Quá trình xét xử tại phiên tòa, Kiểm sát viên đề nghị và Hội đồng xét xử đã áp dụng Điều 60 Bộ luật hình sự về xử phạt bị cáo hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng với quy định của pháp luật...
Rút kinh nghiệm việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo trong xét xử án hình sự có hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao
Quá trình xét xử tại phiên tòa, Kiểm sát viên đề nghị và Hội đồng xét xử đã áp dụng Điều 60 Bộ luật hình sự về xử phạt bị cáo hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng với quy định của pháp luật. Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao thấy cần phải rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong xét xử vụ án hình sự, nhất là các vụ án về tội phạm công nghệ cao, Cụ thể như sau:
Vụ án thứ nhất: Khoảng 21h30 ngày 24/7/2012, Chu Công Đào điều khiển xe Ben, hiệu DONGFENG, BKS: 99K-6809 chở cát từ Cầu Hồ về thành phố K, theo quốc lộ 38. Khi đến km số 2 + H1, thuộc địa phận xã Khắc Niệm, thành phố K, Đào phát tín hiệu xin vượt xe ô tô tải phía trước cùng chiều. Đồng thời, Đào cho xe lấn sang phần đường của xe ngược chiều. Do thiếu quan sát, nên Đào đâm vào xe mô tô nhãn hiệu Yamaha, BKS: 99H7-2546 do ông Lê Bái chở ông Lê Quân đi ngược chiều. Hậu quả ông Lê Bái và ông Lê Quân chết tại chỗ. Đào bỏ chạy rồi đến cơ quan công an đầu thú. Đào cùng gia đình bồi thường cho gia đình hai ông là 130.000.000 đồng và giá trị xe máy 24.000.000 đồng. Viện kiểm sát nhân dân thành phố K hoàn thành Cáo trạng truy tố Chu Công Đào theo khoản 2 Điều 202 BLHS. Bản án HSST số 22 ngày 25/11/2012 của Tòa án nhân dân thành phố K, áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 202, điểm b, p khoản 1 Điều 46 BLHS, Điều 33 BLHS xử phạt: bị cáo Chu Công Đào 36 tháng tù về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và cấm hành nghề lái xe một năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù, tạm giữ giấy phép lái xe cho đến hết thời hạn cấm hành nghề lái xe.
Sau khi nhận bản án, Chu Công Đào kháng cáo, xin hưởng án treo. Tòa án tỉnh K, tại bản án hình sự phúc thẩm số 11 ngày 26/01/2013, đã sửa án sơ thẩm, áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 202; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Đào 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm.
Ngày 27/10/2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định số 26 cùng ngày, kháng nghị giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm trên, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, xét xử giám đốc thẩm hình sự, hủy bản án hình sự phúc thẩm trên, để xét xử lại theo hướng không cho bị cáo hưởng án treo.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 11 ngày 21/7/2014, Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm trên đây của Tòa án nhân dân tỉnh K; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh K xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Vụ án thứ hai: Ngày 15/12/2011, hãng Hàng không Tiger Airways phát hiện hành khách Phan Long sử dụng vé giả có mã số ONINBE đang làm thủ tục lên máy bay khởi hành từ Singapore đi Chen Nai - Ấn Độ. Ông Long trình bày đã mua vé của Hãng bán tại số 7, Thi Sách, quận HBT, thành phố H với giá 240 SGD (tiền singapore). Số nhà này Trung tâm trực tuyến của hãng Hàng không trên đã thuê để hoạt động; từ tháng 11/2010 không hoạt động nữa, giờ là trụ sở Công ty TNHH Đất Việt, do vợ chồng Dương Quý và Mai Liên làm chủ doanh nghiệp. Từ phát hiện này, Hãng đã tố cáo với Cơ quan điều tra thành phố về việc hệ thống máy tính của Hãng bị kẻ gian truy cập trái phép, chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã khám xét nơi ở, Công ty của Dương Quý và thu 01 một máy tính xách tay nhãn hiệu HP Quý đang sử dụng
Qua điều tra thấy: Quý và vợ làm hợp đồng đại lý bán vé máy bay cho hãng Hàng không Tiger Airways khu vực miền bắc từ tháng 9/2008. Công ty của Thanh được Hãng cung cấp phần mềm dịch vụ giữ chỗ. Là nhân viên phụ giúp bán vé và hỗ trợ kỹ thuật nên Quý biết rõ các thao tác bán vé. Có vài lần ông Trưởng đại diện của Hãng tại Việt Nam, nhờ Quý truy cập vào tài khoản cao cấp mà Hãng chỉ cấp riêng cho Trưởng đại diện, nên Quý nhớ được mật khẩu. Sau khi mua được Công ty TNHH Đất Việt, Mai Liên, vợ Quý làm giám đốc, Quý phó giám đốc phụ trách bán vé máy bay. Từ tháng 11/2010, Công ty của Quý không được bán vé theo phương thức hợp đồng đại lý nữa mà chỉ được phép truy cập vào trang Website của Hãng, đặt mua vé cho khách và trả tiền qua hệ thống ngân hàng, rồi bán lại cho khách để hưởng phí. Bằng cách này thì Quý không được hưởng lợi cao. Quý nảy sinh ý đồ sử dụng tên truy cập và mật khẩu của ông Trưởng đại diện hãng Hàng không Tiger Airways tại Việt Nam để truy cập vào tài khoản cao cấp của Hãng, đặt mua vé với giá rẻ hơn giá thông thường từ 15% đến 20% rồi bán lại cho khách theo giá thông thường, chiếm đoạt số tiền chênh lệch, cụ thể: từ 25/3/2011 đến 15/12/2011 Quý bán được 103 vé (trong đó có 43 vé đã bán trót lọt, còn 60 vé khách chưa chuyển tiền nên vé tự hủy). Số tiền chênh lệch của 43 vé đã bán, Quý chiếm đoạt được là 10.579,56 USD và 2079,38 SGD quy đổi VN đồng thời điểm Quý chiếm đoạt là 198.595.335 đồng. Phương tiện Quý sử dụng phạm tội là máy tính xách tay. Vụ án không có đồng phạm.
Tòa án nhân dân thành phố H, tại bản án hình sự sơ thẩm số 56/2012/HSST ngày 15/12/2012, áp dụng điểm e khoản 2 Điều 138, điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 465, điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 41; Điều 60 Bộ luật hình sự; Điều 76; Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự, Xử phạt Quý 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng.
Không có kháng cáo, kháng nghị.
Bản án hình sự số 56 trên đã bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Ngày 21/7/2014, tại quyết định giám đốc thẩm số 14/2014/HS-GĐT,Tòa hình sự, Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định hủy bản án HSST trên đây của thành phố H về phần trách nhiệm hình sự đối với Dương Quý để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Vụ án thứ ba: Văn Thành Kim là nhân viên bán hàng thuộc Công ty TNHH sản xuất thương mại môtô Việt Nhật được giao nhiệm vụ: Giao hàng cho các đại lý và thu tiền bán hàng nộp cho Công ty trong thời hạn 02 ngày tại địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Thanh Hóa và thành phố H. Từ ngày 21/11/2010 đến ngày 12/7/2011 Kim đã thu tiền bán hàng của các đại lý là 249.187.000 đồng, nhưng chỉ nộp cho Công ty 155.000.000 đồng; còn lại 94.187.000 đồng Kim giữ lại tiêu sài cá nhân. Không những thế, Kim còn nhận hàng hóa của Công ty trị giá là 126.124.000 đồng để giao cho đại lý, song chỉ giao một phần hàng hóa giá trị 94.270.000đ, còn lại lượng hàng trị giá 31.854.000 đồng, Kim bán cho người khác lấy tiền tiêu sài cá nhân. Như vậy, Kim đã chiếm đoạt tài sản của Công ty là 126.041.000đ. Công ty yêu cầu nộp lại tiền nhưng Kim nại ra rằng đã nộp nhưng Công ty không viết phiếu, hoặc làm tài liệu giả mạo về một đại lý của Công ty lấy hàng chưa trả tiền, nên Kim chưa trả cho Công ty được. Bản án hình sự sơ thẩm số 124/2012/HSST ngày 8/10/2012, của Tòa án nhân dân huyện T, áp dụng điểm d khoản 2 Điều 140; các điểm b, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự, xử phạt Văn Thành Kim 03 năm tù về tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; buộc bị cáo bồi thường cho Công ty TNHH sản xuất thương mại mô tô Việt Nhật 121.041.000 đồng.
Nhận được bản án, bị cáo Kim kháng cáo kêu oan. Bản án hình sự phúc thẩm số 166/2012/HSPT ngày 22/12/2012, Tòa án nhân dân thành phố H áp dụng thêm khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự; xử phạt Văn Thành Kim 03 năm tù về tội: Lạm dụng tín nhiệm chiểm đoạt tài sản, nhưng cho hưởng án treo, thử thách là 05 năm.
Qua xét xử giám đốc thẩm các vụ án trên, thấy rằng Hội đồng xét xử đã vi phạm nghiêm trọng khi áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự, cần phải rút kinh nghiệm, cụ thể:
Đối với vụ án Chu Công Đào: Lỗi hoàn toàn thuộc về lái xe Chu Công Đào, khi điều khiển ô tô đã phóng nhanh, vượt ẩu, không quan sát đường trước khi cho xe vượt, nên đã đâm vào xe mô tô ngược chiều làm hai người chết và xe mô tô hỏng nặng. Do vậy, Tòa án sơ thẩm phạt 36 tháng tù là có căn cứ và đúng pháp luật. Dù không có tình tiết giảm nhẹ nào, nhưng Tòa án phúc thẩm vẫn sửa án, cho bị cáo hưởng án treo và cấm hành nghề lái xe là không nghiêm, không đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm đối với hành vi phạm tội của bị cáo, không có tác dụng đấu tranh phòng ngừa loại tội phạm này đang ngày càng gia tăng. Mặc dù hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là rất nghiêm trọng, hậu quả nặng nề, mức độ và tính chất nguy hiểm, nhưng Kiểm sát viên vẫn đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo hưởng án treo; ở phiên tòa phúc thẩm, mặc dù không có thêm tình tiết giảm nhẹ mới nào, nhưng Kiểm sát viên vẫn đề nghị Hội đồng xét xử sửa án, cho bị cáo hưởng án treo là không đánh giá đúng tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội bị cáo gây ra.
Đối với vụ án Dương Quý đã nhiều lần sử dụng tên và mật khẩu của Trưởng đại diện hãng Hàng không Tiger Airways tại Việt Nam để truy cập vào tài khoản cao cấp của ông này và thực hiện trót lọt hành vi phạm tội với 43 lần, chiếm đoạt số tiền 198.595.335 đồng của Hãng. Tòa án sơ thẩm kết án bị cáo về tội Trộm cắp tài sản, theo điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật.
Như vậy, hành vi phạm tội của bị cáo thể hiện sự coi thường pháp luật, không những xâm hại đến tài sản của hãng Hàng không Tiger Airways mà còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bị cáo sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn tinh vi, chỉ chấm dứt hành vi phạm tội khi bị phát hiện; chiếm đoạt tài sản gần sát mức cao nhất được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự, nhưng Tòa án sơ thẩm chỉ xử phạt bị cáo 30 tháng tù, gần bằng mức thấp nhất của khung hình phạt nhẹ và cho bị cáo hưởng án treo là không đánh giá đúng vai trò, tính chất mức độ phạm tội của bị cáo, trái với Điều 60 Bộ luật hình sự.Trong khi đó khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự từ 2 đến 7 năm tù.
Với vụ án Văn Thành Kim: Cần phải thấy rằng: Khi được giao việc đi giao hàng cho các đại lý và trực tiếp thu tiền, Văn Thành Kim đã có thủ đoạn gian dối như không giao đủ hàng cho các đại lý, không thừa nhận còn nộp thiếu tiền nhằm chiếm đoạt của Công ty TNHH sản xuất thương mại mô tô Việt Nhật với tổng số tiền là 126.041.000 đồng. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm kết án Văn Thành Kim về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo điểm d khoản 2 Điều 140 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Song áp dụng các tình tiết tăng nặng, trách nhiệm hình sự với bị cáo còn thiếu sót đó là: ngoài tình tiết “phạm tội nhiều lần“ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự, Văn Thành Kim còn có hành vi làm tài liệu giả, khai báo gian dối cho người khác nhằm che dấu hành vi phạm tội nên phải được coi là tình tiết tăng nặng “có hành động xảo quyệt nhằm che dấu tội phạm”.
Tòa án hai cấp đã không áp dụng điểm 0 khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự với bị cáo là thiếu sót. Tòa án sơ thẩm xử phạt Kim 03 năm tù là đã xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo.
Dù bị cáo đã đã bồi thường toàn bộ giá trị tài sản thiệt hại và nếu có căn cứ, thì Tòa án phúc thẩm cũng chỉ có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo đã là đủ. Còn cho bị cáo hưởng án treo là không đúng quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự về chế định án treo.
Điều đáng nói ở đây là kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đã không phát hiện được các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này, nên đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, cho Văn Thành Kim được hưởng án treo là chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội của bị cáo.
Thái Hưng