CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VIỆN THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT XÉT XỬ PHÚC THẨM TẠI ĐÀ NẴNG: KIẾN NGHỊ KHẮC PHỤC VI PHẠM TRONG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT ÁN HÌNH SỰ

21/09/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Qua công tác thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án hình sự Ngô Phạm Thảo Nguyên cùng đồng bọn phạm tội “Giết người” do Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị. Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng đã ban hành kiến nghị số 244/KN/2011/VPT2, ngày 01/6/2011 về một số vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung kiến nghị trên để bạn đọc cùng tham khảo...
VIỆN THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT XÉT XỬ PHÚC THẨM TẠI ĐÀ NẴNG: KIẾN NGHỊ KHẮC PHỤC VI PHẠM TRONG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT ÁN HÌNH SỰ
 
Qua công tác thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án hình sự Ngô Phạm Thảo Nguyên cùng đồng bọn phạm tội “Giết người” do Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị. Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng đã ban hành kiến nghị số 244/KN/2011/VPT2, ngày 01/6/2011 về một số vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung kiến nghị trên để bạn đọc cùng tham khảo.
* Vi phạm trong việc ban hành Bản án sơ thẩm:Theo Bản án sơ thẩm số 14/2011/HSST ngày 21/3/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, tại trang 6 (phần nhận thấy) của bản án nêu “Tại bản Cáo trạng số 05/VKSND-PlA ngày 10/01/2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã truy tố các bị cáo Ngô Phạm Thảo Nguyên, Vũ Xuân Hậu, Võ Duy Phúc Lâm, Trần Anh Khoa, Phan Thị Thảo Nhi, Nguyễn Thị Hường, Lâm Xuân Hải, Hoàng Chí Hiếu, Ngô Trần Duy về tội “Giết người” theo quy định tại điểm n khoản l Điều 93 Bộ luật Hình sự; truy tố bị cáo Thới Thành Linh về tội “Không tố giác tội phạm” theo khoản l Điều 314 BLHS”. Tuy nhiên hồ sơ vụ án này không có bản Cáo trạng số 05 nêu trên, hồ sơ chỉ có bản Cáo trạng số 13/VKSND-PlA ngày 18/01/2011.
Tại Bản án nêu trên không ghi mức hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với các bị cáo đã đưa ra xét xử. Như vậy, Hội đồng xét xử đã vi phạm nội dung Phần thứ nhất điểm b, tiểu mục 2.l mục 2 Phần IV Nghị quyết số 04 ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ghi rõ: “Phần thứ nhất là phần “nhận thấy”, trong đó phải trình bày các hành vi phạm tội của bị cáo mà Viện kiểm sát truy tố; số của Cáo trạng: ngày, tháng, năm ra cáo trạng; tên Viện kiểm sát truy tố bị cáo; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự và mức hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo.…”.
* Vi phạm trong việc phân công Thẩm phán: Tại Quyết định phân công Thẩm phán số 15 ngày 24/01/2011 (BL724) ghi “Phân công các Thẩm phán:.... trong đó Thẩm phán Nguyễn Thanh Hảo làm chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án hình sự có bị cáo Ngô Phạm Thảo Nguyên và các đồng phạm bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai truy tố về tội “Giết người” và “Không tố giác tội phạm” theo quy định tại điểm n khoản l Điều 93 và khoản l Điều 314 BLHS”. Trong quyết định không có tên Thẩm phán Trần Văn Cảnh, nhưng tại Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 25 ngày 10/3/2011 (BL747, 748) thì có tên Thẩm phán Trần Văn Cảnh tham gia tố tụng với tư cách là người tiến hành tố tụng và Biên bản nghị án lúc 16h30 ngày 21/3/2011 đối với vụ án Ngô Phạm Thảo Nguyên (BL 767, 768) và Bản án sơ thẩm số 14 ngày 21/3/2011 (BL 780 - 785) có Thẩm phán Trần Văn Cảnh tham gia tố tụng với tư cách là thành viên Hội đồng xét xử.
Việc Thẩm phán Trần Văn Cảnh không được phân công xét xử vụ án Ngô Phạm Thảo Nguyên cùng các đồng phạm, nhưng vẫn tham gia Hội đồng xét xử vụ án là vi phạm điểm b khoản l Điều 39 Bộ luật Tố tụng Hình sự. “Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên toà; Tham gia xét xử các vụ án hình sự;…”.
* Về căn cứ tuyên buộc bồi thường: Hội đồng xét xử vụ án căn cứ Điều 41 Bộ luật Hình sự và Điều 610 Bộ luật Dân sự để tuyên buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho Đại diện bị hại. Việc Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 41 Bộ luật Hình sự là không đúng, phải áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự mới chính xác. Bởi vì, Điều 41 Bộ luật Hình sự quy định về việc “Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm”, còn Điều 42Bộ luật Hình sự mới quy định “Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; Buộc công khai xin lỗi”.
Căn cứ chỉ nêu Điều 610 Bộ luật Dân sự cũng chưa đủ, cần áp dụng thêm Điều 606 Bộ luật Dân sự nữa mới đúng và đủ. Vì: Điều 606 Bộ luật Dân sự quy định về “năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân”, trong đó quy định rõ là người đủ 18 tuổi trở lên thì tự bồi thường; người dưới 15 tuổi thì cha mẹ phải bồi thường thay; người đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì bồi thường bằng tài sản của mình, không đủ thì cha mẹ bồi thường phần còn thiếu, vì các bị cáo chưa thành niên phạm tội trong vụ án, phải áp dụng thêm 606 Bộ luật Dân sự nữa mới đúng và đủ.
Từ những vi phạm nêu trên, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng  kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra, có biện pháp khắc phục, sửa chữa những vi phạm trên, để đảm bảo các vụ án đưa ra xét xử được tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật và đạt chất lượng tốt hơn.
Thu Hương
Tìm kiếm