CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng kiến nghị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên khắc phục vi phạm trong công tác xét xử

07/10/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với vụ án Trần Văn Tần phạm tội “Hiếp dâm” do Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử sơ thẩm có kháng cáo. Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng đã ban hành kiến nghị số 374/KN-VPT2, ngày 29/8/2011 về một số vi phạm, thiếu sót trong công tác xét xử của Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc cùng tham khảo...
Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm
tại Đà Nẵng kiến nghị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên khắc phục
vi phạm trong công tác xét xử
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với vụ án Trần Văn Tần phạm tội “Hiếp dâm” do Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử sơ thẩm có kháng cáo. Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng đã ban hành kiến nghị số 374/KN-VPT2, ngày 29/8/2011 về một số vi phạm, thiếu sót trong công tác xét xử của Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc cùng tham khảo.
1- Hội đồng xét xử không quyết định xử lý về vật chứng:
Ngày 23/12/2010, Trần Văn Tấn đã giao cấu với cháu Trần Thị Thuỷ Tuyên (Sinh ngày 8/10/2004 ) tại tấm nệm ở nhà chị Trần Thị Thu. Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên có thu giữ 01 tấm ga trải nệm kích thước l,9 x l,2 có dính nhiều vùng chất màu nâu để thực hiện công tác giám định.
Ngày 18/3/2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên có Quyết định chuyển vật chứng số 04/VKS-P2 đến Cục Thi hành án tỉnh Phú Yên (Có biên bản giao nhận vật chứng giữa Công an tỉnh Phú Yên với Cục thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên ngày 23/3/2011). Nhưng bản án khôngquyết định xử lý về vật chứng là vi phạm khoản l Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự
Tại khoản l Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: "Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng được ghi vào biên bản".
2- Bản án không nhận định đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo:
Quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Tấn thật thà khai báo, ăn năn hối cải, bồi thường cho bị hại l0.000.000đ. Bản án đã áp dụng khoản điểm b, p khoản l Điều 46 Bộ luật Hình sự cho bị cáo, nhưng lại không nêu các tình tiết giảm nhẹ này trong bản án. Sau khi phạm tội, Tấn đã đến Công an đầu thú, bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, được gia đình bị hại xin giảm nhẹ hình phạt. Đây là những tình tiết giảm nhẹ được qui định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, nhưng tại phần Xét thấy bản án chỉ nêu tình tiết: "Bị cáo được người bị hại và đại diện hợp pháp của bị hại xin giảm nhẹ hình phạt là tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 46 BLHS"là không đầy đủ, người phạm tội không thấy được chính sách khoan hồng của pháp luật. Việc bản án không nêu các tình tiết giảm nhẹ là vi phạm điểm b tiểu mục 2.l mục 2 của Phần IV Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số qui định trong Phần thứ ba "Xét xử sơ thẩm" của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.
Tại điểm b tiểu mục 2.l mục 2 của Phần IV hướng dẫn về Điều 224 của Bộ luật Tố tụng Hình sự như sau: "…Phần thứ hai là phần (xét thấy) trong đó phân tích những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định không có tội... tình tiết tăng nạng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo và hướng xử lý...".
3- Vi phạm thông báo về việc kháng cáo:
Sau khi đại diện hợp pháp của bị hại kháng cáo, Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên đã ký Thông báo kháng cáo ngày 03/6/2011, nhưng lại không ghi nội dung thông báo cho ai mà vẫn đưa vào hồ sơ vụ án là vi phạm qui định tại khoản l Điều 236 Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định: "Việc kháng cáo, kháng nghị phải được Tòa án cấp sơ thẩm thông báo bằng vănbản cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng...";đồng thời cũng vi phạm quy định tại tiểu mục 6.l mục 6 Phần I của Nghị Quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số qui định trong Phần thứ tư "Xét xử phúc thẩm" của Bộ luật Tố tụng Hình sự, hướng dẫn về Điều 236 của BLTTHS như sau: "Đối với những người tham gia tố tụng khác thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho họ, nếu việc xét xử phúc thẩm vụ án do bị kháng cáo, kháng nghị có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ"./.
Thu Hương
Tìm kiếm