Việc tôn trọng và bảo vệ quyền cơ bản của công dân là một nguyên tắc quan trọng trong tố tụng hình sự. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm...
Việc tôn trọng và bảo vệ quyền cơ bản của công dân là một nguyên tắc quan trọng trong tố tụng hình sự. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định:
“Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.
Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.”
Vì vậy, người tiến hành tố tụng cần đảm bảo nguyên tác tôn trọng và bảo vệ quyền con người đối với các bị can, bị cáo trong hoạt động tố tụng hình sự. Biện pháp ngăn chặn tạm giam không chỉ thể hiện tính cưỡng chế Nhà nước mà nó còn là phương tiện hữu hiệu để bảo vệ những quyền đó khi nó có nguy cơ bị xâm hại hoặc đang bị xâm hại.
1. Biện pháp ngăn chặn tạm giam trong BLTTHS năm 2015.
Việc xác định căn cứ tạm giam là một nội dung quan trọng trong quá trình áp dụng BLTTHS. Nếu xác định căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam thiếu sót sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, do đó cần nắm chắc các quy định về căn cứ tạm giam tại Điều 119 BLTTHS với những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, khi có đủ căn cứ để xác định bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng (quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 9 BLHS năm 2015) thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định tại khoản 1 Điều 119 BLTTHS năm 2015.
Thứ hai, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên 2 năm khi có một trong các căn cứ sau: Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; … (khoản 2 Điều 119 BLTTHS năm 2015).
Thứ ba, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã. Như vậy, trong các trường hợp bị can đã bỏ trốn, sau đó bị bắt lại thì áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam để đảm bảo bị can không tiếp tục bỏ trốn (khoản 3 Điều 119 BLTTHS năm 2015).
Thứ tư, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác (khoản 4 Điều 119 BLTTHS năm 2015). Điều này thể hiện rõ nguyên tắc nhân đạo, bảo vệ quyền của những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng lạm dụng sự nhân đạo của Nhà nước, dẫn đến các đối tượng trên không bị tạm giam, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, BLTTHS năm 2015 quy định các trường hợp đặc biệt vẫn áp dụng biện pháp tạm giam đối với trường hợp: Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; tiếp tục phạm tội; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này; bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Kiểm sát viên báo cáo nội dung vụ án với Lãnh đạo VKSND quận Thanh Xuân
2. Vai trò, trách nhiệm và kết quả đạt được của VKSND quận Thanh Xuân trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam
Quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam được quy định rõ tại Điều 22 Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Việc kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng biện pháp tạm giam nhằm đảm bảo cho Cơ quan điều tra thực hiện nghiêm chỉnh trình tự, thủ tục tạm giam; đảm bảo mọi trường hợp tạm giam phải có căn cứ, đúng pháp luật; tránh tình trạng áp dụng một cách tràn lan, tùy tiện, ảnh hưởng đến quyền tự do của công dân.
Trên cơ sở nắm chắc các quy định của BLTTHS và nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc phê chuẩn biện pháp ngăn chặn tạm giam, VKSND quận Thanh Xuân luôn chú trọng việc nâng cao trách nhiệm trong công tác phê chuẩn lệnh tạm giam nhằm đảm bảo quyền con người trong hoạt động TTHS. Cụ thể:
- Khi nhận được hồ sơ của Cơ quan điều tra chuyển sang, đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can; phê chuẩn Lệnh tạm giam, Kiểm sát viên VKSND quận Thanh Xuân được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án sẽ khẩn trương tiến hành trực tiếp lấy lời khai của người bị bắt giữ để làm căn cứ phê chuẩn các lệnh, quyết định trên.
- Khi lấy lời khai, bên cạnh việc làm rõ các tình tiết của vụ án, hành vi phạm tội của người bị bắt giữ, Kiểm sát viên luôn chú trọng đến việc làm rõ các nội dung để đảm bảo việc phê chuẩn Lệnh tạm giam có căn cứ và đúng pháp luật, như: Hỏi về nhân thân người phạm tội; hỏi về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở; sức khỏe của người bị bắt tạm giữ…
- Sau khi lấy lời khai của người bị bắt giữ, Kiểm sát viên sẽ nghiên cứu kỹ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thận trọng đánh giá các căn cứ tạm giam để báo cáo, đề xuất chính xác các trường hợp cần áp dụng biện pháp này.
- Khi duyệt án, Lãnh đạo VKSND quận Thanh Xuân luôn quan tâm đặt câu hỏi về căn cứ tạm giam và lưu ý Kiểm sát viên những vấn đề cần thiết khi lấy lời khai.
Với tinh thần trách nhiệm trên, từ 01/12/2018 đến 31/01/2019, trong công tác phê chuẩn Lệnh tạm giam, VKSND quận Thanh Xuân đã đạt được kết quả như sau: Trong tổng số 73 trường hợp bị bắt tạm giữ, Viện kiểm sát đã phê chuẩn tạm giam 36 trường hợp (chiếm tỷ lệ 55,38%); áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác 29 trường hợp (chiếm tỷ lệ 44,6%).
Có thể thấy rằng, VKSND quận Thanh Xuân trong công tác phê chuẩn Lệnh tạm giam đã luôn chú trọng đảm bảo quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự. Việc phê chuẩn Lệnh tạm giam luôn đảm bảo có căn cứ và đúng pháp luật; các trường hợp không đảm bảo căn cứ tạm giam, VKSND quận Thanh Xuân kiên quyết áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác, không có trường hợp phê chuẩn Lệnh tạm giam không đúng quy định của pháp luật.
Phạm Xuân Khoa, Lý Thị Mai Phương
Viện KSND quận Thanh Xuân
(Theo Trang thông tin điện tử VKSND thành phố Hà Nội)