CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VKSND tỉnh Nam Định tổng hợp một số vi phạm trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử

04/05/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Qua quá trình hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử (THQCT, KSXX) sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm các vụ án hình sự và công tác kiểm sát bản án của phòng nghiệp vụ, VKSND tỉnh Nam Định đã tổng hợp một số dạng vi phạm điển hình để kiến nghị. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo...

 VKSND tỉnh Nam Định tổng hợp một số vi phạm

trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử
Qua quá trình hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử (THQCT, KSXX) sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm các vụ án hình sự và công tác kiểm sát bản án của phòng nghiệp vụ, VKSND tỉnh Nam Định đã tổng hợp một số dạng vi phạm điển hình để kiến nghị. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo.
Vi phạm Điều 20 BLHS về xác định vai trò đồng phạm chưa chính xác.
Tại bản án số 75/2013/HSST ngày 24/12/2013 của TAND huyện Ý Yên xét xử đối với các bị cáo Nguyễn Văn Hậu, Đỗ Nguyên Định, Đỗ Hoàng Ân, Vũ Duy Thức, Vũ Văn Châm về tội “Cướp tài sản”. Bản án nhận định sắp xếp vai trò của bị cáo Ân trên 02 bị cáo Châm và Thức, tuyên phạt bị cáo Ân có mức hình phạt cao hơn, đồng thời cho các bị cáo Châm, Thức được hưởng án treo. VKSND huyện Ý Yên đã kháng nghị bản án đề nghị không cho các bị cáo Châm, Thức được hưởng án treo. Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án, VKSND tỉnh Nam Định nhận thấy việc sắp xếp vai trò như trên là không phù hợp, đã có quan điểm đề nghị tại phiên tòa phúc thẩm sắp xếp lại vai trò của các bị cáo, không cho các bị cáo Châm, Thức được hưởng án treo, đồng thời giảm hình phạt cho bị cáo Ân, đã được HĐXX Phúc thẩm chấp nhận sửa bản án.
Tại bản án số 27/2014/HSST ngày 28/5/2014 của TAND huyện Nghĩa Hưng xét xử đối với Phạm Văn Để và các đồng phạm khác về tội “Đánh bạc”. Theo nội sung của bản án thì Để là người chủ động gọi điện thoại rut rê các bị cáo khác đến để tham gia đánh bạc, như vậy bị cáo phải là người giữ vai trò chính của vụ án, tuy nhiên bản án đã xếp vai trò Để ở vị trí thứ ba và cho bị cáo được hưởng án treo là không chính xác. VKSND tỉnh Nam Định đã kháng nghị phúc thẩm đối với bản án này, đề nghị sắp xếp lại vai trò của bị cáo và không cho bị cáo được hưởng án treo, đã được HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị sửa bản án.
Vi phạm Điều 41 BLHS, Điều 76 BLTTHS về xử lý vật chứng.
Bán án số 28/2014/HSST ngày 22/7/2014 của TAND huyện Nam Trực xét xử đối với bị cáo Trần Đình Hinh về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, bị cáo đã sử dụng điện thoại của mình để giao dịch bán trái phép chất ma túy, chiếc điện thoại là công cụ, phương tiện sử dụng cho việc phạm tội và phải bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tuy nhiên tại phần quyết định của bản án đã tuyên trả lại chiếc điện thoại cho bị cáo là không đúng theo quy định pháp luật.
Bản án số 76/2014/HSST ngày 25/8/2014 của TAND huyện Giao Thủy xét xử đối với Vũ Văn Đạt, sinh năm 1993 và Nguyễn Văn Đại sinh năm 1996 về tội “Cướp giật tài sản”, theo Điểm 136 BLHS. Bị cáo Vũ Văn Đạt sử dụng xe máy BKS 18G1 – 16200 của mình trở Đại đi thực hiện hành vi cướp giật tài sản, hành vi này của các bị cáo là dùng thủ đoạn nguy hiểm, chiếc xe máy là phương tiện dùng vào việc phạm tội của các bị cáo nên phải bị tịch thu sung quỹ nhà nước. Tuy nhiên bản án tuyên trả lại cho bị cáo Đạt là không đúng theo quy định pháp luật.
Bản án số 12/2014/HSST ngày 18/4/2014 và bản án số 20/2014/HSST ngày 15/5/2014 của TAND huyện Ý Yên xét xử đối với các bị cáo Phạm Thị Phương, Nguyễn Chí Huấn đều về tội “Đánh bạc” (bán lô, đề). Tại phần quyết định của các bản án này Tòa án buộc bị cáo phải nộp cả số tiền bị cáo bỏ ra đánh bạc đã trả cho những người đánh bạc là không đúng. Vì trong tổng số tiền đánh bạc, các bị cáo đã trả cho những người đánh bạc ngày hôm trước, trong nội dung các bản án này đều không xác định được những người đánh bạc này. Do vậy không buộc bị cáo phải nộp cả số tiền bị cáo đã trả cho người khác.
Việc áp dụng tình tiết giả nhẹ, tăng nặng và quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của BLHS trong một số bản án không đúng với quy định tại các Điều 46, Điều 47, Điều 48 BLHS.
Việc áp dụng Khoản 1 Điều 46 BLHS:
Bản án số 143/2014/HSST ngày 15/5/2014 của TAND TP Nam ĐỊnh xét xử đối với bị cáo Trần Hoàng Hải - sinh năm 1994 về tội “Vi phạm quy định về điều khiển khiển phương tiện giao thông đường bộ”; Bản án số 35/2014/HSST ngày 18/8/2014 của TAND huyện Nghĩa Hưng xét xử đối với bị cáo Vũ Thế Nhân về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Cả hai bản án này đều thể hiện các bị cáo không có tác động với gia đình để bồi thường thiệt hại đã gây ra. Tuy nhiên, quyết định của bản án vẫn áp dụng Điểm b Khoản 1 điều 46 BLHS để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo (các bị cáo đang bị tạm giam), là không đúng với quy định tại Mục 1.1 Nghị quyết 01/2006/NĐ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đòng Thẩm phán TAND tối cao.
Bản án số 42/2014/HSST ngày 29/8/2014 của TAND huyện Nghĩa Hưng xét xử đối với bị cáo Trần Văn Lâm và đồng phạm về tội “Trộm cắp tài sản”, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa đều thể hiện việc gia đình bị cáo Lâm đã bồi thường thiệt hại cho người bị hại, tuy nhiên phần quyết định bản án không áp dụng Khoản 2 Điều 46 BLHS để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là chưa phù hợp.
Bản án số 12/2014/HSST ngày 18/4/2014 và bản án số 20/2014/HSST ngày 15/5/2014 của TAND huyện Ý Yên xét xử đối với hai bị cáo Phạm Thị Phương và Nguyễn Chí Huấn đều về tội “Đánh Bạc”. Cả hai bản án này đều nhận định số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc đã được các bị cáo nộp vào Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ý Yên là việc tự nguyện khắc phục hậu quả qua đó áp dụng Điểm b Khoản 1 Điều 46 BLHS để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là không có căn cứ và trái quy định pháp luật.
Việc áp dụng điều 47 BLHS:
Bản án số 16/2014/HSST ngày 24/4/2014 của TAND huyện Nam Trực xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn Cường về tội “Giao cấu với trẻ em”, phần quyết định của bản án chỉ thể hiện bị cáo có 01 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 BLHS, tuy nhiên bản án vẫn áp dụng Điều 47 BLHS để tuyên phạt bị cáo dưới khung hình phạt là trái quy định của pháp luật.
Việc áp dụng Khoản 1 Điều 48 BLHS
Bản án số 15/2014/HSST ngày 29/4/2014 của TAND huyện Ý Yên xét xử đối với các bị cáo Vũ Duy Đại, Nguyễn Quang Quyết, Hà Văn Hiển, Nguyễn Đức Quy về tội “Trộm cắp tài sản”, các bị cáo nhiều lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của Công ty Cổ phần 519 đơn vị thành viên trự thuộc công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 (Cienco5) – Bộ Giao thông vận tải. Tài sản của Công ty là tài sản của nhà nước, tuy nhiên tại phần quyết định của bản án không áp dụng tình tiết tăng nặng “Xâm phạm tài sản của Nhà nước” theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 48 BLHS để xét xử là không đúng.
Bản án số 31/2014/HSST ngày 27/6/2014, TAND huyện Nghĩa Hưng xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn Thành và đồng bọn phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tài Khoản 1 Điều 138 BLHS. Theo ghi nhận của bản án tại phần lý lịch bị cáo Thành có 02 tiền án gồm: Tháng 03/2009 bị TAND quận Hoàn Kiếm, Tp Hà Nội xử phạt 24 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”; tháng 01/2013 bị TAND huyện Nghĩa Hưng xử phạt 09 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”; lần phạm tội này tài sản bị cáo và đồng phạm chiếm đoạt có giá trị dưới 02 triệu đồng. Bản án áp dụng khoản 1 Điều 138; Điểm p Khoản 1 Điều 46 BLHS xử phạt bị cáo 09 tháng tù. Bản án không áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 48 BLHS để xét xử là chưa đúng với hướng dẫn tại Mục 7.3 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS.
Vi phạm Điều 60 BLHS; Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013.
Bản án số 39/2014/HSST ngày 08/8/2014 của TAND huyện Vụ Bản xét xử đối với bị cáo Nguyễn Đắc Cường-sinh năm 1988 về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Bản án số 143/2014/HSST ngày 15/5/2014 xét xử đối với bị cáo Trần Hoàng Hải – sinh năm 1994 về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” của TAND thành phố Nam Định; bản án số 186/2014/HSST ngày 23/6/2014 xét xử đối với bị cáo Trần Văn Hải về tội “Cố ý gây thương tích” của TAND thành phố Nam Định.
Các bản án  trên đều tuyên phạt tù nhưng cho hưởng treo đối với các bị cáo, tuy nhiên trừ thời hạn đã tạm giữ, tạm giam làm cơ sở để tính thời gian thử thách (gấp đôi) là chưa đúng với quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 Bộ luật hình sự.
Bản án số 72/2014/HSST ngày 21/82014 của TAND huyện Giao Thủy xét xử đối với bị cáo Lê Văn Hòa về tội “Cố ý gây thương tích” tuyên phạt bị cáo 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng. Tuy nhiên, tại phần quyết định của bản án không tuyên giao cho địa phương nơi cư trú của bị cáo để giám sát giáo dục trong thời gian thử thách là không đúng với quy định tại Khoản 2 Điều 60 BLHS.
Bản án số 14/2014/HSST ngày 03/4/2014 của TAND huyện Trực Ninh xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn Thắng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tại phần quyết định bản án cho bị cáo được hưởng án treo, tuy nhiên bản án không áp dụng Điều 60 BLHS để tuyên phạt là chưa đúng.
Vi phạm khi áp dụng phần các tội phạm cụ thể
Bản án số 22/2014/HSST ngày 03/4/2014 của TAND huyện Giao Thủy xét xử đối với bị cáo Đinh Đức Thọ về tội “Cố ý gây thương tích”, bị hại bi tổn hại 20% sức khỏe, tuy nhiên trong bản án không ghi rõ áp dụng tình tiết định khung ở điểm nào Khoản 1 Điều 104 BLHS để xét xử bị cáo theo Khoản 2 Điều 104 BLHS.
Vi phạm Điều 54 BLTTHS:
Vụ Nguyễn Văn Thắng bị TAND huyện Mỹ Lộc xét xử về tội “Trộm cắp tài sản”, Tòa án không triệu tập ông Trần Khả Hải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tham gia phiên tòa, là vi phạm Điều 54 BLTTHS.
Vi phạm Điều 182 BLTTHS:
Việc giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho VKSND cùng cấp không được thực hiện đúng theo quy định tại Khoản 3 Điều 182 BLTTHS như: Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 41/2014/HSST ngày 15/9/2014 của TAND huyện Hải Hậu xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn Dũng cùng đồng bọn về tội “Đánh bạc” mở phiên tòa vào ngyaf 26/9/2014 đến ngày 25/9/2014 mới giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho VKSND huyện Hải Hậu. Quyết định đưa vụ án xét xử số 44/2014/HSST-QĐ ngày 11/8/2014 của TAND huyện Ý Yên xét xử đối với bị cáo Nguyễn Phát Lực về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” mở phiên tòa ngày 22/8/2014, đến ngày 18/8/2014 mới giao quyết định cho VKSND huyện Ý Yên.
Vi phạm Điều 201, 202, 205 BLTTHS:
Tại phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm ngày 23/9/2014 của TAND huyên Nghĩa Hưng xét xử đối với bị cáo Hoàng Văn Hiếu về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo Khoản 1 Điều 194 BLHS, trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Thư ký không báo cáo danh sách những người cần triệu tập ra phiên tòa.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm về hình sự của TAND huyện Nghĩa Hưng xét xử đối với bị cáo Trần Văn Thắng về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo Khoản 1 Điều 194 BLHS, trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa Chủ tọa phiên tòa không hỏi bị cáo về việc có đề nghị xin thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên và Thư ký hay không.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm về hình sự của TAND huyện Ý Yên xét xử đối với bị cáo Trương Công Nghĩa và đồng bọn về tội “Cố ý gây thương tích” và tội “Cướp tài sản”, phần thủ tục bắt đầu phiên tòa Chủ tọa phiên tòa không hỏi bị cáo có nhờ người bào chữa hay không? Trong vụ án vắng mặt một số người làm chứng, tuy nhiên Chủ tọa phiên tòa không hỏi người tham gia tố tụng khác có yêu cầu hoãn phiên tòa để triệu tập những người này hay không hoặc có yêu cầu đưa them vật chứng tài liệu ra xem xét tại phiên tòa hay không?
Việc làm trên là thực hiện chưa đúng các quy định tại các Điều 201, 202 và 205 BLTTHS.
Vi phạm Điều 224 BLTTHS và Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
Bản án số 136/2014/HSST ngày 12/5/2014 của TAND thành phố Nam Định xét xử đối với bị cáo Phạm Anh Vũ về tội “Trộm cắp tài sản”, tại phần đầu của bản án không ghi người bị hại.
Hầu hết các bản án của TAND huyện Trực Ninh đều không ghi giờ mở phiên tòa.
Vi phạm trong việc chuyển giao bản án (Điều 229 BLTTHS):
Có rất nhiều bản án của TAND 2 cấp chuyển cho Viện KIểm sát chậm so với quy định (chậm từ 11  đến 39 ngày), xin dẫn một số vụ Tòa án chuyển bản án chậm:
Vụ án Nguyễn Ngọc Cường, Vũ Đình Thắng phạm tội “Buôn bán hang cấm”; xét xử ngày 13/01/2014, đến ngày 17/02/2014 VKSND tỉnh nam Định mới nhận được bản án, chậm 24 ngày.
Vụ án Vũ Văn Trọng phạm tội “Buôn bán hàng cấm”; xét xử ngày 25/02/2014, đến ngày 26/3/2014 VKSND tỉnh Nam Định mới nhận được bản án, chậm 21 ngày.
Vụ án Phạm Đức Cường, Trần Quang Thắng phạm tội “Trộm cắp tài sản”; xét xử ngày 13/5/2014, đến ngày 06/6/2014 VKSND tỉnh Nam Định mới nhận được bản án, chậm 13 ngày.
Vụ án Hoàng Hải Đăng phạm tội “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; vụ án xét xử ngày 15/5/2014, đến ngày 12/6/2014 VKSND tỉnh Nam Định mới nhận được bản án, chậm 17 ngày.
Vụ án Nguyễn Trọng Trinh phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”; xét xử ngày 29/9/2014, đến ngày 20/10/2014 VKSND tỉnh Nam Định mới nhận được bản án, chậm 11 ngày.
Vụ án Đào Văn Chung phạm tội “Mua bán trái phếp hóa đơn”; xét xử ngày 29/8/2014, đến ngày 03/10/2014 VKSND tỉnh Nam Định mới nhận được bản án, chậm 24 ngày….
TH
Tìm kiếm