CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân tỉnh 2011 - 2016

21/03/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
Trong 5 năm qua, tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục được giữ vững và cơ bản ổn định. Tuy nhiên, hoạt động Funro, “Tin Lành Đê Ga”, “Tà đạo Hà Mòn” và tổ chức đưa người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép vẫn diễn biến phức tạp...

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai phục vụ tốt nhiệm vụ

chính trị địa phương nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân tỉnh 2011 - 2016

Trong 5 năm qua, tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục được giữ vững và cơ bản ổn định. Tuy nhiên, hoạt động Funro, “Tin Lành Đê Ga”, “Tà đạo Hà Mòn” và tổ chức đưa người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã tích cực, chủ động phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tư pháp cũng như trong quản lý Nhà nước và xã hội; kịp thời ban hành 251 Kháng nghị, 647 Kiến nghị và 869 Kết luận yêu cầu cơ quan tổ chức khắc phục vi phạm, thiếu sót, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Các văn bản kháng nghị, kiến nghị, kết luận của Viện kiểm sát bảo đảm có căn cứ, được các cơ quan tư pháp tiếp thu, thực hiện.

Trong kỳ, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra đạt  97,1% (vượt 7,1% so với yêu cầu của Nghị quyết 37). Qua công tác kiểm sát, VKSND hai cấp tinh Gia Lai đã yêu cầu Cơ quan điều tra (CQĐT) khởi tố 24 vụ/46 bị can, hủy bỏ 02 Quyết định không khởi tố vụ án và trực tiếp khởi tố 02 vụ án yêu cầu CQĐT tiến hành điều tra; huỷ bỏ quyết định khởi tố vụ án: 01 vụ. Trực tiếp kiểm sát 94 cuộc tại CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và Công an cấp xã; ban hành 158 văn bản Kết luận, Kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm.

Viện kiểm sát hai cấp tích cực ký kết Quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; phối hợp với CQĐT tổ chức tập huấn công tác này cho lực lượng Biên phòng và Công an xã để nắm kịp thời, đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm từ cơ sở. Qua đó, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được tăng cường, đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 37 của Quốc hội và hạn chế được oan, sai, bỏ lọt tội phạm.     

Tỷ lệ giải quyết án của Cơ quan điều tra đạt 94% (vượt chỉ tiêu 14%); Tỷ lệ giải quyết án của Viện kiểm sát đạt99,84% (vượt chỉ tiêu 4,84%); không có trường hợp nào đình chỉ do bị can không phạm tội.

Viện kiểm sát hai cấp thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Hằng năm, xác định và làm tốt công tác đột phá, tăng cường “Hướng về cơ sở”; kiểm sát 100% các vụ án ngay từ khi khởi tố; nắm chắc tiến độ điều tra, nâng cao chất lượng các bản yêu cầu điều tra, bảo đảm việc thu thập chứng cứ đầy đủ, khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật.

Kiểm sát chặt chẽ trình tự, thủ tục, căn cứ pháp luật trong việc phê chuẩn lệnh, quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam của các cơ quan chức năng, bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật. Tỷ lệ bắt giữ khởi tố xử lý về hình sự đạt 95,6% (vượt chỉ tiêu 0,6%). Qua kiểm sát, Viện kiểm sát không phê chuẩn 05 lệnh bắt khẩn cấp; hủy quyết định tạm giữ và không phê chuẩn gia hạn tạm giữ 20 người; yêu cầu bắt tạm giam 06 bị can; không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam và lệnh tạm giam 08 bị can; hủy bỏ biện pháp tạm giam 14 bị can. Công tác kiểm sát bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam đúng quy định của pháp luật; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được bảo đảm.

Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng xác định 385 vụ án trọng điểm và quyết định áp dụng thủ tục rút gọn: 33 vụ, để điều tra, truy tố, xét xử nhanh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

Đối với các vụ án phức tạp, án lớn, dư luận xã hội quan tâm, ngoài việc tiến hành một số hoạt động điều tra theo luật định để bổ sung, kiểm tra hoặc thẩm định về chứng cứ chứng minh tội phạm, người phạm tội, còn chủ động báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên, đồng thời báo cáo cấp ủy địa phương để xin ý kiến chỉ đạo, bảo đảm quyết định xử lý của Viện kiểm sát có căn cứ, đúng pháp luật. Tỷ lệ án án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng là 2,25% (chỉ tiêu ≤ 6%).

Qua kiểm sát, ban hành 112 kiến nghị yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra và 15 kiến nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan có giải pháp khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; 20 thông báo rút kinh nghiệm và hàng trăm văn bản trao đổi, trả lời thỉnh thị.

Nhìn chung, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả được nâng cao hằng năm, hoàn thành vượt các chỉ tiêu của Ngành và Nghị quyết của Quốc hội.

Viện kiểm sát hai cấp đã chủ động đề ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, trọng tâm là nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Ký kết Quy chế phối hợp tổ chức phiên tòa hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp với Tòa án nhân dân tỉnh. Qua đó, số lượng và chất lượng phiên tòa rút kinh nghiệm được tăng cường, đã phối hợp tổ chức 206 phiên tòa rút kinh nghiệm và 528 phiên tòa xét xử lưu động. Trách nhiệm công tố của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự có nhiều chuyển biến tích cực. Kiểm sát viên đã chủ động hơn trong việc xét hỏi, tranh luận và đối đáp với Luật sư, người bào chữa; quan điểm giải quyết vụ án bảo đảm khách quan, toàn diện, đúng pháp luật; cơ bản đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Qua kiểm sát đã phát hiện 768 bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm, thiếu sót; đã ban hành 66 kháng nghị phúc thẩm, 13 kháng nghị giám đốc thẩm và 72 Kiến nghị yêu cầu Tòa án và các cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm và tội phạm. Tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm được Tòa án xử chấp nhận đạt 100% (vượt chỉ tiêu 25%); kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận bình quân đạt 81,45% (vượt chỉ tiêu 11,45%). Tổng hợp, ban hành 38 thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ.

Lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh đã chỉ đạo nhiều biện pháp để thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án về tham nhũng; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết án tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về án treo; kiểm sát chặt chẽ các trường hợp cho bị cáo hưởng án treo và việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ. Qua đó, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và quyết tâm cao của ngành Kiểm sát trong đấu tranh với tội phạm về tham nhũng.

Công tác phối hợp giữa ba ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án được duy trì thường xuyên, chặt chẽ. Định kỳ hằng tháng kịp thời họp bàn giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phức tạp phát sinh, thống nhất xác định án điểm và án theo thủ tục rút gọn để điều tra, truy tố, xét xử nhanh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác phối hợp liên ngành, chú trọng đánh giá chuyên sâu và đề ra các giải pháp thiết thực để thực hiện tốt Nghị quyết số 37 và Nghị quyết số 63 của Quốc hội.

Phối hợp với các cơ quan ban, ngành của tỉnh ký kết, triển khai thực hiện nhiều quy chế phối hợp trong công tác như: Quy chế phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy; Quy chế phối hợp công tác với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Quy chế phối hợp trong thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Quy chế phối hợp tổ chức phiên tòa hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp với Tòa án nhân dân tỉnh; Quy chế phối hợp với Trại giam Gia Trung; Trại tạm giam Công an tỉnh; Cục Thi hành án dân sự tỉnh…

Phối hợp với Tòa án tổ chức 72 phiên tòa rút kinh nghiệm. Kiểm sát 100% bản án, quyết định của Tòa án, phát hiện 2.787 bản án có vi phạm, thiếu sót. Ban hành 137 kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm. Hằng năm tỷ lệ bình quân đạt trên 50% so với tổng số án sơ thẩm bị hủy, sửa (vượt 30% so với chỉ tiêu). Số kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm được Tòa án xét xử chấp nhận bình quân đạt 85% (Chỉ tiêu của Nghị quyết số 37 ≥ 70%)

Đã ban hành 205 kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm; 03 kiến nghị yêu cầu cơ quan, tổ chức khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật và 34 thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ.

Trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, Viện kiểm sát hai cấp phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp kiểm sát chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp quá hạn tạm giữ, tạm giam, trốn, chết hoặc phạm tội mới trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam; đảm bảo các trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ, miễn, giảm và hoãn thi hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác phúc tra việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị; bảo đảm thực hiện đúng các chế độ về tạm giữ, tạm giam và các bản án hình sự có hiệu lực pháp luật đều được thi hành nghiêm chỉnh, đúng pháp luật. Trực tiếp kiểm sát 562 lần, đã ban hành 562 Kết luận kháng nghị và kiến nghị yêu cầu Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại giam, Cơ quan thi hành án hình sự và Ủy ban nhân dân cấp xã khắc phục vi phạm trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Qua kiểm sát đã ban hành 13 Kháng nghị, 93 Kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và 31 Thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ.

 Kiểm sát đặc xá theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của VKSND tối cao. Tham gia họp xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp, rút ngắn thời gian thử thách cho 6.728 bị án (trong đó: Đưa ra khỏi danh sách 31 trường hợp không đủ điều kiện xét giảm).

Đã trực tiếp kiểm sát 105 lần tại Cơ quan thi hành án dân sự, ban hành 105 kết luận, 22 kháng nghị, 86 kiến nghị; 53 kết luận phúc tra việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị; 50 văn bản yêu cầu khắc phục vi phạm, cung cấp hồ sơ, ra quyết định thi hành án và thi hành bản án, quyết định theo đúng quy định của pháp luật... Tổng hợp vi phạm, ban hành 16 thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ.

Trong công tác tiếp công dân; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp: Tỷ lệ giải quyết đơn thuộc thẩm quyền đạt 97,5%. Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại 55 cơ quan tư pháp hai cấp, đã ban hành 55 Kết luận, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

Với những thành tích đạt được, VKSND tỉnh Gia Lai được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba năm 2013, Cờ thi đua của Chính phủ năm 2015, Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2014, 2015 và nhiều Cờ thi đua của Ngành.

Qua công tác kiểm sát trong nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Gia Lai rút ra một số bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiêm vụ, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị tại địa phương như:

Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, tranh thủ ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng; tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành để phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp thiết thực, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, gắn liền với yêu cầu, đòi hỏi khách quan của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thanh tra, kiểm tra; xây dựng, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh./.       

Tìm kiếm