Nằm ở biên giới Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh là tỉnh có vị thế quan trọng, một trong ba cực phát triển kinh tế năng động của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp than, du lịch, vận tải biển, cảng biển, đánh bắt hải sản, giao lưu thương mại với Trung Quốc...
VKSND tỉnh Quảng Ninh - Đơn vị “Anh hùng Lao động”, xứng đáng là nơi “Điểm tựa, niềm tin” của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh
Nằm ở biên giới Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh là tỉnh có vị thế quan trọng, một trong ba cực phát triển kinh tế năng động của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp than, du lịch, vận tải biển, cảng biển, đánh bắt hải sản, giao lưu thương mại với Trung Quốc, thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong, ngoài nước đến làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, với địa hình phức tạp và trải dài, có cả vùng núi, biên giới, đồng bằng, hải đảo, ven biển và các đô thị, bên cạnh các yếu tố tích cực để phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh cũng là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nảy sinh vi phạm và các loại tội phạm, nhất là tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên...
Để góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, trong suốt 55 năm qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành đoàn thể của tỉnh và cả hai cấp; ngành Kiểm sát tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cố gắng, không ngừng đổi mới, đoàn kết, luôn nỗ lực thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Với mục tiêu đặt ra là việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phải luôn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm, Ban cán sự đảng và Lãnh đạo VKSND tỉnh đã tập trung mọi nỗ lực, đổi mới và nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo, điều hành. Mỗi năm, Lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh đều tìm ra những nét mới, lựa chọn khâu đột phá để chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác: có năm lựa chọn tăng cường kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế việc bỏ lọt tội phạm từ cơ sở; năm thì lựa chọn nâng cao chất lượng tranh luận, đối đáp tại phiên tòa cho Kiểm sát viên; riêng năm 2015 lựa chọn chủ đề: “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin” để triển khai thực hiện…
Lãnh đạo VKSND tỉnh duy trì thường xuyên việc giao ban tuần, tháng, quý với các Trưởng phòng, Trưởng các đoàn thể và Viện trưởng VKSND cấp huyện để đánh giá những kết quả đã làm được, xây dựng nhiệm vụ trọng tâm trong kỳ tới. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra giữa cấp trên và cấp dưới, kiểm tra chéo giữa các phòng nghiệp vụ, các đơn vị tự kiểm tra báo cáo kết quả về VKSND tỉnh, qua đó thông báo những ưu điểm để phát huy, những thiếu sót, tồn tại để rút kinh nghiệm. Mặt khác VKSND tỉnh còn tăng cường chỉ đạo VKSND cấp huyện để phát hiện, xử lý kịp thời những thiếu sót, tồn tại. Cả hai cấp Kiểm sát luôn tranh thủ sự lãnh đạo của cấp Ủy địa phương, xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ với các ngành để thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đặc biệt trong 10 năm từ 2005 đến 2014, nhất là trong 5 năm (2010-2014), Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tỉnh đã có nhiều sáng kiến trong chỉ đạo, điều hành, ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, Viện kiểm sát hai cấp của Quảng Ninh đã chủ động, tích cực áp dụng nhiều biện pháp chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm ngay từ khi giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và trong suốt quá trình giải quyết vụ án; đồng thời chú trọng tập hợp các dạng vi phạm, nguyên nhân tội phạm xuất phát từ sơ hở trong công tác quản lý để tham mưu cấp Ủy chỉ đạo hoặc ban hành kiến nghị phòng ngừa.
Để chống oan, sai,thực hiện việc Phó Viện trưởng cấp huyện trực tiếp phân loại bắt, giữ hàng ngày, 3 giờ chiều báo cáo về Phòng nghiệp vụ để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo VKSND tỉnh theo ngày để nắm và kịp thời chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc. Kiểm sát chặt chẽ các trường hợp bắt, nhất là bắt khẩn cấp…
Để chống lọt tội,từ khi VKSND không còn chức năng kiểm sát xử phạt vi phạm hành chính, mặt khác BLTTHS năm 2003 chưa quy định rõ việc phối hợp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nên để tránh việc bỏ lọt tội phạm xảy ra, VKSND tỉnh đã chủ động xây dựng chuyên đề tin báo tội phạm, đưa ra các giải pháp áp dụng, trong đó có việc chủ trì xây dựng Quy chế phối hợp 8 ngành: Viện kiểm sát, Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Thanh tra Nhà nước, Thuế; đồng thời chỉ đạo 14 VKSND cấp huyện ký Quy chế phối hợp với các ngành trong lĩnh vực này. Theo đó, khi phát hiện hoặc nhận được thông tin có tội phạm xảy ra, Cơ quan điều tra hoặc các ngành chức năng chủ động báo cho VKSND hai cấp để phối hợp phân loại từ đầu; VKSND chủ động yêu cầu điều tra, xác minh, để quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án đúng pháp luật. Năm 2011, chỉ đạo các VKSND cấp huyện ký Quy chế phối họp với Công an cấp xã, nhằm hạn chế bỏ lọt tội phạm từ cơ sở.
Qua thực hiện, từ năm 2005-2014, Viện kiểm sát đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 17.342/17.461 tin báo đạt 99,3%, hủy quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra, trực tiếp khởi tố 9 vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 358 vụ án, trong đó có 30 vụ từ tin báo của Công an xã; kiểm sát trực tiếp việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm 71 cuộc, ban hành 207 kiến nghị khắc phục vi phạm, được tiếp thu. Qua sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp cho thấy việc bỏ lọt tội phạm từ cơ sở ngày càng giảm; việc tham mưu của VKS trong lĩnh vực này được cấp Ủy địa phương đánh giá cao.
Việc làm trên không chỉ lan tỏa trong tỉnh mà được VKSND tối cao đánh giá cao và nhân rộng bằng việc ký và triển khai thực hiện trong toàn quốc Thông tư liên tịch 06/2013 với các ngành trong xử lý tố giác, tin báo về tội phạm.
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra, trước khi có Chỉ thị số 06/2012 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra, Lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp chủ động thực hiện vai trò công tố trong hoạt động điều tra nhằm tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm. Kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn, kịp thời đề ra yêu cầu, định hướng hoạt động điều tra. Nhiều vụ án lớn, phức tạp Viện kiểm sát đã trực tiếp hoặc phối hợp với Cơ quan điều tra hỏi cung bị can, thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường... Do vậy, trong 10 năm, Viện kiểm sát hai cấp đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 19.741 vụ/29.813 bị can, trong đó đã giải quyết 19.485 vụ/29.370 bị can đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan, không để lọt tội phạm. Một số vụ, việc điển hình thể hiện rõ vai trò tích cực của Viện kiểm sát, mang lại hiệu quả cao như: Vụ Nguyễn Tiến Phương (Phương Linh Hột) cùng em ruột là Nguyễn Tiến Chung cầm đầu nhóm bảo kê buôn lậu ở Móng Cái; vụ Nguyễn Bích Ngọc cùng đồng bọn mua bán trái phép chất ma túy từ Lào qua các tỉnh và Móng Cái đưa sang Trung Quốc, chuyển ma túy tổng hợp theo chiều ngược lại. Các vụ án đã để lại tiếng vang trong dư luận về sự kiên quyết của các cơ quan pháp luật của Quảng Ninh trong việc đấu tranh đối với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.v.v.
Trong xử lý các vụ án liên quan đến đất đai, như vụ đất Vân Đồn, đất Hải Hòa - Móng Cái, đất Yên Thọ - Đông Triều, vụ đất ở thành phố Hạ Long... Viện kiểm sát đã trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, yêu cầu khởi tố (Vụ đất Yên Thọ), cùng Điều tra viên thu thập chứng cứ; mặt khác, VKSND còn tổng hợp vi phạm, thiếu sót, sơ hở trong quản lý đất đai, kiến nghị với chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp quản lý, được chính quyền nghiêm túc tiếp thu nên những năm gần đây đã hạn chế loại tội phạm này.
Trong xử lý các vụ án liên quan đến ngành than như vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn ở Công ty than Mạo Khê, ở Kho vận Hòn Gai...; ngoài việc phối hợp cùng Điều tra viên thu thập chứng cứ, VKSND còn tổng hợp những vi phạm và thiếu sót, sơ hở trong quản lý cán bộ, quản lý tài sản, kiến nghị với Tập đoàn than và các Công ty than có liên quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa, được tiếp thu thực hiện. Qua đó, những năm gần đây, đã giảm tội phạm trong nội bộ ngành than.
Đặc biệt, năm 2008, trước tình hình vận chuyến, buôn lậu than xảy ra nhiều trên biển, điển hình như vụ vận chuyển 103 tàu than không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, bị Bộ đội biên phòng bắt giữ, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đồng ý với đề nghị của Viện kiểm sát và đã chỉ đạo Cơ quan điều tra phải kiên quyết đấu tranh với tội phạm này. Kết quả, đã khởi tố, xử lý 31 vụ/148 bị can. Từ đó đến nay, đã hạn chế hẳn tình trạng vận chuyển, buôn lậu than trên vùng biển Quảng Ninh tiếp giáp với Trung Quốc và hải phận quốc tế.
Năm 2012, trước tình trạng khai thác than thổ phỉ tràn lan trên địa bàn, chủ lò giấu mặt, chỉ bắt được các đối tượng làm thuê, Viện kiểm sát đã chủ động đề xuất với Tỉnh ủy cho xử lý hình sự hàng trăm đối tượng làm thuê. Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 12/01/2014 chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng này. Qua thực hiện, nạn khai thác than trái phép trên địa bàn giảm hẳn, năm 2012 khởi tố 15 vụ/134 bị can, đến năm 2014 chỉ khởi tố 4 vụ. Việc tham mưu của VKS được cấp Ủy địa phương đánh giá cao.
Đặc biệt, những năm 2008-2010, xảy ra nhiều vụ án giết người bằng vũ khí nóng có tổ chức, theo kiểu băng nhóm xã hội đen để giải quyết tranh chấp địa bàn làm ăn, VKSND đã phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án xử lý nghiêm, đưa xét xử lưu động kết hợp tuyên truyền giáo dục. Do vậy, năm 2013 -2014 không còn án giết người theo kiểu băng nhóm; việc sử dụng vũ khí nóng có tính sát thương cao giảm hẳn.v.v.
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự trong 10 năm qua, Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 16.227 vụ/27.325 bị cáo theo trình tự sơ thẩm; 2.469 vụ/3.600 bị cáo theo trình tự phúc thẩm; 31 vụ/44 bị cáo theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Quá trình thực hành quyền công tố tại phiên tòa, Kiểm sát viên đều bảo vệ được quan điểm truy tố của Viện kiểm sát, không có bị cáo nào Viện kiểm sát truy tố mà bị Tòa án tuyên không phạm tội; đồng thời thực hiện tốt hoạt động kiểm sát xét xử. Để đạt được kết quả nêu trên, ngay từ năm 2003, khi chưa có Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng chuyên đề tổ chức tham dự phiên tòa để rút kinh nghiệm cho Kiểm sát viên nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự. Việc tổ chức tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm, chỉ trong phạm vi đơn vị phòng hoặc VKSND cấp huyện, tiếp đó đã mở rộng VKSND tỉnh dự rút kinh nghiệm cho cấp huyện và ngược lại, cấp tỉnh và cấp huyện cùng dự, họp rút kinh nghiệm chung. Việc làm này của VKS tỉnh Quảng Ninh đã được VKSNDTC ghi nhận và từ năm 2008 đến nay nhân rộng thực hiện ra toàn quốc.
Năm 2013, Viện kiểm sát tỉnh tiếp tục ký Quy chế phối hợp với Tòa án tỉnh về việc phối hợp tổ chức dự phiên tòa rút kinh nghiệm cho cả Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử. Việc tố chức dự, rút kinh nghiệm được cho cả các Chuyên viên tham gia để học tập và được tham gia ý kiến. Đối với những phiên tòa rút kinh nghiệm, ngoài việc nhận xét đánh giá, còn chấm điểm, xếp loại cho Kiểm sát viên và gửi biên bản, tài liệu kèm theo về Phòng nghiệp vụ của VKSND tỉnh để tập hợp, ban hành thông báo rút kinh nghiệm theo quý. Kết quả, Viện kiểm sát hai cấp đã tổ chức tham dự 1.334 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó 32 phiên tòa phối hợp với Tòa án cùng rút kinh nghiệm. Ngoài ra, còn xây dựng và thực hiện các chuyên đề “Luận tội”, “Nâng cao chất lượng tranh luận, đối đáp tại phiên tòa”. Theo đó, trước khi tham gia phiên tòa, Kiếm sát viên phải chuẩn bị dự thảo luận tội, đề cương tranh luận, đối đáp tại phiên tòa để Lãnh đạo duyệt, dự kiến các tình huống có thể phát sinh và hướng giải quyết.
Với các biện pháp trên, chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử ngày càng được nâng lên; Kiểm sát viên đã tự tin, thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp, tích cực, chủ động tham gia xét hỏi; tranh luận, đối đáp dân chủ với Luật sư và những người tham gia tố tụng; chất lượng luận tội, tranh tụng tại phiên tòa có tính thuyết phục, được cấp Ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, để tránh hiện tượng bức cung, nhục hình, đồng thời để đảm bảo thực hiện tốt các chế độ trong các nhà tạm giữ, trại tạm giam, Viện kiểm sát hai cấp đã duy trì kiểm sát bắt giữ hàng ngày, kiểm tra đối với 100% số người mới bị tạm giữ, tạm giam; đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc 2 cấp của tỉnh tiến hành kiểm sát trực tiếp trại tạm giam và nhà tạm giữ, các chỉ tiêu đều vượt gấp 3 đến 7 lần so với chỉ tiêu của VKSND tối cao đặt ra. Tổng số đã kiểm sát 2.049 cuộc; ban hành 41 kháng nghị, 444 kiến nghị với nhà tạm giữ, trại tạm giam khắc phục vi phạm.
Trong công tác kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại và lao động, Viện kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết 23.120 vụ, việc của Tòa án theo quy định của pháp luật, ban hành hàng trăm kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Đồng thời, tập hợp các dạng vi phạm và sơ hở, thiếu sót trong quản lý, ban hành kiến nghị với Ủy ban nhân dân các cấp. Đến nay, số lượng án hành chính giảm đáng kể, uy tín của ngành Kiểm sát tỉnh Quảng Ninh với cấp Ủy, chính quyền hai cấp được đánh giá cao. Các vụ, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, cưỡng chế phá dỡ, thu hồi đất..., đều được chính quyền địa phương ở cả 2 cấp xin ý kiến tư vấn của VKS trước khi thực hiện.
Công tác kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát đã kiểm sát việc thi hành 47.471 việc thi hành án dân sự. Bên cạnh việc kiểm sát thường xuyên và kiểm sát trực tiếp; chú ý tới biện pháp giải quyết các vụ việc tồn đọng để đẩy nhanh tiến độ thi hành án dân sự… Viện kiểm sát tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo trong công tác thi hành án dân sự, từ đó, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường các biện pháp giải quyết án tồn đọng, rà soát, phân loại lại, làm giảm số chưa có điều kiện thi hành từ 61% xuống còn dưới 40% tổng số phải thi hành. Việc tham mưu của VKS được Tỉnh ủy đánh giá cao, Phòng Kiểm sát thi hành án được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen.
Công tác giải quyết đơn, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Viện kiểm sát đã tiếp 1.928 lượt công dân, Viện kiểm sát tỉnh đã xây dựng nhà tiếp dân ngoài trụ sở cơ quan. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát đã tiếp nhận, phân loại 6.747 đơn, giải quyết 2902/2903 đơn thuộc thẩm quyền; đã thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thuộc thẩm quyền và kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết đơn của các cơ quan tư pháp. Xây dựng, thực hiện Quy chế Lãnh đạo tiếp công dân tất cả các ngày làm việc trong tuần và Quy chế phối họp với Cơ quan điều tra, Tòa án, thi hành án trong giải quyết đơn tư pháp. Do vậy không có đơn khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.
Trong công tác xây dựng Ngành, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, chú trọng xây dựng quy hoạch, kế hoạch có tầm nhìn dài hạn làm cơ sở định hướng để phát triển Ngành, như: Đã chủ động xây dựng Quy hoạch phát triển ngành Kiểm sát Quảng Ninh đến 2020 và định hướng cho những năm tiếp theo; xây dựng Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020; xây dựng Chiến lược phát triển công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến 2020.
Trên cơ sở Chỉ thị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tỉnh ủy và quy hoạch, kế hoạch nêu trên, đã xây dựng kế hoạch trung hạn, kế hoạch hàng năm triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin ở cả 2 cấp.
Công tác cán bộ, đã chủ động trong công tác đào tạo Viện kiểm sát tỉnh đã chủ động báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho phép Viện kiểm sát tỉnh phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhằm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, hoàn chỉnh kiến thức về luật, về nghiệp vụ kiểm sát, về chính trị, về quản lý hành chính nhà nước… cho các cán bộ, Kiểm sát viên, Chuyên viên của VKSND hai cấp. Hàng năm, VKSND tỉnh đều chủ động giao cho các phòng chuẩn bị nội dung, mở các lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát án hình sự; kỹ năng kiểm sát các hoạt động tư pháp; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh để tuyên truyền; kỹ năng làm thống kê, tổng hợp, văn thư, lưu trữ... cho hàng trăm lượt cán bộ. Bên cạnh đó, các phòng, các Viện kiểm sát cấp huyện còn chú trọng đào tạo tại chỗ thông qua việc học tập, quán triệt các văn bản pháp luật mới, các thông báo rút kinh nghiệm của các Vụ, Phòng nghiệp vụ, qua thảo luận các câu hỏi trong bộ đề thi Kiểm sát viên giỏi, qua hướng dẫn, giúp đỡ giữa cán bộ cũ, mới, giữa Lãnh đạo, Kiểm sát viên với Chuyên viên qua các hoạt động nghiệp vụ.
Với các biện pháp nêu trên, chất lượng cán bộ của ngành Kiểm sát tỉnh Quảng Ninh ngày càng được nâng cao. Từ chỗ chất lượng cán bộ còn hạn chế, đến nay, toàn ngành đã được đào tạo Thạc sĩ 43, Đại học: 237, Cao đẳng: 4, Trung cấp: 6; Trình độ chính trị: Cử nhân, cao cấp: 68, trung cấp: 58; Quản lý NN: Chuyên viên cao cấp, Chuyên viên chính: 79, Chuyên viên: 64. Qua đào tạo, VKSND tỉnh Quảng Ninh còn cung cấp nhiều cán bộ chủ chốt cho tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Về ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành: Thực hiện cải cách hành chính, Lãnh đạo VKSND tỉnh thấy cần ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chỉ đạo, điều hành. Năm 2011, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị địa phương hỗ trợ mua máy scan để quét văn bản, thực hiện chia sẻ, khai thác dữ liệu, nhận gửi văn bản qua mạng, duyệt văn bản trên máy. Qua đó thông tin nhanh hơn, kịp thời hơn, mỗi năm tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm hàng trăm triệu đồng. Từ hiệu quả thực tế ở Quảng Ninh, năm 2013, VKSND tối cao đã trang bị máy scan, nhân rộng việc nhận, gửi văn bản qua mạng đến VKSND trong cả nước.
Đạt được những kết quả nêu trên, là do ngành Kiểm sát tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt các giải pháp, biện pháp sau đây: Một là, luôn nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Ngành, bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, thời kỳ cách mạng: Trong xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch công tác hàng năm, luôn bám sát Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, yêu cầu chính trị tại địa phương để xây dựng và triển khai kế hoạch công tác. Hai là,luôn đổi mới về tổ chức và hoạt động trong công tác kiểm sát.Lãnh đạo Viện thường xuyên đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, triển khai có trọng tâm, trọng điểm biện pháp công tác để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Kiếm sát viên ngày càng trong sạch, vững mạnh đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có nhận thức chính trị vững vàng, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, trong sáng về phẩm chất đạo đức, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức phấn đấu vươn lên, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải và có bản lĩnh, có hiểu biết các kiến thức quản lý kinh tế, quản lý xã hội, đủ sức giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trên lĩnh vực bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Kết hợp tốt các loại hình đào tạo. Tăng cường đào tạo tại chỗ gắn với việc cử cán bộ đi học và mở lớp đào tạo để đảm bảo chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Việc xây dựng một đội ngũ cán bộ luôn gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh",đặc biệt là 5 đức tính Bác Hồ đã dạy đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Bốn là, luôn tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, cấp Ủy các huyện, thị xã, thành phố đối với Viện kiểm 2 cấp; tăng cường sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng trong định hướng hoạt động của Ngành. Năm là,tăng cường sự phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm. Sáu là, công tác kiểm sát luôn dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân và các cơ quan báo chí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ các lợi ích hợp pháp của công dân. Bảy là, chú trọng xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, phát huy sáng kiến cải tiến trong công tác, tổ chức tập huấn, ứng dụng vào thực tiễn. Tám là, thi đua phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất của Ngành. Chín là, tăng cường điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành Kiểm sát, quan tâm giải quyết chính sách thoả đáng cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ghi nhận những kết quả trên, từ năm 2008 đến 2014, VKSND tỉnh Quảng Ninh được nhận Cờ thi đua của Chính phủ 7 năm liên tục, được UBND tỉnh tặng cờ hoặc Bằng khen khối Nội chính; năm 2013, được Bộ Kế hoạch đầu tư và VKSND tối cao tặng Bằng khen về thống kê và tuyên truyền; Được UBND tỉnh tặng Cờ dẫn đầu cơ quan văn hóa 2012-2013. Có 3 tập thể trực thuộc được tặng Huân chương Lao động (2 hạng Nhì, 1 hạng Ba); 3 tập thể được Chính phủ tặng Bằng khen… Đặc biệt, VKSND tỉnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và năm nay, nhân dịp Kỷ niệm 55 ngày thành lập ngành KSND, VKSND tỉnh Quảng Ninh vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”.
Đánh giá và khẳng định về những thành tích của ngành KSND tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong những năm qua, trong chuyến công tác của Đoàn làm phim tài liệu 55 năm truyền thống ngành KSND, Tạp chí Kiểm sát đã có dịp phỏng vấn đồng chí Vũ Hồng Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đánh giá về vai trò và vị trí, trách nhiệm của VKSND tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần ổn định chính trị địa phương cũng như là góp phần ổn định chính trị và nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh./.
Bảo Châu