Ngày 23/9/2014, Tòa hình sự Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Lý Xuân Dinh phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Thông qua vụ án vụ án này, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự thấy có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ án ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo rút kinh nghiệm
qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự
Ngày 23/9/2014, Tòa hình sự Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Lý Xuân Dinh phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Thông qua vụ án vụ án này, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự thấy có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ án ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo.
Nội dung vụ án và quá trình giải quyết: Do mâu thuẫn trong việc mua bán đồi quế của gia đình anh Mùa A Dê giữa bà Đinh Thị Tén và vợ chồng Đỗ Thu Hà – Lý Xuân Dinh, khoảng 16 giờ ngày 17/7/2011, bà Tén qua nhà (quán bán hàng) của vợ chồng Dinh ở thôn Khe Lóng 3, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái để hỏi về việc mua bán đồi quế. Thấy nhà đóng cửa, bà Tén đứng bên ngoài chửi. Lúc này, ở trong nhà có Đỗ Xuân Điệp (là em của Hà), còn Dinh đang tắm ở sau bếp. Sau khi tắm xong, Dinh lên nhà hỏi “Sao không mở cửa ra”, Hà nói “Sợ bà Tén vào gây sự, đừng có mở”, Dinh nói “Không mở sao về được”. Dinh đội mũ bảo hiểm đi ra nhấc then cài cửa là một đoạn gỗ (dài 133cm, dày 1,4cm) dựng vào vách rồi mở cửa dắt xe ra, Hà đi theo sau. Thấy bà Tén đứng ngoài sân chửi, Dinh thanh minh không biết việc mua bán đồi quế như thế nào. Khi Dinh ngồi lên xe để đi thì bà Tén chặn xe của Dinh lại, bà Tén dùng mũ bảo hiểm đang cầm sẵn trên tay đập một cái vào chắn bùn phía trước xe, đập cái thứ hai vào tay lái bên trái của Dinh, Dinh rụt tay lại làm xe đổ nghiêng sang bên phải dựa vào cột nhà. Bà Tén xông đến định túm lấy Hà thì Dinh đứng chắn ở cửa dùng tay đẩy bà Tén ra ngoài, cùng lúc đó Dinh vơ luôn đoạn gậy gỗ là chiếc then cài cửa dựng ở vách nhà. Bà Tén lao vào giằng co chiếc then cài cửa với Dinh thì bị Dinh đẩy ngã ra sân, bà Tén kêu lên là bị Dinh đánh. Nghe tiếng bà Tén kêu, chị Đinh Thị Lụa (là con của bà Tén) ở gần đó chạy đến đỡ bà Tén dậy. Lúc này Dinh cầm được gậy vung lên vụt ba cái liên tiếp về phía bà Tén, chị Lụa đang đỡ bà Tén dậy thì bị đánh vào đỉnh đầu và gáy. Lụa giơ tay lên túm được một đầu gậy và giằng co với Dinh thì Hà chạy đến túm tóc Lụa, Lụa buông đầu gậy ra để túm tóc Hà. Hà và Dinh kéo Lụa vào trong nhà, Dinh định vụt Lụa thì bà Tén từ ngoài chạy vào túm được đầu then cài cửa. Lúc này Điệp vào can ngăn, Dinh cầm then cài cửa đuổi bà Tén và chị Lụa ra khỏi nhà. Ngày 27/4/2012 Lý Xuân Dinh bị bắt giam.
Tại kết luận giám định số 19/GĐPY ngày 10/02/2012 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Yên Bái kết luận: Đinh Thị Lụa bị hội chứng rối loạn thần kinh, tâm thần sau chấn động não mức độ trung bình, tổn hại 21% sức khỏe.
Tại Cáo trạng số 35/KSĐT- TA ngày 23/7/2012, Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã truy tố Lý Xuân Dinh về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2012/HSST ngày 30/8/2012, Tòa án nhân dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã áp dụng Khoản 2 Điều 104; Điểm đ Khoản 1, Khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Lý Xuân Dinh 02 năm 06 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 06/9/2012, Lý Xuân Dinh kháng cáo với nội dung Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là không đúng người đúng tội, bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội. Ngày 13/9/2012, người bị hại Đinh Thị Lụa và người đại diện hợp pháp của người bị hại là bà Đinh Thị Tén có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị tăng mức hình phạt đối với bị cáo.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 42/2012/HSPT ngày 13/12/2012, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái quyết định giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Văn Yên.
Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số 14/QĐ- VKSTC- V3 ngày 12/5/2014, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị đối với Bản án hình sự phúc thẩm số 42/2012/HSPT ngày 13/12/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái, đề nghị Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, theo hướng tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2912/HSST ngày 30/8/2012 của Tòa án nhân dân huyện Văn Yên đối với Lý Xuân Dinh để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật. Vì các chứng cứ hiện có trong hồ sơ vụ án chưa đủ cơ sở để kết án Lý Xuân Dinh về tội “Cố ý gây thương tích” do còn có nhiều mâu thuẫn mà chưa được làm rõ.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 50/2014/HS-GĐT ngày 23/9/2014, Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 42/2012/HSPT ngày 13/12/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái và Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2012/HSST ngày 30/8/2012 của Tòa án nhân dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái để điều tra lại.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Hồ sơ vụ án thể hiện: Do mâu thẫn trong việc mua bán đồi quế của anh Mùa A Dê, nên vào khoảng 16 giờ ngày 17/7/2011 đã xảy ra xô xát giữa Lý Xuân Dinh, Đỗ Thu Hà và Đỗ Xuân Điệp với mẹ con bà Đinh Thị Tén, Đinh Thị Lụa tại quán bán hàng của vợ chồng Hà, Dinh ở thôn Khe Lóng 3, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Hậu quả chị Đinh Thị Lụa bị tổn hại 21% sức khỏe. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm tỉnh Yên Bái kết luận Lý Xuân Dinh dùng đoạn gậy gỗ là chiếc then cài cửa đánh vào đầu và gáy chị Lụa gây thương tích là chưa đủ cơ sở, vì còn có nhiều vấn đề cần phải tiếp tục điều tra, làm rõ mới kết luận được, cụ thể là:
Lời khai của bị cáo, người bị hại, người liên quan và người làm chứng có nhiều điểm mâu thuẫn. Mặc dù trong quá trình điều tra, Lý Xuân Dinh có một số lời khai nhận tội, tuy nhiên những lời khai ban đầu của Dinh tại cơ quan điều tra và những lời khai tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, Dinh đều khai không đánh chị Đinh Thị Lụa mà khẳng định nhìn thấy Đỗ Xuân Điệp dùng mũ bảo hiểm đánh chị Lụa. Tại giai đoạn điều tra và phiên tòa sơ thẩm, Đỗ Xuân Điệp cũng có nhiều lời khai nhận đã dùng mũ bảo hiểm đánh chị Lụa, nhưng cơ quan điều tra đã không làm rõ vấn đề này. Tại phiên tòa phúc thẩm Điệp có “Đơn tự thú” (đề ngày 13/12/2012) tự nhận đã dùng mũ bảo hiểm vụt 2 nhát vào đầu Đinh Thị Lụa và đề cập đến cuộc ghi âm mà Điệp ghi trong đĩa CD đã gửi tới các cơ quan có thẩm quyền, nhưng trong hồ sơ không thể hiện có đĩa CD của Điệp, nội dung này cũng chưa được cơ quan điều tra và Tòa án các cấp làm rõ có hay không đĩa CD này, nội dung như thế nào?
Theo lời khai của người bị hại và các nhân chứng là bà Đinh Thị Tén, Đinh Thị Mát, anh Mùa A Dê, cháu Giàng A Nụ, chị Vàng Thị Lâu thể hiện Dinh đã dùng thanh gỗ đánh bà Tén và chị Lụa, Đỗ Thu Hà cũng túm tóc, lôi kéo chị Lụa vào trong nhà để đánh, Đỗ Xuân Điệp giằng co mũ bảo hiểm với bà Tén và bà Mát. Theo lời khai của bị cáo Dinh, chị Đỗ Thu Hà và lời khai nhận của Đỗ Xuân Điệp thì Điệp có dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu và gáy chị Lụa. Nhưng kết luận điều tra, cáo trạng, cũng như Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm chỉ kết luận Dinh là người gây thương tích cho chị Lụa. Như vậy, việc ai là người đã gây thương tích cho chị Lụa và trong vụ án này có đồng phạm hay không cũng chưa được làm rõ.
Theo Biên bản thu giữ vật chứng ngày 26/7/2011, cơ quan điều tra đã thu giữ gồm một đoạn gỗ (dài 133cm; rộng 2,5cm; dày 1,4cm) mà kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đều kết luận Lý Xuân Dinh đã dùng để đánh gây thương tích cho chị Lụa; một mũ bảo hiểm (mà Đỗ Xuân Điệp khai đã dùng để đập vào đầu và gáy chị Lụa). Căn cứ vào Bệnh án ngoại khoa số 1041 ngày 17/7/2011 của Bệnh viện đa khoa huyện Văn Yên xác định chị Đinh Thị Lụa đỉnh đầu có khối sưng nề nhẹ kích thước (3x3cm), vùng gáy sưng nề nhẹ kích thước (4x3,5cm), ấn đau. Theo kết luận giám định số 19/GĐPY ngày 10/02/2012 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Yên Bái kết luận Đinh Thị Lụa bị hội chứng rối loạn thần kinh, tâm thần sau chấn động não mức độ trung bình, tổn hại 21% sức khỏe. Kết luận giám định không chỉ ra được cơ chế hình thành thương tích của chị Lụa và giải đáp được câu hỏi liệu mũ bảo hiểm có thể gây ra những thương tích như vậy không. Cơ quan điều tra và Tòa án các cấp chưa làm rõ được những thương tích trên của chị Lụa là do vật chứng nào (gậy gỗ hay mũ bảo hiểm) gây ra, hay do tất cả những vật chứng trên gây ra? Mà chỉ giám định duy nhất chiếc gậy gỗ (là một trong hai vật chứng đã thu giữ) và kết luận đó là vật đã gây nên thương tích cho chị Lụa; không giám định chiếc mũ bảo hiểm để xác định vật này có thể gây nên thương tích ở đầu và gáy của chị Lụa được không?
Với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, chưa đủ cơ sở kết luận Lý Xuân Dinh có phạm tội “Cố ý gây thương tích” hay không, mà phải tiếp tục điều tra để kết luận. Do công tác điều tra và kiểm sát điều tra chưa đầy đủ và thiếu toàn diện. Việc tổng hợp, phân tích, đánh giá chứng cứ còn thiếu thận trọng, chưa đảm bảo tính khách quan, còn phiếm diện, một chiều. Những mâu thuẫn tồn tại chưa được nghiêm túc đánh giá và áp dụng các biện pháp được pháp luật cho phép để giải quyết.
Để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, VKSND tối cao thông báo để Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu rút kinh nghiệm chung.
Thanh Tâm