Để chuẩn bị Báo cáo các vấn đề xin ý kiến của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về một số nội dung lớn của “Đề án tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp”, vừa qua, đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Viện trưởng VKSNDTC đã chủ trì cuộc họp Uỷ ban Kiểm sát mở rộng với sự tham dự của Tiến sĩ Khuất Văn Nga, Phó Viện trưởng VKSNDTC cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc VKSNDTC
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng: Ngành Kiểm sát tiếp tục tập trung làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Để chuẩn bị Báo cáo các vấn đề xin ý kiến của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về một số nội dung lớn của “Đề án tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp”, vừa qua, đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Viện trưởng VKSNDTC đã chủ trì cuộc họp Uỷ ban Kiểm sát mở rộng với sự tham dự của Tiến sĩ Khuất Văn Nga, Phó Viện trưởng VKSNDTC cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc VKSNDTC (ảnh trên).
Qua thảo luận, các đại biểu tham dự cuộc họp đều nhất trí cao, việc xây dựng Đề án tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát phải bảo đảm quán triệt đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các quan điểm chủ trương của Đảng về cải cách bộ máy Nhà nước nói chung và cải cách tư pháp nói riêng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời xây dựng Đề án phải được tiến hành đồng bộ với cải cách lập pháp và cải cách hành chính, phải được đặt trong tổng thể và đồng bộ với việc cải cách bộ máy Nhà nước nói chung với việc đổi mới và kiện toàn các cơ quan tư pháp nói riêng, đồng thời phải nhằm nâng cao và đảm bảo tính độc lập của hoạt động tư pháp. Ngoài ra, việc xây dựng Đề án phải đảm bảo kế thừa truyền thống, kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố/kiểm sát của Nhà nước ta trong gần 70 năm qua, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của các cơ quan công tố/kiểm sát của các nước trên thế giới và trong khu vực...
Kết luận tại cuộc họp, Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta là cải cách tư pháp phải được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với những bước đi vững chắc nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN. Về vị trí của ngành KSND, để thực hiện triệt để và có hiệu quả chủ trương tổ chức các cơ quan tư pháp theo cấp xét xử không phụ thuộc vào các đơn vị hành chính, đề nghị với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tiếp tục xác định vị trí của Viện kiểm sát như hiện nay theo quy định của Hiến pháp. Về chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát tiếp tục tập trung làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, trong đó cần làm rõ các biện pháp cụ thể của công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp. Làm rõ quan hệ giữa cơ quan Viện kiểm sát và Cơ quan Điều tra, cũng như trách nhiệm của Cơ quan điều tra về chất lượng hoạt động điều tra, xem xét cộng đồng trách nhiệm giữa người ra quyết định khởi tố và người phê chuẩn quyết định khởi tố nếu xảy ra oan sai. Thống nhất quan điểm, thành lập Viện kiểm sát 4 cấp, nhưng đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nghiên cứu, riêng đối với cấp khu vực thì mô hình tổ chức giữa các cơ quan tư pháp có thể không cần phải giống nhau do chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp khác nhau. Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: “Đề án tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp” cần tiến hành đồng bộ với các cơ quan tư pháp với lộ trình xây dựng hoạt động của ngành KSND sau năm 2010, đề nghị với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tiến hành Sơ kết một số vấn đề như: tăng thẩm quyền cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai do người tiến hành tố tụng gây ra.
Hoàng.Long