Qua thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự vụ án Thái Ngọc Sơn và đồng phạm bị xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” ở tỉnh Ninh Thuận, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo rút kinh nghiệm qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự
Qua thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự vụ án Thái Ngọc Sơn và đồng phạm bị xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” ở tỉnh Ninh Thuận, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo.
Nội dung và quá trình giải quyết vụ án như sau:
Do mâu thuẫn từ trước với băng nhóm của Trần Anh Quốc (còn gọi là Quốc Tôm) nên băng nhóm của Thái Ngọc Lâm, Thái Ngọc Sơn nhiều lần tìm cách trả thù. Khoảng 13 giờ, ngày 02/4/2005, sau khi biết một số đối tượng trong băng nhóm của Trần Anh Quốc đang có mặt tại nhà của Lê Tự Cường (còn gọi là Sử đại ca), Đặng Hồng Linh gọi điện báo cho Thái Ngọc Lâm rồi rủ Trần Trung Cường, Nguyễn Tất Đạt Danh, Lâm Mậu Trần Huy, Lê Văn Sang, Huỳnh Đô Vĩnh Nguyên tập trung tại hẻm 49, đường Ngô Quyền, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Thái Ngọc Sơn và Tống Kim Đức đem đến một bao đựng 5 mã tấu, rủ nhau đến nhà Lê Tự Cường đánh trả thù. Lâm phân công Huỳnh Thanh Sơn và Mai Dương Minh Dũng đứng chờ sẵn ở bờ đê sông Dinh, cuối đường Ngô Quyền. Trước khi đi, Thái Ngọc Sơn dặn đồng bọn ra nhà Cường “Sử”, gặp người nào đánh người đó, không cho chạy thoát, đánh xong về lại bờ đê sông Dinh cuối đường Ngô Quyền. Thái Ngọc Lâm cầm 2 mã tấu. Linh, Sang và Danh mỗi đối tượng cầm một mã tấu. Trên đường đi đến nhà Lê Tự Cường gặp Huỳnh Thanh Sơn và Mai Dương Minh Dũng cùng đi, Thái Ngọc Sơn và Tống Kim Đức ở lại. Để tránh bị phát hiện, cả bọn che biển số xe máy, dùng khẩu trang che mặt rồi đi 4 xe máy đến nhà Cường. Gần đến nhà, Lâm, Sang, Danh, Dũng và Huỳnh Thanh Sơn xuống xe đi bộ vào nhà Cường. Lê Tự Cường và em trai là Lê Kim Thành đứng trước cổng, mỗi người cầm một cây mỏ gãy. Cường nói: “Tụi mày đứa nào ngon vào tao cho chết hết”, rồi dùng mỏ gãy đâm Sang nhưng không trúng. Lâm nhào đến, Lê Tự Cường bỏ chạy vào nhà. Thấy vậy, Lâm nói “vào chém chết mẹ nó đi” rồi tất cả lao vào. Lâm chém 2 nhát vào mặt và vai trái Cường. Trần Trung Cường chém một nhát vào cánh tay phải của Lê Tự Cường làm Lê Tự Cường gục xuống đất. Sau đó cả bọn bỏ chạy về bờ đê sông Dinh. Kết quả giám định thương tích, Lê Tự Cường bị thương tật vĩnh viễn với tỷ lệ 58%. Sau đó, Thái Ngọc Sơn bỏ trốn. Bản án hình sự số 02/2006/HSST của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đã xử phạt các bị cáo Thái Ngọc Lâm, Huỳnh Thanh Sơn, Lâm Mậu Trần Huy, Huỳnh Đỗ Vĩnh Nguyên, Lê Văn Sang, Nguyễn Tất Đạt Danh, Mai Dương Minh Dũng và Huỳnh Thanh Sơn mức án từ 03 năm đến 07 năm 06 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 17/5/2012, Thái Ngọc Sơn bị bắt truy nã. Quá trình điều tra Thái Ngọc Sơn không nhận tội.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2013/HSST ngày 14/8/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang-Tháp Chàm áp dụng các Điểm a, i Khoản 1, Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự xử phạt Thái Ngọc Sơn 05 tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngày 23/8/2013, bị cáo Thái Ngọc Sơn kháng cáo kêu oan. Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 85/2013/HSPT ngày 30/9/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận áp dụng Điểm d Khoản 2 Điều 248; Điều 251; Điều 227 Bộ luật tố tụng hình sự hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2013/HSST ngày 14/8/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và đình chỉ vụ án; tuyên bố Thái Ngọc Sơn không phạm tội “Cố ý gây thương tích” và trả tự do cho Thái Ngọc Sơn ngay tại phiên tòa.
Sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận xét xử phúc thẩm, ngày 23/10/2013, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận có Công văn số 498 đề nghị VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án phúc thẩm số 85/2013/HSPT ngày 30/9/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 55/2013/HSST ngày 14/8/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số 43/2013/KN-HS ngày 26/11/2013, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị đề nghị hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 85/2013/HSPT ngày 30/9/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2013/HSST ngày 14/8/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận để điều tra lại.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 17/2014/HS – GĐT ngày 24/4/2014, Tòa hình sự, Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2013/HSST ngày 14/8/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận và Bản án hình sự phúc thẩm số 85/2013/HSPT ngày 30/9/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận để điều tra lại.
Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm: Quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án nêu trên còn nhiều mâu thuẫn chưa được điều tra làm rõ, cụ thể như:
Hồ sơ chưa thể hiện rõ vai trò của Thái Ngọc Sơn tham gia chỉ đạo nhóm đến đánh Lê Tự Cường. Trước khi các đối tượng tập trung ở hẻm 49, đường Ngô Quyền để bàn đi đến nhà Lê Tự Cường, Thái Ngọc Sơn có mặt hay không? lời khai của bị hại, các bị cáo và các nhân chứng khai tại giai đoạn trước rất phù hợp, có nhiều chi tiết cụ thể như thời gian, diễn biến, địa điểm và loại hung khí gây án mà chỉ các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mới khai báo được. Tuy nhiên, từ thời gian xảy ra vụ án đến khi xét xử kéo dài gần 07 năm, các bị cáo trong cùng vụ án được đưa ra xét xử giai đoạn trước đã chấp hành xong hình phạt tù; đến giai đoạn sau này các bị cáo tham gia tố tụng với tư cách là nhân chứng tại phiên tòa nên lời khai của họ có nhiều thay đổi; có 8/11 nhân chứng giai đoạn trước khai Thái Ngọc Sơn có tham gia trong việc đánh bị hại, nhưng sau này lại khai Thái Ngọc Sơn chỉ đứng ở hẻm 49 Ngô Quyền mà không trong tốp đi đến nhà đánh bị hại; về người chỉ đạo đánh bị hại Lê Tự Cường, các nhân chứng khai cũng không thống nhất, lúc thì Thái Ngọc Sơn, lúc thì Thái Ngọc Lâm; địa điểm tập trung trước khi đi đánh nhau lúc thì tại hẻm 49 Ngô Quyền, khi thì tại bờ đê sông Dinh. Ngay cả lời khai của bị hại Lê Tự Cường cũng mâu thuẫn, lúc trước khai Thái Ngọc Sơn (Cu Ty) có trong tốp các đối tượng đến nhà bị hại dùng mã tấu đánh, sau đó bị hại phủ nhận cho rằng không có Thái Ngọc Sơn tham gia….
Việc xác định Thái Ngọc Sơn là người cung cấp hung khí để đánh nhau còn nhiều mâu thuẫn: Các nhân chứng lúc thì khai Thái Ngọc Sơn và Tống Kim Đức mang bao đựng hung khí tới; lúc thì khai Thái Ngọc Lâm mang bao đựng hung khí; ngay màu sắc bao đựng hung khí cũng mâu thuẫn chưa được làm rõ là màu trắng, màu nâu và hay màu đen; bao da đen đựng tennis, hay là bao nilon...
Các lời khai về Thái Ngọc Sơn sử dụng thời gian còn chưa đầy đủ, không thống nhất: Tại 2 phiên tòa Thái Ngọc Sơn đều khai nhận từ 13h-14h ngày 02/4/2005, Thái Ngọc Sơn đang ngủ ở nhà bố mẹ đẻ cùng chị gái thì Công an phường đến; trong khi chính Thái Thị Lê (chị gái bị cáo) khai về thời gian của việc này lại không thống nhất. Hồ sơ cũng chưa có lời khai của một số người có mặt như bà Nguyễn Thị Chỏng (mẹ đẻ Thái Ngọc Sơn), Trần Trung Cường (người ở cùng nhà với Thái Ngọc Sơn ngày 02/4/2005), anh Công an xã đến nhà làm việc với Thái Ngọc Sơn, để xác định thời gian chính xác trong lời khai của Thái Ngọc Sơn.
Từ những thiếu sót trên, cả hai bản án đã bị Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung. Để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, VKSND tối cao thông báo để Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu rút kinh nghiệm chung./.