CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VKSND tỉnh Nam Định thông báo rút kinh nghiệm trong giải quyết án hình sự sơ thẩm

14/05/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Để KSND cấp huyện có sự phối hợp tốt với TAND cùng cấp trong việc áp dụng chính xác các quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng của công tác xét xử hình sự đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp...

 VKSND tỉnh Nam Định thông báo rút kinh nghiệm

trong giải quyết án hình sự sơ thẩm
 
Để KSND cấp huyện có sự phối hợp tốt với TAND cùng cấp trong việc áp dụng chính xác các quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng của công tác xét xử hình sự đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp. Qua công tác kiểm sát bản án, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định đã tổng hợp thông báo rút kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số vụ án hình sự sơ thẩm. Trang tin điện tử ngành Kiểm sát nhân dân trích đăng để bạn đọc tham khảo.
Về việc áp dụng các tình tiết tăng nặng theo khoản 1 điều 48 BLHS:
Bản án số 31/2014/HSST ngày 27/6/2014, Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định Nam Định xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn Thành và đồng bọn phạm tội “Trộm cắp tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 BLHS. Theo ghi nhận của bản án tại phần lý lịch bị cáo Thành có 02 tiền án gồm: Tháng 03/2009 bị TAND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội xử phạt 24 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”; tháng 01/2013 bị Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hưng xử phạt 09 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”; Lần phạm tội này tài sản bị cáo và đồng phạm chiếm đoạt có giá trị dưới 02 triệu đồng. Bản án áp dụng Khoản 1 Điều 138; Điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS xử phạt bị cáo 09 tháng tù.
Bản án số 36/2014/HSST ngày 06/8/2014, Tòa án nhân dân huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn Tĩnh về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 BLHS. Theo ghi nhận của bản án phần lý lịch bị cáo Tĩnh có 03 tiền án gồm: Ngày 26/10/2005 Tòa án nhân dân huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định xử phạt 24 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”; ngày 18/3/2010 bị Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình xử phạt 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, ngày 24/7/2014 bị Tòa án nhân dân huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định xử phạt có giá trị dưới 02 triệu đồng. Bản án áp dụng Khoản 1 Điều 138; Điểm p Khoản 1 Điều 46 BLHS xử phạt bị cáo 12 tháng tù.
Qua nghiên cứu toàn bộ nội dung của hai bản án trên thấy, vi phạm của cả hai bản án trên là cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 48 BLHS để xét xử là chưa đúng với hướng dẫn tại Mục 7.3 Nghị quyết 01/2006/NĐ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự.
Về việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 điều 46 BLHS:
Bản án số 143/2014/HSST ngày 15/5/2014 của Tòa án nhân dân TP Nam Định xét xử đối với bị cáo Trần Hoàng Hải - sinh năm 1994 về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, tại phần xét thấy và nhận thấy của bản án đều xác định “gia đình bị cáo đã bồi thường thiệt hại cho đại diện người bị hại…” và áp dụng Điểm b Khoản 1 Điều 46 BLHS để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Quyết định trên là chưa đúng với quy định tại Mục 1.1 Nghị quyết 01.2006/NĐ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng  thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự.
Về việc tính thời gian thử thách đối với án treo:
Bản án số 39/2014/HSST ngày 08/8/2014 của Tòa án nhân dân huyện Vụ Bản xét xử đối với bị cáo Nguyễn Đắc Cường – sinh năm 1988 về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” xử phạt bị cáo 09 tháng tù; được trừ thời gian tạm giữ là 09 ngày ….. nhưng cho bị cáo được hưởng án treo thời gian thử thách là 17 tháng 12 ngày; Bản án số 143/2014/HSST ngày 15/5/2014 của Tòa án nhân dân TP Nam Định xét xử đối với bị cáo Trần Hoàng Hải – sinh năm 1994 về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, bản án tuyên phạt bị cáo 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, được trừ thời hạn tạm giữ là 08 ngày, thời gian thử thách là 35 tháng 14 ngày.
Các quyết định của 02 bản án trên về tính thời gian thử thách đối với bị cáo là chưa đúng với quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 01/2013/NĐ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng điều 60 Bộ luật hình sự./.
TH
Tìm kiếm