Tin hoạt động VKSND địa phương ngày 08/10/2020 gồm những nội dung chính sau: VKSND tỉnh Bình Phước tổ chức Cuộc thi Xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; VKSND tỉnh Đồng Nai tổ chức lớp Bồi dưỡng chuyên sâu về công tác kiểm sát án hình sự; VKSND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
VKSND tỉnh Bình Phước: Vừa qua, tại hội trường VKSND tỉnh Bình Phước đã diễn ra Cuộc thi Xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính năm 2020. Cuộc thi có sự tham gia của 27 thí sinh đến từ các đơn vị VKSND hai cấp tỉnh Bình Phước.
Theo Ban tổ chức, đây không chỉ là một cuộc thi mà còn là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là dịp để các Kiểm sát viên chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình công tác và trao đổi những thông tin hữu ích.
Cuộc thi đã tạo ra một đợt học tập, nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật, giúp đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên nắm chắc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, từ đó vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác.
Kết quả của Cuộc thi cũng là một căn cứ để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của Kiểm sát viên.
VKSND tỉnh Đồng Nai: Vừa qua, VKSND tỉnh Đồng Nai tổ chức lớp Bồi dưỡng chuyên sâu về công tác kiểm sát án hình sự cho 150 học viên là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên VKS hai cấp tỉnh Đồng Nai.
Phát biểu khai mạc tại lớp học, đồng chí Huỳnh Văn Lưu, Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai khẳng định, trong những năm qua, ngành Kiểm sát Đồng Nai đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, coi đây là một trong những khâu công tác đột phá. Đồng chí yêu cầu cán bộ, công chức tham gia tập huấn cần tập trung thời gian nghiên cứu, tích cực thảo luận các tình huống mà báo cáo viên nêu ra, mạnh dạn phát biểu quan điểm cá nhân để tìm ra biện pháp giải quyết có căn cứ, hợp tình, hợp lý.
Nội dung lớp bồi dưỡng chuyên sâu bao gồm:
- Một số nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch số 01/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
- Những nội dung của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và Quyết định ban hành Danh mục bí mật Nhà nước thuộc VKSND.
- Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao), có hiệu lực từ ngày 17/4/2020.
Tại buổi tập huấn, học viên được nghe Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao trực tiếp truyền đạt chuyên đề về Thông tư liên tịch số 01/2020 và những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, đồng thời phân tích rõ những hạn chế, thiếu sót trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra ở một số vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND để cán bộ, Kiểm sát viên các đơn vị cần nghiêm túc nghiên cứu, rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục kịp thời. Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Văn Tất, Phó Vụ trưởng Vụ 2 VKSND tối cao phổ biến Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố; kỹ năng ghi âm, ghi hình theo Quyết định số 264/QĐ-VKSTC.
Thông qua lớp bồi dưỡng chuyên sâu, cán bộ, công chức VKSND hai cấp tỉnh Đồng Nai đã được thêm bổ sung kiến thức về pháp luật, giúp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên.
VKSND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ: Ngày 06/10/2020, VKSND huyện Thanh Sơn phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức buổi tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho hơn 60 hội viên Hội phụ nữ.
Tại buổi tuyên truyền, đồng chí Đỗ Thị Minh Thanh, Phó Viện trưởng VKSND huyện đã trao đổi các nội dung liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, các quy định pháp luật hiện hành. Từ đó, giúp các hội viên Hội phụ nữ nắm bắt được những kiến thức pháp luật cơ bản về xâm hại tình dục trẻ em, nhận biết các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, những đối tượng có thể là thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em, một số kỹ năng ứng xử khi có tình huống xâm hại tình dục trẻ em.
Thông qua buổi tuyên truyền, mỗi hội viên sẽ là một tuyên truyền viên nhằm phổ biến những kiến thức này rộng rãi hơn để bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục.