CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Tp Hồ Chí Minh rút kinh nghiệm một số vụ án hình sự bị cấp phúc thẩm hủy án

15/09/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ban hành thông báo rút kinh nghiệm một số vụ án hình sự bị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy án. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:..
Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Tp Hồ Chí Minh
rút kinh nghiệm một số vụ án hình sự bị cấp phúc thẩm hủy án
Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ban hành thông báo rút kinh nghiệm một số vụ án hình sự bị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy án. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Nội dung vụ án: Theo Bản án sơ thẩm: Từ năm 2006 đến 2011, vợ chồng Bùi Mỹ D và Trần Văn Đ tổ chức, làm chủ nhiều dây huê và đã gây dựng được lòng tin với mọi người. Từ tháng 4/2011 đến 3/2012, hai vợ chồng tiếp tục tổ chức, làm chủ thêm nhiều dây huê nữa, những người chơi thỏa thuận với nhau bằng miệng, không lập danh sách những người chơi và vợ chồng Bùi Mỹ D và Trần Văn Đ không công khai những người chơi nên những người chơi không biết ai chơi và mỗi người chơi bao nhiêu phần. Khi “xổ” huê, ai bỏ thăm cao nhất là người được hốt huê, chủ huê có trách nhiệm đi thu tiền của con huê giao cho người hốt huê. Lợi dụng việc xổ huê không nhất thiết phải có mặt tất cả các con huê mà có thể liên lạc bằng điện thoại nhờ chủ huê bỏ giúp nên vợ chồng Bùi Mỹ D và Trần Văn Đ đã có hành vi gian dối, giả là con huê tự bỏ thăm huê để hốt các phần huê không phải của mình nhằm chiếm đoạt tiền của các con huê. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã kết luận số tiền các bị cáo chiếm đoạt bằng thủ đoạn nêu trên của 20 người trong 5 dây huê với tổng số tiền là 4.198.630.000 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo kêu oan, người bị hại bổ sung thêm chứng cứ, Hội đồng xét xử sơ thẩm kết luận số tiền chiếm đoạt là 6.478.374.747 đồng, tăng 2.279.744.747 đồng.
Bản án hình sự sơ thẩm áp dụng Điểm a, Khoản 4, Điều 139; Điểm b, Khoản 1, Điều 46; Điều 20; Điều 53 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Bùi Mỹ D 16 năm tù và Trần Văn Đ 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, 14/20 bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với 2 bị cáo. VKSND tỉnh kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Trần Văn Đ từ 12 đến 14 năm tù.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
- Về thủ đoạn phạm tội: cấp sơ thẩm kết luận các bị cáo lợi dụng việc “xổ” huê không nhất thiết có mặt tất cả những người tham gia dây huê, nếu vắng mặt có thể gọi điện nhờ chủ huê bỏ giúp nên đã có hành vi gian dối, giả là con huê tự bỏ thăm huê để hốt các phần huê không phải của mình. Tuy nhiên quá trình điều tra không làm rõ ở kỳ hốt huê nào, các bị cáo giả danh ai và chiếm đoạt bao nhiều tiền. Bị cáo không thừa nhận giải danh con huê để hốt huê, cấp sơ thẩm không xác minh làm rõ mà căn cứ vào lời khai của người bị hại về số tiền đã đóng huê và hốt huê, từ đó tìm ra số tiền chênh lệch để quy kết các bị cáo chiếm đoạt và kết luận các bị cáo giả danh con huê để hốt huê là thiếu sót về thu thập chứng cứ.
- Về số tiền chiếm đoạt: việc chơi huê chỉ dựa vào lòng tin và thỏa thuận miệng giữa các bên, không có giấy tờ ghi nhận rõ ràng số lần đóng, số tiền đóng, những người tham gia đóng và hốt huê. Các bị cáo thừa nhận có nợ tiền của các con huê, có người bị cáo không thừa nhận nợ. Mặc dù đã cho tiến hành đối chất trong giai đoạn cũng như tại phiên tòa sơ thẩm nhưng các bị cáo và người bị hại vẫn khai khác nhau, số tiền các bị cáo thừa nhận nợ thấp hơn số tiền các bị hại khai rất nhiều. Cấp sơ thẩm căn cứ vào lời khai của những người chơi huê về số tiền đã đóng huê và hốt huê và căn cứ vào cuốn sổ được cho là sổ ghi huê, nhưng không thấy ghi số tiền thu chi, từ đó kết luận số tiền các bị cáo chiếm đoạt của các con huê là có thiếu sót về thu thập chứng cứ.
Lẽ ra trong quá trình điều tra, để chứng minh thủ đoạn phạm tội và số tiền chiếm đoạt thì Cơ quan điều tra phải làm rõ và lập bảng kê từng dãy huê có bao nhiêu huê tham gia, trong lần hốt huê đó thì người hốt huê không nhận tiền do bị giả danh hoặc có nhận nhưng không đủ, số còn lại có phải chủ huê nhận không, số tiền đó người hốt huê có biết và có ý kiến gì không. Các số liệu nêu trên phải chính xác, rõ ràng, có xác nhận của từng thành viên tham gia dây huê, làm cơ sở cho việc đấu tranh với các bị cáo, nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện, Viện kiểm sát cũng không có yêu cầu, do vậy chứng cứ để kết luận về thủ đoạn lừa đảo và quy kết số tiền các bị cáo chiếm đoạt là không rõ ràng, chưa đầy đủ và không có tính thuyết phục.
Bên cạnh đó, Kết luận điều tra và Cáo trạng kết luận số tiền các bị cáo chiếm đoạt của 20 người trong 5 dây huê là 4.198.630.000 đồng, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm người bị hại bổ sung thêm một số tài liệu, căn cứ vào những tài liệu này và lời khi của người bị hại tại phiên tòa, Hội đồng xét xử kết luận số tiền các bị cáo chiếm đoạt là 6.478.374.747 đồng, tăng 2.279.744.747 đồng so với truy tố của Viện kiểm sát. Việc xác định trách nhiệm hình sự nặng hơn cho các bị cáo trong khi chứng cứ người bị hại đưa ra chưa được xác minh làm rõ vì các bị cáo không thừa nhận là vi phạm thủ tục tố tụng về giới hạn xét xử, quy định tại Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự.
Lẽ ra trong trường hợp này, khi phát sinh tình tiết mới dẫn đến tăng nặng trách nhiệm hình sự của các bị cáo, trong khi các tình tiết này chưa được điều tra làm rõ thì Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa phải đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nếu Kiểm sát viên không thực hiện thì sau khi xét xử sơ thẩm VKSND tỉnh phải kháng nghị đề nghị hủy án nhưng Kiểm sát viên và VKSND tỉnh không thực hiện là thiếu sót.
Vụ án “Giao cấu với trẻ em”:
Theo án sơ thẩm, Nguyễn Văn Đ là Việt kiều, có 2 quốc tịch Pháp và Việt Nam, chủ doanh nghiệp vụ kinh doanh sinh vật cảnh và trang trại sinh thái. Bà Vũ Ngọc L là công nhân làm việc và ở lại trang trại của Đ nên vào ngày Thứ 7, Chủ nhật con bà L là Tống Vũ Khánh H, sinh ngày 17/5/1998 thường vào chơi. Đến tháng 11/2011 thì H vào ở luôn trong trang trại với bà L.
Theo lời khai của H, từ đầu tháng 9/2013 Đ đã có hành vi quan hệ tình dục với H, sau khi quan hệ với Đ một thời gian thì H có kể cho chị gái cùng cha khác mẹ là Tống Ngọc U biết. Đến tháng 11/2013 thấy có biểu hiện khác thường nên U đưa H đi khám và phát hiện H có thai. Ngày 26/11/2013 ông Tống Văn H là cha ruột H và Điều tra viên Công an huyện đưa H tới Bệnh viện để phá thai và thu giữ mẫu thai nhi bàn giao cho Viện khoa hoc kỹ thuật hình sự tiến hành giám định. Kết luận giám định ngày 26/11/2013 của Viện khoa học hình sự kết luận: “Nguyễn Văn Đ là cha đẻ bào thai của H”. Sau đó Nguyễn Văn Đ yêu cầu giám định lại. Kết luận giám định lại ngày 15/10/2014 của Viện pháp y Quân đội kết luận: “Chất lỏng màu nâu đen đựng trong ống 245/LĐ máu, mô thai có ít nhất AND của ít nhất 02 người, không có mẫu thai nhi nên không đủ căn cứ kết luận yêu cầu giám định”. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Văn Đ luôn kêu oan, cho rằng không quan hệ tình dục với Tống Vũ Khánh H, với lý do đã lớn tuổi, bị bệnh tiểu đường, liệt dương và mới mổ tim tháng 4/2013, không có khả năng quan hệ tình dục.
Bản án hình sự sơ thẩm đã áp dụng Điểm d, Khoản 2, Điều 115; Khoản 2, Điều 46 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Đ 5 năm tù về tội “Giao cấu với trẻ em”. Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 19/3/2015 bị cáo Đ kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa hình sự phúc thẩm ngày 26/5/2015, Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.
Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Về người đại diện hợp pháp của người bị hại: cấp sơ thẩm chấp nhận cho Tống Ngọc U là chị cùng cha khác mẹ của bị hại Tống Vũ Khánh H là người giám hộ cho bị hại, theo ủy quyền của cha ruột là ông Tống Văn H. Trong khi mẹ ruột là bà Vũ Ngọc L mới là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu H, có địa chỉ rõ ràng và đang có mặt tại địa phương. Khi đưa cháu H đi phá thai, Cơ quan điều tra không hỏi ý kiến bà L, không có mặt bà L khi lấy lời khai cháu H. Cấp sơ thẩm không cho bà Vũ Ngọc L tham gia tố tụng với tư cách người giám hộ, đại diện hợp pháp của người bị hại là vi phạm thủ tục tố tụng. Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự không quy định thế nào là người đại diện hợp pháp và người giám hộ nhưng theo quy định tại Khoản 1 Điều 141 Bộ luật dân sự thì người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên là cha mẹ, đồng thời theo quy định tại Điều 61 Bộ luật dân sự thì người giám hộ đương nhiên cho người chưa thành niên trước hết phải là cha mẹ, nếu không có cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chết năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu thì mới tới anh, chị. Trong trường hợp này ông Tống Văn H thần kinh không ổn định, không tham gia tố tụng với tư cách người giám hộ cho người bị hại được thì bà Vũ Ngọc L phải là người giám hộ, đại diện hợp pháp cho người bị hại mới đúng. Lẽ ra Viện kiểm sát phải yêu cầu Cơ quan điều tra cử bà Vũ Ngọc L là người giám hộ nhưng Viện kiểm sát không thực hiện là có thiếu sót.
Về chứng cứ: ngoài lời khai của bị hại và lời khai của Tống Ngọc U về việc có nghe bị hại kể chuyện quan hệ tình dục với bị cáo thì chứng cứ duy nhất được cấp sơ thẩm sử dụng để quy kết bị cáo phạm tội “Giao cấu với trẻ em” là kết luận giám định đối với thai nhi của bị hại. Tuy nhiên lời khai của bị hại và Tống Ngọc U mâu thuẫn nhau. Bị hại khai quan hệ từ năm 2008 đến năm 2013 nhưng U khai nghe H kể bắt đầu quan hệ từ đầu năm 2013. Bên cạnh đó chứng cứ là kết quả giám định chưa bảo đảm vì khi thu giữ mẫu mô thai của Tống Vũ Khánh H tuy có lập biên bản, trong đó thể hiện “đã bàn giao mẫu vật thu được niêm phong cho đồng chí T, cán bộ Viện khoa học hình sự để tiến hành giám định” nhưng trong hồ sơ không thể hiện có biên bản niêm phong, mở niêm phong là trái với quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự về thu thập và bảo quản vật chứng. Bên cạnh đó, mẫu giám định được đưa đi giám định 02 lần cho 02 kết quả khác nhau. Do khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định, lẽ ra VKS phải yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định lại lần thứ hai và do Hội đồng giám định khác thực hiện theo Khoản 1 Điều 30 Luật giám định tư pháp nhưng VKS không thực hiện là có thiếu sót.
Bị cáo khai bị bệnh tim, bệnh tiểu đường, bị liệt dương, không có khả năng sinh lý, nhiều lần yêu cầu đưa đi khám chuyên môn nhưng không được đáp ứng. Bị cáo khai ngày 20/4/2013 đi Pháp mổ tim, đến ngày 29/6/2013 về lại Việt Nam, có giấy tờ chứng minh. Trong khi bị hại khai: bị cáo giao cấu vào tháng 9/2013, như vậy chỉ sau khi bị cáo mổ tim 5 tháng. Cơ quan điều tra không cho bị cáo đi khám chuyên khoa, không hỏi ý kiến các cơ quan chuyên môn để làm rõ bị cáo 68 tuổi, bị tiểu đường, vừa mới mổ tim 5 tháng thì có khả năng quan hệ tình dục liên tục (ngày 2 lần như bị hại khai) hay không, VKS không yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện là có thiếu sót.
Bà Vũ Ngọc L là mẹ của bị hại khai: H có nhiều mối quan hệ phức tạp, thường xuyên bỏ nhà đi theo bạn trai. Bà khẳng định bị cáo không quan hệ tình dục với H nhưng do H bị người khác xúi giục mà vu oan cho bị cáo. Bà L trình bày trong bản tường trình U và H ép bà phải theo và tố cáo bị cáo, nếu không sẽ tố cáo bà L tội đồng lõa. Tuy nhiên Cơ quan điều tra không đi sâu làm rõ những tình tiết này, Viện kiểm sát cũng không yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện là có thiếu sót.
Bị hại H thừa nhận: Vào năm 2012 nhiều lần quan hệ tình dục với bạn trai là Trần Ngọc L, phù hợp với lời khai của mẹ bị hại là Vũ Ngọc L. Nhưng cấp cơ thẩm không làm rõ đối tượng này là ai, có quan hệ tình dục với bị hại không, quan hệ vào thời gian nào là thiếu sót, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Vụ án Hiếp dâm trẻ em
Nội dung vụ án:
Khoảng tháng 3 năm 2013, bị cáo Nguyễn Minh H đi dự sinh nhật của một người bạn và quen Võ Ngọc D, sinh ngày 13/10/2000. Từ tháng 4/2013 đến tháng 6/2016, bị cáo H đã thực hiện hành vi giao cấu với D 3 lần tại phòng trọ. Hậu quả Võ Ngọc D có thai và sinh 01 bé trai vào ngày 27/3/2014.
Kết quả giám định sinh học phân tử ngày 08/4/2014 của Trung tâm pháp y thuộc Sở y tế kết luận giám định AND: Nguyễn Minh H là người cha sinh học của bé trai 01 ngày tuổi (con của bị hại Võ Ngọc D) với độ chính xác 99,99%.
Giấy khai sinh mà bị hại cung cấp cho Cơ quan điều tra: Võ Ngọc D, sinh ngày 13/10/2000, tính đến thời điểm bị giao cấu thì bị hại mới 12 tuổi 5 tháng 27 ngày.
Bản án hình sự sơ thẩm ngày 23/6/2014 của TAND tỉnh quyết định áp dụng Khoản 4 Điều 112, Điểm b, p Khoản 1 và Khoản 2 Điều 46; Điểm g Khoản 1 Điều 48; Điều 69; Khoản 1 Điều 74 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Minh H 12 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; bị hại kháng cáo xin giảm án cho bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18/9/2014, bị hại Võ Ngọc D và đại diện người bị hại bà Võ Thị Đ xin hoãn phiên tòa với lý do đề nghị giám định tuổi của bị hại.
Ngày 18/11/2014 Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu giám định độ tuổi người bị hại Võ Ngọc D. Kết luận giám định ngày 02/12/2014 của Phân viện khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh kết luận: tại thời điểm giám định (tháng 11/2014) Võ Ngọc D có độ tuổi từ 15 năm 3 tháng đến 16 năm 3 tháng.
Như vậy, kết luận giám định về độ tuổi của bị hại với giấy khai sinh mà người bị hại đã cung cấp cho Cơ quan điều tra có sự chênh lệch về độ tuổi, trong khi đó tại phiên tòa phúc thẩm bà Võ Thị Đ khai chính bà là người đi đăng ký khai sinh trễ hạn cho bị hại vì đầu óc lúc đó quên nên bà khai nhầm Võ Ngọc D sinh năm 2000, nay bà khẳng định lại là D sinh năm 1999, tuổi con Mèo chứ không phải sinh năm 2000.
Việc xác định độ tuổi của bị hại trong vụ án Hiếp dâm trẻ em là rất quan trọng.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Về công tác kiểm sát diều tra và truy tố:
Quá trình kiểm sát điều tra cấp sơ thẩm có thiếu sót, chưa đánh giá đầy đủ tính xác thực của chứng cứ quan trọng về giấy khai sinh của người bị hại. Cụ thể: Giấy khai sinh của bị hại sinh ngày 13/1/2000 nhưng đăng ký ngày 01/9/2003, theo quy định thì đây là trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn. Trong trường hợp này cần phải có yêu cầu cơ quan điều tra xác minh về Giấy chứng sinh có hay không để đối chiếu với Giấy khai sinh? Người làm chứng xác nhận việc sinh có hay không? Bị hại sinh ở đâu? Thời điểm sinh? Đồng thời xác minh tại địa phương đã đăng ký khai sinh quá hạn này; thực hiện sao y các tài liệu liên quan đến việc chứng minh ngày tháng năm sinh của người bị hại? Nếu không rõ ngày tháng năm sinh thì phải căn cứ theo hướng dẫn tại Điều 12 Chương 3 của Thông tư liên tịch số 01/2011 ngày 12/7/2011 của VKSNDTC-TANDTC, BCA, BLĐTBXH để xác định theo đúng quy định pháp luật để xác định tuổi của người bị hại là người chưa thành niên.
Về thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án:
Biên bản phiên tòa sơ thẩm thể hiện: Bị cáo khai: chỉ nghe người khác nói bị hại sinh năm 1999. Bị hại khai: bị hại sinh năm 1999 nhưng sau đó giấy tờ bị cháy nên nhờ cậu làm lại giấy khai sinh năm 2000, bị hại còn người em sinh năm 2000. Đại diện hợp pháp của bị hại là mẹ bị hại khai: bị hại khai sinh năm 1999 là đúng vì trước đó nhà cháy nên cháy giấy khai siinh của bị hại và nhờ em trai làm lại dùm. Như vậy, những người tham gia tố tụng: bị cáo, bị hại, đại diện hợp pháp của bị hại đều khai bị hại sinh năm 1999 (không khai ngày tháng năm sinh). Lời khai tại phiên tòa hoàn toàn mâu thuẫn với kết quả thu thập chứng cứ trong quá trình điều tra (giấy khai sinh bị hại sinh năm 2000) nhưng không được Hội đồng xét xử sơ thẩm và Kiểm sát viên tham gia phiên tòa xét hỏi làm rõ trong khi đây là chứng cứ quan trọng đối với vụ án.
Như vậy khi có tình tiết mới tại phiên tòa mâu thuẫn với chứng cứ đã được điều tra, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa cần phải đề nghị tạm hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung theo đúng hướng dẫn của liên ngành tư pháp Trung ương.
TH (biên tập)
Tìm kiếm