CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VKSND tỉnh Thái Bình rút kinh nghiệm việc tham gia phiên tòa dân sự, hành chính của VKSND cấp huyện

06/09/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Năm 2015, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Hướng dẫn của Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình...
VKSND tỉnh Thái Bình rút kinh nghiệm
việc tham gia phiên tòa dân sự, hành chính của VKSND cấp huyện
Năm 2015, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Hướng dẫn của Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; hai cấp Kiểm sát tỉnh Thái Bình đã đề ra nhiều biện pháp để tổ chức các phiên tòa dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính cho cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị học tập, rút kinh nghiệm. Trong đó chú trọng thực hiện khâu đột phá là “nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của KSV trước, trong và sau phiên tòa, phiên họp”
Một số kết quả đạt trong thời gian qua như sau:
- Hầu hết các vụ án được lựa chọn để tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm đều có quan hệ tranh chấp phổ biến, phức tạp, đa dạng người tham gia tố tụng, có vụ có luật sư tham gia bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Cụ thể: 02 vụ tranh chấp đất đai, 01 vụ kiện đòi tài sản, 01 vụ tranh chấp hôn nhân gia đình, 01 vụ án kinh doanh thương mại.
- Công tác phối hợp với Toà án để tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm cơ bản được quan tâm, chú trọng. Sau khi lựa chọn vụ án làm phiên tòa rút kinh nghiệm hầu hết các Viện kiểm sát đều phối hợp với Tòa án để thực hiện. Quá trình chuẩn bị xét xử, Kiểm sát viên chủ động phối hợp cùng thẩm phán trao đổi những vấn đề vướng mắc để nắm bắt toàn diện nội dung vụ án.
- Trước khi tham gia phiên toà, Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát chặt chẽ trình tự, thủ tục tố tụng Toà án tiến hành trong quá trình giải quyết vụ án, nắm chắc nội dung vụ án và lập hồ sơ kiểm sát đầy đủ. Xây dựng báo cáo đề xuất quan điểm, đề cương hỏi, dự kiến tình huống phát sinh tại phiên toà và dự thảo Bản phát biểu trình Lãnh đạo Viện duyệt cho ý kiến chỉ đạo theo đúng Quy chế nghiệp vụ và hướng dẫn của Vụ 9, Vụ 10 Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Tại phiên toà, Kiểm sát viên có tác phong chỉnh tề, trang phục nghiêm túc, đúng quy chế Ngành. Chủ động thực hiện hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật, xử lý tốt các tình huống phát sinh tại phiên toà. Tích cực tham gia hỏi các đương sự để làm rõ việc thu thập chứng cứ của Tòa án, đồng thời làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai giữa các đương sự và đánh giá đúng bản chất nội dung vụ án. Quá trình tham gia xét xử, Kiểm sát viên đã theo dõi, ghi chép đầy đủ diễn biến phiên tòa; phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát rõ ràng, rành mạch, thể hiện được vai trò của Viện kiểm sát tại phiên toà xét xử vụ án dân sự.
- Sau phiên toà, Kiểm sát viên báo cáo kết quả phiên toà theo đúng quy chế Ngành. Đơn vị tổ chức họp nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm về kỹ năng của Kiểm sát viên trong việc hoạt động kiểm sát việc giải quyết án dân sự từ khâu lập hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị tham gia phiên toà, cho đến tác nghiệp của Kiểm sát viên tại phiên toà và sau phiên toà. Việc rút kinh nghiệm của các Kiểm sát viên cơ bản phản ánh xác thực những ưu điểm, tồn tại của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Qua đó, đã giúp cho mỗi Kiểm sát viên tự rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại hạn chế, góp phần nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự của đơn vị.
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thấy quá trình tổ chức thực hiện các phiên toà còn một số hạn chế như: Công tác chuẩn bị trước phiên tòa một số vụ án chưa được Kiểm sát viên quan tâm, chú ý, tác phong còn chậm; có hồ sơ không có thông báo thụ lý, quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa; đề cương hỏi sơ sài, mang tính hình thức, chưa thực sự kết hợp giữa việc đặt câu hỏi với việc đối chiếu tài liệu, chứng cứ để làm rõ mâu thuẫn, làm rõ sự thật khách quan của vụ án; Một số trường hợp Kiểm sát viên chỉ tập trung câu hỏi hoặc trình bày bản phát biểu đã chuẩn bị sẵn, khi phát biểu quan điểm Kiểm sát viên thường không chú ý đến các chủ thể tiến hành tố tụng và người tham dự phiên tòa; Về bản phát biểu của Kiểm sát viên: Bản phát biểu còn áp dụng căn cứ pháp luật không chính xác….
Để xảy ra những tồn tại trên là do những nguyên nhân sau: Công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính tuy đã được Lãnh đạo các đơn vị cấp huyện quan tâm thực hiện, nhưng việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm có lúc có nơi vẫn còn chưa thực sự được chú trọng; Việc phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa ở các Viện kiểm sát huyện còn ít và đa số là các Kiểm sát viên trẻ nên việc phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm là rất khó khăn; Năng lực, đội ngũ Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính đều được đào tạo bài bản, đã có nhận thức và thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao. Sự phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án trong quá trình tổ chức phiên tòa đã được quan tâm thực hiện, song có lúc, có nơi chưa được thường xuyên và chặt chẽ, dẫn đến phiên tòa rút kinh nghiệm còn thiếu sự phối hợp giữa Hội đồng xét xử với Kiểm sát viên nên việc xử lý tại phiên tòa gặp nhiều lúng túng,…
Trên cơ sở kết quả việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm của các đơn vị từ đầu năm 2015, VKSND tỉnh Thái Bình đã đề ra một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Lãnh đạo Viện kiểm sát các đơn vị cần nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng trong việc tham gia kiểm sát xét xử các vụ án dân sự. Quán triệt thực hiện chỉ tiêu này một cách nghiêm túc, đi vào chiều sâu và thực chất nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm và các ý kiến đóng góp của tập thể đối với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên tham dự củng cố kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, rút ra được những bài học kinh nghiệm thực tiễn và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của bản thân, nhất là kỹ năng hỏi, xử lý tình huống, tác phong ứng xử và bản lĩnh nghiệp vụ của Kiểm sát viên tại phiên tòa, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ hai: Phối hợp với Tòa án trong phạm vi khuôn khổ luật định nhằm tạo điều kiện cho nhau cùng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của từng ngành, kịp thời trao đổi rút kinh nghiệm trong hoạt động tố tụng và áp dụng pháp luật giữa Viện kiểm sát và Tòa án; phối hợp trong việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm có chất lượng, giúp cho hoạt động xét xử của Tòa án và công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự của Viện kiểm sát được chặt chẽ, khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.
Thứ ba: Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm phải tăng cường trách nhiệm cá nhân, nắm vững các kỹ năng của kiểm sát viên trước, trong và sau phiên tòa. Trước khi tham gia phiên tòa phải đầu tư nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng, thực hiện tốt các bước chuẩn bị theo quy trình như đề xuất quan điểm, chuẩn bị đề cương hỏi, dự thảo Bản phát biểu và dự kiến các tình huống phát sinh cần cụ thể, chi tiết… trong trường hợp có vướng mắc, khó khăn cần báo cáo Lãnh đạo, trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp nhằm có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ trước khi tham gia phiên tòa. Bên cạnh đó Lãnh đạo phụ trách cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, duyệt các đề xuất kỹ lưỡng và đề ra các yêu cầu cần thiết để Kiểm sát viên có sự chuẩn bị kỹ càng hơn.
Thứ tư: Quan tâm hơn nữa về khâu tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; yêu cầu cán bộ, kiểm sát viên trong đơn vị phải tham dự nghiêm túc. Sau các phiên tòa Lãnh đạo đơn vị phải chủ trì tổ chức họp rút kinh nghiệm, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa tự rút kinh nghiệm cho bản thân, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn và nâng cao kỹ năng tham gia phiên tòa.
Như vậy, để nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn., trước hết từng Kiểm sát viên phải luôn trau dồi bổ sung kiến thức, tự rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, trang bị cho mình chuyên môn nghiệp vụ thành thạo, phản ứng nhạy bén, quyết đoán, sâu sát với hoạt động thực tiễn, nắm chắc pháp luật, mới có thể thực hiện tốt trách nhiệm, quyền hạn của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát giải quyết án dân sự nói chung và kiểm sát xét xử dân sự nói riêng.
TH (biên tập)
Tìm kiếm