Vừa qua, một số Viện kiểm sát địa phương ban hành một số thông báo rút kinh nghiệm qua giải quyết những vụ án Cố ý gây thương tích; Trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:..
Một số kinh nghiệm khi giải quyết những vụ án cố ý gây thương tích
Vừa qua, một số Viện kiểm sát địa phương ban hành một số thông báo rút kinh nghiệm qua giải quyết những vụ án Cố ý gây thương tích; Trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
1. Nội dung vụ án: Vào khoảng 17h30’, ngày 04/9/2012, Nguyễn Quang Việt, sinh năm 2003 con của Nguyễn Quang Hoàn trên đường đi học đạp xe về nhà, khi đến cổng nhà ông Luyến thì Phan Đình Thắng cũng đi đón con chạy xe máy về tới. Thắng có va quẹt vào xe đạp của cháu Việt làm cả người và xe té ngã xuống đường. Về nhà cháu Việt có kể cho mẹ là Nguyễn Thị Lệ biết việc té ngã xe. Đến 21h30’ cùng ngày chị Lệ qua nhà anh Thắng để hỏi rõ sự việc thì đã xảy ra cãi vã xô xát nhau, khi chị Lệ đi ra về thì anh Thắng chạy theo ôm chị Lệ lại và dùng tay, chân đấm đá vào mặt và người chị Lệ làm chị Lệ ngã xuống đất thì chị Lệ kêu cứu. Lúc này, Nguyễn Quang Hoàn (chồng chị Lệ) đi kích cá về trên tay đang cầm một con dao, nghe thấy vợ kêu cứu bên vườn nàh anh Thắng nên liềm cầm dao chạy qua nhà anh Thắng dùng dao chém anh Thắng gây thương tích làm đứt cổ tay trái, sau đó Hoàn bỏ về nhà. Anh Thắng được mọi người đưa đi cấp cứu và sau đó giám định thương tích tổn hại 41% sức khỏe. Ngày 05/9/2012 chị Lệ cũng được đưa đi điều trị tại Bệnh viện và giám địch thương tích bị tổn hại 8% sức khỏe.
Sau khi nghiên cứu các tài liện liên quan, chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án, Phòng 1A Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đ nhận thấy:
Qúa trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra còn nhiều thiếu sót, vi phạm nhưng trong quá trình kiểm sát tin báo và kiểm sát điều tra vụ án đã không phát hiện yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục đầy đủ, kịp thời, cụ thế như: Vụ việc xảy ra từ tối ngày 04/9/2012, ngay sau đó Hoàn đã trình báo Công an xã, thì có anh Quân (Công an viên) đã đến làm việc nhưng không có tài liệu gì thể hiện quá trình làm việc của anh Quân, không lập biên bản xác định hiện trường. Ngày 05/9/2012, Hoàn đã giao nộp con dao cho Điều tra viên Lê Đức Anh và cán bộ điều tra Công an huyện Ea Kar là Phạm Danh Dũng lập biên bản tạm giữ con dao Hoàn khai dùng chém anh Thắng, nhưng Cơ quan điều tra công an huyện Ea Kar không tiến hành khám nghiệm hiện trường để ghi nhận dấu vết máu…và thu giữ các vật chứng khác (như có viên gạch, cây gỗ như lời khai của các đối tượng liên quan đã khai nếu có). Bị can, bị hại và những người liên quan biết việc đều có quan hệ thân thuộc, nhưng chỉ ghi lời khai một chiều, không thể hiện sự đấu tranh những nội dung khai không hợp lý (như Hoàn khai chỉ quơ dao nhưng Thắng bị đứt gần lìa cổ bàn tay…) lời khai còn rất nhiều mâu thuẫn nhưng chưa đối chất đầy đủ, chẳng hạn như: “Lời khai của bị can Hoàn với vợ là chị Lệ. Tại bản khai ngày 13/12/2012 chị Lệ khai qua nhà nói chuyện thì Thắng thừa nhận có đạp nhẹ vào xe cháu Việt, sau đó chị Lệ bỏ đi về thì Thắng đuổi theo đánh, bị đau không đi được phải bò vào trong nhà lấy điện thoại gọi cho anh em. Việc anh Thắng và Hoàn đánh nhau như thế nào tôi hoàn toàn không được chứng kiến. Trong khi đó lời khai của Hoàn ngày 01/10/2012 lại khai là thấy vợ kêu la bên nhà Thắng nên chạy qua thấy Thắng đang ôm vật vợ của Hoàn (Lệ) nằm dưới đất, nên Hoàn để dao bên cạnh rồi kéo chân của Thắng ra thì bị Thắng đấm vào mặt nên mới dùng dao chém Thắng. Lúc thì khai Thắng cầm hòn gạch định đánh thì Hoàn mới dùng dao chém”. Chưa mở rộng điều tra những nhân chứng khách quan như: hàng xóm và nhân chứng biết sự việc khác (nếu có), chưa ghi lời khai những người biết việc như con của anh Thắng, là người anh Thắng chở đi học về lúc xảy ra sự việc để xác định anh Thắng có đạp cháu Việt ngã hay không, chưa chứng minh được Hoàn dùng dao chém anh Thắng tại vị trí nào? Kết luận điều tra sơ sài, nêu chung chung, trong khi tài liệu điều tra chưa chứng minh, làm rõ các nội dung để xác định hành vi đánh chị Lệ của anh Phan Đình Thắng có tính chất côn đồ hay không? Và để xác định đúng tội danh của bị can Nguyễn Quang Hoàn thì chưa làm rõ một số tình tiết khi bị can Hoàn sang nhà anh Thắng, anh Thắng có đang vật đè đánh chị Lệ không? Hoàn có bị anh Thắng dùng tay đấm vào mặt không? Anh Thắng có nhặt viên gạch bốn lỗ định đánh Hoàn trước khi Hoàn chém anh Thắng không?...
Về việc đối chất: Tại biên bản đối chất ngày 01/3/2013 bắt đầu vào đối chất giữa Nguyễn Quang Hoàn và Phan Đình Thắng Điều tra viên đặt câu hỏi “Anh Nguyễn Quang Thắng cho biết bị can Nguyễn Quang Hoàn khai tại Cơ quan điều tra lúc xảy ra xô xát anh dùng tay đấm vào mặt của Hoàn nên Hoàn lao vào dùng dao định chém thì anh cúi xuống nhặt một viên gạch 4 lỗ cầm bằng tay trái giơ lên cao định ném Hoàn nên Hoàn giơ dao lên chém nhúng vào tay cầm gạch của anh gây thương tích, anh thấy lời khai như trên là đúng hay sai”. Việc đặt câu hỏi đối chất như này là vi phạm khoản 3 Điều 138 Bộ luật tố tụng hình sự. Vì theo quy định việc đối chất chỉ được nhắc lại những lời khai lần trước của họ khi họ đã khai xong mới được nhắc lại.
Chính vì sai phạm, thiếu sót trong quá trình kiểm sát điều tra vụ án như trên, nên vụ án đã kết luận điều tra nhưng chưa có đầy đủ các căn cứ chính xác để xác định tội danh của Nguyễn Quang Hoàn và hành vi của Phan Đình Thắng có phạm tội hay không. Do đó, yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân huyện EaKar, tỉnh Đ trả hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện EaKar để điều tra làm rõ những nội dung trên và khắc phục những vi phạm đã xảy ra.
2. Nội dung vụ án: Do có mâu thuẫn với Nguyễn Hữu Khanh trong việc giao nhận thịt bò vào ngày 25/11/2012 nên Nguyễn Thị Mùi nói với chồng là Nguyễn Kiên Cường bố trí mấy thằng đánh cho nó một trận. Cường đồng ý và gọi điện cho em trai là Nguyễn Công Đức bố trí người để đánh Khanh. Khoảng 6h sáng ngày 26/12/2012 khi Trần Văn Linh (tức Nghĩa) và Nguyễn Hữu Khanh đang giao thịt bò cho Mùi tại chợ Quỳnh Đô, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì thì Mùi gọi điện cho Cường bảo Đức ra đánh Linh và Khanh. Khoảng 15 phút sau Đức cầm tuýp sắt cùng với Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Đình Tư, Nguyễn Thành Long và một thanh niên (chưa rõ tên tuổi) mang theo tuýp sắt, dao, gậy sắt đi đến chỗ Mùi, Mùi chỉ mặt Khanh, Linh cho Đức và bảo Đức: "Đấy chúng nó đấy, đánh xử lý cho chị". Đức cầm tuýp sắt vụt 1 cái vào mạng sườn của Linh, tiếp tục vụt 1 cái nữa vào đầu thì Linh tránh được, Linh liền lấy cán dao tại bàn thịt của Mùi đuổi theo Đức bỏ chạy ra cổng chợ, Khanh cũng cầm dao tại bàn thịt bên cạnh đuổi theo. Khi ra đến cổng chợ Linh và Khanh không thấy Đức quay lại tìm Mùi nhưng không thấy. Linh quay lại ra cổng chợ thì bị Đức, Quảng, Tư cầm tuýp sắt, dao, gậy xông vào đánh, Đức cầm tuýp sắt vụt 1 cái vào đầu làm Linh ngã ngửa xuống đường đi, Khanh cũng xông vào giải cứu cho Linh thì bị nhóm của Đức chém vào đầu, tay. Nhóm Đức, Tư, Quảng tiếp tục xông vào đánh Linh, khi Quảng cầm dao chém vào đầu Linh thì Linh chồm dậy dùng dao đâm 1 nhát vào bụng Quảng, Quảng được đưa cấp cứu thì tử vong.
Quá trình giải quyết vụ án: Sự việc xảy ra ngày 26/11/2012.Ngày 05/12/2012 Công an huyện Thanh Trì ra Quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Kiên Cường, Nguyễn Công Đức, Nguyễn Đình Tư, Nguyễn Thành Long về tội "Cố ý gây thương tích". Ngày 24/01/2013 Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì ra Quyết định gia hạn thời hạn điều tra vụ án hình sự lần thứ nhất. Ngày 20/03/2013 Công an huyện Thanh Trì mới ra Quyết định khởi tố bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người nhưng không khởi tố bị can về tội Giết người.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Vụ án xảy ra đã có hậu quả chết người đối với Nguyễn Văn Quảng, và có các thương tích vào đầu Nguyễn Hữu Khanh, Trần Văn Linh với tỷ lệ thương tật mỗi người là 4% nhưng Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì không xem xét toàn diện các hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án để khởi tố về tội Giết người hay không? Mà chỉ khởi tố về hành vi "Cố ý gây thương tích" đối với Mùi, Cường, Đức, Tư, Long. Khi gia hạn thời hạn điều tra vụ án lần thứ nhất Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì không xem xét, yêu cầu CQĐT huyện Thanh Trì có khởi tố bổ sung vụ án Giết người hay không. Đến ngày 20/03/2013, khi Công an huyện Thanh Trì ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người, theo Điều 93 của Bộ luật hình sự thì Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì cũng không yêu cầu khởi tố bổ sung cụ thể hành vi của bị can nào phạm tội "Giết người", theo Điều 93 của Bộ luật hình sự mà đã chuyển hồ sơ vụ án đến Công an thành phố H để điều tra theo thẩm quyền. Quá trình kiểm sát điều tra, ngay từ ban đầu nếu thấy vụ án có những tình tiết không thuộc thẩm quyền của cấp quận, huyện thì phải chuyển ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trong trường hợp có vướng mắc về đường lối giải quyết vụ án thì phải báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát nhân dân thành phố H, không thể kéo dài cho đến khi hết thời hạn điều tra mới chuyển án.
Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân thành phố H yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì nhận lại hồ sơ vụ án để xác định rõ, cụ thể hành vi của bị can nào phạm tội "Giết người", trong trường hợp trên thì thuộc điều luật nào của Bộ luật hình sự, và khởi tố bị can đó để xác định cho đúng thẩm quyền trước khi chuyển hồ sơ đến Công an thành phố H.
3. Nội dung vụ án: Do có mâu thuẫn trong quan hệ yêu đương với Lê Thị Thanh Thúy (học sinh lớp 11 Cao Thắng) nên khoảng 17 giờ ngày 23/4/2012 Hồ Minh Tú rủ Trần Đăng Tài đến trường Cao Thắng đánh nhau với Võ Đình Phước. Tài đồng ý và rủ thêm Nguyễn Đăng Phong, Nguyễn Mậu Thuật, Nguyễn Anh Thi đi đánh Phước. Khi cả nhóm gặp nhau tại nhà Tài, Tài đã lấy 01 cây rựa đưa cho Phong còn Tài cầm 01 cây dao và cả bọn đi đến trường Cao thắng nơi Phước học để đánh nhau, nhưng không gặp Phước mà gặp Thúy. Tú điện thoại cho Phước, Phước nói đang ở đường Lê Ngô Cát, có chơi thì lên đường Lê Ngô Cát mà chơi, Tú nói “được rồi, mi chờ đó, bọn tau lên”. Sau khi điện thoại Tú kể cho cả nhóm nghe, cả nhóm đều đồng ý tìm Phước để đánh. Tú điều khiển xe môtô chở Thúy, Thi điều khiển xe môtô chở Tài, Thuật điều khiển xe môtô chở Phong. Còn Phước sau khi nghe điện thoại của Tú xong thì đi đến quán điện tử “HOTZON” ở đường Lê Ngô Cát gặp Hoàng Quốc Hiếu, Phạm Ngọc Quốc, Lê Viết Qúy, Nguyễn Văn Qúy. Phước kể cho cả nhóm nghe chuyện điện thoại hẹn đánh nhau và khẳng định bọn Tài không dám lên và Phước đi về nhà. Khi nhóm của Tài đi đến đường Lê Ngô Cát thì dừng lại, vì sợ bị lộ Tài nói với Tú và Thuật chạy sau, còn Thi chở Tài chạy trước đánh Phước. Khi Thi chở Tài đến gần quán điện tử, Tài thấy Quốc, Hiếu, văn Qúy, Viết Qúy đang đứng trước quán. Mặc dù không biết mặt Phước nhưng Tài nghĩ trong nhóm đó có Phước nên Tài nói với Thi. Thi chạy xe chậm lại còn Tài nhảy xuống cầm dao xông vào cầm dao chém hai nhát trúng vào tay trái của Lê Viết Qúy, thấy vậy cả nhóm Qúy bỏ chạy vào trong quán. Tài chạy ra xe, Thi điều kiển chở Tài lên đường Huyền Trân Công Chúa thì dừng lại đợi nhóm Tú. Tài nhặt một cục gạch lấy dao chặt đôi, cầm một nửa, còn nửa còn lại thì kẹp vào giữa xe môtô của Thi. Sau khi Viết Qúy bị đánh, Quốc chạy về nhà lấy hai ống típ nước và một cây dao, khi nhìn thấy Tú, Thúy Thuật Phong chạy qua Quốc cùng với Phạm Ngọc Lợi, Viết Qúy, Văn Qúy chạy theo nhóm Tú. Khi Tú gặp Thi và Tài thì kêu lên: chạy nhanh, có bọn đuổi theo. Thi điều khiển xe chở Tài chạy sau, khi đến gần số nhà 110 Huyền Trân Công Chúa thì Lợi chở Quốc áp sát xe Thi cách khoảng 2 mét. Quốc dùng dao phóng về phía trước trúng vào mông của Tài nhưng không gây thương tích. Tài quay lại và ném viên gạch trúng vào đầu của Quốc nên Lợi và cả nhóm dừng lại và đi về nhà. Quốc được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Kết quả giám định Pháp y thương tích của Phạm Ngọc Quốc 21%; thương tích của Lê Viết Qúy 01%.
Qúa trình điều tra, Lê Viết Qúy không có đơn yêu cầu khởi tố, các lời khai Qúy không yêu cầu bồi thường và xử lý hình sự, nên Cơ quan điều tra xác định Qúy là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tại Bản kết luận điều tra cũng đã nhận xét: Đối với Hồ Minh Tú là người khởi xướng đi đánh người khác, còn Lê Thị Thanh Thúy, Nguyễn Anh Thi, Trần Đăng Tài, Trần Mậu Thuật và Nguyễn Đăng Phong với vai trò đồng phạm giúp sức. Tú cùng Thúy, Thi, Thuật và Phong phải chịu chung hậu quả do Tài dùng dao chém vào người của Lê Viết Qúy gây thương tích 01% tại đường Lê Ngô Cát, nhưng người bị hại là Lê Viết Qúy không đề nghị khởi tố hành vi của Tài, cho nên hành vi của Tú, Thúy, Phong, Thuật và Thi không cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” được quy định tại khoản 1 Điều 104 của Bộ luật hình sự.
Sau khi kết thúc điều tra, tại Bản cáo trạng số 282 ngày 30/11/2012, phần Kết luận khẳng định: “Hành vi của Trần Đăng Tài đã dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho anh Phạm Ngọc Quốc tỉ lệ tổn hại sức khỏe 21%; Lê Viết Qúy 01% nên phải chịu trách nhiệm chính. Nguyễn Anh Thi trực tiếp điều khiển xe chở Tài đến chém Lê Viết Qúy; thấy Tài nhặt gạch để chống trả khi nhóm Quốc đuổi đánh nhưng vẫn đồng tình, nên phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò giúp sức”.
“Hành vi trên đây của Trần Đăng Tài và Nguyễn Anh Thi có tính chất côn đồ đã dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho anh Phạm Ngọc Quốc và Lê Viết Qúy nên phạm vào tội Cố ý gây thương tích, được quy định tại điểm a, i khoản 1 Điều 104 BLHS. Hậu quả anh Quốc bị tổn hại sức khỏe tỉ lệ 21% nên phạm vào khoản 2 Điều 104 BLHS”.
Trong danh sách những người cần triệu tập đến phiên tòa kèm theo Cáo trạng, VKSND thành phố H cũng xác định tư cách tham gia tố tụng của Lê Viết Qúy là người bị hại.
Ngày 28/12/2012, Tòa án nhân dân thành phố H mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với vụ án nêu trên, tại Quyết định đưa vụ án ra xét xử cũng như Biên bản phiên tòa đều xác định Lê Viết Qúy là nhân chứng trong vụ án. Bản án nhận định: Các bị cáo không hề mâu thuẫn gì với anh Quốc, sử dụng gạch ném vào đầu anh Quốc gâu thương tích đã phạm vào hai tình tiết định khung tăng nặng là dùng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ. Như vậy, Bản án chỉ xét xử các bị cáo Tài và Thi về hành vi gây thương tích cho Phạm Ngọc Quốc.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Xác định tư cách tham gia tố tụng: Trong vụ án này, Lê Viết Qúy là người bị chém thương tích 01% nhưng ba cơ quan tố tụng của thành phố H xác định ba tư cách tham gia tố tụng khác nhau: Cơ quan điều tra xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; VKS xác định là người bị hại; Tòa án xác định là nhân chứng. Điều đó gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng.
Lê Viết Qúy không phải là người bị hại vì Qúy không yêu cầu xử lý người gây ra thương tích cho mình và cũng không yêu cầu bồi thường thiệt hại, quyền ấy của Lê Viết Qúy được pháp luật thừa nhận. Lê Viết Qúy cũng không phải người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì Qúy không phải trình bày những tình tiết liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Tòa án nhân dân thành phố H xác định Lê Văn Qúy tham gia phiên tòa với tư cách nhân chứng là đúng vì Qúy là người tham gia nên biết rất rõ các tình tiết vụ án.
Quyết định truy tố hành vi tội phạm: Do xác định sai tư cách tham gia tố tụng nên VKS đã truy tố cả hành vi không cấu thành tội phạm, như vậy là không đúng vì: Trong vụ án này hai bị cáo Tài, Thi có gây thương tích cho Lê Viết Qúy 01% nhưng Lê Viết Qúy không yêu cầu xử lý Tài, Thi về hình sự. Vì vậy không buộc Tòa án phải xét xử cả hành vi gây thương tích cho Qúy của các bị cáo Tài, bị cáo Thi.
Giới hạn của việc xét xử: VKSND Kết luận và Quyết định truy tố Trần Đăng Tài và Nguyễn Anh Thi về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 BLHS với hành vi gây thương tích cho Qúy 01% và Quốc 21%. Nhưng bản án chỉ xét xử hai bị cáo về hành vi gây thương tích cho Quốc mà không xem xét hành vi gây thương tích cho Qúy theo Cáo trạng đã truy tố, như vậy là vi phạm giới hạn xét xử. Tuy nhiên, việc truy tố của VKS là không chính xác, nhưng không phải vì thế mà Tòa án không xem xét hành vi mà VKS truy tố, cần trao đổi cùng Tòa án rút kinh nghiệm.
4. Nội dung vụ án: Theo cáo trạng và Bản án sơ thẩm thì vụ án có nội dung như sau: Do bị cáo Phoòng A Sinh (sinh năm 1974; trú tại thôn 6, xã Đường Hoa, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) nghi nghờ Lý Văn Năm đem 06 con trâu nuôi chung đi bán. Khoảng 13 giờ ngày 06/5/2012, khi biết vợ chồng anh Sinh đang trên đường đi từ phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh về Hải Hà, Năm nhờ Lý Văn Quang rủ thêm người đi đánh anh Sinh. Quang đồng ý và rủ Phùn Văn Hường cùng đi đánh anh Sinh thì Hường đồng ý. Khi gặp Lý Quốc Cường (sinh năm 1991; trú tại thôn Lò Vôi, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) và Tằng Văn Thảo (sinh năm 1986; trú tại thôn Khe Sâu, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ), Quang rủ Cường và Thảo đi xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên chơi (Quang không nói mục đích đi đánh anh Sinh) thì Cường và Thảo đồng ý. Cường điều khiển xe mô tô biển số 14 B9 – 50415 chở Thảo; Quang điều khiển xe mô tô biển số 14B9 – 50339 chở Hường đi xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, đi được một đoạn thì gặp và rủ Hồ Văn Bốn (tên gọi khác: Tư) cùng đi (Quang không nói mục đích đi đánh anh Sinh); trước khi đi Hường đem theo 01 chiếc côn sắt. Năm đến nhà Lý Văn Minh (sinh năm 1980; trú tại thôn Khe Sâu, Nam Sơn, Ba Chẽ) hỏi mượn xe mô tô biển số 14 H8 – 0960 của Minh đi xã Hải Lạng mua thẻ điện thoại, sau đó Năm đi xe mô tô ra Cầu Ngầm thôn Nam Hả, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ đợi đồng bọn. Minh nhờ và được Lý Văn Coỏng (tên gọi khác: Anh) chở đi tìm Năm để lấy lại xe mô tô biển số 14 H7 – 0791 mà trước đó Minh cho Năm mượn.
Khi Quang, Hường, Bốn, Coỏng và Minh đến khu vực Cầu ngầm thôn Nam Hả, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ thì gặp Năm, Năm rủ những người này đi xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên để đánh anh Sinh, Năm dặn chỉ được đánh dọa để răn đe anh Sinh, nhưng không ai nói gì rồi tất cả đi đến đoạn đường qua Cầu ngầm thôn Hà Dong Bắc, xã Hải Lạng khoảng 100 mét thì gặp Cường và Thảo. Năm bảo mọi người quay lại đoạn đường khu vực đập nước Khe Hố, thôn Hà Dong Bắc, xã Hải Lạng Tiên Yên đợi Năm đi lừa anh Sinh vào để đánh. Quang, Hường, Anh, và Bốn đồng ý; Anh điều khiển xe mô tô biển số 14 H7 – 0791 chở Quang, Hường và Bốn quay lại đoạn đường nói trên đợi anh Sinh.
Minh, Cường và Thảo không tham gia nên Minh đòi lại xe mô tô trước đó đã cho Năm mượn; Năm trả xe cho Minh và lấy xe mô tô biển số 14B9 – 50339 của Quang đi đến trung tâm xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, lừa anh Sinh đi vào đoạn đường đạp nước Khe Hố để đánh. Minh, Cường và Thảo đi xã Hải Lạng, Tiên Yên chơi rồi vào quán uống nước. Đến khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày, khi anh Sinh điều khiển xe mô tô biển số 14K1 – 0955 chở vợ là chị Lý Thị Nguyên (sinh năm 1977) đi đến khu vực xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, Năm gọi điện thoại bảo anh Sinh đi vào khu vực nước Khe Hố có việc cần, khi quay vào phía trong đập nước, Năm ra hiệu cho mọi người biết anh Sinh đang đi vào. Anh Sinh chở chị Nguyên đi gần đến khu vực đập nước Khe Hố thấy có nhiều người nên quay xe chạy về phía trung tâm xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, thì Quang điều khiển xe mô tô biển số 14 H7 – 0791 của Coỏng chở Hường đuổi theo. Khi đuổi đến cầu Ngầm thôn Hà Dong Bắc, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh, Quang điều khiển xe vượt lên chặn xe anh Sinh, Hường xuống xe giơ côn sắt dọa nhưng anh Sinh vẫn điều khiển xe chạy. Quang điều khiển xe chở Hường đuổi theo anh Sinh đến đoạn đường Km 200, Quốc lộ 18A, thuộc thôn Hà Dong Nam, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh thì đuổi kịp, Hường dùng côn sắt đánh 01 nhát vào vai trái chị Nguyên, anh Sinh điều khiển xe vượt lên, Quang chở Hường tiếp tục đuổi theo, Hường dùng côn sắt đánh 01 nhát vào thái dương chị Nguyên, 01 nhát trúng vào mũ bảo hiểm xe mô tô anh Sinh đanh đội trên đầu rồi trượt xuống đạp vào cánh tay trái chị Nguyên. Quang điều khiển xe mô tô vượt lên phía trước, anh Sinh điều khiển xe đi tiếp khoảng 20 mét thì đâm vào cọc tiêu làm xe mô tô bị đổ, anh Sinh, chị Nguyên bị ngã xuống đường. Quang, Hường quay lại đoạn đường khu vực đập nước Khe Hố, rồi cả bọn đi về huyện Ba Chẽ.
Hậu quả: Anh Sinh tử vong tại hiện trường, chị Nguyên bị thương, tổn hại 41% sức khỏe.
Sau khi phạm tội các bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo đã thỏa thuận với người bị hại (chị Lý Thị Nguyên) thống nhất bồi thường 200 triệu đồng, mỗi bị cáo bồi thường 40 triệu đồng; bị cáo Coỏng đã bồi thường 10 triệu đồng, bị cáo Hường đã bồi thường 5 triệu đồng.
Bản án số 08/2013/HSST ngày 11/4/2013, TAND huyện Tiên yên áp dụng khoản 3 Điều 104 (thuộc trường hợp quy định tại điểm a, i khoản 1 Điều 104 BLHS), điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20, Điều 53 (thêm điểm b, khoản 1 Điều 46 đối với Hường và Coỏng; thêm Điều 69, 74 và Điều 47 đối với Bốn), Xử phạt: Lý Văn Năm 11 năm tù; Lý Văn Quang 10 năm tù; Phùn Văn Hường 9 năm 6 tháng tù; Lý Văn Coỏng 5 năm tù; Hồ Văn Bốn (sinh ngày 10/02/1996) 36 tháng tù. Ngoài ra bản án còn Chấp nhận sẽ tự nguyện thỏa thuận bồi thường giữa các bị cáo và người bị hại, Quyết định về án phí và xử lý vật chứng.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Các bị cáo bàn, rủ nhau đi tìm và lừa vợ chồng anh Sinh vào đoạn đường vắng để đánh. Khi anh Sinh cùng vợ phát hiện thấy có nhiều người, nghĩ bị Năm lừa vào để đánh liền quay xe máy bỏ chạy thì Bị cáo Quang dùng xe máy đuổi theo, áp sát xe máy của vợ chồng anh Sinh, chị Nguyên đe dọa; sau đó Hường ngồi sau xe máy, 3 lần dùng côn sắt vụt vào người chị Nguyên ngồi phía sau xe, làm anh Sinh hoảng sợ, lái xe bỏ chạy, không làm chủ tay lái dẫn đến va vào cột tiêu ven đường, ngã xe làm chị Nguyên bị thương tích 41% và anh Sinh chết do chấn thương sọ não, dập não, chèn ép não.
Hành vi của các bị cáo phải xử lý theo khoản 3 Điều 104 BLHS (gây thương tích dẫn đến chết người). Cấp sơ thẩm truy tố, xét xử các bị cáo về hành vi “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 (thuộc trường hợp quy định tại điểm a, i khoản 1 Điều 104 BLHS)” là bỏ lọt hành vi gây thương tích dẫn đến chết người.
Tài liệu có trong hồ sơ còn một số nội dung, còn mâu thuẫn chưa được làm rõ: Cơ quan điều tra không thu giữ chiệc mũ bảo hiểm anh Sinh đội trên đầu là vật chứng của vụ án để xác định bị cáo khai nhận có vụt 1 nhát vào mũ bảo hiểm của anh Sinh, sau đó trượt vào vai trái chị Nguyên có căn cứ không? Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể của chị Lý Thị Nguyên do Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Yên lập hồi 12 giờ 35 ngày 08/5/2012 không mô tả đầy đủ các thương tích trên người chị Nguyên dẫn đến các dấu vết trên thân thể chị Nguyên không phù hợp với các thương tích đã giám định. Biên bản thể hiện: Vết bầm tím dọc lưng vai trái KT 8 X3 cm, không rõ hình, dấu vết được tạo nên do tiếp xúc với vật có tiết diện rộng; Vết trên vai trái có vết bầm tím xước da không rõ hình, chỗ rộng nhất 2,5 cm, chiều hướng dấu vết mờ dần từ ngoài vào trong, từ dưới lên trên; Vùng thái dương trái có vết thương dài 5 cm, bờ vết thương nham nhở. Nhưng Giấy chứng nhận thương tích ngày 04/10/2012 của Bệnh viện đa khoa khu vực Tiên Yên, tỉnh Q thể hiện: Chị Lý Thị Nguyên bị thương vùng thái dương bên trái dài 05 cm, bờ nham nhở không tổn thương xương sọ; cổ trái có vết bầm tím (07X 03) cm; vết bầm tím dọc lưng vai trái (08 x 03) cm, vùng ngực trái ấn đau chói; bụng mềm nắn đau hạ sường trái, sây sát da bàn chân trái; X quang gãy xương sườn I, II, III, IV, VI, VII. Biên bản khám xe liên quan đến vụ án không mô tả tình trạng, hệ thống an toàn của xe mô tô anh Sinh điều khiển; vị trí nào của xe mo tô do anh Sinh điều khiển va quyệt vào cột tiêu ven đường dẫn đến ngã xe.
Nội dung cáo trạng viết dài, không cô đọng; nhiều nội dung thừa không cần thiết phải nêu trong cáo trạng. Ví dụ: Phần trên đã nêu hành vi của Coỏng và Bốn những đến đoạn cuối phần kết luận lại nêu “Coỏng, Bốn có hành vi tham gia cùng đồng bọn đi đánh vợ chồng anh Sinh; Coỏng còn có hành vi cho Quang mượn xe mô tô biển số 14 H7 – 0791 để sử dụng vào việc đuổi đánh vợ chồng anh Sinh.”. Bị cáo khai Quang điều khiển xe máy chở Hường chạy vượt lên phía trước khoảng 20 m, quay lại thấy vợ chồng anh Sinh bị ngã xe, nhưng cáo trạng lại nêu anh Sinh điều khiển xe đi tiếp khoảng 20 mét thì đâm vào cọc tiêu làm xe mô tô bị đổ.
Cáo trạng nêu hậu quả: Anh Sinh bị tử vong tại hiện trường, chị Nguyên bị thương tích, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tiên Yên nhưng phần kết luận lại nêu Hành vi nêu trên của các bị can Lý Văn Năm, Phùn Văn Hường, Lý Văn Quang, Lý Văn Coỏng và Hồ Văn Bốn đã phạm vào tội: “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 3 Điều 104 (Thuộc trường hợp quy đinh tại điểm a và điểm i khoản 1) Bộ luật hình sự.
Và quyết định truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Tiên Yên, tỉnh Q, để xét xử đối với các bị can Lý Văn Năm, Phùn Văn Hường, Lý Văn Quang, Lý Văn Coỏng (tên gọi khác: Anh) và Hồ Văn Bốn (tên gọi khác: Tư), về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 (Thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm i khoản 1) Bộ luật hình sự.
Mặc dù vụ án trên có nhiều vi phạm trong việc điều tra, thu thập chứng cứ, truy tố và xét xử như đã nêu ở trên, lẽ ra phải kháng nghị phúc thẩm để hủy án, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử lại theo khoản 3 Điều 104 BLHS (gây thương tích dẫn đến chết người). Nhưng xét thấy mức hình phạt đối với các bị cáo đã phù hợp và để ổn định Bản án nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Q không kháng nghị phúc thẩm.
Thúy Hồng