Vừa qua, thông qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm vụ kiện “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, nhận thấy trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm về nội dung nên VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm đến VKS cấp huyện...
VKSND tỉnh Hà Tĩnh rút kinh nghiệm giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất
Vừa qua, thông qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm vụ kiện “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, nhận thấy trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm về nội dung nên VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm đến VKS cấp huyện. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn Phan Tài và bị đơn Nguyễn Doãn Hưởng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: UBND xã Đức Dũng, UBND huyện Đức Thọ, bà Nguyễn Thị Liệu và bà Nguyễn Thị Đức.
Theo nội dung đơn khởi kiện của ông Phan Tài: Gia đình ông có ngõ ra vào với chiều dai khoản 60m, chiều rộng trong lòng ngõ khoảng 2,2m đến 2,3m, ngõ đã có từ 6 đời nay. Đầu năm 2015 gia đình ông Nguyễn Doãn Hưởng tự động đập phá của gia đình ông 13m chiều dài, 1,2m chiều cao của ngõ ra bào. Đào làm hỏng toàn bộ phần móng, đổ đá giữa đường, chôn 9 cọc bê tông và trồng một cây mưng trên ngõ ra vào của gia đình ông khoảng 30m. Vì vậy ông khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc gia đình ông Hưởng phải bồi thường 13m chiều dài bờ rào do gia đình ông Hưởng đã tự động đập phá, buộc gia đình ông Hưởng tháo giỡ 09 cọc bê tông chôn trái phép trên ngõ ra vào, di dời một cây mưng trồng trái phép trên ngõ ra vào, chiều rộng của ngõ phía nam giáp đường bê tông xóm 2,2m, chiều rộng của ngõ ở phía bắc là 2,8m.
Ông Nguyễn Doãn Hưởng và bà Nguyễn Thị Đức đều thừa nhận ngõ ra vào gia đình ông Phan Tài đã có từ nhiều đời nay, chiều rộng 2,2m. Nhưng đề nghị Tòa án xác định lại vị trí để tính lại chiều rộng của ngõ ra vào và ngõ đi chung của hai gia đình phía ngoài giáp đường xóm khoảng 10m. Gia đình ông Phan Tài đề nghị gia đình ông giải tỏa trả lại mặt bằng của ngõ ra vào có chiều rộng 2,2m gia đình ông chấp nhận giải tỏa trả lại chiều rộng 1,7m. Còn yêu cầu tháo gỡ 9 cọc bê tông, 01 cây mưng và buộc gia đình ông bồi thường 13m chiều dài bờ rào do gia đình ông không đập ông không chấp nhận. Vì từ năm 2009 UBND xã Đức Dũng đã tiến hành hòa giải, hai gia đình đã cam kết thực hiện theo biên bản hòa giải. Cụ thể gia đình ông Phan Tài phải tháo gỡ phần bờ tường đã thi công từ chỗ bể nước gia đình ông có chiều dài 13m với độ cao cho phép và xây cổng lùi vào đúng phần đất của mình. Đến đầu năm 2015, mặc dù nhiều lần gia đình ông đề nghị nhưng gia đình ông Tài không thực hiện việc giải tỏa nên buộc gia đình phải tiến hành tháo gỡ để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Bản án số 08/2015/DSST ngày 08/9/2015 của Tòa án nhân dân huyện Đức Thọ đã áp dụng khoản 6, 7 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011; khoản 5 Điều 166, khoản 1 Điều 203 Luật đất đai năm 2013; điều 169, 255, 256, 259, 260, 265, 608 và Điều 688 Bộ luật dân sự, xử:
- Buộc ông Nguyễn Doãn Hưởng và bà Nguyễn Thị Đức phải bồi thường cho gia đình ông Phan Tài và bà Nguyễn Thị Liệu 13m chiều dài bờ rào bị đập phá hư hỏng tính thành tiền là 8.466.000 đồng.
- Buộc gia đình ông Nguyễn Doãn Hưởng và bà Nguyễn Thị Đức giải tỏa toàn bộ đất đá, tháo gỡ 9 cọc bê tông trái phép trên ngõ ra vào, di dời 01 cây mưng trồng trái phép trên diện tích ngõ ra vào của gia đình ông Phan Tài và bà Nguyễn Thị Liệu. Trả lại cho gia đình ông Phan Tài 58,65m2 đất ngõ ra bào. Từ cận của ngõ cụ thể như sau: phía Bắc (phía trong sân nhà ông Tài) rộng 2,8m; phía Nam (phía ngoài) giáp đường bê tông xóm rộng 2m; phía Đông có chiều dài 22,49m; phía Tây có chiều dài 24,59m. Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 20/9/2015, bị đơn Nguyễn Doãn Hưởng kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27/01/2016, VKSND tỉnh đề nghị và Tòa án nhân dân tỉnh xét xử quyết định: chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của ông Nguyễn Doãn Hưởng, sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Đức Thọ.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm: Phần diện tích tranh chấp ngõ ra vào của gia đình ông Phan Tài được thể hiện: Diện tích đất của gia đình ông Phan Tài thuộc tờ bản đồ số 1, số thửa 140, diện tích 1.285m2 loại đất thổ cư. Gia đình ông Nguyễn Doãn Hưởng có hai thửa liền nhau gồm: Thửa số 176, diện tích 475m2; thửa số 175, diện tích 450m2. Ông Nguyễn Doãn Hưởng thừa nhận ngõ ra vào của gia đình ông Phan Tài và một phần là ngõ đi chung của hai gia đình có từ nhiều đời nay, chiều dài 24,4m. Như vậy, thực tế gia đình ông Phan Tài đã sử dụng ngõ ra vào này từ trước đến nay.
Năm 2012, UBND xã tiến hành đo đạc lại địa chính thửa đất để cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai hộ gia đình thì số thửa, tứ cận và diện tích có sự thay đổi so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi cấp đổi. Việc thay đổi số thửa, diện tích đất đều được ông Nguyễn Doãn Hưởng ký xác nhận nên có thể khẳng định thời điểm này ông Hưởng biết rõ việc UBND huyện cấp phần ngõ đi chung có chiều dài 13m ra đường bê tông xóm vào diện tích cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng của gia đình ông Phan Tài và mặc nhiên ông Nguyễn Doãn Hưởng đã thừa nhận diện tích, tứ cận phần ngõ đi chung mà gia đình ông Phan Tài đang sử dụng. Mặt khác, đây là lối đi duy nhất của gia đình ông Tài ra đường thôn xóm nên việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của gia đình ông Tài là có căn cứ. Tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đã không đối chiếu, kiểm tra về nguồn gốc hiện trạng sử dụng đất, nguồn gốc ngõ ra vào của gia đình ông Tài để xác định các điểm mốc giới, chiều dài, chiều rộng của ngõ để làm căn cứ giải quyết dẫn đến việc thẩm định tại chỗ đã không đối chiếu, kiểm tra về nguồn gốc hiện trạng sử dụng đất, nguồn gốc ngõ để làm căn cứ giải quyết dẫn đến việc thẩm định không chính xác diện tích ngõ đang tranh chấp. Mặt khác khi thẩm định tại chỗ, Tòa án cấp sơ thẩm không xác định 9 cọc bê tông, 1 cây mưng do ông Hưởng trồng nằm ở vị trí nào và có nằm trên diện tích ngõ đang tranh chấp hay không đã buộc ông Hưởng phải tháo gỡ 9 cọc bê tông và 1 cây mưng là chưa chính xác. Tại biên bản hòa giải ngày 15/6/2009, ông Phan Tài thừa nhận việc có xây hàng rào lấn sang đất của gia đình ông Hưởng và cam kết sẽ tháo gỡ. Ủy ban nhân dân xã đã nhiều lần có thông báo yêu cầu nhưng ông Tài không thực hiện nên ông Hưởng đã tháo dỡ. Như vậy, trong trường hợp này cần phải xác định hai bên đều có lỗi nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại nhận định ông Hưởng phải chịu hoàn toàn lỗi trong việc tháo gỡ hàng rào, buộc ông Hưởng phải bồi thường toàn bộ giá trị vật liệu xây dựng cho ông Tài là không khách quan. Ngày 15/01/2016, Tòa án cấp phúc thẩm đã tiến hành xem xét, thẩm định lại diện tích phần ngõ đang tranh chấp và vị trí 9 cọc bê tông, 1 cây mưng do ông Hưởng trồng, kết quả thẩm định có sự chênh lệch và diện tích, tứ cận so với cấp sơ thẩm, cây mưng không nằm trong diện tích ngõ đang tranh chấp.
Vì các vi phạm nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm dẫn đến việc nhận định và quyết định giải quyết tranh chấp thiếu khách quan, chưa chính xác, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của đương sự. Tuy nhiên, quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án, VKS cùng cấp không phát hiện được vi phạm nêu trên để thực hiện quyền kháng nghị hoặc báo cáo VKS cấp trên kháng nghị.
TT