Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo rút kinh nghiệm một số vấn đề nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự; Trang tin điện tử Viện kiểm sát tối cao trích đăng để các bạn tham khảo...
Rút kinh nghiệm qua xét xử giám đốc thẩm
vụ án “Hiếp dâm trẻ em” ở Nghệ An
Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo rút kinh nghiệm một số vấn đề nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự; Trang tin điện tử Viện kiểm sát tối cao trích đăng để các bạn tham khảo:
Chị Châu Thị Thương(là vợ của Vương Khánh Hiệp) nhận cháu Lê Thị Trang về trông con cho mình và gia đình chị Thương nuôi cháu Trang ăn học từ tháng 5/2008. Tháng 2/2009, cháu Trang nhắn tin bảo bà nội là Vương Thị Tìu Em và chị gái đến đón Trang về nhà bà. Khoảng 24 giờ ngày 22/2/2009 Vương Khánh Hiệp đi xe máy đến nhà bà Tìu Em, để xe máy ngoài sân, vào nhà nằm cạnh cháu Trang và sờ vào người cháu. Bà Tìu Em nhìn thấy liền hô lên: “Thằng Hiệp rờ con Trang!”. Hiệp bỏ chạy ra sân, rồi đi xe máy về nhà. Công an xóm lập biên bản thu giữ 01 áo, 01 mũ bảo hiểm và 62.000 đồng. Quá trình điều tra, xác định: cuối tháng 12/2008 và tháng 2/2009 Hiệp đã 02 lần đến giường Trang nằm ngủ, ôm hôn, sờ soạng người cháu, rồi cởi quần áo giao cấu với cháu. Cháu Trang phản ứng nhưng không chống cự được. Giao cấu xong, Hiệp về giường ngủ. Hai lần bị Hiệp hiếp dâm, Trang đều kể với chị Thương, chị Thương đều nói: “do chú Hiệp say rượu, chấp làm gì”. Biên bản hội chẩn của Trung tâm chăm sóc sức khỏe tỉnh Nghệ An ngày 23/2/2009 kết luận: “cháu Lê Thị Trang: vết rách cũ màng trinh điểm 3h-6h”. Biên bản hội chẩn của Bệnh viện đa khoa huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ngày 27/2/2009 kết luận: “ cháu Lê Thị Trang: vết rách màng trinh đã cũ, không rõ vị trí”.
Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh Nghệ An hoàn thành cáo trạng, quyết định truy tố Hiệp về tội: “Hiếp dâm trẻ em”, và chuyển Tòa án tỉnh xét xử. Bản án hình sự sơ thẩm số 103/2009/HSST ngày 25/11/2009, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định: Áp dụng khoản 4 Điều 112, khoản 2 Điều 46, các điểm h, điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; xử phạt Vương Khánh Hiệp 14 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”, thời hạn tù tính từ ngày 27/3/2009. Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự, Điều 611 Bộ luật dân sự, buộc bị cáo phải bồi thường cho cháu Trang tiền bồi dưỡng sức khỏe, bù đắp tổn thất tinh thần, danh dự, nhân phẩm, với tổng số tiền là 10.000.000 đồng. Ngoài ra Tòa án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo. Ngay sau khi nhận được bản án, Vương Văn Hiệp đã kháng cáo kêu oan. Đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt, tăng mức bồi thường đối với bị cáo.
Bản án hình sự phúc thẩm số 387/2010/HSPT ngày 27/7/2010, Tòa ápn nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định hủy bản án hình sự sơ thẩm số 103/2009/ HSST ngày 25/11/2009 của Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An, yêu cầu điều tra lại ở cấp sơ thẩm.
Kháng nghị số 47/2010/HS-TK ngày 20/10/2010, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản hình sự phúc thẩm số 387/2010/HSPT ngày 27/7/2010 của Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm trên, giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Qua xét xử giám đốc thẩm vụ án này, một số vấn đề cần được rút kinh nghiệm là:
Đối với vụ án “Hiếp dâm Trẻ em”: quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Vương Văn Hiệp đều không nhận có hành vi hiếp dâm cháu Trang. Tòa án sơ thẩm kết tội Hiệp “Hiếp dâm trẻ em” dựa trên cơ sở lời khai người bị hại, kết luận giám định, lời khai người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ.
Hiệp kêu oan với lý do: Trong khoảng thời gian tháng 2/2009(sự việc hiếp dâm xảy ra) bị cáo không có mặt ở nhà. Tuy nhiên, quá trình xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử không xét đến lý do bị cáo kêu oan, mà lại hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại với những lý do về các vấn đề hoặc đã được xác định, hoặc không liên quan đến tội hiếp dâm trẻ em mà bị cáo bị xét xử, cụ thể:
Về các biên bản hội chẩn: trong hồ sơ có 02 giấy trích biên bản hội chẩn, nhưng có những điểm không đồng nhất như: một giấy của Trung tâm chăm sóc sức khỏe tỉnh Nghệ An xác định “vết rách cũ màng trình đã cũ không rõ vị trí”, nhưng cả hai trích biên bản hội chẩn đều kết luận cháu Trang “màng trinh bị rách, vết rách đã cũ”. Cả hai cơ quan y tế trên đều không có thẩm quyền và năng lực xác định tình trạng, mức độ, hậu quả bị xâm hại tình dục của cháu Lê Thị Trang. Người bị hại, người đại diện hợp pháp và bị cáo không ai khiếu nại về kết luận của trích biên bản hội chẩn; vì thế, việc giám định lại là không cần thiết.
Giám định để xác định tổn hại sức khỏe của người bị hại: trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện việc cháu Trang bị tổn hại sức khỏe do bị xâm hại tình dục. Mặt khác, việc giám định để xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe chỉ đặt ra khi người bị hại yêu cầu và thực tế có thương tích, tổn hại xẩy ra.
Người đại diện hợp pháp của người bị hại: cháu Trang có 12 lời khai tại Cơ quan điều tra: trong đó 01 lời khai không có người giám hộ, 02 lời khai do cậu của cháu là ông Hoàng Trọng Cát làm giám hộ; 01 lời khai do bác của cháu là ông Lê Văn Đình giám hộ; 01 lời khai do bà Phương Thảo, đại diện Hội phụ nữ huyện Nam Đàn giám hộ; 02 lời khai do chị con bác ruột cháu là Lê Thị Hồng Thái giám hộ; 01 lời khai có giám hộ và luật sư tham gia, còn lại phần lớn lời khai của cháu là do ông Lê Hồng Sơn bác của cháu làm giám hộ. Do hoàn cảnh cháu Trang mồ côi mẹ từ nhỏ, bố bỏ đi làm xa không rõ ở đâu từ 2008, cháu ở với bà nội Vương Thị Tìu Em, nên Cơ quan điều tra mời những người trên giám hộ cho cháu là phù hợp. Mặt khác, tất cả lời khai của người bị hại là thống nhất và phù hợp với các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Bà nội cháu Trang, ông Lê Hồng Sơn (được bà nội cháu Trang ủy quyền tham gia đại diện hợp pháp cho người bị hại) đều không khiếu nại gì về việc Cơ quan điều tra mời những người trên là đại diện hợp pháp cho cháu Trang. Vì vậy, việc xác định ai là người đại diện hợp pháp cho cháu là không cần thiết.
Việc bà Bạch Thị Lan có mặt tại nhà bị cáo: quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm bị cáo Hiệp, chị Thương (vợ bị cáo), cháu Vương Thế Tài (con bị cáo) và cháu Lê Thị Trang không đề cập đến việc bà Bạch Thị Lan (mẹ chị Thương) có đến ngủ ở nhà Hiệp. Trong đơn kháng cáo, bị cáo cũng không đề cập đến việc bà Lan có mặt ở nhà bị cáo. Bà Lan có mặt ở phiên tòa phúc thẩm và khai là có mặt ở nhà bị cáo từ ngày mùng 8 tết âm lịch năm 2009. Tuy nhiên, vụ án xảy ra khoảng tháng 12/2008 và cuối tháng 2/2009; theo chính lời khai của bị cáo, vợ bị cáo và bà Lan thì thỉnh thoảng bà Lan có đến ở nhà bị cáo, không phải là thường xuyên. Cháu Trang khai những lần Hiệp hiếp dâm cháu đều không có bà Lan ngủ ở nhà Hiệp. Vì thế không có cơ sở để chấp nhận vấn đề nêu trên và việc Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì lý do này là không có căn cứ.
Về việc chị Châu Thị Thương (vợ bị cáo) có biết hay không biết việc chồng mình hiếp dâm cháu Trang: cháu Trang khai có kể lại việc bị Hiệp hiếp dâm cho chị Thương nghe. Mặc dù chị Thương phủ nhận hoàn toàn việc này, nhưng đây chỉ là một trong những cơ sở để xác định hành vi phạm tội của bị cáo và nó cũng không làm thay đổi bản chất của vụ án; nếu có căn cứ kết luận chị Thương biết thì phải xem xét trách nhiệm hình sự với chị Thương. Về vấn đề này Cơ quan điều tra không xem xét nên không thuộc phạm vi xét xử.
Về list điện thoại: nội dung nhắn tin từ số máy của Vương Khánh Hiệp đến số máy của ông Lê Hồng Sơn, Cơ quan điều tra đã làm rõ tại các biên bản, những người liên quan đều thừa nhận nội dung tin nhắn và không hề khiếu nại về việc này. Do đó, việc lấy list các tin nhắn mà bị cáo nhắn tin vào máy ông Sơn là không cần thiết, không làm thay đổi nội dung tin nhắn.
Chính vì những vi phạm trên đây mà bản án phúc thẩm đã bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên hủy bản án phúc thẩm trên để xét xử phúc thẩm lại. Mặc dù những vi phạm này là của Tòa án cấp phúc thẩm, song Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án này cũng không phát hiện được những vi phạm nghiêm trọng của Hội đồng xét xử phúc thẩm để đề xuất, báo cáo kháng nghị giám đốc thẩm, đảm bảo cho việc xét xử của Tòa án đúng pháp luật.
Thái Hưng