Thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW ngày 7/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, bám sát kế hoạch của Ban cán sự Đảng VKSND tối cao, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức tốt việc triển khai...
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới
Thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW ngày 7/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, bám sát kế hoạch của Ban cán sự Đảng VKSND tối cao, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức tốt việc triển khai, xây dựng kế hoạch, chủ động đề ra nhiều giải pháp, tổ chức thực hiện có kết quả. Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm nhìn chung thuận lợi do luôn nhận được sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của VKSND tối cao, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; sự giám sát của Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Đảng, Nhà nước ở địa phương. Ngành Kiểm sát Vĩnh Phúc đã tích cực phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác phát hiện, phân loại, xử lý tội phạm, tệ nạn xã hội: Tội phạm về ma túy về cơ bản được kiểm soát; đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời các băng nhóm tội phạm; phối hợp điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các vụ án, nhất là những vụ án trọng điểm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Căn cứ Kế hoạch của Ban cán sự đảng VKSND tối cao, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng Kế hoạch số 383-KH/BCS ngày 29/12/2010 để triển khai việc thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị trong ngành Kiểm sát Vĩnh Phúc. Kế hoạch của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã được quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện ở Viện kiểm sát nhân dân hai cấp với sự phân công nhiệm vụ cụ thể trong từng lĩnh vực công tác.
Hàng năm, căn cứ vào các Kế hoạch của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng chống HIV/AIDS và Kế hoạch của VKSND tối cao, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành các Kế hoạch và văn bản triển khai nội dung cụ thể đến VKSND hai cấp để thực hiện. VKSND tỉnh yêu cầu các VKS cấp huyện và các Phòng trực thuộc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc triển khai thực hiện các chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa VKS với các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn và với các cơ quan liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm. Trong quá trình chỉ đạo, VKS tỉnh đã ban hành nhiều Kế hoạch và văn bản hướng dẫn thực hiện các đề án, các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS và phòng chống tội phạm mua bán người... (Kế hoạch công tác kiểm sát phòng chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2011 – 2015 ngày 09/8/2011; Kế hoạch số 347 ngày 29/3/2013 thực hiện Nghị quyết số 09/Cp và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm; Kế hoạch số 184 ngày 28/02/2012 và số 498 ngày 12/4/2013 thực hiện chương trình hành động phòng chống tội phạm Mua bán người…).
Để tăng cường mối quan hệ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và Tòa án tỉnh xây dựng, ký kết ban hành Nghị quyết liên ngành số 1359/NQLN-VKS-CA-TA ngày 7/11/2012 về phối hợp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Quán triệt, triển khai sâu rộng việc thực hiện Chỉ thị 48 trong Ngành kiểm sát Vĩnh Phúc đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng, nhận thức. Cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn vai trò, vị trí của VKSND trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm trước diễn biến tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc thực thi nhiệm vụ để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trong tình hình mới.
Với đặc thù là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, việc tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm của đơn vị chủ yếu thông qua công tác xét xử các vụ án hình sự, do đó, Viện kiểm sát hai cấp tích cực phối hợp với các cơ quan tư pháp lựa chọn các vụ án điểm để xét xử lưu động tại các địa bàn dân cư.
Cán bộ, Kiểm sát viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn nêu cao tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm, luôn gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đồng thời tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với gian đình và dân cư tại địa bàn nơi cư trú, vận động người thân, nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt tích cực trong việc đấu tranh nhằm loại bỏ các tệ nạn xã hội làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân như nạn nghiện hút ma túy, mại dâm, cờ bạc…góp phần duy trì ổn định trật tự nơi sinh sống.
Để chủ động nắm bắt và nâng cao chất lượng việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã chủ trì, phối hợp với cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xây dựng, ký kết, ban hành, triển khai thực hiện các Quy chế phối hợp. Việc phối hợp xây dựng các Quy chế đã đem lại hiệu quả tích cực trong giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Đến nay, 9/9 Viện kiểm sát cấp huyện và VKSND tỉnh đã xây dựng và ký 11 Quy chế phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra và cơ quan an ninh điều tra về phối hợp quản lý, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Viện kiểm sát hai cấp đã chủ động kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý, quản lý và giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của Cơ quan CSĐT và Cơ quan an ninh điều tra, phối hợp với các cơ quan hữu quan nắm chắc thông tin về tố giác, tin báo về tội phạm, mở sổ thụ lý, theo dõi đầy đủ, định kỳ rà soát, phân loại, đôn đốc cơ quan điều tra giải quyết kịp thời không để tin báo quá hạn, kéo dài, không để xảy ra tình trạng khởi tố oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Thực hiện chủ trương của Nghị quyết 49 về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra” và “ nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử ”, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát bám sát hồ sơ và nghiên cứu ngay từ khi khởi tố vụ án, tập trung kiểm sát việc khởi tố và quyết định tố tụng, đề xuất phê chuẩn các lệnh, quyết định, kiểm sát việc chấp hành pháp luật đối với từng hoạt động điều tra đã thực hiện được thể hiện trong hồ sơ vụ án, tích cực tham gia trực tiếp vào các hoạt động điều tra (hỏi cung, thu thập chứng cứ, lấy lời khai người làm chứng…), nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, án phức tạp, dư luận quan tâm; làm tốt việc báo cáo tiến độ điều tra, báo cáo đề xuất, yêu cầu điều tra, phát hiện, huỷ bỏ kịp thời các quyết định, lệnh không đủ căn cứ pháp luật của Cơ quan điều tra. Do vậy chất lượng điều tra và kiểm sát điều tra đã được nâng lên, đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố có căn cứ, đúng pháp luật, không có trường hợp nào oan, sai, lọt tội.
Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện thường xuyên quán triệt, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với việc thực hiện cuộc vận động của ngành về xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm.Quán triệt cán bộ, Kiểm sát viên chấp hành tốt kỷ luật lao động, kỷ luật nghiệp vụ; thực hiện tốt các qui chế nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc, giữ gìn phẩm chất đạo đức của người cán bộ kiểm sát, không vi phạm qui định về phẩm chất đạo đức lối sống, kỷ luật nghiệp vụ, tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân trong thi hành công vụ.
Do làm tốt công tác quản lý, rèn luyện cán bộ nên hầu hết cán bộ VKSND hai cấp đã nhận thức rõ việc thực hiện các quy chế, quy định vừa là quyền nhưng cũng là nghĩa vụ của mỗi người. Do vậy, việc chấp hành kỷ luật lao động, kỷ luật nghiệp vụ, quy chế, quy định, quy tắc ứng xử của ngành, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước được thực hiện tốt, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo hay có phản ánh về cán bộ trong ngành.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Hàng năm, VKS tỉnh đều thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành 03 đợt kiểm tra thường xuyên vào đầu năm, giữa năm và cuối năm đối với các đơn vị. Đặc biệt, năm 2013, thực hiện chủ trương của Viện KSND tối cao về thành lập bộ phận thanh tra ngành kiểm sát, Viện kiểm sát tỉnh đã kiện toàn tổ chức cán bộ làm công tác thanh tra và thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các đơn vị. Đã tổ chức thanh tra công vụ 2 cuộc, thanh tra nghiệp vụ 3 cuộc; kiểm tra đột xuất về chấp hành kỷ luật nội vụ, công vụ 45 lượt.
Thực hiện tốt nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử đối với Viện kiểm sát hai cấp. Quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ luôn tuân thủ sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy địa phương. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 1 năm báo cáo kết quả công tác với cấp ủy cùng cấp. Viện trưởng VKSND tỉnh thực hiện đầy đủ việc báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân, trả lời chất vấn của các đại biểu Hội đồng nhân dân về tình hình chấp hành pháp luật và hoạt động của VKSND ở địa phương.
Trong quá trình hoạt động, VKSNDhai cấp đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm, trong công tác giữ gìn trật tự, trị an, xã hội; tích cực tham gia giải quyết nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh nông thôn, đến việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương (như bảo vệ thi công các công trình trọng điểm, giải quyết các vụ, việc phức tạp …).
Hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp được sự phối hợp, tạo điều kiện ủng hộ tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Viện kiểm sát đã chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp ở địa phương.
TH (biên tập)