CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp rút kinh nghiệm một số vụ án kháng nghị phúc thẩm không có cơ sở

12/08/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Qua tổng hợp, theo dõi công tác kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện về kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, VKSND tỉnh Đồng Tháp đã tổng hợp ban hành thông báo rút kinh nghiệm về một số kháng nghị phúc thẩm. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo...

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp rút kinh nghiệm một số vụ án kháng nghị phúc thẩm không có cơ sở

Qua tổng hợp, theo dõi công tác kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện về kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, VKSND tỉnh Đồng Tháp đã tổng hợp ban hành thông báo rút kinh nghiệm về một số kháng nghị phúc thẩm. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo.
1.Vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa: Nguyên đơn: Nguyễn Văn Bê, sinh năm: 1965; Bị đơn: Nguyễn Văn Tán, sinh năm: 1955; Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và UBND huyện Tháp Mười.
Nội dung vụ kiện: Ngày 22/7/1999, ông Nguyễn Văn Bê chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Tán diện tích 41.320m2 giá 137,8 chỉ vàng 24K. Đất ông Bê chưa được cấp giấy chứng nhận hết nên chỉ làm thủ tục chuyển nhượng 28.775m2 nên ông Tán trả trước 128.2 chỉ vàng, còn giữ lại 9,6 chỉ vàng 24K khi nào ông Bê giao đủ đất thì ông mới trả vàng. Phần đất chuyển nhượng này thuộc thửa 331 tờ bản đồ số 3, ông Tán đứng tên giấy chứng nhận từ ngày 13/9/1999. Sau đó đến tháng 7/2000 thì ông Bê kê khai đăng ký sử dụng cho vợ chồng ông Tán, bà Thanh 12.545m2 thuộc thửa 376 tờ bản đồ số 3 là đủ đất nên ông Tán đã trả 9,6 chỉ vàng 24K còn lại cho ông Bê theo nhưu hợp đồng hai bên giao kết. Sau khi chuyển nhượng, vợ chồng ông Tán đã canh tác diện tích đất trên.
Đến ngày 18/12/2002, ông Tán nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn Của một miếng đất giáp đầu đất của ông Tán giá 1 chỉ vàng 24K chạy dài khoảng 250m (hết chiều dài đất ông Tán). Hai bên làm giấy viết tay, có bà Nguyễn Thị Quý làm chứng và có xác nhận của Ban nhân dân ấp I. Đất này ông Tán trồng tràm ông Bê không có ý kiến gì. Đến tháng 5/2010, ông Tán kêu máy trang, sửa để làm ruộng thì ông Bê mới tranh chấp.
Ông Bê tranh chấp cho rằng ngoài diện tích ông chuyển nhượng cho ông Tán thì ông còn diện tích khoảng 2000m2 (sau khi đo đạc ông cho rằng 1.725,8m2). Đất trồng tràm ông Tán trang sửa làm ruộng nên ông Bê đòi lại.
Tại bản án sơ thẩm số 30/2013/DS-ST ngày 25/3/2013, Tòa án huyện Tháp Mười tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Bê. Buộc hộ ông Tán, bà Thanh có trách nhiệm trả cho ông Bê tiền trị giá đất 51.744.000đồng.
Chấp nhận tự nguyện của ông Bé đồng ý bồi hoàn công trang sửa đất cho ông Tán 1.200.000 đồng.
Hộ ông Tán, bà Thanh được tiếp tục sử dụng diện tích 1.725,8m2 (thuộc một phần thửa 331, 673 tọa lạc ấp 1, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười) (có tư cận theo trích đo hiện trạng đất tranh chấp ngày 10/5/2012 của Phòng tài nguyên và môi trường huyện Cao lãnh). Ngày 5/4/2013, ông Tán bà Thanh có đơn kháng cáo: không đồng ý toàn bộ án sơ thẩm.
Ngày 8/4/2013, VKSND huyện Tháp Mười ban hành kháng nghị phúc thẩm số 33/QĐKNPT-DS: Nội dung cho rằng Tòa án buộc ông Tán phải trả giá trị đất toàn bộ diện tích tranh chấp là 1.725,8m2 là chưa phù hợp, vì cho rằng ông Tán sử dụng đất của ông Bê là 1.333,2m2, còn ông Nguyễn Việt Thanh sử dụng 392,6m2. Do đó đề nghị sửa án: Ông tán trả giá trị đất cho ông Bê đối với diện tích 1.333,2m2, ông Việt Thanh phải trả giá trị cho ông Bê diện tích 392,6m2.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:Theo sơ đồ đo đạc ngày 10/5/2012 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Tháp Mười, thể hiện đất tranh bao gồm 2 phần:
Phần 1.333,2m2: UBND huyện Tháp Mười có công văn cho rằng: Thửa 331 tờ bản đồ số 3 diện tích 28.775m2, loại đất Hg do ông Tán nhận chuyển nhượng hết diện tích từ ông Bê nên khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tán không đo đạc khảo sát thực tế.
Tại sơ đồ đo đạc ngày 10/5/2012 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Tháp Mười cũng thể hiện phần diện tích 1.333,2m2 đang tranh chấp thuộc một phần thửa 331.
Ông Bê cũng thừa nhận ông có chuyển nhượng diện đất thuộc thửa 331 mà ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Như vậy, căn cứ vào chứng cứ trên thì phần diện tích 1.333,2m2 đang tranh chấp nằm trong thửa 331 của ông Bê và ông đã chuyển nhượng hết cho ông Tán. Ông Bê cho rằng ông Tán chiếm đất phần này của ông và yêu cầu ông Tán trả lại cho ông diện tích này là không có cơ sở. Do đó, án sơ thẩm buộc ông Tán, bà Thanh phải trả giá trị đối với phần diện tích đất này là không có căn cứ. Vì vậy, ông Tán, bà Thanh kháng cáo không đồng ý trả cho ông Bê giá trị đối với phần diện tích này là có căn cứ.
Do vậy, VKSND huyện Tháp Mười kháng nghị đề nghị buộc ông Tán, bà Thanh trả giá trị đất cho ông Bê đối với phần diện tích này là không có căn cứ.
Phần diện tích 392,6m2: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Tháp Mười có công văn cho rằng: Diện tích đất tranh chấp giữa ông Bê, ông Tán, ông Của là 1.725,8m2 gồm: 1.333,2m2 thuộc thửa 331 Tán đứng tên; 392,6m2 thuộc thửa 673 diện tích 13.893m2 do ông Nguyễn Việt Thanh đứng tên.
Tại sơ đồ đo đạc ngày 10/5/2012 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Tháp Mười thể hiện phần diện tích 392,6m2 đang tranh chấp thuộc một phần thửa 673 do ông Nguyễn Việt Thanh đứng tên quyền sử dụng đất.
UBND huyện Tháp Mười có công văn cho rằng: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Nguyễn Văn Tán, bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Việt Thanh đứng tên là phù hợp với pháp luật.
Nhưng qua thẩm tra tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, ông Nguyễn Việt Thanh xác định: phần diện tích 392,6m2 nói trên hiện ông Tán đang canh tác, từ trước đến nay phần đất này không phải là đất của ông và ông không yêu cầu Tòa án giải quyết gì đối với phần đất này (đơn không có yêu cầu giải quyết của ông Nguyễn Việt Thanh đề ngày 4/9/2012). Do đó, kháng nghị của Viện KSND huyện Tháp Mười kháng nghị cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đến quyền và nghĩa vụ của ông Việt thanh đối với diện tích 392,6m2 đất và không nêu ra hướng giải quyết đối với diện tích đất nói trên là không phù hợp.
2. Vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa:
Nguyên đơn: Nguyễn Văn Toàn, sinh năm: 1966; Nguyễn Thị Bích, sinh năm: 1967; Địa chỉ: khóm Mỹ Thới, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Bị đơn: Nguyễn Văn Bên, sinh năm: 1948; Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm: 1951; Địa chỉ: ấp 1, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Nội dung vụ kiện: Vào ngày 12/3/2007, vợ chồng anh Toàn có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (HĐCNQSDĐ) với ông Bên, bà Loan, diện tích 6.355m2, tại thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh giá 450.000.000 đồng. Từ ngày 12/3 đến ngày 30/10/2007 vợ chông anh trả cho ông Bên, bà Loan 430.000.000đ, còn 20.000.000đ đợi làm xong thủ tục CNQSDĐ thì vợ chồng anh sẽ trả đủ, nhưng phần đất chuyển nhượng bị mẹ ông Bên tranh chấp và ông Bên chỉ có 50% diện tích đất, ông Bên đã làm thủ tục chuyển nhượng xong nên không yêu cầu chuyển nhượng phần đất còn lại, đồng ý hủy HĐCNQSDĐ, yêu cầu ông Bên, bà Loan trả số tiền 205.000.000 đồng và yêu cầu tính lãi từ ngày 27/4/2007 đến khi giải quyết xong vụ kiện.
Ông Bên thừa nhận có CNQSDĐ như anh Toàn, chị Loan trình bày và còn nợ lại số tiền 205.000.000 đồng. Tuy nhiên, việc anh Toàn, chị Bích yêu cầu trả số tiền này và lãi từ 27/4/2007 đến nay, ông Bên không đồng ý vì trong việc chuyển nhượng có 1 phần lỗi của anh Toàn, chị Loan làm chậm trễ nên phần đất bị tranh chấp, do đó ông yêu cầu phía anh Toàn, chị Bích cho vợ chồng ông trả từ từ số tiền này.
Bản án dân sự sơ thẩm số 73/2013/DS-ST ngày 27/8/2013 của TAND huyện Cao Lãnh tuyên xử: Chấp nhận 1 phần yêu cầu của anh Toàn, chị Bích.
Hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền do ông Toàn, bà Bích và ông Bên, bà Loan lập ngày 12/3/2007.
Buộc ông Bên, bà Loan có nghĩa vụ liên đới trả cho anh Toàn, chị Bích số tiền 205.000.000 đồng. Ngoài ra án còn tuyên án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
* Ngày 10/9/2013, Viện trưởng Viện KSND huyện Cao Lãnh kháng nghị. Xác định ông Bên có lỗi nên ông Bên ngoài trả tiền 205.000.000 đồng và phải chịu tiền lãi từ ngày 27/4/2007 đến xét xử sơ thẩm, đề nghị sửa án sơ thẩm.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm: Xét thấy, do phần đất chuyển nhượng bị mẹ ông Bên tranh chấp và ông Bên chỉ còn 1/2 diện tích đất, ông Bên cũng đã làm thủ tục chuyển nhượng xong cho vợ chồng anh Toán, chị Bích. Đồng thời, vợ chồng anh Toàn, chị Bích không yêu cầu chuyển nhượng phần đất còn lại, đồng ý hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, do đó không phải lỗi của ông Bên. Hai bên đã thừa nhận trong hợp đồng 2 bên lập không có thỏa thuận về việc trả lãi. Mặt khác, tại thời điểm 2 bên thỏa thuận thì phần đất này cũng được chính quyền địa phương xác định không có tranh chấp, việc này nằm ngoài ý muốn của ông Bên và việc Tòa án cấp sơ thẩm xử anh Toàn, chị Bích không kháng cáo xem như đã đồng ý không yêu cầu tính lãi số tiền 205.000.000 đồng. Vì vậy, kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND huyện Cao Lãnh là không cần thiết.
3. Vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa:
Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long.
Đia chỉ: Số 09 Võ Văn Tần, phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh.
Đại diện theo ủy quyền: ông Phạm Thiện Sơn, chức vụ: Giám đốc phòng giao dịch huyện Lấp Vò.
Bị đơn: Nguyễn Thành Tâm, sinh năm 1982; Nguyễn Thanh huệ,sinh nawm1987; địa chỉ: Số 138, ấp Bình Hiệp A, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp.
Đại diện theo ủy quyền của chị Nguyễn Thanh Huệ là anh Nguyễn Thành Tâm.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: có 4 người
Nội dung vụ kiện: Ngày 06/12/2010, Phòng giao dịch Lấp Vò Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu long (sau đây viết tắt là ngân hàng MHB Lấp Vò) ký hợp đồng số NA 1186.10/HĐTD với ông Nguyễn Thành Tâm và bà Nguyễn Thanh Huệ. Theo đó, Ngân hàng cho ông Tâm, bà Huệ vay số tiền 300.000.000đ, lãi suất trong hạn 14,4%/năm, thời hạn vay 12 tháng, mục đích vay để mua, bán gạo. Hợp đồng tín dụng trên được đảm bảo tiền vay bằng hợp đồng thế chấp số 1186.10/HĐTC ngày 06/12/2010, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận số AP 381773, số vào sổ 01013 ngày 22/10/2009, hợp đồng có dăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.
Sau đó ông Nguyễn Thành Tâm và Nguyễn Thanh Huệ trả lãi được 03 tháng đến 06/3/2011. Từ 07/3/2011 Tâm và Huệ không trả lãi và vốn đến nay.
Ông Nguyễn Hữu Quang (nguyên Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Lấp Vò) nợ tiền của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, bà Hương mua tài sản của ông Tâm nhưng lúc này tài sản của ông Tâm đang thế chấp tại Ngân hàng MHB Lấp Vò để vay vốn. Do ông Quang không có tiền trả cho bà Hương nên bà Hương đề nghị ông xóa thế chấp tài sản của ông Tâm để trừ nợ. Vì mục đích cá nhân, ông Quang đã lấy tài sản thế chấp trả lại cho ông Tâm, bà Huệ mặc dù ông Tâm, bà Huệ chưa trả vốn vay cũng nhưu tiền lãi cho Ngân hàng MHB Lấp Vò.
Ngân hàng MHB Lấp Vò khởi kiện yêu cầu ông Tâm và bà Huệ trả vốn vay 300.000.000đ, lãi từ 07/3/2011 đến 10/9/2013 là 230.391.000đ (có phạt chậm trả lãi) và tính lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng đến khi trả xong nợ. Ngân hàng không yêu cầu ông Quang (nguyên Giám đốc cho chi nhánh Lấp Vò) trả khoản nợ này. Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2014/KDTM-ST ngày 21/3/2014, của TAND huyện Lấp Vò tuyên: Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng. Án phí ngân hàng nộp 25.215.000đ
Vụ án trên không có đại diện VKSND huyện tham gia. Ngày 31/3/2014, VKSND huyện Lấp Vò nhận được bản án sơ thẩm nêu trên.
Ngày 04/4/2014, Ngân hàng kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm vì cho rằng ông Nguyễn Thành Tâm chưa trả nợ cho ngân hàng. Ngày 14/4/2014, Viện trưởng VKSND huyện Lấp Vò ra Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐKN/VKS-DS: Kháng nghị 01 phần bản án sơ thẩm số 01/2014/KDTM-ST ngày 31/3/2014 của TAND huyện Lấp Vò theo hướng sửa 01 phần án sơ thẩm về nội dung.
Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm: Thông qua kết quả điều tra, xét xử vụ án hình sự đối với hành vi phạm tội của ông Nguyễn Hữu Quang tại bản án hình sự phúc thẩm số 762/2013/HSPT ngày 23/7/2013 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh và tại phiên tòa xét xử, đã xác định phần tiền vốn vay 300.000.000đ tranh chấp là có sự khấu trừ nợ giữa ông Quang với bà Hương và khấu trừ tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Tâm với bà Hương. Bởi vì, ông Quang nợ tiền vay bà Hương không tiền trả, bà Hương thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất của ông Tâm, nhưng đất đang bị thế chấp tại ngân hàng, nên ông Quang đã lợi dụng mình đang làm giám đốc đã thực hiện việc xác nhận xóa thế chấp, trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tâm để ông Tâm chuyển nhượng đất cho bà Hương. Bà Hương trả tiền chuyển nhượng cho ông Tâm, nhưng trừ phần tiền 300.000.000đ mà ông Quang thiếu bà Hương chưa trả. Đồng thời, ông Tâm làm biên nhận nhận đủ tiền chuyển nhượng đất của bà Hương, còn ông Tâm thì được ông Quang xác nhận xóa thế chấp và trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất thế chấp, chứ thực tế là ông Tâm, bà huệ chưa thực hiện việc trả nợ cho ngân hàng theo quy định. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Quang trình bày không có nhận tiền 300.000.000đ từ ông Tâm để trả vào ngân hàng, ông Tâm thì xác định ai nộp số tiền này vào ngân hàng thì ông cũng không biết.
Việc xuất trả tài sản thế chấp của ông Quang không thông qua ngân hàng, nhằm mục đích cấn trừ nợ cá nhân với nhau là hành vi phạm tội, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đã bị xử lý về trách nhiệm hình sự, nhưng về trách nhiệm dân sự được tách ra giải quyết bằng vụ án dân sự. Do đó, ông Tâm nhận lại tài sản thế chấp và xóa thế chấp không phải là căn cứ ông Tâm đã thanh toán xong nợ ngân hàng. Tại phiên tòa hôm nay, ông Tâm cũng không có chứng cứ chứng minh đã trả tiền vào ngân hàng theo quy định.
Theo, Khoản 4 Điều 15 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/02/2006 của Chính phủ quy định giao dịch bảo đảm thì “giao dịch bảo đảm bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Do đó, án sơ thẩm nhận định hợp đồng thế chấp ghi “khi nào phía bên ông Tâm thanh toán xong các khoản vay theo hợp đồng thì được xóa thế chấp, đến ngày 09/02/2011 tài sản mà ông Tâm đã thế chấp cho ngân hàng đã được xóa thế chấp…” nên đương nhiên ông Tâm đã trả xong nợ là không có căn cứ.
Do vậy, xét kháng cáo của Ngân hàng và kháng nghị của Viện trưởng VKSND huyện Lấp Vò xác định ông Tâm, bà Huệ chưa trả tiền vay cho Ngân hàng nên phải có trách nhiệm trả là phù hợp, kháng cáo và kháng nghị là có căn cứ chấp nhận.
Tuy nhiên, mặc dù hợp đồng tín dụng số NA 1186.10/HĐTD ngày 06/12/2010 ghi nhận mục đích vay là để bổ sung vốn mua bán gạo. Nhưng hồ sơ và tại phiên tòa không thể hiện ông Nguyễn Thành Tâm và bà Nguyễn Thanh Huệ có đăng ký kinh doanh. Do đó, căn cứ Điều 29 BLTTDS và Điều 6 Nghị quyết 03 ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì đây không phải là vụ án kinh doanh thương mại mà là án tranh chấp dân sự theo Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự. Án sơ thẩm thụ lý và giải quyết án kinh doanh thương mại là sai thẩm quyền loại việc. ngoài ra, án sơ thẩm không giải quyết hết các mối quan hệ tranh chấp giữa: Tâm – Hương, Hương – Quang, Quang – Ngân hàng là giải quyết chưa toàn diện các quan hệ tranh chấp trong vụ án. Nội dung này, Viên KSND huyện Lấp Vò chưa phát hiện để kháng nghị đúng và đủ những vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm nên cần nghiên cứu rút kinh nghiệm.
Một số vấn đề cần lưu ý khi nghiên cứu vụ án để xem xét kháng nghị phúc thẩm:
Nghiên cứu đơn của đương sự xem yêu cầu vấn đề gì; Xác định quan hệ tranh chấp; Thành phần tham gia tố tụng, tư cách người tham gia tố tụng; Trình tự thủ tục giải quyết vụ án từ giai đoạn thụ lý đến khi xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; kể cả nghiên cứu nội dung vụ án.
Xem xét, quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật của Tòa án, kháng nghị đúng vào nội dung vi phạm của Tòa án, tránh trường hợp vi phạm nội dung này nhưng kháng nghị nội dung khác;
Kháng nghị khi phát hiện rõ vi phạm của Tòa án về tố tụng, nội dung đường lối giải quyết vụ án chưa phù hợp với quy định pháp luật; hạn chế kháng nghị khi đường lối giải quyết có thể có nhiều quan điểm khác nhau, khả năng chấp nhận kháng nghị của Tòa án cáp phúc thẩm không cao./.
TH 
Tìm kiếm