Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong việc tổ chức thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm ma túy và góp phần giảm thiểu những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến phụ nữ phạm các tội về ma túy trong thời gian tới, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam...
VKSND tỉnh Hà Nam kiến nghị tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa tình trạng phụ nữ phạm tội ma túy trên địa bàn tỉnh
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong việc tổ chức thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm ma túy và góp phần giảm thiểu những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến phụ nữ phạm các tội về ma túy trong thời gian tới, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam đã ban hành văn bản số 01/KN-VKS ngày 28/10/2015 kiến nghị Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Nam tập trung chỉ đạo tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh phòng ngừa tình trạng phụ nữ phạm tội ma túy trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm ma túy giai đoạn 2012-2015 và Kế hoạch số 01/KH-VKS ngày 20/01/2015 của VKSND tỉnh Hà Nam về nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2015, VKSND tinh đã chỉ đạo VKS 2 cấp tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan tiến hành tố tụng tập trung phát hiện, triệt phá các tụ điểm về ma túy trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội về ma túy nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa bảo đảm giữ vững trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống yên bình cho nhân dân.
Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về ma túy từ năm 2013-2015 cho thấy đối tượng phạm tội là phụ nữ có chiều hướng gia tăng (năm 2013: khởi tố 274 người, trong đó nữ 13 người, chiếm tỷ lệ 4,7 %; năm 2014: khởi tố 260 người, trong đó nữ 14 người, chiếm tỷ lệ 5,3 %; 9 tháng đầu năm 2015: khởi tố 207 người, trong đó nữ 18 người, chiếm tỷ lệ 8,7%); tính chất, mức độ, hành vi phạm tội ngày càng nghiêm trọng. Đáng lưu ý có phụ nữ còn cầm đầu đường dây mua bán ma túy từ tỉnh ngoài về Hà Nam tiêu thụ như vụ Lê Thị Đức ở Thanh Châu - TP Phủ Lý hoặc kéo theo cả gia đình phạm tội như vụ Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Thị Nương ở Hợp Lý - Lý Nhân... Thủ đoạn gây án của đối tượng là phụ nữ cũng rất tinh vi, xảo quyệt, biết triệt để lợi dụng hoàn cảnh, điều kiện lợi thế của mình như đang nuôi con nhỏ hoặc có thai để phạm tội nhằm hưởng chính sách nhân đạo của pháp luật hoặc tạo ra những điều kiện thuận lợi khác để phạm tội.
Các đối tượng trong đường dây Mua bán trái phép chất ma túy lớn tại Hà Nam
Tình hình tội phạm ma túy do phụ nữ thực hiện có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ:
- Trình độ văn hóa, hiểu biết xã hội và nhận thức pháp luật của phụ nữ phạm tội ma túy còn hạn chế; một bộ phận nữ giới nhất là lứa tuổi trẻ bị tha hóa, xuống cấp về đạo đức lối sống.
- Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ nhất là tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy ở một số nơi chưa quyết liệt, kém hiệu quả; có nơi hoạt động của các cấp Hội công tác này cũng chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù nhiều địa phương làm chưa hiệu quả, nhất là tạo công ăn việc làm cho họ để tránh xa tệ nạn ma túy.
- Công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy của các ngành chức năng nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật có nơi, có lúc chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả, chưa chú trọng nhiều đến việc phát hiện đối tượng phạm tội là phụ nữ.
Để hạn chế những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến phụ nữ phạm các tội về ma túy trong thời gian tới, VKSND tỉnh Hà Nam kiến nghị Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Nam tập trung chỉ đạo đến các Cấp Hội phụ nữ trong tỉnh thực hiện một số biện pháp sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chấp hành “Luật phòng chống ma tuý”, “Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm ma túy giai đoạn 2012- 2015 và đến năm 2020” đối với các thành viên trong tổ chức Hội trên toàn tỉnh, nhất là phụ nữ ở những địa bàn trọng điểm về tội phạm và tệ nạn ma tuý như Thanh Châu -TP Phủ Lý; Hợp Lý, TT Vĩnh Trụ - Lý Nhân; TT Đồng Văn, Yên Bắc - Duy Tiên; Tràng An, Bình Nghĩa - Bình Lục; Tân Sơn, Đại Cương - Kim Bảng…
- Chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể có trách nhiệm, nhất là chính quyền cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, ngăn chặn người nghiện mới, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghiện đi cai nghiện, vận động phụ nữ cam kết cần tránh xa ma túy khi còn chưa muộn, không lầm đường lạc lối, không phạm tội; không vi phạm pháp luật về ma túy; vận động chị em tố giác tội phạm ma túy; rà soát đối tượng là phụ nữ, là người thân của cán bộ các cấp Hội đã nghiện ma túy hoặc vi phạm Luật phòng chống ma túy; tích cực vận động phụ nữ giáo dục con em, người thân trong gia đình không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội, thực hiện xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tích cực hưởng ứng: “Tháng hành động phòng, chống ma tuý” và ngày "Toàn dân phòng, chống ma túy 26/6" thông qua các hoạt động thiết thực của các cấp Hội
- Tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục, vận động phụ nữ nâng cao hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống ma túy. Tạo điều kiện, hỗ trợ cho phụ nữ về vốn, việc làm để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; Tổ chức các cuộc tọa đàm trong các cấp Hội nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy; nhân rộng mô hình câu lạc bộ “Tổ phụ nữ không có chồng, con, em nghiện ma túy và vi phạm pháp luật”, từng bước góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi cộng đồng; tổ chức tuyên truyền bằng hình thức phát tờ rơi "phòng chống ma tuý từ gia đình" cho các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh.
- Phối hợp với chính quyền và các ngành đoàn thể liên quan có biện pháp sớm ổn định cuộc sống, từng bước nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, quan tâm tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng phụ nữ đã chấp hành xong hình phạt tù khi trở về địa phương, tránh thái độ kỳ thị, xa lánh đối với họ.
Phòng 1 - VKSND tỉnh Hà Nam