a tiểu mục 3.7 mục 3 phần 2 của TTLT 17 thì “Người nào đã bị kết án về tội tàng trữ , vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt trái phép chất ma tuý chưa được xoá án tích mà lại tiếp tục tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt một trong các chất ma tuý có số lượng được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.6 trên đây nếu không thuộc trường hợp tái pham nguy hiểm thì bị truy cứu TNHS theo khoản 1 điều 194 BLHS. Như vậy một đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt một trong các chất ma tuý có số lượng được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.6 nhưng có tiền án về tội mua bán trái phép chất ma tuý hay chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý thì lại không bị truy cứu TNHH , trong đó tiền án về tội mua bán, chứa chấp hay tổ chức sử dụng TPCMT có thể coi là nguy hiểm hơn tiền án về tội tàng trữ, vận chuyển, chiếm đoạt TPCMT.
2. Trường hợp một người tàng trữ trái phép chất ma tuý có trọng lượng đủ để truy cứu TNHS rủ một người khác cùng đi để cho người đó cùng sử dụng ma tuý nhưng chưa kịp sử dụng thì bị bắt giữ, người đi cùng chỉ có hành vi cùng đi với người có ma tuý (không có hành vi nào khác) như vậy người đi cùng có đồng phạm với người có chất ma tuý về tội tàng trữ TPCMT hay không? đây cũng là nội dung còn nhận thức khác nhau.
3. Khi bắt quả tang người phạm tội (bị can) vật chứng thu giữ được niêm phong theo quy định và có chữ ký của bị can. Nhưng khi mở niêm phong để lấy mẫu giám định bị can không được chứng kiến việc mở niêm phong đó (vì đã bị đưa vào nhà tạm giữ hoặc tạm giam rồi) . Vậy cơ quan giám định mở niêm phong đó có khách quan không?, trường hợp vụ án có luật sư tham gia có ý kiến thì cơ quan tố tụng rất khó giải thích, cần có quy định để việc mở niêm phong chặt chẽ hơn .
4. Tại điểm b tiểu mục 3.7 mục 3 phần 2 TTLT 17 quy định:
Người bán trái phép phép chất ma tuý cho người khác mà còn cho họ sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu... thì còn bị truy cứu TNHS về tội “chứa chấp sử dụng TPCMT”.
Trong khi đó điểm b tiểu mục 7.3 mục 7 phần 2 lại quy định : Người nghiện ma tuý cho người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng trái phép chất ma tuý tại địa điểm thuộc quyền sở hữu... của mình thì không phải chịu TNHS về tội “Chứa chấp sử dụng TPCMT. Vậy người bán ma tuý cũng là người nghiện ma tuý, sau khi bán xong lại cho người nghiện ma tuý sử dụng ngay tại địa điểm thuộc quyền sở hữu... của mình hoặc sử dụng cùng thì xử lý như thế nào?. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy đa số đối tượng bán ma tuý cũng là người nghiện ma tuý, bán ma tuý cho người nghiện khác và cho sử dụng tại nơi ở của mình để kiếm lời phục vụ cho việc nghiện của mình hiện nay vẫn là phổ biến.
5. Có những vụ án đối tượng bị bắt quả tang bán trái phép ma tuý cho người nghiện và khai nhận trước đó đã bán nhiều lần cho người nghiện chất ma tuý, nhưng không nhớ tên, địa chỉ, vật chứng lại không thu giữ được (chỉ có lời khai nhận của bị can) các cơ quan tiến hành tố tụng có quan điểm khác nhau, cơ quan điều tra và TAND cho rằng bị can, bị cáo phạm tội nhiều lần cần truy tố theo định khung tăng, nặng. Quan điểm của VKS là không đồng ý, đây cũng là vướng mắc khi giải quyết vụ án .
Từ những vướng mắc trong thực hiện Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP và Công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/09/2014 của Tòa án nhân dân tối cao, ở cả phương diện lý luận và thực tiễn VKSND tỉnh Nam Định đề nghị:
1. Cần tạm dừng việc thực hiện công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/09/2014 của Tòa án nhân dân tối cao.
2. Cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung ngay Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của liên ngành Bộ công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ tư pháp để đáp ứng yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy.
3. Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17, đề nghị sớm có hướng dẫn thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đối với việc giám định hàm lượng chất ma túy để xử lý các tội phạm về ma túy tạo điều kiện khắc phục vướng mắc hiện nay giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương.
Trên đây là một số ý kiến tham luận tại Hội nghị rút kinh nghiệm giải quyết án ma túy, VKSND tỉnh Nam Định mong rằng những vướng mắc sẽ được tháo gỡ triệt để giúp các địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy./.
Rút kinh nghiệm giải quyết án ma túy
VKSND tỉnh Phú Thọ
Trong những năm qua, mặc dù Nhà nước đã cón những nỗ lực rất lớn trong đấu tranh phòng chống ma túy nhưng hoạt động của tội phạm ma túy ở nước ta vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Để hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự, ngày 24/12/2007 Liên ngành Bộ công an, Viện kiểm sát ND Tối cao, Tòa án ND Tối cao và Bộ tư pháp ban hành thông tư liên tịch số 17 hướng dẫn áp dung một số quy định tại Chương XVIII” các tội về ma túy” của BLHS 1999. Trong đó tại tiểu mục 1.4 mục 1 phần I quy định: “ Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”.
Tuy nhiên trong thực tiễn xét xử từ năm 2007 đến nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ việc khởi tố, điều tra truy tố, xét xử tội phạm về ma túy chỉ căn cứ vào trọng lượng, kết quả giám định loại ma túy để giải quyết mà không giám định hàm lượng.
Ngày 17/09/2014 Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Công văn số 234/ TANDTC yêu cầu thực hiện hướng dẫn tại Thông tư 17/ TTLT ngày 24/12/2007 của Bộ Công an- Viện kiểm sát ND Tối cao - Tòa án Nhân dân Tối cao- Bộ tư pháp về việc bắt buộc phải giám định hàm lượng chất ma túy trong các chất thu giữ nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.
Kể từ khi có công văn số 234 của Tòa án nhân dân tối cao, tại tỉnh Phú Thọ các ngành Công an- Viện kiểm sát -Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc; cụ thể như sau:
Tại công văn 234/TANDTC yêu cầu bắt buộc phải giám định hàm lượng chất ma túy trong các chất thu giữ nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy là đúng với tinh thần hướng dẫn tại Thông tư 17/ TTLT ngày 24/12/2007 của Bộ Công an- Viện kiểm sát ND Tối cao - Tòa án Nhân dân Tối cao- Bộ tư pháp.
Tuy nhiên trong Công văn 234/TANDTC tại dòng 27 từ trên xưống có đoạn viết: “... Bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma túy trong các chất thu giữ nghi là ma túy, lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định tại Chương XVIII “ Các tội về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999” (Trong Công văn cũng không nêu rõ thời điểm thực hiện từ khi nào, có sự thống nhất của liên ngành trung ương không).
Với nội dung này của Công văn đã dẫn đến cách hiểu là phải lấy kết quả giám định hàm lượng quy ra trọng lượng chất ma túy nguyên chất để làm căn cứ kết tội các bị cáo. Thực tế hiện nay kể từ khi có Công văn 234/TANDTC tại tỉnh Phú Thọ Tòa án ND tỉnh phú thọ đã lấy kết quả giám định hàm lượng chất ma túy để quy ra trọng lượng nguyên chất bằng cách lấy hàm lượng chất ma túy sau khi có kết luận giám định ( tính bằng tỷ lệ phần trăm) nhân với tổng trọng lượng chất ma túy thu giữ được khi bắt giữ, kết quả được bao nhiêu thì lấy đó làm định lượng để xét xử đối với các bị cáo. Chính vì thế mà nhiều vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy là hê rô in sau khi có kết luận giám định hàm lượng không đủ định lượng để truy tố ( hê rô in nguyên chất dưới 0,1 %) Tòa án không nhận hồ sơ hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ xung vì không đủ trọng lượng ma túy nguyên chất để xét xử. Một số vụ tòa án trả hồ sơ lần thứ 2; khi hết thời hạn điều tra bổ xung và thời hạn tạm giam bị can, không thể gia hạn thời hạn tạm giam bị can được nữa, Viện kiểm sát phải tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can với lý do chờ hướng dẫn của liên ngành trung ương, đồng thời trả tự do cho bị can với lý do chờ xử lý ( việc này 3 ngành Công an- Viện kiểm sát- Tòa án ND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức họp liên ngành thống nhất tạm thời xử lý trong khi chờ hướng dẫn của liên ngành trung ương).
Nếu theo cách lấy kết quả giám định hàm lượng quy đổi về trọng lượnghê rô in nguyên chất như đã nêu ở trên thì các vụ án không đủ trọng lượng hê rô in nguyên chất phải đình chỉ điều tra vì lý do không phạm tội. Điều này kéo theo hệ lụy rất nhiều vụ án, bị can phải đình chỉ điều tra vì lý do không phạm tội. Hiện nay tại tỉnh Phú Thọ có tổng số 31 vụ= 32 bị can có kết quả giám định hàm lượng quy đổi về hê rô in nguyên chất không đủ trọng lượng truy tố, xét xử. Nếu như vậy thì đối với những Bản án đã có hiệu lực pháp luật và các vụ án ma túy xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị thì xử lý thế nào? Các bản án đã có hiệu lực pháp luật nếu áp dụng xác định hàm lượng để tính trọng lượng hê rô in nguyên chất thì có thể thay đổi khung, khoản xét xử, mức hình phạt phải xem xét lại.
Nhiều vụ án đã khởi tố điều tra, truy tố trước khi có công văn 234/TANDTC chỉ căn cứ vào trọng lượng và kết quả giám định loại ma túy, chưa giám định hàm lượng; Tòa án, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ để yêu cầu giám định hàm lượng dẫn đến tình trạng án trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tăng, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án.
Nhiều vụ án do yêu cầu giám định hàm lượng mà thời hạn gia hạn điều tra, gia hạn tạm giam đã hết hoặc những vụ án tòa án trả hồ sơ để giám định hàm lượng đã hết thời hạn điều tra bổ xung và thời hạn tạm giam bị can nhưng vẫn chưa có kết quả giám định hàm lượng; nếu kết thúc điều tra chuyển viện kiểm sát để VKS trả hồ sơ điều tra bổ xung thì không có căn cứ, nếu tiếp tục gia han điều tra, gia hạn tạm giam bị can thì vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự, nếu hủy bỏ biện pháp ngăn chặn thì lo bị can bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra.
Theo số liệu tại tỉnh Phú Thọ kể từ tháng 9/2014 đến nay Tòa án trả hồ sơ yêu cầu giám định hàm lượng tổng số 24 vụ=34 bị cáo; Viện kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu giám định hàm lượng 24 vụ= 34 bị cáo. Trong đó có 18 vụ= 22 bị cáo tòa án trả hồ sơ lần thứ 2. Có 04 vụ=4 bị cáo tòa án trả lần thứ 2 do hết thời hạn điều tra bổ xung, hết thời hạn tạm giam bị can Viện kiểm sát phải tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can; Viện kiểm sát trả tự do cho 04 bị can. Hiện còn 12 vụ= 13 bị can tới đây hết hạn điều tra bổ xung, hết hạn tạm giam bị can phải trả tự do chờ xử lý. Tòa án hoãn xử: 01 vụ/ 05 bị cáo; không có vụ án nào tòa hủy án, bác kháng nghị.
Thực tế hiện nay tại tỉnh Phú Thọ, trong khi chờ hướng dẫn của các ngành trung ương, các vụ án ma túy mới bắt giữ, thu được chất ma túy phải giám định hàm lượng ma túy để tính trọng lượng ma túy nguyên chất trước khi khởi tố vụ án, bị can. Việc này gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng bị bắt giữ. Trong khi Bộ luật tố tụng hình sự quy định thời hạn tạm giữ nhiều nhất là 09 ngày, trong thời gian đó không thể có kết quả giám định hàm lượng ma túy để xác định đối tượng đó đủ căn cứ khởi tố hình sự và áp dụng biện pháp ngăn chặn không. Nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì các đối tượng bỏ trốn gây khó khăn cho việc điều tra vụ án.
Đặc biệt là đối với các vụ án truy xét là loại án chủ yếu dùng nguồn chứng cứ là lời khai của các đối tượng để làm căn cứ buộc tội. Nếu căn cứ vào công văn 234/ TANDTC thì không thể xử lý đối với các vụ án truy xét vì không thu giữ được vật chứng nên không có mẫu vật chứng để giám định hàm lượng, vì vậy không có căn cứ để kết tội đối với các bị cáo. Thực tiễn nhiều vụ án ma túy do điều tra “ truy xét” không thu được vật chứng, chỉ căn cứ vào lời khai của bị can và các chứng cứ khác trong quá trình điều tra để xác định trọng lượng làm căn cứ định khung hình phạt. Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn của các ngành trung ương về cách tính trọng lượng ma túy đối với các vụ án điều tra truy xét, vì vậy tại tỉnh Phú Thọ trong quá trình xét xử các vụ án ma túy các cơ quan tố tung áp dụng áp dung pháp luật không thống nhất. Có vụ án tòa án đã áp dụng để quy đổi hàm lượng hê rô in thu giữ của một bị cáo trong vụ án để tính trọng lượng hê rô in nguyên chất đối với các bị cáo mà quá trình điều tra truy xét không thu được vật chứng. Trong khi số ma túy cơ quan điều tra thu giữ của đó không liên quan đến lượng ma túy các bị cáo mua bán ( Việc này Viện kiểm sát ND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản kiến nghị đối với Tòa án ND tỉnh Phú Thọ). Tuy nhiên nếu chỉ quy đổi ma túy nguyên chất đối với các đối tượng thu giữ được chất ma túy thì sẽ không có lợi cho bị can, bị cáo qua điều tra truy xét không thu giữ được vật chứng, vì thực tế qua giám đinh hàng ngàn vụ án ma túy đã khởi tố, truy tố và xét xử nhiều năm trở lại đây cho thấy hầu hết số ma túy lưu hành bị thu giữ đều có hàm lượng thấp. Như vậy sẽ tạo ra tình trạng bất bình đẳng trước pháp luật.
Trong quá trình giải quyết các vụ án ma túy ( án truy xét) tại tỉnh Phú Thọ còn có vướng mắcvề cách xác định trọng lượng chất ma túy làm căn cứ để xác định khung hình phạt đối với các trường hợp bị can mua ma túy về vừa bán vừa sử dụng ( đối với án truy xét) và Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can về tội: mua bán trái phép chất ma túy. Hiện các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Phú Thọ có 2 quan điểm khác nhau:
* Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nếu bị can mua ma túy về vừa bán, vừa sử dụng, thì trọng lượng ma túy bị can mua bán phải tính tổng trọng lượng bị can mua về để bán và sử dụng. Quan điểm này cho rằng: tội mua bán trái phép chất ma túy và tội tàng trữ trái phép chất ma túy cùng trong một điều luật, cùng khung hình phạt, vì vậy nên thu hút về một tội: Mua bán trái phép chất ma túy và bị can phải chịu trách nhiệm với tổng trọng lượng ma túy mà bị can mua về để bán và sử dụng. Hơn nữa, tội mua bán trái phép chất ma túy có cấu thành hình thức, tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có hành vi mua ma túy nhằm mục đích để bán. Thực tế án truy xét cơ quan điều tra không thể chứng minh bị cáo đã giữ lại bao nhiêu ma túy để sử dụng cho bản thân( thường chỉ dựa vào lời khai của bị can). Nếu chỉ căn cứ duy nhất vào lời khai của bị can để loại bỏ một lượng ma túy được coi là bị can sử dụng cho bản thân là không có cơ sở vững chắc và như vậy đồng nghĩa với việc cơ quan tiến hành tố tụng không đủ cơ sở để khởi tố bị can về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Việc bóc tách số ma túy trong trường hợp này sẽ dẫn đến khả năng bỏ lọt tội phạm hoặc gây ra tình trạng bất lợi cho bị can, bị cáo( bởi vì có thể bị can, bị cáo lại bị khởi tố bằng một vụ án khác khi cơ quan điều tra chứng minh được bị can đã có hành vi bán ma túy cho người khác từ nguồn ma túy mà bị can khai để lại sử dụng cho bản thân trong vụ án trước).
* Quan điểm thứ hai cho rằng: Trong tổng số ma túy bị can khai mua về để vừa bán vừa sử dụng cần làm rõ bị can bán bao nhiêu, bị can sử dụng bao nhiêu. Bị can chỉ phải chịu trách nhiệm về trọng lượng ma túy bị can mua về để bán, không phải chịu trách nhiệm về trọng lượng ma túy bị can khai mua về để sử dụng. Vì cho rằng: Đối với các trường hợp mua ma túy về sử dụng chỉ căn cứ duy nhất lời khai của các bị can, vật chứng( chất ma túy) của vụ án không thu được thì không có căn để khởi tố bị can về tội: tàng trữ trái phép chất ma túy ( các trường hợp bị can khai mua ma túy về sử dụng cho bản thân dù đủ trọng lượng đều không bị xử lý về hình sự). Vì vậy nếu tính cả trọng lượng ma túy bị can mua về để vừa bán vừa sử dụng sẽ không có lợi cho bị can.
Tại Hội nghị này VKSND tỉnh Phú thọ cũng đưa ra vướng mắc trên để Hội nghị có quan điểm để địa phương áp dụng pháp luật thống nhất.
Kể từ khi liên ngành trung ương ban hành thông tư liên tịch số 17/TTLT ngày 24/12/2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã truy tố, xét xử hàng ngàn vụ án về tội phạm ma túy chỉ giám định loại ma túy và trọng lượng ma túy thu giữ chứ không giám định hàm lượng. Do vậy nếu bắt buộc phải giám định hàm lượng ma túy đối với tang vật thu được nghi là chất ma túy sẽ dẫn đến tình trạng nhiều vụ án bị khởi tố, bắt giữ, truy tố, xét xử oan sai và sẽ “châm ngòi” cho tình trạng khiếu nại, kêu oan trong quá trình giải quyết án ma túy, bao gồm cả trường hợp án đã có hiệu lực, thậm chí án đã thi hành xong. Việc làm trên sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay tình hình tội phạm ma túy ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Chúng ta cần có biện pháp kiên quyết để đẩy lùi tội phạm về ma túy ra khởi đời sống xã hội.Việc thực hiện giám định hàm lượng ma túy gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng ở các địa phương. Khi bắt giữ các đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy việc áp dụng biện pháp ngăn chặn gặp nhiều khó khăn, việc xử lý các vụ án ma túy không toàn diện, triệt để, kịp thời. Kể từ khi Tòa án ND Tối cao ban hành công văn 234 yêu cầu giám định hàm lượng các chất nghi là ma túy hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy giảm đáng kể: Tại tỉnh Phú Thọ số liệu án ma túy khởi tố trong 6 tháng đầu năm 2014 là 142 vụ/ 229 bị can; số liệu án ma túy khởi tố từ tháng 9/2014 đến tháng 02/2015 ( 06 tháng từ khi có Công văn 234/TANDTC ) là 85 vụ/ 212 bị can; giảm 59%.
Hơn nữa phòng giám định kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Thọ không có đủ máy móc phương tiện kỹ thuật để giám định “hàm lượng” chất ma túy mà chỉ giám định vật chứng thu được có chứa chất ma túy hay không và “trọng lượng” của chế phẩm ma túy đó thuộc danh mục chất ma túy theo NĐ 67/CP của Chính phủ. Trên cơ sở kết luận của cơ quan giám định kỹ thuật hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng dùng làm chứng cứ để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Hiện nay toàn quốc chỉ có một cơ sở giám định hàm lượng ma túy đó là Viện khoa học kỹ thuật hình sự( Bộ công an). Nếu tất cả các tỉnh đều đổ dồn về Bộ Công an để giám định hàm lượng chất ma túy sẽ dẫn đến quá tải, việc trả lời kết quả giám định không kịp thời, tốn nhiều thời gian, kinh phí; vì vậy ảnh hưởng đến yêu cầu đấu tranh với các loại tội phạm về mà túy đang có diễn biến rất phức tạp.
Tại các điều luật trong chương VIII Bộ luật hình sự năm 1999- Các tội phạm về ma túy chỉ căn cứ vào trọng lượng, số lượng để truy tố, xét xử mà không căn cứ vào hàm lượng chất ma túy. Trong thực tiễn từ trước đến nay và từ ngày thông tư 17 có hiệu lực việc truy tố, xét xử vẫn thực hiện theo quy định của Bộ luật hình sự.
Theo quy định tại Thông tư số 17 ngày 24/12/2017 của Bộ công an,Viện KSND tối cao, Tòa án ND tối cao, Bộ tư pháp thì tại điểm 1.1 thì chỉ trong các trường hợp vật chứng thu giữ như là: sái thuốc phiện, các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch hoặc chất ma túy ở thể lỏng đều phải giám định hàm lượng để quy về trọng lượng. Nhưng trong thực tế cũng không có văn bản nào hướng dẫn cách quy đổi trong các trường hợp này.
Tại điểm 1.4 Thông tư 17 quy định: “.... Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy”. Như vậy ngay cả trong việc giám định không phải là ma túy, nhưng người phạm tội ý thức rằng chất đó là ma túy thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm ma tuý.
Khi thu giữ các chất ma túy mà giám định có thành phần chất ma túy nằm trong danh mục chất ma túy bị chính phủ cấm (Theo Nghị định số 82/2013/NĐ- CP ngày 19/7/2013) thì phải chịu trách nhiệm hình sự về trọng lượng chất ma túy bị thu giữ.
Vì từ khi thi hành BLHS năm 1999 đến nay chưa có vụ nào bắt được tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý nguyên chất, mà các chất ma tuý đều ở dạng thành phẩm như bánh, bột hê rô in. Hơn nữa tội phạm về ma tuý khi mua bán không bao giờ mặc cả về hàm lượng, chỉ mặc cả về trọng lượng. Vì vậy yêu cầu giám định hàm lượng để quy thành trọng lượng làm căn cứ để truy tố là không cần thiết, không phù hợp với tình hình hiện nay.
Từ trước đến nay không có một văn bản pháp luật nào quy định quy đổi bằng cách lấy hàm lượng chất ma túy đã giám định nhân với trọng lượng chất ma túy đã thu giữ để tính trọng lượng ma túy nguyên chất để truy tố, xét xử. Việc quy đổi hàm lượng ra trọng lượng không có căn cứ bởi lẽ việc giám định hàm lượng chỉ có ý nghĩa xác định được độ mạnh và tính chất nguy hiểm của hàm lượng có chất ma túy khi đưa vào cơ thể con người.
Với những lý do trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Liên ngành Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn thống nhất cho các địa phương về thực hiện Công văn 234 ngày 17/9/2014 của Tòa án ND Tối cao: có thể cho dừng thực hiện công văn 234 của Tòa án ND Tối cao về giám định hàm lượng chất nghi là ma túy hoặc nếu thực hiện Công văn 234 phải có lộ trình, thời gian để các địa phương từng bước thực hiện ( việc thực hiện giám định “hàm lượng” chất ma túy không có tính khả thi).
Liên ngành Trung ương cần thống nhất quan điểm về giám định hàm lượng ma túy đối với vật chứng thu giữ để áp dụng thống nhất. Nếu thực hiện công văn 234 thì cần có văn bản hướng dẫn của liên ngành thống nhất về việc giải quyết các vụ án ma túy đã khởi tố trước khi có Công văn 234 của Tòa án ND Tối cao:
Nếu các vụ án đã khởi tố trước đây giám định đủ trọng lượng, nay giám định hàm lượng chất ma túy quy đổi về trọng lượng ma túy nguyên chất không đủ trọng lượng để truy tố, xét xử thì giải quyết như thế nào trong khi vụ án đã khởi tố, bị can đang bị tạm giam.
Liên ngành Trung ương cần hướng dẫn về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn hay không áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng có vật chứng nghi là ma túy bị thu giữ trong khi chờ kết quả giám định “hàm lượng” chất ma túy tại Bộ Công an do yếu tố thời gian không đảm bảo kể cả khi gia hạn tạm giữ hết 9 ngày. Hướng dẫn cách xác định định lượng ma túy làm căn cứ định khung hình phạt trong trường hợp án truy xét không thu được vật chứng. Hướng dẫn về việc ma túy tổng hợp có phải giám định hàm lượng không.
Bộ Công an cần đầu tư vật tư trang thiết bị, máy móc phương tiện kỹ thuật, con người để đáp ứng với yêu cầu giám định xác đinh độ tinh khiết của các chất ma túy tại các địa phương.
Sửa đổi thông tư 17 ( điểm 1.4) quy định không giám định về “hàm lượng” mà chỉ giám định về “trọng lượng”. Chúng tôi cũng đề nghị: đối với nhóm hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy ( Hê rô in) nên nâng định lượng từ 0,1 lên thành 0,2 gam thì mới bị xử lý về hình sự; Sửa đổi Bộ luật hình sự 1999, cơ cấu lại khung hình phạt của các Điều luật về tội phạm ma túy theo hướng rút ngắn hình phạt trong từng khung hình phạt để xử lý cho phù hợp, đảm bảo tính công bằng trong áp dụng hình phạt đối với các vụ án cụ thể cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy trong tình hình hiện nay./.
TH