Tình tiết giảm nhẹ “phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra” quy định tại điểm l khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 trên thực tế còn nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, đòi hỏi cần có hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất.
“Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra” được quy định tại điểm l khoản l Điều 51 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 là trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội không đủ tỉnh táo để nhận biết đầy đủ mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Hạn chế khả năng nhận thức của người phạm tội là do yếu tố khách quan tác động, không phải do bản thân người phạm tội gây ra. Hiện nay, thực tiễn áp dụng vẫn có những quan điểm khác nhau về nội dung này.
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) “phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra” là tình tiết mới được bổ sung vào BLHS năm 2015. Mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng có thể hiểu tinh thần của quy định này là một số trường hợp, người thực hiện hành vi phạm tội trong khi bị hạn chế khả năng nhận thức do những nguyên nhân khách quan như bị cưỡng ép, lừa gạt để sử dụng chất kích thích mạnh,... sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào mức độ bị hạn chế khả năng nhận thức do yếu tố khách quan mang lại.
Một số ví dụ
Tình huống thứ nhất: Ngày 08/3/2021, Phạm Văn Q đi dự liên hoan tại công ty và được đồng nghiệp là M mời sử dụng ma túy, nhưng Q một mực từ chối. Sau đó, M cùng bạn là H ép buộc, dùng vũ lực buộc Q phải dùng ma túy (01 lần). Hậu quả là trên đường điều khiển xe máy về nhà, Q vượt sang bên phải gây tai nạn giao thông làm chết 01 người. Sau khi gây tai nạn, Q có biểu hiện nói nhảm, hành động bất thường nên cơ quan tiến hành tố tụng đưa Q đi giám định pháp y tâm thần.
Kết luận pháp y tâm thần đối với Q cho thấy: Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, về mặt y học, Q đã bị loạn thần do sử dụng các chất gây ảo giác (F16.5); về mặt pháp luật, Q là người bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Sau đó, Phạm Quốc Q bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015; M, H bị xử lý về tội “Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 257 BLHS năm 2015.
Qua vụ án trên, có 02 quan điểm khác nhau về việc áp dụng pháp luật đối với bị can Q, cụ thể:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, về tội danh thì Q điều khiển xe máy vượt phải gây tai nạn, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc sử dụng ma túy gây nên ảo giác không phải do Q tự nguyện mà bị ép buộc phải sử dụng nên Q chỉ bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 và được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015: “Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra”.
Ý kiến thứ hai và cũng là của tác giả, theo quy định tại khoản 7, khoản 11 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008, thì hành vi của Q vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Với hậu quả gây tai nạn làm chết 01 người thì Q phải chịu TNHS quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015. Với tình tiết Q có sử dụng chất ma túy, Điều 13 BLHS năm 2015 quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu TNHS”. Như vậy, theo kết cấu của điều luật thì “dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác” không phân biệt tự mình dùng hay bị ép buộc dùng và phải gánh chịu hậu quả pháp lý khi gây ra hành vi nguy hiểm cho xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Trong quy định của BLHS năm 2015 không quy định việc bị ép sử dụng rượu, bia hay chất kích thích mạnh khác mà khi gây ra hành vi nguy hiểm cho xã hội được loại trừ TNHS nên Q phạm tội theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 và được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm l khoản l Điều 51 BLHS năm 2015.
Tình huống thứ hai: A và B là bạn thân, thường hay uống rượu với nhau. A nhận thấy bản thân suy nhược và có biểu hiện bồn chồn, lo lắng… khi thiếu rượu, bia nên quyết tâm không dùng rượu, bia nữa. B nhiều lần rủ A tham gia nhậu nhẹt cùng bạn bè nhưng A đều từ chối. Một hôm, A sang nhà B chơi, biết A không dùng rượu nữa nên B lấy rượu đổ vào 1/2 lon nước ngọt và trộn đều cùng một phần nhỏ nước ngọt và nói “uống nước đi”. Do nghĩ là nước ngọt nên A cầm và uống một ngụm lớn, khi biết mình bị lừa A không uống nữa và tức giận ra về. Trên đường về, nhìn thấy cây ATM ở bên đường A định vào trộm tiền nhưng không lấy được tiền nên đã trộm 01 camera (trị giá 3.500.000 đồng). Sau khi trộm được tài sản, A đi về và bị nhân viên quản lý ATM bắt giữ… Nhận thấy A có những biểu hiện bất thường nên cơ quan tiến hành tố tụng đã trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với A.
Kết luận giám định pháp y tâm thần đối với A cho thấy: Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, về mặt y học, A bị trạng thái loạn thần cấp tính xảy ra do rượu (say rượu bệnh lý); về mặt pháp luật, A là người bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Sau đó, A bị xét xử về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 và bị can A được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Đối với trường hợp trên, về tội danh thì bị can A phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, về vấn đề áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với A còn có nhiều ý kiến khác nhau, cụ thể:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, say rượu bệnh lý là trạng thái loạn thần cấp tính xảy ra do uống rượu trong một khoảng thời gian ngắn, không chỉ với lượng rượu lớn mà ngay cả khi chỉ uống một lượng rượu nhỏ (do cơ thể có sự suy yếu hoặc mẫn cảm đặc biệt đối với rượu).
Qua nội dung vụ án, có thể thấy A bị say (say rượu bệnh lý) do B lừa dối (A cũng đã quyết tâm từ bỏ rượu nên đã nhiều lần từ chối lời mời của B) làm hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi dẫn đến việc A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Hiện nay, pháp luật không thừa nhận “say rượu bệnh lý” là bệnh để loại trừ TNHS khi bị can thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (khi mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi). Như vậy, A phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 và được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra” theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Ý kiến thứ hai và cũng là ý kiến của tác giả cho rằng, A phạm tội trong trường hợp bị say rượu bệnh lý và đây là một dạng bệnh chứ không phải say rượu thông thường nên không thuộc trường hợp quy định tại Điều 13 BLHS năm 2015. Theo quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình là người trong tình trạng không có năng lực TNHS. Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể nhưng tác giả cho rằng bệnh khác ở đây cũng có thể là “say rượu bệnh lý”... Như vậy, A bị bệnh (bệnh lý về rượu) làm hạn chế khả năng nhận thức dẫn đến việc phạm tội, do vậy, trong trường hợp này, A phạm tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 và được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” theo quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Một số kiến nghị
Với việc có nhiều quan điểm khác nhau trong cùng một vụ án dẫn đến việc chưa thống nhất khi xem xét việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS trong thực tiễn, tác giả có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 51 là quy định mới trong BLHS năm 2015, do đó, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về các trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức không phải do lỗi của mình gây ra để áp dụng thống nhất rõ ràng trong thực tiễn. Từ đó, có thể phân biệt tình tiết giảm nhẹ TNHS này với các tình tiết giảm nhẹ TNHS khác là “phạm tội do lạc hậu” (điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015) và “người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015) bởi 03 tình tiết giảm nhẹ này đều liên quan đến khả năng nhận thức của người phạm tội, nhưng nguyên nhân dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức là khác nhau. Việc hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra có nguyên nhân khách quan tác động trực tiếp đến khả năng nhận thức của người phạm tội.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015: Tình trạng không có năng lực TNHS thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu TNHS. Vậy khái niệm “một bệnh khác” được hiểu như thế nào, cần có văn bản hướng dẫn để có căn cứ áp dụng pháp luật (như việc định tội, loại trừ hoặc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS) được thống nhất.
Thứ ba, hiện nay tình trạng sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác rất phổ biến, trong đó có cả trường hợp bị ép, cưỡng bức. Đối với người bị ép uống rượu, bia và các chất kích thích khác dẫn đến việc bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì không nên áp dụng tình tiết tăng nặng định khung đối với họ (như các điều 260, 267 và 272 BLHS năm 2015). Đồng thời, cần phải có chế tài xử lý hình sự đối với người có hành vi ép, cưỡng bức người khác sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác làm cho người đó mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi gây nguy hiểm cho xã hội./.
Nguyễn Tất Trình