Năm 2011 tình hình vi phạm, tội phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến rất phức tạp, tội phạm giết người có chiều hướng gia tăng, qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản số 16, ngày 04/01/2012, kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị có biện pháp tăng cường công tác chỉ đạo phòng ngừa loại tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo. Năm 2011, địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 53 vụ án giết người, với 84 bị can, tăng 15 vụ, 33 bị can so với năm 2010. Nhiều vụ phạm tội có tổ chức, hành vi phạm tội mang tính côn đồ, manh động và liều lĩnh; mục đích giết người để che giấu một tội phạm khác như Hiếp dâm, Hiếp dâm trẻ em, hoặc cướp tài sản, …
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác phòng ngừa tội phạm giết người
Năm 2011 tình hình vi phạm, tội phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến rất phức tạp, tội phạm giết người có chiều hướng gia tăng, qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản số 16, ngày 04/01/2012, kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị có biện pháp tăng cường công tác chỉ đạo phòng ngừa loại tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo.
Năm 2011, địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 53 vụ án giết người, với 84 bị can, tăng 15 vụ, 33 bị can so với năm 2010. Nhiều vụ phạm tội có tổ chức, hành vi phạm tội mang tính côn đồ, manh động và liều lĩnh; mục đích giết người để che giấu một tội phạm khác như Hiếp dâm, Hiếp dâm trẻ em, hoặc cướp tài sản, … Tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh trong năm qua đã gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Hầu hết các đối tượng giết người đều sống lêu lổng, không có công ăn việc làm ổn định, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự (21/84 bị can, chiếm 25%); đa số các bị can đều là nam giới, chỉ có 01/84 bị can là nữ. Trong đó, có 16/84 bị can thuộc các dân tộc thiểu số, 68/84 bị can là dân tộc kinh. Phần lớn các đối tượng phạm tội đều có trình độ văn hóa thấp, hiểu biết xã hội kém, chỉ có 17/84 bị can tốt nghiệp phổ thông trung học, không có bị can là Đảng viên, cán bộ, công chức Nhà nước, cán bộ thôn, buôn, phường, xã phạm tội giết người.
Về nguyên nhân của tội phạm giết người: Đa số bị can phạm tội giết người có liên quan trực tiếp đến ăn nhậu, uống rượu, bia chiếm tỷ lệ cao (37 vụ/82 bị can, chiếm 70%); do mâu thuẫn gia đình như giữa vợ, chồng, con cái, ông bà, cha mẹ, anh em họ hàng ruột thịt xảy ra lâu ngày chưa được giải quyết; một số nguyên nhân khác về kinh tế, tình dục.
Đối tượng phạm tội là người chưa thành niên, học sinh trường phổ thông cơ sở cũng có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân phạm tội là do sự quản lý của gia đình và nhà trường chưa chặt chẽ, để các em mang hung khí nguy hiểm như dao nhọn, kéo, côn… vào lớp học, chỉ cần mâu thuẫn, xích mích nhỏ đã dùng hung khí mang theo gây án. Điển hình là vụ: Ngày 28/10/2011, Lê Khắc Duy, sinh năm 1996, dùng dao thái lan đâm vào ngực Phạm Đức Toàn, là bạn học cùng lớp, làm Toàn bị tử vong.
Một số vụ án, đối tượng bị mắc bệnh tâm thần, có những vụ hành vi phạm tội dã man, gây dư luận xấu trong nhân dân. Điển hình như vụ Nguyễn Đăng Trình dùng cây gỗ đánh vào đầu con ruột là cháu Nguyễn Đăng Quang (2 tuổi), làm cháu vỡ sọ não, tử vong tại chỗ.
Ngoài những nguyên nhân trên còn có những nguyên nhân khác như: ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường, đạo đức xuống cấp, coi nặng giá trị đồng tiền mà quên đi phong tục, tập quán, truyền thống của cha ông; do ảnh hưởng của phim bạo lực, đồi trụy. Việc quản lý con người, nhân khẩu ở một số phường, xã còn nhiều sơ hở, không nắm bắt hết các đối tượng tạm trú, tạm vắng. Công tác phòng ngừa nghiệp vụ, theo dõi các đối tượng có tiền án, tiền sự, công tác tuần tra, canh gác của tổ dân phố, bảo vệ buôn, thôn và Công an một số địa phương chưa chặt chẽ và thường xuyên. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc chưa kịp thời, đồng bộ để xử lý các mâu thuẫn nội bộ xảy ra trong nhân dân. Hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội còn khiêm tốn. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm còn hạn chế, chưa phát huy được tác dụng. Việc quản lý, giáo dục học sinh trong các nhà trường còn lỏng lẻo và nhiều bất cập.
Từ tình hình, thực trạng và các nguyên nhân dẫn đến tội phạm giết người tăng nhanh trên địa bàn năm 2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh:
Chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Nghị quyết 09 của Chính Phủ về Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm;
Tăng cường chỉ đạo các cấp chính quyền, các ngành, cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Tăng cường chất lượng sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể xã hội, chất lượng sinh hoạt quần chúng trong các tổ dân phố, vận động toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Kịp thời động viên, khuyến khích và nhân rộng những hình thức tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Nâng cao các giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức của người Việt Nam, tạo cho thanh thiếu niên lối sống lành mạnh, có cách ứng xử phù hợp, tôn trọng và chấp hành pháp luật;
Chỉ đạo các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể xã hội tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo cho nhân dân hiểu rõ tác hại của rượu, bia và các chất kích thích khác. Khuyến khích, động viên nhân dân tổ chức, xây dựng nếp sống văn hóa, không sử dụng rượu, bia trong việc cưới hỏi, lễ hội, liên hoan, ma chay; chỉ đạo Công an, đài phát thanh, đài truyền hình tăng thời gian, chất lượng các buổi truyền hình “Vì an ninh Tổ quốc”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng tránh các hành vi nguy hiểm xâm hại đến bản thân và con em mình; chỉ đạo Sở thông tin và truyền thông, các cơ quan có liên quan tăng cường công tác quản lý các loại hình dịch vụ văn hóa, đặc biệt là quản lý việc sử dụng dịch vụ internet để kinh doanh. Ngăn chặn kịp thời phim ảnh, trò chơi trực tuyến độc hại có nội dung bạo lực, đồi trụy làm ảnh hưởng đến nhân cách và lối sống của nhân dân, đặc biệt là bộ phận thanh, thiếu niên;
Chỉ đạo chính quyền cấp xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với cơ quan đoàn thể địa phương như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận tổ quốc v.v…, kịp thời nắm bắt các mâu thuẫn, xung đột xảy ra trong từng gia đình và trong nội bộ quần chúng nhân dân để có biện pháp xử lý kịp thời, thích hợp. tăng cường số lượng, chất lượng, hiệu quả của các tổ hòa giải địa phương, nắm chắc các đối tượng bị tâm thần, phối hợp cùng gia đình và cơ quan chức năng đưa các đối tượng này đi chữa bệnh bắt buộc;
Chỉ đạo các cơ quan chức năng như Công an, Bộ chỉ huy quân sự, Kiểm lâm, Đội tự vệ các buôn, thôn, Ban dân quân xã, phường… tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ như; thường xuyên tuần tra, canh gác, theo dõi, nắm bắt và sàng lọc các đối tượng có tiền án, tiền sự, các đối tượng nhiều lần có biểu hiện manh động. Tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả của Cảnh sát 113, kịp thời ngăn chặn, can thiệp các vụ mà đối tượng dùng hung khí rượt đuổi, gây rối, đánh nhau.
Hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan chức năng trong việc mua sắm các thiết bị phòng, chống tội phạm, hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan tư pháp trong việc mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác, hỗ trợ kinh phí và chỉ đạo các cơ quan tư pháp tăng cường đưa các vụ án giết người đi xét xử lưu động, xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội để răn đe, phòng ngừa chung trong toàn xã hội.
Thanh Tâm