Thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự năm 2011, Viện kiểm sát tỉnh Nam Định đã tổng hợp những vi phạm, thiếu sót của Cơ quan điều tra 02 cấp và kiến nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nam Định chỉ đạo Cơ quan điều tra 02 cấp khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng hình sự. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo...
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định kiến nghị
khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng hình sự
Thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự năm 2011, Viện kiểm sát tỉnh Nam Định đã tổng hợp những vi phạm, thiếu sót của Cơ quan điều tra 02 cấp và kiến nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nam Định chỉ đạo Cơ quan điều tra 02 cấp khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng hình sự. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo.
Trong năm 2011, về cơ bản Cơ quan Cảnh sát điều tra 02 cấp Công an tỉnh Nam Định đã thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, khởi tố vụ án hình sự, áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Các vụ án xảy ra đều được điều tra, xử lý kịp thời, góp phần vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đã lập nhiều chuyên án để điều tra, giải quyết được nhiều vụ án lớn như: vụ Nguyễn Đức Việt và đồng bọn phạm tội “Tham ô tài sản”, với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng; vụ Đào Quang Hưng phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; vụ Dương Văn Hưởng phạm tội “Giết người”; Vụ Nguyễn Quốc Hùng phạm tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán…. trái phép chất ma túy”, gồm 228 gam hêrôin, 04 khẩu súng và 265 viên đạn v.v…
Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an 02 cấp vẫn còn những thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tố tụng hình sự (có những vi phạm, thiếu sót đã được kiến nghị năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục).
Trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và khởi tố vụ án hình sự: Còn nhiều vụ việc để quá hạn theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự, có vụ không phức tạp nhưng quá hạn gần 06 tháng. Điển hình như các vụ: Vũ Thị Tuyết, có hành vi làm nhục người khác xảy ra ngày 07/4/2011, tại xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, đến ngày 05/10/2011 Cơ quan Công an huyện Hải Hậu mới khởi tố vụ án (quá hạn 03 tháng 28 ngày); vụ Hoàng Trung Tường dùng kiếm chém anh Vũ văn Thắng bị thương nặng ngày 07/7/2011, phải cấp cứu nhưng đến nay Cơ quan Công an huyện Vụ Bản vẫn chưa khởi tố vụ án; vụ trộm cắp tài sản (cây cảnh), xảy ra ngày 23/5/2011 tại xã Điền Xá, nhưng đến ngày 20/10/2011 Cơ quan điều tra Công an huyện Nam Trực mới khởi tố vụ án (quá hạn 02 tháng 27 ngày) …
Nhiều số trường hợp gửi quá hạn, có vụ quá hạn 16 ngày, có vụ gần 01 tháng. Điển hình như vụ “Hiếp dâm trẻ em” xảy ra tại thành phố Nam Định, ngày 16/9/2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định khởi tố vụ án, nhưng đến ngày 11/10/2011 mới chuyển quyết định khởi tố vụ án cho Viện kiểm sát.
Về khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn: Một số vụ Cơ quan điều tra Công an tiến hành khám xét khẩn cấp nhưng không thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp. Điển hình: vụ Vũ Văn Bình cùng đồng bọn phạm tội “Cướp tài sản” xảy ra tại thành phố Nam Định; vụ Trần Văn Lộc phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” xảy ra tại huyện Mỹ Lộc.
Một số vụ áp dụng biện pháp ngăn chặn chưa đúng quy định. Điển hình như vụ Đinh Văn Tưởng cùng đồng bọn phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 21/3/2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ý Yên ra quyết định khởi tố các bị can, nhưng đến ngày 28/3/2011 mới ra quyết định cho bảo lãnh đối với Đinh Văn Tưởng và ngày 30/3/2011 mới ra quyết định cho bảo lãnh đối với Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thế Hiển. Vi phạm Điều 79 Bộ luật tố tụng hình sự; vụ Lê Danh Tha, Bùi Tiến Hưởng cùng đồng bọn phạm tội “Đánh bạc” bị bắt quả tang nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ý Yên không ra quyết định tạm giữ hình sự hoặc trả tự do cho người bị bắt mà lại ra quyết định tạm giữ hành chính. Vi phạm Khoản 1, Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự,…
Vi phạm về lập lý lịch bị can và thu thập chứng cứ
Lập lý lịch bị can vi phạm Khoản 3, Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự. Điển hình là các vụ:Phạm Văn Tân phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hải Hậu ghi thiếu 01 tiền sự trong lý lịch bị can; vụ Đỗ Bảo Đoan và đồng bọn phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hải Hậu ghi sai năm sinh, tên đệm của bị can Đoan và ghi sai họ của bị can Phạm Văn Trụ trong lý lịch bị can; vụ Trần Hữu Tiện phạm tội “Trộm cắp tài sản” và vụ Nguyễn Văn Chính cùng đồng bọn phạm tội “Trộm cắp tài sản”, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Xuân Trường không mô tả đầy đủ vị trí, kích thước của hiện trường trong biên bản khám nghiệm hiện trường.
Vi phạm Khoản 3, Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự trong việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ. Điển hình như vụ Trần Văn Thưởng cùng đồng bọn phạm tội “Đánh bạc”, Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Vụ Bản chưa làm rõ năm sinh của bị can Trần Đức Sinh, tại hồ sơ thể hiện Sinh có 03 năm sinh khác nhau (năm 1968 trong Bản án số 21/2008/HSST, ngày 13/3/2008; năm 1969 trong sổ hộ khẩu và năm 1970 theo Chứng minh thư nhân dân
Vi phạm trong thu thập và bảo quản vật chứng.
Trần Tấn Hiếu phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vụ Bản bắt quả tang, thu giữ vật chứng ngày 19/5/2011, nhưng đến ngày 30/5/2011 mới nhập kho vật chứng. Vi phạm Điểm a, Khoản 2, Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự.
Nguyễn Thị Vui phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Xuân Trường bắt quả tang, thu giữ 01 xe máy nhãn hiệu Honda AIRBLADE mang tên Vui, do Vui sử dụng làm phương tiện phạm tội nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Xuân Trường lại trả chiếc xe máy cho gia đình Vui. Vi phạm khoản 3, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự.
Ngoài ra, kiến nghị còn nêu vi phạm của Cơ quan điều tra Công an huyện Nghĩa Hưng trong việc phục hồi điều tra theo quy định tại Điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự.
Bên cạnh việc nêu những vi phạm, thiếu sót điển hình, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định còn chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan của những vi phạm, thiếu sót trên, như: Lực lượng Điều tra viên ở 2 cấp còn thiếu và có sự biến động; một số Điều tra viên còn thiếu kinh nghiệm; một số cán bộ, Điều tra viên chủ quan, đơn giản hóa các thao tác chuyên môn nghiệp vụ..; có lúc, có nơi quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên chưa chặt chẽ; công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra đối với Điều tra viên, giữa Cơ quan điều tra cấp trên với Cơ quan điều tra cấp dưới chưa thường xuyên, sâu sát, kịp thời. Vướng mắc trong việc thực hiện quy định của pháp luật chưa được hướng dẫn kịp thời
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định kiến nghị Giám đốc Công an tỉnh Nam Định chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra và Điều tra viên 2 cấp tổ chức rút kinh nghiệm đối với những vi phạm, thiếu sót nêu trên, thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong hoạt động điều tra. Tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm, thiếu sót để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh. Chú trọng tổ chức nghiên cứu, học tập các quy định mới của pháp luật về điều tra vụ án hình sự và các hướng dẫn nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, vận dụng thực hiện tốt các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự vào điều tra, giải quyết án.
Thanh Tâm