CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành KSND từ ngày 24/02/2012 đến 01/3/2012

02/03/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Báo Tiền Phong số 55ngày 24/02/2012, có bài: “Vì sao chưa khởi tố vụ lừa đảo 500 tỷ đồng” của tổ phóng viên pháp luật. Nội dung: Đầu năm 2011 Nguyễn Anh Quân với tư cách là Tổng giám đốc Công ty cổ phần BETA, Bộ Quốc Phòng đã ký các hợp đồng vay vốn và hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty HANIC là một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với danh nghĩa công ty Cổ phần BETA là nhà đầu tư thứ phát tại dự án Thanh Hà A - CIENCO5, qua đó Quân đã chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng của các khách hàng nộp tiền mua đất. Tháng 4/2011, những người nộp tiền nhưng không được nhận đất đã có đơn tố cáo đòi trả lại tiền...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng
liên quan đến hoạt động của ngành KSND từ ngày 24/02/2012 đến 01/3/2012
 
Báo Tiền Phong số 55ngày 24/02/2012, có bài: “Vì sao chưa khởi tố vụ lừa đảo 500 tỷ đồng” của tổ phóng viên pháp luật. Nội dung: Đầu năm 2011 Nguyễn Anh Quân với tư cách là Tổng giám đốc Công ty cổ phần BETA, Bộ Quốc Phòng đã ký các hợp đồng vay vốn và hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty HANIC là một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với danh nghĩa công ty Cổ phần BETA là nhà đầu tư thứ phát tại dự án Thanh Hà A - CIENCO5, qua đó Quân đã chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng của các khách hàng nộp tiền mua đất. Tháng 4/2011, những người nộp tiền nhưng không được nhận đất đã có đơn tố cáo đòi trả lại tiền. Hành vi của Quân đã có đủ yếu tố cấu thành tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì có cả 2 hành vi gian dối và chiếm đoạt. Tuy nhiên Công an và Viện kiểm sát thành phố Hà Nội vẫn không khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên đến thời điểm này Quân đã bỏ trốn ra nước ngoài. Vụ án vẫn chưa khởi tố nên dư luận đang bức xúc và đặt vấn đề vì sao thời gian xác minh đơn tố giác tội phạm lại kéo dài như vậy và cơ quan pháp luật không có biện pháp cần thiết gì để ngăn chặn Quân bỏ trốn.
 Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ1, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô số 1017ngày 24/02/2012, có bài: “Liệu có bỏ lọt tội phạm”của tác giả Nguyễn Quân. Nội dung: Ngày 06/02/2011 anh Nguyễn Phong Phú lái xe của báo Tuổi trẻ Thủ đô chở vợ và 2 con nhỏ đi chúc tết ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh và gặp các thanh niên là Nguyễn Minh Hậu, Hồ Công Dương, Huỳnh Phước Thành đi dàn hàng ngang trên đường. Anh Phú bấm còi xin vượt nhưng các thanh niên này không cho vượt, sau đó hai bên đã xảy ra xô xát và tên Hậu cùng nhóm thanh niên trên đã dùng gậy sắt đập vào đầu và tay chân anh Phú làm cho anh phải đi cấp cứu tại bệnh viện với kết quả giám định thương tích của anh Phú là 13,2%. Tuy nhiên ngày 07/12/2011, Công an huyện Tân Châu tỉnh Tây Ninh lại ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự và ngày 19/12/2011 VKSND huyện Tân Châu có văn bản thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự với lý do Nguyễn Minh Hậu đánh anh Nguyễn Phong Phú là do tinh thần bị kích động mạnh. Dư luận và Luật sư cho rằng nhận định như trên là không có căn cứ, bỏ lọt tội phạm nên các cơ quan chức năng cấp trên cần xem xét, làm rõ vụ việc này.
 Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Đại Đoàn Kết số 55 ngày 24/2/2012, có bài “Mòn mỏi chờ thi hành án” của tác giả Quốc Khánh- Bình Minh. Nội dung: Từ năm 2005 đến 2008 vợ chồng ông Ngô Văn Đực và bà Võ Thị Tuyết Diễm ở xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã mua thức ăn nuôi tôm sú của ông Huỳnh Thanh Dũng một chủ đại lý thức ăn thủy sản tại ấp Cổ Cò, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng và còn nợ số tiền 1,203 tỷ đồng nhưng ông Dũng đòi nhiều lần không được nên đã kiện ông Đực, bà Diễm ra Tòa. Tòa án đã thụ lý vụ kiện và khi xét xử ở cả 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên vợ chồng ông Đực, bà Diễm phải trả cho ông Dũng số tiền trên và lãi suất theo quy định của Ngân hàng. Cơ quan thi hành án dân sự huyện Mỹ Xuyên đã kê biên tài sản và bán đấu giá được1,55 tỷ đồng nhưng không trả cho ông Dũng theo bản án của Tòa án với lý do sau này ông Đực bà Diễm vẫn còn nợ của người khác và các chủ nợ cũng có đơn kiện nên không trả được. Bà Sơn Thị Pheng, Thẩm phán TAND tỉnh Sóc Trăng cho rằng việc làm và cách giải thích trên của Cơ quan thi hành án dân sự huyện Mỹ Xuyên là sai vì những người kiện tiếp ông Đực, bà Diềm đều phát sinh sau khi đã có bản án. Vụ 10 VKSND tối cao cũng đã có Công văn số 3831 ngày 09/12/2010 nêu rõ số tiền trên sau khi trừ các chi phí khác về thi hành án cần được trả cho ông Huỳnh Thanh Dũng. Tuy nhiên, ông Dương Công Lập, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa nhất trí với quan điểm trên và Cục thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng lại phải có văn bản xin ý kiến Tổng cục thi hành án dân sự về việc này. Dư luận cho rằng bản án đã có hiệu lực pháp luật, có ý kiến của Vụ kiểm sát thi hành án VKSND tối cao nhưng tại sao vẫn chưa được thực hiện. Phải chăng có gì khuất tất trong việc xử lý này.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 10, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi. 
Báo An ninh thủ đô số 3445ngày 25/02/2012, có bài: “Truy tố không đúng, Tòa vẫn đồng tình” của tác giả Trịnh Tuyên. Nội dung: Ngày 24/02/2012, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Lê Quốc Việt ở thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cùng đồng phạm là các bị cáo Trần Văn Lộc, Tạ Duy Hiền, Tạ Thị Yên, Nguyễn Thị Dung, Trần Quang Trung, Bùi Văn Tiểu đều là cán bộ, công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần United Moto Việt Nam thuộc khu công nghiệp Nội Bài về tội “Trộm cắp tài sản”. Các bị cáo đã 2 lần tổ chức ăn trộm 60 bộ khung xe máy của nhà máy ra đem ra bên ngoài tiêu thụ (lần thứ nhất ngày 24/3/2011, lấy được 40 bộ, lần thứ hai ngày 14/4/2011, lấy được 20 bộ). Lê Quốc Việt là chủ mưu và các bị cáo đã có sự bàn bạc, thống nhất và phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện hành vi phạm tội nên phải truy tố theo điểm a, khoản 2 Điều 138 BLHS vì phạm tội có tổ chức, mang tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên Cáo trạng củaVKSND thành phố Hà Nội chỉ truy tố các bị cáo ở khoản 1 Điều 138 là chưa đúng, song TAND thành phố Hà Nội vẫn chấp nhận và chỉ xử 2 bị cáo Lê Quốc Việt và Trần Văn Lộc 18 tháng tù cho hưởng án treo và các bị cáo khác chỉ phải nhận mức án từ 9 đến 15 tháng tù và cũng đều được hưởng án treo là quá nhẹ.    
 Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Công lý số 16ngày 24/02/2012, có bài: “Một thanh niên bị đánh bầm dập vì không đội mũ bảo hiểm” của tác giả TH-HM . Nội dung: Hồi 7 giờ tối ngày 20/2/2012, anh Đinh Quốc Huy ở Đồng Thái, Kiến An, Tp Hải Phòng đi xe máy không đội mũ bảo hiểm chở bạn gái là Dương Thị Tuyết, sinh viên đi đến chân cầu Kiến An thì bị 2 cán bộ Công an phường Trần Thành Ngọ đứng ở chân cầu. Do sợ bị kiểm tra nên anh Huy đã quay đầu xe ngược lại vì vậy đã bị 2 Công an này đuổi theo và dùng chân đạp vào xe làm người và xe ngã ra đường. Sau đó anh Huy liên tiếp bị vụt dùi cui vào đầu, vào người, dùng chân đá vào ngực, vào mặt. Mặc dù cô bạn gái đã quỳ xuống van xin nhưng không được. Chỉ khi người dân đến tập trung phản đối và anh Huy đã bị ngất, hai Công an trên mới dừng tay và anh Huy được đưa vào bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng để cấp cứu. Phóng viên báo đã xin gặp Công an phường và quận nhưng không được tiếp.
 Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 49ngày 27/02/2012, có bài: “Một vụ tai nạn, hai biên bản ngược nhau” của tác giả Trung Dung. Nội dung: Theo đề nghị của Cơ quan điều tra, năm 2009 VKSND huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Sang ở thị trấn Dầu Tiếng về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” vì lái xe ô tô đi không đúng làn đường gây tai nạn chết người. Qua quá trình điều tra ngày 09/01/2012, Thượng tá Nguyễn Thành Phương, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an huyện Dầu Tiếng lại ký Kết luận điều tra và cho rằng Nguyễn Văn Sang không phạm tội. Qua công tác kiểm sát điều tra VKSND huyện Dầu Tiếng đã phát hiện hồ sơ vụ án có 2 biên bản khám nghiệm hiện trường có nội dung trái ngược nhau và Viện trưởng VKSND huyện Dầu Tiếng cùng một Kiểm sát viên đã lấy lời khai của ông Nguyễn Đức Hạnh, trưởng Công an xã Định Hiệp là người đã ký vào 2 biên bản khám nghiệm hiện trường trên và xác định Công an huyện Dầu Tiếng đã có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án để gỡ tội cho bị can Nguyễn Văn Sang nên vụ việc cần được VKSND cấp trên xác minh làm rõ để xử lý đúng pháp luật.
 Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương và Cục 6 VKSND tối cao kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo tuổi trẻ số 51ngày 28/02/2012, có bài: “Tội Không chấp hành án lúc xử, lúc không” của tác giả Thạnh Hưng. Nội dung: Theo thông tin từ các cơ quan thi hành án, số lượng vụ án không được chấp hành rất nhiều, nhưng số người bị xét xử về tội “Không chấp hành án” theo Điều 304 Bộ luật hình sự thì chẳng được bao nhiêu vì lý do không có văn bản nào hướng dẫn về việc thế nào là “đã được áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết” và sự mâu thuẫn ngay trong Luật thi hành án như: Theo khoản 1 Điều 165 Luật thi hành án dân sự “người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định…thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, khoản 5, Điều 162 Luật này lại quy định việc “ tẩu tán… tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án” là một trong những hành vi vi phạm hành chính.Vì vậy, nếu không có hướng dẫn về điều kiện, đường lối xử lý tội này của các cơ quan pháp luật thì việc xử lý loại tội này hoàn toàn lệ thuộc vào cách đánh giá chủ quan của các cơ quan tố tụng.
Yêu cầu Vụ 10 VKSND tối cao nghiên cứu vấn đề trên và báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Pháp luật Việt Nam số 58ngày 27/02/2012, có bài: “Thẩm phán “Truy vấn” bị đơn và người liên quan”: của nhóm phóng viên báo. Nội dung: Ngày 24/02/2012,TAND tỉnh Hòa Bình mở phiên Tòa xét xử vụ kiện hành chính giữa nguyên đơn là Công ty TNHH xi măng Xuân Mai và bị đơn là Cục sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học Công nghệ và môi trường về việc Công ty TNHH xi măng Xuân Mai dề nghị Tòa tuyên buộc Cục Sở hữu trí tuệ thu hồi Quyết định số 2470 về việc yêu cầu hủy bỏ hai chữ “Trung Sơn” trong giấy đăng ký nhãn hiệu cấp cho Công ty TNHH xi măng Xuân Mai. Trong quá trình xét xử thể hiện rõ Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Trần Hữu Tiên đã không khách quan trong xét xử như: Trong khi nguyên đơn và luật sư của bên nguyên đơn được tự do phát biểu thoải mái thì phía bị đơn và người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan lại bị hạn chế việc giải trình và bị thẩm vấn nhiều nội dung không có liên quan gì đến vụ án. Quan điểm của VKSND tỉnh Hòa Bình kết luận nhất trí với các lập luận giải trình của Cục sở hữu trí tuệ, đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu của Công ty TNHH xi măng Xuân Mai cũng không được chấp nhận và phần thắng đã thuộc về Công ty TNHH xi măng Xuân Mai.
Yêu cầu VKSND tỉnh Hòa Bình kiểm tra lại vụ án trên báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 12 đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi. 
Báo Công Lý số 17ngày 29/02/2012, có bài: “Kiểm tra án tồn đọng” của tác giả BTK. Nội dung: Ông Võ Văn Lâm trú tại ấp Phú Thành B, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã mua của ông Trương Văn Mưng trú tại tổ 27, khóm 4, phường 11, Tp Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp 500 m2 đất, ông Lâm đã trả đủ tiền cho ông Mưng với sự chứng kiến của nhiều người và đã sử dụng đất này để xây dựng nhà ở, trang trại chăn nuôi, ổn định nhiều năm nhưng vì là chỗ thân quen nên không viết biên nhận giao tiền. Sau đó ông Mưng đã kiện ông Lâm ra tòa để đòi đất với lý do chỉ cho ông Lâm mượn đất. Tháng 6/2007 và tháng 9 năm 2007 Tòa án 2 cấp tỉnh Đồng Tháp đã xử ông Mưng thắng kiện. Sau khi có khiếu nại của ông Lâm, TAND tối cao đã kiểm tra hồ sơ và thấy việc xét xử vụ án này của TAND huyện Tam Nông và tỉnh Đồng Tháp là chưa đúng nên Chánh án TAND tối cao đã ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 714/2010/KN-DS ngày 07/9/2010, đề nghị Tòa dân sự TAND tối cao xử hủy 2 bản án trên để điều tra thêm và xét xử lại. Ngày 09/01/2011 Tòa dân sự TAND tối cao đã xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị Giám đốc thẩm trên và tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND huyện Tam Nông và tỉnh Đồng Tháp. Vụ án đã rõ ràng, không có gì phức tạp, ông Mưng đã rút đơn khiếu nại, nhưng đến nay đã hơn 1 năm TAND huyện Tam Nông vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của ông Lâm.
Yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Tháp kiểm tra lại vụ án trên báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 5 đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 51ngày 29/02/2012, có bài: “Nghị án một đằng, tuyên án một nẻo”: của tác giả Thanh Tùng. Nội dung: Tháng 7/2007 ông H khởi kiện yêu cầu TAND huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chia di sản thừa kế là 1000 mđất, một ngôi nhà và một số tài sản do mẹ ông để lại đang do bà M và ông T là anh, em ruột quản lý. Tháng 9/2011 TAND huyện đã mở phiên tòa xét xử vụ án và đã tuyên buộc ông T phải trả lại tài sản cho ông H và bà M vì chỉ có ông H và bà M là thừa kế của cụ V là người đã chết. Tuy nhiên, bản án này lại khác hoàn toàn với biên bản nghị án tại Tòa đã xác định tài sản trên được chia làm 3 phần, trong đó ông T được 1 phần vì ông là con đẻ của cụ V thuộc hàng thừa kế thứ nhất với biểu quyết của 2/3 thành viên Hội đồng xét xử đã ký. Vì vậy, bản án này có nội dung vi phạm nghiêm trọng mục 5 , Chương XIV Bộ luật tố tụng dân sự quy định về nghị án và tuyên án nêu rõ Quyết định của Tòa trong biên bản nghị án phải đúng với nội dung bản án được Tòa công bố và bản án phát hành chính thức nên bản án này cần phải được kiểm tra xem xét lại.
Yêu cầu VKSND tỉnh Tiền Giang kiểm tra lại vụ án trên báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 5 đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục thông tin tới bạn đọc sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát trong thời gian tới.           
Thế Hùng
Tìm kiếm