CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ CÓ KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI CHI CỤC THI HÀNH ÁN HUYỆN HẠ HÒA QUA CÔNG TÁC KIỂM SáT TRỰC TIẾP THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

11/10/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án dân sự tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hạ Hòa (thời điểm kiểm sát từ ngày 01/8/2008 đến 31/3/2011) đã có kết luận số 442/KL-VKS ngày 31/5/2011 về một số tồn tại, vi phạm cần được khắc phục sữa chữa. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin trích đăng một số nội dung vi phạm để bạn đọc quan tâm tham khảo rút kinh nghiệm. ..
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ CÓ KẾT LUẬN,
KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI CHI CỤC THI HÀNH ÁN HUYỆN HẠ HÒA
QUA CÔNG TÁC KIỂM SáT TRỰC TIẾP THI HÀNH ÁN DÂN SỰ 
 
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án dân sự tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hạ Hòa (thời điểm kiểm sát từ ngày 01/8/2008 đến 31/3/2011) đã có kết luận số 442/KL-VKS ngày 31/5/2011 về một số tồn tại, vi phạm cần được khắc phục sữa chữa. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin trích đăng một số nội dung vi phạm để bạn đọc quan tâm tham khảo rút kinh nghiệm.
- Vi phạm trong việc thông báo các quyết định về thi hành án:Kết quả kiểm tra cho thấy có rất nhiều hồ sơ sau khi có quyết định thi hành án, Chấp hành viên được phân công giải quyết đã không thông báo việc thi hành án cũng như thông báo thời gian tự nguyện thi hành án cho đương sự; có một số hồ sơ, kể từ khi có quyết định thi hành án đến thời điểm kiểm tra, Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành vẫn chưa có tác nghiệp gì, như không thông báo quyết định về thi hành án, không xác minh điều kiện về thi hành án, nhưng vụ việc này lại được xếp vào loại án chưa có điều kiện thi hành.
Như vậy, Chấp hành viên được giao tổ chức thi hành án đã không thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 14 Pháp lệnh Thi hành án dân sự, nay là Điều 20 Luật thi hành án dân sự, để tổ chức việc thi hành án, đã vi phạm quy định tại  Điều 34 Pháp lệnh Thi hành án dân sự, nay là Điều 39 Luật thi hành án dân sự.
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự thì:
 “1. Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.
2. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản đó…”.
- Việc xác minh, phân loại điều kiện của người phải thi hành án không chính xác: Nhiều hồ sơ thi hành án không thể hiện việc Chấp hành viên đã tiến hành xác minh nhưng xác minh chưa triệt để hoặc kết quả xác minh cho thấy người phải thi hành án có điều kiện để thi hành án nhưng Chấp hành viên không áp dụng các biện pháp cần thiết theo luật định để đôn đốc thi hành án mà lại xếp vụ việc vào loại án không có điều kiện thi hành án.
- Vi phạm về xác minh, đôn đốc thi hành án: Chấp hành viên được giao tổ chức thi hành chưa tiến hành xác minh điều kiện thi hành án hoặc để quá lâu (có vụ hơn 1 năm) mới tiến hành xác minh điều kiện thi hành án.
Như vậy là vi phạm quy định tại Điều 44 Luật thi hành án dân sự năm 2008 về thủ tục xác minh điều kiện thi hành án.
Theo quy định tại Điều 44 Luật thi hành án dân sự thì: “…2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh;…”.
- Một số hồ sơ khi đã tiến hành xác minh có căn cứ xác định người phải thi hành án có đủ điều kiện thi hành án nhưng Chấp hành viên không áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của Luậl thi hành án dân sự để thi hành dứt điểm việc thi hành án, mà để kéo dài qua nhiều năm. Như vậy đã vi phạm quy định tại Khoản l Điều 46 Luật thi hành án dân sự.
Tại khoản l Điều 46 Luật thi hành án dân sự quy định: “1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế”.
- Vi phạm trong việc không áp dụng căn cứ để trả đơn yêu cầu thi hành án và đình chỉ thi hành án theo quy định của pháp luật, đó là Hổ sơ thi hành án thể hiện tại biên bản xác minh gần nhất năm 2011 (không ghi ngày, tháng), xác định đối tượng phải thi hành án đã đi khỏi địa phương từ lâu, khi đi không báo cáo chính quyền địa phương, hiện không xác định được địa chỉ; tài sản của người phải thi hành án tại địa phương không có gì, nhưng Chấp hành viên đã không tiến hành trả đơn yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điều 51 Luật thi hành án dân sự.
Điểm a, Khoản 1, Điều 51 Luật thi hành án quy định: “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây:
a. Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành…”
- Vi phạm trong việc không thực hiện đúng quy định về thứ tự thanh toán tiền thi hành án, dẫn đến việc chưa thu hồi được tiền tạm ứng cưỡng chế thi hành án: Hồ sơ theo quyết định thi hành án thể hiện đã áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản nhà, đất với tổng chi phí cưỡng chế 1.389.000đ. Sau khi kê biên tài sản, người phải thi hành án đã tự nguyện nộp tiền thi hành án, số tiền này được chi trả toàn bộ cho người được thi hành án. Vì vậy, khoản tiền tạm ứng kinh phí cưỡng chế vẫn chưa được thu hồi. Tại khoản 1 Điều 47 quy định: “1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này, được thanh toán theo thứ tự…”. Như vậy, việc làm trên của Chấp hành viên là không thực hiện đúng theo quy định về thứ tự thanh toán tiền thi hành án được quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật thi hành án dân sự.
- Vi phạm trong việc không ra quyết định ủy thác thi hành án: Tại một số hồ sơ thi hành án, kết quả xác minh thể hiện người phải thi hành án hiện đang cư trú ở địa phương khác, nhưng Chấp hành viên không làm thủ tục ủy thác thi hành án theo quy định của pháp luật, mà lại xếp hồ sơ vào diện không có điều kiện thi hành. Đối chiếu với quy định tại khoản l Điều 55 Luật thi hành án dân sự, thì: “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải uỷ thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở”. Như vậy, việc làm trên đã vi phạm Khoản l Điều 55 Luật thi hành án dân sự về ủy thác thi ành án.
- Vi phạm trong việc chi trả tiền thi hành án: Tại một số hồ sơ thi hành án tiền cấp dưỡng nuôi con hàng tháng xẩy ra tình trạng chậm chi trả tiền cho người được thi hành án nhưng trong hồ sơ không thể hiện việc báo gọi người phải thi hành án đến nhận tiền hay có sự thỏa thuận của người được thi hành án về việc nhận tiền thi hành án theo định kì. Điều này đã vi phạm quy định tại tiết 3.2 phấn 3 mục III Thông tư liên tịch số 06/2007/TT-BTP ngày 5/7/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự, đó là: “3.2. Chi trả tiền thi hành án.
Trong thời hạn không quá mười ngày làm việc kể từ ngày thu tiền thi hành án, cơ quan thi hành án phải tiến hành chi trả các đối tượng được thi hành án....”.
Đối với công tác tiếp nhận và quản lý, xử lý tài sản, vật chứng: Nhìn chung, công tác tiếp nhận và xử lý vật chứng, tài sản được thực hiện tốt. Sổ sách theo dõi vật chứng, tài sản thi hành án được cập nhật thường xuyên, số liệu chính xác. Tuy nhiên lĩnh vực này còn tồn tại như sau:
- Việc ghi chép vào sổ thụ lý theo dõi vật chứng không ghi đầy đủ cột mục trên sổ như một số trường hợp không ghi số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định. Vật chứng của vụ án gồm nhiều loại, được Tòa án xử lý khác nhau, xong tại cột ghi “kết quả xử lý” việc ghi chép rất sơ sài, không thể hiện được cụ thể kết quả xử lý tài sản, vật chứng. Ví dụ như: Vụ Nguyễn Đức Thành ở Bằng Giã – Hạ Hòa, vật chứng gồm 02 điện thoại di động và 01 xe mô tô: Trên sổ không ghi số, ngày, tháng, năm của bản án; tại mục ghi kết quả xử lý chỉ ghi “đã trả”; Vụ Bùi Xuân Lưu ở Vĩnh Châu – Hạ Hòa. Tang vật gồm một số bát đĩa, quân bài, 19 đôi dép, 03 điện thoại di động, 01 xe đạp, 02 e mô tô. Tại mục ghi kết quả xử lý chỉ ghi “tiêu hủy”.
- Việc ghi chép kết quả xử lý trên sổ theo dõi vật chứng không đúng với thực tế: Vật chứng vụ Nguyễn Văn Quang ở khu 10 – Vô Tranh – Hạ Hòa là 1 xe máy. Theo quyết định thi hành án số 188 ngày 0/7/2009 chiếc xe máy đó được tạm giữ để đảm bảo thi hành án. Hiện nay chiếc xe vẫn còn được tạm giữ nhưng trên sổ thụ lý và theo dõi vật chứng lại thể hiện chiếc xe máy đó đã được trả lại. Mặc dù thời gian kể từ khi ra quyết định thi hành án đã lâu, đương sự không tự nguyện thi hành án, xong Chi cục thi hành án Hạ Hòa vẫn chưa áp dụng các biện pháp cần thiết để giải quyết dứt điểm việc thi hành án.
- Kết quả kiểm tra nơi bảo quản vật chứng thấy: Do điều kiện khách quan, Chi cục thi hành án Hạ Hòa chưa bố trí được kho bảo quản vật chứng riêng, còn phải để vật chứng tại phòng làm việc, dẫn đến việc cất giữ còn lộn xộn, không bảo quản được riêng rẽ vật chứng của từng vụ; không bảo quản riêng vật chứng của những vụ án chưa xét xử với vật chứng của những vụ đã có quyết định thi hành án. Đa số các vật chứng đều không được dán mác ghi tên của chủ sở hữu tài sản hay tên của vụ án.
Việc làm trên đã vi phạm tiết 2.1 mục 2 phần II của Thông tư số 06 ngày 5/7/2007 của Bộ Tư pháp hướng dân thực hiện một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự đã quy định: “Vật chứng, tài sản tạm giữ phải được bảo quản nghiêm ngặt, đặc biệt là đối với các hóa chất, ma túy; có sổ sách ghi chép rõ ràng, đầy đủ; vật chứng, tài sản để trong kho phải sắp xếp gọn gàng, khoa học, có dán nhãn (thẻ kho) ghi rõ tên của chủ sở hữu tài sản, tên của vụ án gắn vào từng loại tài sản để tránh nhầm lân, mất mát, hư hỏng, giảm hoặc mất giá trị sử dụng…
Vật chứng do Cơ quan điều tra chuyển giao nhưng vụ án chưa xét xử xong thì cần phải sắp xếp, bảo quản riêng không để lẫn lôn với số vật chứng, tài sản của các vụ việc đã có quyết định thi hành án”.
Đối với công tác kế toán nghiệp vụ thi hành án: qua kiểm sát trực tiếp thấy có một số thiếu sót như:
- Về sử dụng biên lai: Qua kiểm tra một số quyển biên lai cho thấy nhiều biên lai không thể hiện tên đơn vị thu tiền hoặc đóng dấu treo ở góc trên, bên trái của tờ biên lai, không ghi họ tên của người thu tiền và họ tên, chữ kí của người nộp tiền. Vẫn còn xẩy ra tình trạng chậm nộp tiền vào quỹ thi hành án đến hơn 1 tháng hoặc có biên lai không ghi ngày, tháng năm thu tiền phí thi hành án và đến thời điểm kiểm tra chưa nộp tiền vào quỹ thi hành án.
- Việc ghi chép sổ quỹ tiền mặt: việc thụ lý sổ quỹ tiền mặt của thủ quỹ không theo trình tự thời gian mà ghi hết phần chi tiền đến phần thu tiền. Khi khóa sổ mỗi kì thống kê, không phản ánh hết chứng từ phát sinh trong kì và không có sự đối chiếu số liệu giữa thủ quỹ với kế toán, dẫn đến có sự chênh lệch số tồn tiền mặt cuối kì giữa sổ của thủ quỹ và sổ của kế toán. Việc làm trên đã vi phạm quy định tại điểm a khoản l Điều 40 Quyết định số 572/2004/QĐ-BTP ngày 25/10/2004 của Bộ trưởng Bộ tư pháp về Ban hành chế độ kế toán nghiệp vụ thi hành án (nay là Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính).
Nguyên nhân và trách nhiệm của những vi phạm nêu trên là do: Chi cục THADS huyện Hạ Hòa có số lượng cán bộ, công chức không nhiều, trong khi số việc thi hành án ngày càng tăng về số lượng và ngày càng phức tạp hơn; người phải thi hành án nhiều đối tượng không có tài sản để thi hành hoặc đang chấp hành hình phạt tù, số ít người phải thi hành án có ý thức chây ì, không tự giác chấp hành pháp luật, dẫn đến làm gia tăng án tồn đọng không thi hành được. Bên cạnh đó, do ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chưa được đề cao; một số ít Chấp hành viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao, chưa thực hiện đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ và quyền hạn của Chấp hành viên mà Luật thi hành án dân sự đã quy định. Mặt khác, việc chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, kiểm tra của Lãnh đạo đơn vị đối với quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Chấp hành viên, Cán bộ công chức chưa thực hiện thường xuyên; đặc biệt đối với công tác phân loại việc có điều kiện, không có điều kiện còn chưa chặt chẽ.
Để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, các bản án, quyết định của Toà án được đưa ra thi hành kịp thời, chính xác, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân, đồng thời, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thi hành án dân sự; ngày 31/5/2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có bản Kết luận số 422/KL-VKS kết luận về kết quả kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án dân sự đối với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hạ Hòa, theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã kiến nghị đến ông Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Hạ Hòa trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận cần tổ chức thực hiện một số nội dung theo yêu cầu của Viện kiểm sát và trả lời cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ biết kết quả; cụ thể như sau:
Một là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ của chấp hành viên và cán bộ trong đơn vị để thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Hai là, chỉ đạo, tổ chức khắc phục ngay những tồn tại, khuyết diểm đã nêu ở từng phần việc. Giao trách nhiệm cụ thể cho Chấp hành viên, Cán bộ, công chức khắc phục những việc có sai sót. Đồng thời có hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những cán bộ, Chấp hành viên để xẩy ra vi phạm.
Ba là, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc hơn nữa việc thụ lý, theo dõi và quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ để thi hành án. Thực hiện nghiêm túc Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài Chính Hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự; chứng từ kế toán phải ghi đầy đủ các nội dung theo quy định; sổ quỹ phải được cập nhật theo trình tự thời gian, thể hiện chính xác hoạt động thu, chi quỹ tiền mặt thi hành án. Thực hiện việc khóa sổ kế toán, sổ quỹ tiền mặt đúng theo quy định./.
Thu Hương.
Tìm kiếm