1. Báo Đời sống và pháp luật số 67 ngày 05/6/2015 có bài “Nghi vấn chìm xuồng vụ bị hàng xóm đánh đập, làm nhục giữa đường” của nhóm phóng viên báo...
Xử lý các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 05/6/2015 đến ngày 11/6/2015
1. Báo Đời sống và pháp luật số 67 ngày 05/6/2015 có bài “Nghi vấn chìm xuồng vụ bị hàng xóm đánh đập, làm nhục giữa đường” của nhóm phóng viên báo. Nội dung: Cuối năm 2014, chị Đ.T.Ph trú tại thôn Vệ Sơn Đoài, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội cùng một số người dân có viết đơn gửi chính quyền địa phương tố cáo và đề nghị giải quyết việc ông H là người cùng thôn đã lấn chiếm đất đai trên đoạn đường đi ra nghĩa trang của làng gây khó khăn cho bà con đi thăm viếng, tảo mộ, nên ngày 29/10/2014, chị đã bị vợ ông H và 2 con dâu ông H đánh đập, dùng bắp ngô chọc vào miệng, đập vào mặt chảy máu, dùng gạch đập vào đầu, dùng mồi rơm đang cháy đốt vào vùng kín của chị dẫn đến việc chị phải đi bệnh viện cấp cứu. Chị đã tố cáo hành vi này của gia đình ông H đến Công an huyện nhưng từ đó đến nay những người hành hung chị vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Phóng viên báo đã tìm hiểu kết quả giải quyết thì được Công an huyện cho biết hồ sơ điều tra vụ việc này đã được chuyển đến VKSND huyện Sóc Sơn. Gia đình nạn nhân rất mong chờ các cơ quan pháp luật trong huyện sớm xử lý đúng pháp luật vụ án này không để chìm xuồng.
Yêu cầu VKSND thành phố Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
2. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 145ngày 06/6/2015, có bài “Thẩm phán bị tố nhận 40 triệu chạy án” của tác giả Trần Vũ. Nội dung: Tháng 1/2015, ông H ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau bị TAND huyện U Minh xử sơ thẩm phạt 3 năm, 3 tháng tù giam về tội hủy hoại rừng. Ông H đã chống án để xử phúc thẩm. Thông qua người quen là ông Quang và ông Đức giới thiệu, ông H đến gặp ông V là Thẩm phán TAND tỉnh tại một quán cà phê và ông V có hứa với ông H sẽ xem xét giúp đỡ ông được hưởng án treo khi vụ án xử phúc thẩm và có hành vi đòi tiền. lần đầu ông H đưa cho ông V 30 triệu nhưng ông V nói là cứ đưa tiền cho ông Đức, sau đó ông H,ông Quang và ông V lại gặp nhau ở quán và ông H đưa cho ông Quang 10 triệu đồng để đưa ông V đi chiêu đãi ở một quán khác. Sau đó ông V nói với ông H là ông không xét xử vụ này nên không giúp được gì cho ông H nên ông H đã làm đơn tố cáo việc đòi tiền chạy án này. Mặc dù ông H có ghi âm lại việc đòi tiền của Thẩm phán V nhưng ông V cho rằng ông không được nhận tiền của ông H từ ông Đức và ông Quang nên cần được các cơ quan điều tra làm rõ để minh oan cho ông.
Yêu cầu VKSND tỉnh Cà Mau kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1B, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo Pháp luật Việt Nam số 159 ngày 08/6/2015 có bài “ Một thanh niên bị hành hung buộc phải rút đơn tố cáo.” của tác giả Trung Thứ. Nội dung: Chiều ngày 30/4/2015, anh Dương Kim Trọng trên đường đi làm về đã gặp Phùng Xuân Dự dùng xẻng chặn xe lại bắt chào mình nhưng anh Trọng không thực hiện nên đã bị Dự dùng xẻng đập vào gáy sau đó Trọng còn bị Phùng Xuân Thành là em trai Dự và anh Hòa là người làm thuê cho Dự dùng gậy đánh tiếp, làm chảy nhiều máu phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Gia đình anh Trọng đã làm đơn tố cáo hành vi đánh người gây thương tích của 3 đối tượng trên đến Công an huyện Yên Lập. Sau khi thụ lý, ngày 14/5/2015, Công an huyện có mời anh Trọng đến làm việc nhưng tại đây anh Trọng lại bị 2 Công an huyện tên là Sơn và Thịnh đánh đập và dùng kích điện chích vào người buộc anh phải rút đơn tố cáo đối với Dự, Hòa,Thành. Đến 11 giờ 20 phút ngày 14/5/2015, do bị đánh và chích điện đến ngất tại chỗ nên 2 Công an huyện lại phải đưa anh Trọng đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Yên Lập. Đến nay anh Trọng vẫn liên tục bị nôn ra máu tươi, sức khỏe rất nguy kịch. Gia đình anh và tác giả bài báo đề nghị Công an tỉnh Phú Thọ và Cục Điều tra VKSND tối cao sớm vào cuộc điều tra xác minh làm rõ hành vi dùng nhục hình và bức cung của 2 cán bộ Công an huyện Yên Lập.
Yêu cầu VKSND tỉnh Phú Thọ và Cục Điều tra VKSND tối cao kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
4. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 147 ngày 08/6/2015 có bài “ Cần minh oan cho người đã chết.” của tác giả Tấn Lộc. Nội dung: Ngày 13/11/2012 chị Trần Thị Hải Yến bị Công an huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên khởi tố về tội Cố ý gây thương tích. Mặc dù trong quá trình điều tra, chị Yến liên tục kêu oan nhưng ngày 19/3/2013 chị vẫn bị TAND huyện Tuy An xử phạt 30 tháng tù về tội danh trên. Ngày 01/7/2013, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm vụ án đã nhận định án sơ thẩm có nhiều sai sót, vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, chưa đủ căn cứ để buộc tội chị Yến nên đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại. Ngày 07/10/2013, sau khi hết hạn tạm giam chị vẫn tiếp tục bị Công an huyện ký lệnh gia hạn tạm giam, chỉ 3 tiếng sau khi nhận quyết định gia hạn tạm giam chị Yến đã treo cổ tự sát. Ngày 11/12/2013, Công an huyện đã có quyết định đình chỉ điều tra vụ án và bị can đối với chị Yến theo khoản 7 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự. Từ đó đến nay gia đình chị liên tục gửi đơn kêu oan, đề nghị Cơ quan pháp luật phải minh oan cho con em mình. Khi đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại tỉnh Phú Yên, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Phú Yên cho biết khi điều tra lại Công an tỉnh Phú Yên xác định không có căn cứ kết tội chị Yến. Ngày 06/2/2015, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có Công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND tối cao , Chánh án TAND tối cao kiểm tra và kết luận vụ việc này, Chủ tịch nước cũng yêu cầu liên ngành Tư pháp Trung ương kiểm tra và báo cáo nhưng đến nay chưa có cơ quan nào có kết luận chính thức về vụ việc này.
Yêu cầu VKSND tỉnh Phú Yên và Vụ 3 kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
5. Báo Tuổi trẻ số 151 ngày 09/6/2015 có bài “ Lừa đảo hàng tỷ đồng, vì sao không khởi tố” của tác giả Đông Hà. Nội dung: Từ năm 2013 đến nay vợ chồng bà Trần Thị Liễu và ông Vòng Kỳ Dần trú tại xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã dùng thủ đoạn gian dối giới thiệu mình có ghe lớn đi biển, có kho lạnh chứa mực 1 nắng và nhiều tài sản khác phục vụ cho việc đánh bắt cá và kinh doanh hải sản để nhiều người tin tưởng vào tiềm lực kinh tế của mình, sau đó thực hiện hành vi vay tiền của nhiều người để mở rông kinh doanh. Vợ chồng bà đã vay tiền của 4 người với số tiền 3,5 tỷ đồng và 36 chỉ vàng nhưng sau đó không thực hiện việc trả nợ. Sau đó những người cho vay tiền mới biết vợ chồng bà Liễu không làm việc gì đến kinh doanh và đánh bắt hải sản nên đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an tỉnh. Bước đầu Công an tỉnh xác định bà Liều có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì quan điểm của Viện kiểm sát tỉnh thì đây chỉ là giao dịch dân sự. Theo các nạn nhân và ý kiến của ông Trương Xuân Tám, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì bà Liêũ có hành vi gian dối ngay từ đầu để vay tiền và có ý đồ chiếm đoạt nên đủ căn cứ cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,
Yêu cầu VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.