Vừa qua, Phòng 12 VKSND tỉnh Nam Định ban hành thông báo rút kinh nghiệm một số vụ án có vi phạm; Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:..
Rút kinh nghiệm một số vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động có vi phạm
Vừa qua, Phòng 12 VKSND tỉnh Nam Định ban hành thông báo rút kinh nghiệm một số vụ án có vi phạm; Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
1. Vụ án tranh chấp bảo hiểm xã hội giữa nguyên đơn Phạm Ngọc M, sinh năm 1953 với bị đơn Công ty Cổ phần vận tải A (người đại diện là Hoàng Đăng D, Chủ tịch HĐQT): Ông M là Giám đốc Chi nhánh Cảng thuộc Công ty Cổ phần vận tải A (sau đây gọi tắt là Công ty A). Đến tháng 11/2013 ông M đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định nhưng giữa ông M với Công ty không thống nhất được các nội dung bàn giao giữa ông M và người kế nhiệm nên việc bàn giao chưa thực hiện được. Từ tháng 12/2013 đến nay ông M đã nhiều lần yêu cầu Công ty ra quyết định nghỉ hưu theo quy định cho ông nhưng Công ty trả lời chưa bàn giao xong nên vẫn tiếp tục nộp bảo hiểm xã hội và trả lương cho ông M nhưng ông M không nhận lương. Ngày 06/5/2014 ông M khởi kiện ra Tòa án yêu cầu buộc Công ty A chốt sổ bảo hiểm và chuyển hồ sơ để cơ quan bảo hiểm tỉnh giải quyết quyền lợi và chế độ hưu trí cho ông và buộc công ty bồi thường số tiền lương từ tháng 11/2013 đến khi chuyển hồ sơ là 3.152.000 đồng/tháng. Sau khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngày 10/7/2014 ông M rút yêu cầu buộc Công ty bồi thường số tiền lương từ tháng 11/2013 đến khi chuyển hồ sơ là 3.152.000 đồng/tháng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông M giữ nguyên quan điểm rút một phần yêu cầu khởi kiện của mình.
Tại bản án số 04/2014/LĐ-ST ngày 18/7/2014 quyết định: Chấp nhận yêu cầu của ông M và buộc Công ty Cổ phần vận tải A dừng việc đóng bảo hiểm xã hội, ra quyết định nghỉ hưu và giao cho Chi nhánh Cảng chốt sổ bảo hiểm và chuyển hồ sơ bảo hiểm của ông M đến bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định để giải quyết chế độ hưu trí cho ông M từ tháng 7 năm 2014. Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định dừng thu bảo hiểm xã hội của ông M từ tháng 7 năm 2014.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng do không có Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm: Căn cứ Khoản 2 Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: VKSND tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án thu thập chứng cứ. Căn cứ Điểm g Khoản 2 Điều 85, Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự và Khoản 1 Điều 7 Thông tư liên ngành số 04/2014/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 xác định: Đây là vụ án dân sự do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ, cụ thể: ngày 12/6/2014 Tòa án ra Công văn yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định cung cấp tài liệu, chứng cứ và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã cung cấp theo yêu cầu.
Chưa giải quyết hết các vấn đề của vụ án: Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử và trước khi mở phiên tòa cũng như tại phiên tòa sơ thẩm ông M rút một phần yêu cầu khởi kiện của mình. Vì vậy căn cứ Khoản 2 Điều 218, Điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 32 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng xét xử phải nhận định và quyết định đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu ông M đã rút trong bản án. Tuy nhiên, tại phần quyết định của bản án số 04 không có nội dung này.
Vi phạm thời hạn chuyển hồ sơ cho cấp phúc thẩm: Ngày 29/7/2014, Công ty A đã kháng cáo toàn bộ bản án. Ngày 04/8/2014 Tòa án cấp sơ thẩm thông báo việc kháng cáo cho đương sự. Ngày 02/10/2014 Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ đến Tòa án cấp phúc thẩm để thụ lý là vi phạm thời hạn chuyển hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều 255 Bộ luật tố tụng dân sự.
2. Vụ án tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa nguyên đơn Ngô Văn C và bị đơn Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo A (đại diện theo pháp luật bà Trần Thị H): Ngày 18/3/2013 ông C và Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo A (sau đây gọi tắt là Công ty A) đã ký kết hợp đồng kinh tế với nội dung: Công ty A và ông C kết hợp sản xuất thực phẩm bánh kẹo. Trong quá trình hợp tác sản xuất 2 bên đã ghi nhiều giấy biên nhận nợ với nhau. Đến ngày 06/12/2013 ông C và bà H đã thỏa thuận chốt công nợ với nhau: “bà H nợ ông C số tiền 291.436.000 đồng, giảm trừ 50.000.000 đồng” đồng thời bà H viết giấy hẹn trả nợ vào ngày 20/12/2013. Do bà H không thực hiện việc thanh toán như thỏa thuận nên ngày 01/01/2014 ông C đã làm đơn khởi kiện yêu cầu bà H thanh toán số tiền là 501.813.000 đồng. Ngày 11/3/2014 Tòa án nhân dân thành phố Nam Định đã thụ lý đơn của ông C và xác định đây là vụ án dân sự về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Ngày 06/5/2014 ông C nộp bản Hợp đồng kinh tế ngày 18/3/2013 và ngày 08/9/2014, ông C bổ sung yêu cầu khởi kiện: yêu cầu Tòa án thanh lý hợp đồng ngày 18/3/2013 và buộc Công ty A thanh toán trả cho ông số tiền nợ tổng cộng là 546.976.000 đồng, gồm: tiền nợ gốc 501.813.000 đồng và lãi suất chậm trả từ 01/01/2014 đến tháng 9/2014 mức 1%/tháng là 45.163.000 đồng. Ngày 12/9/2014, Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định số 05/2014/QĐST-DS đưa vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản ra xét xử. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử xác định tranh chấp giữa ông C và Công ty A là tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh nên căn cứ vào Khoản 1 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền thụ lý của Tòa án và tại Bản án số 53/2014/KDTM-ST quyết định: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông C: chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 18/3/2013 giữa Công ty A và ông C; buộc Công ty A thanh toán trả ông C 546.976.000 đồng và nộp án phí 25.879.000 đồng.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Xác định sai quan hệ tranh chấp: Khi nộp đơn khởi kiện ông C yêu cầu bà H thanh toán nợ và cung cấp các giấy biên nhận nợ nên Tòa án sơ thẩm xác định là vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản có bị đơn là bà H là đúng. Nhưng trên cơ sở bản hợp đồng ngày 18/3/2013, các tài liệu hai bên đương sự cung cấp và ngày 8/9/2013 ông C khởi kiện Công ty A phải xác định là vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh với bị đơn là Công ty A nhưng trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2014/QĐST-DS ngày 12/9/2014 vẫn xác định là vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng vay tài sản là không đúng theo hướng dẫn tại Điểm d Điều 2 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 03/2012).
Áp dụng sai căn cứ pháp luật về thụ lý: Ông C là cá nhân không có đăng ký kinh doanh nhưng hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa 2 bên đều có mục đích lợi nhuận nên phải căn cứ Điểm b, Điều 2 Nghị quyết số 03/2012 để Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án kinh doanh thương mại nhưng tại Bản án số 53 Hội đồng xét xử xác định áp dụng căn cứ theo Khoản 1 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự để thụ lý là không chính xác.
Vi phạm quy định tố tụng về việc lấy lời khai đương sự: Việc lấy lời khai của đương sự do Thẩm phán tiến hành nhưng ngày 23/4/2014 Thư ký tiến hành lấy lời khai của chị H là không đúng quy định tại Điều 86 Bộ luật tố tụng dân sự.
Quyết định thiếu căn cứ: Theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại thì bên có nghĩa vụ phải thanh toán lãi suất chậm trả trên số tiền chậm trả theo yêu cầu của bên có quyền với mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán ứng với thời gian chậm trả. Ông C yêu cầu Công ty A trả mức lãi suất 1%/tháng. Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán nhưng tại Bản án số 53, Hội đồng xét xử quyết định buộc Công ty A phải thanh toán số tiền lãi với mức lãi suất 1%/tháng là thiếu căn cứ.
TH