Tin hoạt động VKSND địa phương ngày 07/8/2023 gồm những nội dung chính sau: Viện trưởng VKSND tỉnh Nam Định tham dự cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; VKSND thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên tài sản; VKSND huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị phòng ngừa tội phạm ma túy tại xã Cư Né.
VKSND tỉnh Nam Định: Vừa qua, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Nam Định đã tổ chức cuộc họp định kỳ để thảo luận, cho ý kiến đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đồng thời cho ý kiến về việc thành lập 2 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo để kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện việc phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Tại cuộc họp, Lãnh đạo VKSND và các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Nam Định đã báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và đề ra phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục xử lý trong thời gian tới đối với các vụ án, vụ việc sau: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nam Định; “Trốn thuế”, “Tham ô tài sản”, “Chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long; “Nhận hối lộ và môi giới hối lộ”, “Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam...
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Nam Định ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh trong việc xử lý các vụ án, vụ việc. Đồng chí yêu cầu cấp ủy các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc điều tra, xác minh, đánh giá chứng cứ, tài liệu xác định hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan đến các vụ án, vụ việc nêu trên; chủ động, thường xuyên phối hợp trong việc đánh giá chứng cứ cũng như các thủ tục tố tụng; đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không để oan, sai, không bỏ lọt tội phạm. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhất trí với dự kiến thành phần tham gia 2 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo để kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Ban Thường vụ Huyện ủy Hải Hậu, Ban Thường vụ Huyện ủy Ý Yên.
VKSND thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh: Ngày 14/6/2023, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Tĩnh ban hành Quyết định thi hành án số 311/QĐ-CCTHADS đối với người phải thi hành án là ông Nguyễn Tiến Ch và bà Trần Thị Lệ H (đều trú tại xã Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) phải thi hành khoản tiền là 570.346.365 đồng để trả nợ cho Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng. Cơ quan Thi hành án dân sự đã tiến hành xác minh và kết quả cho thấy ông Nguyễn Tiến Ch, bà Trần Thị Lệ H có đủ điều kiện để thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án về khoản nợ trên.
Căn cứ các quy định của pháp luật về thi hành án, ngày 03/8/2023, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Tĩnh đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành cùng chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế, kê biên tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại tổ dân phố 3, phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
VKSND thành phố Hà Tĩnh đã phân công Kiểm sát viên kiểm sát vụ việc trên. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ trình tự, thủ tục, các căn cứ cưỡng chế, kê biên tài sản, đảm bảo việc cưỡng chế, kê biên tài sản của Chi cục Thi hành án dân sự thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
VKSND huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk: Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023, xã Cư Né có 25 người nghiện ma túy (tăng hơn 90% so với cùng kỳ, chiếm 83,3% số người nghiện trong toàn huyện). Đáng chú ý, 100% số người nghiện không có nghề nghiệp ổn định, trình độ học vấn thấp và đều là người Êđê. Ngoài ra, trong 25 trường hợp nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì phần lớn đều thực hiện các hành vi trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản để có tiền mua ma túy sử dụng.
Để bảo đảm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần giảm thiểu những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm, tội phạm nói chung và tội phạm về ma túy nói riêng, Viện trưởng VKSND huyện Krông Búk đã kiến nghị Chủ tịch UBND xã và Trưởng Công an xã Cư Né quan tâm thực hiện các nội dung sau đây: Đối với Ủy ban nhân dân xã, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND xã, đoàn thể có liên quan, đặc biệt là Đoàn thanh niên tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; căn cứ tình tình thực tế tại địa phương đề ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống ma túy; thực hiện tốt chính sách dân tộc nhằm nâng cao chất lượng sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với Công an xã, cần tăng cường phối hợp, triển khai, nhân rộng mô hình “Tổ công tác tuần tra phối hợp”; xây dựng và duy trì mô hình các tổ, đội săn bắt cướp và các mô hình quần chúng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; tiếp tục thiết lập, tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động của các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm tại Trụ sở Công an xã; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện Krông Búk trong việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy nhằm răn đe, phòng ngừa chung trong cộng đồng.