Tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số lượng các vụ phạm tội và người phạm tội ngày càng tăng, cụ thể: Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đã khởi tố 941 vụ/1460 bị can; Tội phạm về kinh tế, sở hữu đã khởi tố 1828 vụ/3393 bị can...
VKSND tỉnh Lâm Đồng thực hiện tốt chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới
Tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số lượng các vụ phạm tội và người phạm tội ngày càng tăng, cụ thể: Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đã khởi tố 941 vụ/1460 bị can; Tội phạm về kinh tế, sở hữu đã khởi tố 1828 vụ/3393 bị can; Tội phạm về tham nhũng đã khởi tố 28 vụ/50 bị can; Tội phạm về môi trường đã khởi tố 141 vụ/179 bị can; Tội phạm về ma túy đã khởi tố 432 vụ/548 bị can; Tội phạm về mua bán người đã khởi tố 2 vụ/2 bị can….. Trong đó, các vụ loại tội tăng nhiều như: Giết người, Hiếp dâm trẻ em, Cố ý gây thương tích, Cướp tài sản, Trộm cắp tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý, phá hủy rừng v.v… nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây dư luận bất bình, phẫn nộ trong quần chúng nhân dân. Điều đáng chú ý là các đối tượng phạm tội ngày càng manh động, liều lĩnh; phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội có tổ chức hoặc các băng nhóm theo kiểu “xã hội đen”; đối tượng phạm tội là người chưa thành niên cũng chiếm tỷ lệ cao và ngày càng gia tăng….
Thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Quyết định số 282/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch 06/KH-TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Quyết đinh 1783/QĐ-UBND ngày 17/8/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về triển khai, thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị .
VKS hai cấp đã tổ chức triển khai quán triệt nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Quyết định số 282/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch 06/KH-TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định 1783/QĐ-UBND ngày 17/8/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai, thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị đến toàn thể cán bộ, công chức của VKS hai cấp gắn với thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Chỉ thị 37/TTg ngày 08/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ công chức về công tác phòng, chống tội phạm; tạo chuyển biến mạnh mẽ, đề cao tinh thần trách nhiệm, tích cực chủ động thực hiện và nâng cao các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả. Sau Hội nghị của VKSND tỉnh, các Đảng bộ VKSND huyện, TP đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và tổ chức quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên. VKSND tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành hữu quan, nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trước những diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng của các loại tội phạm, trong những năm qua VKSND tỉnh đã một mặt chủ động, tích cực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành đồng thời tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương. Mặt khác đã chủ động xây dựng kế hoạch để phối hợp phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng; tập trung lực lượng, phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý kịp thời các vụ án trọng điểm được dư luận quan tâm. VKSND tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương xây dựng, ban hành nhiều quy chế, quy định, văn bản phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, VKSND tỉnh đã phân tích, tổng hợp tình hình, làm rõ nguyên nhân, điều kiện và kịp thời ban hành 51 văn bản kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức hữu quan yêu cầu khắc phục sơ hở, thiếu sót và các nguyên nhân điều kiện làm phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm.
Lãnh đạo VKSND tỉnh đã chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nghiêm các quy định về việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong Ngành; công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát với cấp uỷ Đảng và các ngành trong việc nắm tình hình và xử lý những vụ việc phát sinh liên quan đến an ninh trật tự, nhất là tình hình an ninh nông thôn và các điểm nóng; lãnh đạo VKSND tỉnh và lãnh đạo các VKSND cấp huyện đã tích cực tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc giải quyết các tranh chấp đất đai, các địa bàn có nguy cơ xảy ra điểm nóng hoặc có phức tạp về an ninh - trật tự an toàn xã hội
Ngoài ra VKSND hai cấp đã làm tốt công tác tuyên truyềngóp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên trong công tác phòng, chống tội phạm như: VKS hai cấp đã chủ động phối hợp với Tòa án đưa ra xét xử đảm bảo trong thời hạn pháp luật quy định; quan tâm xác định án điểm, án vướng mắc, phức tạp dư luận quan tâm, tổ chức nhiều phiên tòa xét xử lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương (xác định và giải quyết 319 vụ án để đưa đi xét xử lưu động phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, răn đe tội phạm). Thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thự hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Chất lượng hồ sơ truy tố, xét xử được đảm bảo, không có bị cáo nào truy tố Tòa án tuyên không phạm tội hoặc vụ án bị hủy liên quan đến trách nhiệm của VKS.
VKS đã ban hành 177 kiến nghị đối với Cơ quan điều tra hai cấp, yêu cầu khắc phục vi phạm như: Thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm không đúng quy định; giải quyết tin báo quá hạn, không lập hồ sơ giải quyết tin báo; không gửi hồ sơ, quyết định khởi tố cho VKS; không khởi tố vụ án để tiến hành hoạt động điều tra khi có đủ căn cứ pháp luật; khám nghiệm hiện trường; vi phạm thời hạn điều tra, hỏi cung bị can trong vụ án hình sự….Kiến nghị đảm bảo chính xác, kịp thời, được Cơ quan điều tra khắc phục, trả lời bằng văn bản. Ban hành 51 kiến nghị với cơ quan, tổ chức yêu cầu có những biện pháp phòng ngừa vi phạm tội phạm.
VKS chú trọng thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa và kiểm sát bản án quyết định của Tòa án, VKS hai cấp đã tổng hợp, ban hành 46 kiến nghị đối với Tòa án, yêu cầu khắc phục vi phạm như: Vi phạm thời hạn hoãn phiên tòa; áp dụng chưa đúng pháp luật hình sự, kiến nghị của VKS được Tòa án chấp nhận, trả lời bằng văn bản.
Bên cạnh đó, VKS hai cấp đã triển khai thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa”; nâng cao số lượng, chất lượng các kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và phòng ngừa vi phạm, tội phạm. VKSND hai cấp đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu tham gia góp ý kiến vào các dự án luật, tích cực tham gia ý kiến để hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý; Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi)…kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp theo quy định của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp Thứ VIII.
Tiến hành xây dựng, sửa đổi bổ sung các quy chế phối hợp cho phù hợp với những văn bản pháp luật mới ban hành trong đó tập trung vào sửa đổi theo Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đề ra các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm cũng như tạo điều kiện thuận trong việc thực hiện chức năng quyền hạn của mỗi cơ quan theo luật định về công tác giải quyết án hình sự nhằm góp phần có hiệu quả hơn trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và Nghị quyết số 37 ngày 23/11/2012 của Quốc hội khóa 13 về “Công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013”.
Trong 5 năm qua, VKSND tỉnh Lâm Đồng đã quán triệt triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Kế hoạch của Ban Cán sự đảng của VKSND tối cao; các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh. Qua công tác đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu của Ngành đặc biệt là các chỉ tiêu nghiệp vụ theo Nghị quyết 37 của Quốc hội đề ra; đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhiều mặt, trong đó đã nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị tại địa phương./.