CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hội nghị Sơ kết rút kinh nghiệm về trực nghiệp vụ của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang

02/03/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm 08 năm thực hiện Chỉ thị số 06/CT- VKSTC ngày 06/3/2002 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức trực nghiệp vụ trong ngành kiểm sát nhân dân...
Hội nghị Sơ kết rút kinh nghiệm về trực nghiệp vụ của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang
 
Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm 08 năm thực hiện Chỉ thị số 06/CT- VKSTC ngày 06/3/2002 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức trực nghiệp vụ trong ngành kiểm sát nhân dân.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác trực nghiệp vụ là nhiệm vụ đầu tiên, then chốt trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự của Viện kiểm sát nhân dân. Thông qua trực nghiệp vụ, Viện kiểm sát tiếp nhận, nắm bắt tính hình vi phạm pháp luật và tội phạm xảy ra trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển ổn định kinh tế, xã hội tại địa phương.
Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp tỉnh, huyện tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 06 ngày 06/3/2002 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về trực nghiệp vụ ngày nghỉ, ngày lễ, bảo đảm kiểm sát viên trực 24/24 giờ tại các đơn vị để tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm; thực hiện việc kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kiểm sát việc bắt, gia hạn tạm giữ, tạm giam thuộc thẩm quyền.
Do có sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp, nên công tác trực nghiệp vụ được tiến hành kịp thời, đúng qui định; số lượng, thành phần trực, các thủ tục, trình tự, thời gian, địa điểm được đảm bảo.
Ngày 04/8/2009, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định số 398/QĐ - VKS về việc thành lập Ban chỉ huy trực nghiệp vụ do đồng chí Phó Viện trưởng phụ trách khối hình sự làm Chỉ huy trưởng để lãnh đạo, điều hành và tổ chức kiểm tra công tác trực nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát hai cấp. Tiến hành kiểm tra thường xuyên và đột xuất công tác trực nghiệp vụ của hai cấp, biểu dương những đơn vị làm tốt và chấn chỉnh những ca trực chưa tốt kiểm điểm rút kinh nghiệm. Chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ trực được  thanh toán kịp thời, đúng qui định.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chỉ thị 06/CT- VKSTC ngày 06/3/2002 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Tiền Giang còn gặp một số khó khăn, vướng mắc và tồn tại, thiếu sót.
Về khó khăn, vướng mắc: Trước đây cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị phục vụ công tác trực nghiệp vụ (đèn pin, máy ảnh, máy quay phim… không có), do vậy cũng ảnh hưởng đến hiệu quả trực nghiệp vụ, những năm gần đây mới được trang bị đầy đủ; Một số đơn vị cấp huyện có số lượng Nữ kiểm sát nhiều nên việc phân công kiểm sát viên trực, nhất là trực đêm có khó khăn, một số đơn vị số lượng kiểm sát viên ít nên trong tuần các kiểm sát viên luân phiên trực nhiều; Ngành chưa ban hành mầu sổ theo dõi, quản lý công tác trực nghiệp vụ nên nhiều đơn vị tự mở sổ theo dõi nên chưa thống nhất về các tiêu chí, không thuận lợi cho công tác tổng hợp, kiểm tra; Một số đơn vị như: Mỹ Tho, Châu Thành, Cái Bè, Cai Lậy việc khám nghiệm hiện trường, tử thi xảy ra nhiều và thường xuyên, kiểm sát viên phải tham gia 100% mất nhiều thời gian, công sức, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các công tác chuyên môn khác…; Chưa có hướng dẫn về thanh toán khám nghiệm tử thi cho kiểm sát viên cấp huyện và kiểm sát viên cấp tỉnh cùng tham gia khám nghiệm trong một vụ việc. 
Về tồn tại, thiếu sót: Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp có lúc, có nơi chưa quan tâm đúng mức về công tác trực nghiệp vụ. Việc trực tại một số đơn vị có lúc chưa nghiêm, nhưng chưa được kiểm tra thường xuyên để chấn chỉnh kịp thời, một số lãnh đạo cấp huyện chưa gương mẫu nên việc trực nghiệp vụ tại đơn vị mình chưa tốt; Một số kiểm sát viên chưa thực hiện đúng chế độ trực theo sự phân công, đến trễ, về sớm…dẫn tới một số trường hợp giải quyết không kịp thời, khi có vi phạm, tội phạm xảy ra các Cơ quan điều tra, Giám định pháp y, Cảnh sát giao thông …phải chờ kiểm sát viên đến để tiến hành khám nghiệm v.v… Những tồn tại thiếu sót trên đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác trực nghiệp vụ; Một số kiểm sát viên cấp huyện không trực tiếp làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự, chưa có kinh nghiệm nên còn lúng túng khi được phân công trực nghiệp vụ; Sổ trực nghiệp vụ không ghi đầy đủ các cột, mục cần thiết; có đơn vị chưa báo cáo Viện kiểm sát cấp trên về kết quả thực hiện công tác trực nghiệp vụ trong Báo cáo hàng tuần như: Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước, Thành phố Mỹ Tho; Việc sử dụng phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi chưa phát huy hết tác dụng. Việc lưu trữ, khai thác, sử dụng những dữ liệu, hình ảnh đã thu thập được còn nhiều hạn chế.
 Qua Hội nghị tổng kết công tác trực nghiệp vụ, Viện kiểm sát Tiền Giang đã rút ra rút ra một số nguyên nhân về ưu, khuyết điểm là:
Về nguyên nhân của kết quả đạt được: Viện trưởngViện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị qui định về tổ chức trực nghiệp vụ kịp thời, là căn cứ để Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện tốt công tác trực nghiệp vụ; Việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị được kịp thời; Phần lớn kiểm sát viên tham gia trực đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được phân công trong thời gian trực; Sự phối hợp kịp thời, có hiệu quả của các ngành chức năng như Công an, Giám định pháp y, tâm thần… cũng như chính quyền địa phương và nhân dân ở những địa phương nơi thực hiện khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để Kiểm sát viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; Viện kiểm sát cấp trên quan tâm đầu tư trang thiết bị hỗ trợ công tác trực nghiệp vụ và khám nghiệm hiện trường, khàm nghiệm tử thi.
Nguyên nhân của thiếu sót: ý thức chấp hành chế độ trực của một số cán bộ, kiểm sát viên chưa cao, chưa nhận thức hết được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác trực nghiệp vụ; Một vài trường hợp lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện, Trưởng ca trực nghiệp vụ VKS tỉnh chưa gương mẫu, chưa tổ chức thực hiện nghiêm túc việc trực và những vấn đề liên quan như thanh toán chế độ trực, ghi sổ trực, sử dụng các trang thiết bị chuyên môn trong quá trình trực; Trình độ, kinh nghiệm thực hiện các công việc trong quá trình trực như: tiếp nhận, phân loại tin báo, tố giác tội phạm, kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đề xuất phê chuẩn các trường hợp bắt, gia hạn tạm giữ, tạm giam của kiểm sát viên cấp huyện chưa đồng đều, nhất là đối với những kiểm sát viên không trực tiếp làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự; Chế độ bồi dưỡng 20.000đ/ ngày và 30.000đ/đêm là chưa phù hợp…
Hội nghị đã chỉ ra một số giải pháp nhằm tăng cường công tác trực nghiệp vụ trong thời gian tới như:
- Lãnh đạo Viện kiểm sát 02 cấp tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm về trực nghiệp vụ ở đơn vị mình. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06 và kiểm tra, đôn đốc công tác trực nghiệp vụ tại đơn vị mình;
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để các kiểm sát viên nêu cao tinh thần, trách nhiệm, chấp hành nghiêm Chỉ thị 06 và qui định có liên quan;
- Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Tiền Giang xây dựng, hoàn chỉnh Nội qui trực nghiệp vụ;
- Việc phân công trực tại Viện kiểm sát cấp huyện chú ý đến các yếu tố giới tính, hoàn cảnh, năng lực chuyên môn một cách hợp lý để kiểm sát viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; bố trí cán bộ luân phiên thông khâu để đồng đều về mọi mặt công tác;
- Một số Viện kiểm sát chưa có sổ trực phải mở sổ kịp thời, ghi chép đầy đủ, thực hiện báo cáo hàng tuần theo qui định. Đồng thời phải sử dụng, khai thác có hiệu quả các phương tiện như camera, máy ghi âm, chụp ảnh…, phân công cán bộ thực hiện lưu giữ âm thanh, hình ảnh.
- Tổ chức tập huấn kỹ năng, công tác chuyên môn cần thực hiện trong trực nghiệp vụ cho kiểm sát viên hai cấp.
- Kiến nghị VKS tối cao ban hành mẫu sổ theo dõi, trực nghiệp vụ thống nhất trong ngành, tăng mức tiền bồi dưỡng trực nghiệp vụ cho phù hợp và tiếp tục đầu tư trang thiết bị, các điều kiện, phương tiện máy móc kỹ thuật cho VKS các cấp.
Thanh Tâm  
Tìm kiếm