CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát quân sự nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần phòng ngừa hiệu quả vi phạm pháp luật, tội phạm

11/11/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Trong những năm qua, Viện kiểm sát quân sự luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật; đổi mới hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật. Những kết quả tích cực trong công tác này đã nâng cao ý thức pháp luật của quân nhân, góp phần phòng ngừa hiệu quả vi phạm pháp luật, tội phạm.

Phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những chính sách quan trọng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và cụ thể hóa bằng Luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012. Trong đó quy định, công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và do Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, bảo đảm mọi nguồn lực cần thiết. Quán triệt tinh thần đó, Viện kiểm sát quân sự (VKSQS) trong những năm qua đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn quân. Qua đó, đã góp phần phòng ngừa hiệu quả vi phạm pháp luật, tội phạm trong Quân đội.

Nâng cao chất lượng đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật

Cơ sở pháp lý để Viện kiểm sát quân sự (VKSQS) các cấp chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm là  Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014. Theo đó, VKSQS thuộc hệ thống VKSND được đặt trong Quân đội để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong Quân đội, đồng thời, thực hiện các mặt công tác quan trọng khác, trong đó có công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về ngành Kiểm sát.

Theo Điều 36 Thông tư số 42/2016/TT-BQP ngày 30/3/2016 của Bộ Quốc phòng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (sau đây viết là Thông tư số 42/2016), Báo cáo viên pháp luật thuộc Bộ Quốc phòng được cơ cấu ở 03 cấp, gồm: Cấp Trung ương, cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng, cấp đơn vị. Trong đó, VKSQS trung ương được bổ nhiệm 03 Báo cáo viên pháp luật cấp Trung ương, 03 Báo cáo viên pháp luật cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng; các VKSQS cấp quân khu và VKSQS khu vực trực thuộc căn cứ vào nhu cầu của các Quân khu, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về cơ cấu và số lượng Báo cáo viên pháp luật các cấp để đề xuất bổ nhiệm Báo cáo viên pháp luật. Hằng năm, căn cứ vào nhu cầu của Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân chủng… VKSQS các cấp tiến hành rà soát, tổng hợp, báo cáo số lượng, chất lượng Báo cáo viên pháp luật các cấp ở đơn vị mình, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Báo cáo viên pháp luật. Trên cơ sở đó, bảo đảm ổn định số lượng, cũng như chất lượng Báo cáo viên pháp luật trong VKSQS. Hiện tại, toàn ngành Kiểm sát quân sự có tổng số 71 Báo cáo viên pháp luật, trong đó: Cấp Trung ương có 11 đồng chí; cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng có 13 đồng chí và cấp đơn vị có 47 đồng chí.

Ngoài các Báo cáo viên pháp luật, các VKSQS còn phân công Kiểm sát viên thuộc đơn vị mình làm Tuyên truyền viên pháp luật. Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 23/8/2012 của Viện trưởng VKSND tối cao về một số biện pháp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng VKSQS trung ương ban hành Quyết định thành lập Tổ tuyên truyền VKSQS trung ương; đồng thời yêu cầu các VKSQS cấp quân khu và VKSQS khu vực, mỗi đơn vị phân công 01 Kiểm sát viên là đầu mối để thực hiện công tác tuyên truyền theo kế hoạch của VKSQS trung ương.

Một lợi thế nổi trội là 100% Báo cáo viên pháp luật và Tuyên truyền viên pháp luật của VKSQS đều có trình độ cử nhân Luật, nhiều đồng chí có trình độ thạc sĩ Luật, tiến sĩ Luật và đều đang thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về pháp luật, nên chất lượng đồng đều. Đây là những điều kiện thuận lợi, bảo đảm tốt cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành Kiểm sát quân sự, qua đó góp phần tích cực và hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng quân nhân trong toàn quân. Bên cạnh đó, hằng năm, để tổ chức triển khai có hiệu quả tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Quốc phòng, Vụ pháp chế Bộ Quốc phòng (Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Quốc phòng) đã tổ chức tập huấn cho Báo cáo viên pháp luật trong toàn quân, qua đó thống nhất về nhận thức pháp luật, cũng như những nội dung trọng tâm cần triển khai trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của Báo cáo viên.

Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong những năm qua, chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các VKSQS từng bước được nâng lên và đạt được những kết quả rất khích lệ; mà yếu tố đầu tiên là từ công tác lãnh đạo, điều hành. Đây là hoạt động luôn được lãnh đạo các VKSQS quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng việc xây dựng kế hoạch xây dựng nội dung tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm tra, phê duyệt nội dung tài liệu; công tác phối hợp với cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và đặc biệt là chú trọng đến kết quả, hiệu quả của các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật.

Đơn vị tham mưu là Phòng nghiên cứu tổng hợp VKSQS trung ương đã làm tốt công tác rà soát các văn bản pháp luật mới ban hành, nghiên cứu tình hình vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật và tình hình tội phạm có liên quan đến Quân đội để đề xuất các nội dung, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng trong toàn quân. Đồng thời, chủ động nghiên cứu xây dựng chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật. Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2020, VKSQS trung ương đã chủ trì nghiên cứu xây dựng 07 chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ngoài ra, kết quả tích cực có được là bởi cán bộ, Kiểm sát viên được phân công làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã chủ động nghiên cứu các chuyên đề theo yêu cầu và định hướng của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của Bộ Quốc phòng; đồng thời thông qua kết quả thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSQS, biên soạn các tài liệu phổ biến pháp luật, biên soạn các thông báo về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm để tuyên truyền, phổ biến tại các cơ quan, đơn vị quân đội trên địa bàn; tích cực đổi mới hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt có những đơn vị còn sân khấu hóa hoặc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tạo sự hứng khởi sôi nổi... Từ đó, tạo sức lan tỏa lớn, hình thành phong trào thi đua học tập chính trị, rèn luyện quân sự, tìm hiểu pháp luật tại các cơ quan, đơn vị quân đội trên địa bàn. Hằng năm, VKSQS các cấp tổ chức được khoảng hơn 1.000 giờ phổ biến, giáo dục pháp luật với khoảng hơn trăm nghìn quân nhân tham dự. Cụ thể, năm 2018 là 1.962 giờ với 126.525 lượt người tham dự; năm 2019 là 1.622 giờ với 120.469 lượt người tham dự và năm 2020 là 1.970 giờ với 94.959 lượt người tham dự.

Bên cạnh việc trực tiếp tổ chức các lớp học, các VKSQS còn tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, đài, trang thông tin điện tử của các quân khu, quân chủng, hoặc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đặc biệt, hàng năm cán bộ, Kiểm sát viên các VKSQS đã gửi và đăng hàng trăm tin, bài mỗi năm trên Trang thông tin điện tử, tuyên truyền có hiệu quả về tổ chức và hoạt động của VKSQS các cấp, phổ biến các quy định mới của pháp luật, cập nhật thông tin xét xử các vụ án hình sự nhằm nâng cao nhận thức pháp luật.

Theo kết quả thống kê quản lý và theo dõi tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật của VKSQS trung ương, cho thấy tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm hằng năm đã được kiềm chế và theo chiều hướng giảm về số vụ việc. Cụ thể, về tình hình tội phạm (năm 2018 VKSQS các cấp nắm và theo dõi được 236 vụ/360 người có dấu hiệu tội phạm, năm 2019 là 211 vụ/388 người, năm 2020 là 217 vụ/398 người); về tình hình vi phạm pháp luật (năm 2018 VKSQS các cấp nắm và theo dõi được 178 vụ/195 người vi phạm pháp luật; năm 2019 là 187 vụ/207 người, năm 2020 là 136 vụ/143 người). Kết quả đó cho thấy, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã tác động tích cực vào việc nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật của quân nhân, qua đó góp phần hiệu quả vào việc phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm trong Quân đội trong những năm qua.

Đề xuất, kiến nghị

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn quân nói chung, trong VKSQS nói riêng, chúng tôi đề xuất, kiến nghị Vụ pháp chế Bộ Quốc phòng (Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Quốc phòng) như sau:

Thứ nhất, tăng cường tổ chức tập huấn tài liệu do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Quốc phòng cung cấp hằng năm; đồng thời tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thuyết trình cho Báo cáo viên, Tuyên truyền viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ hai, tăng cường tập huấn kỹ năng xây dựng tài liệu, chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật cho Báo cáo viên, Tuyên truyền viên nhằm đảm bảo tính thống nhất về nội dung trong việc truyền tải thông tin pháp luật đến cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng trong toàn quân.

 Thứ ba, quan tâm đầu tư kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các cơ quan, đơn vị, nhất là ở cấp cơ sở để khích lệ tinh thần chủ động trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật./.  

TS. Bùi Văn Hưng (kiemsat.vn)
Tìm kiếm