Tin hoạt động VKSND địa phương ngày 18/11/2024 gồm những nội dung chính sau: VKSND tỉnh Thái Nguyên giao ban công tác kiểm sát tháng 11/2024; VKSND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với VNPT Thanh Hóa tổ chức tập huấn phần mềm Quản lý văn bản điều hành ngành Kiểm sát nhân dân; VKSND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị giao ban kết quả thực hiện công tác trong 11 tháng năm 2024; VKSND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị góp ý về những nội dung liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát trong khởi tố vụ án dân sự trước năm 2004 và thực hiện các quyền kiến nghị kiểm sát, để bảo vệ lợi ích nhà nước và lợi ích người yếu thế; Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước giám sát tình hình thực thi pháp luật của các cơ quan tư pháp…
VKSND tỉnh Thái Nguyên: Ngày 14/11/2024, VKSND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác kiểm sát tháng 11/2024.
Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 10 năm 2024, Lãnh đạo VKSND hai cấp tỉnh Thái Nguyên luôn bám sát yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội, Hệ thống chỉ tiêu cơ bản của Ngành để triển khai thành những kế hoạch cụ thể và đạt nhiều kết quả tích cực. Các đơn vị đã nỗ lực phấn đấu, thi đua, cơ bản hoàn thành đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Không để xảy ra trường hợp phải đình chỉ do không phạm tội hoặc đình chỉ không đúng pháp luật có trách nhiệm của VKS; không có trường hợp VKS truy tố oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; không có cán bộ vi phạm pháp luật hoặc vi phạm tư cách đạo đức theo quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lý Văn Huấn, Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao kết quả của các đơn vị đạt được, biểu dương một số đơn vị điển hình đã xuất sắc hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu đặt ra trước thời hạn. Đồng chí yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tiếp tục phấn đấu hoàn thành vượt các chỉ tiêu, khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót còn tồn đọng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân.
VKSND tỉnh Thanh Hóa: Trong các ngày 14, 15/11/2024, VKSND tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT tỉnh Thanh Hóa tổ chức Khóa tập huấn phần mềm Quản lý văn bản điều hành ngành Kiểm sát nhân dân.
Thực hiện Kế hoạch triển khai mở rộng phần mềm Quản lý văn bản trong ngành Kiểm sát nhân dân, VKSND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch triển khai tập huấn, thực hiện phần mềm Quản lý văn bản ở VKSND hai cấp. Theo đó, tại VKSND tỉnh tổ chức 04 lớp tập huấn trực tiếp cho các đồng chí Lãnh đạo VKSND tỉnh, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Kiểm sát viên, công chức các phòng, công chức làm công tác văn thư của VKSND tỉnh và VKSND các huyện, thị xã, thành phố. Tại VKSND cấp huyện, chủ động phối hợp với VNPT cùng cấp tổ chức tập huấn trực tiếp cho Lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên, công chức trong đơn vị. Đồng thời, yêu cầu tất cả các đơn vị áp dụng thực hiện phần mềm Quản lý văn bản mới từ ngày 01/12/2024 và việc sử dụng phần mềm là một trong những chỉ tiêu để xếp loại thi đua.
Tại lớp tập huấn ở VKSND tỉnh, các báo cáo viên VNPT tỉnh Thanh Hóa đã hướng dẫn sử dụng phần mềm Quản lý văn bản điều hành trong soạn thảo, trình ký, gửi/nhận văn bản điện tử, hướng dẫn cài đặt và sử dụng chữ ký số chuyên dùng; hướng dẫn cách gửi/nhận văn bản điện tử trong và ngoài Ngành...
Việc tổ chức các lớp tập huấn thể hiện sự quyết tâm của tập thể Lãnh đạo VKSND tỉnh Thanh Hóa trong việc đưa phần mềm Quản lý văn bản điều hành vào hoạt động tại Viện kiểm sát hai cấp, hướng đến môi trường làm việc khoa học, đồng bộ, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất làm việc.
VKSND tỉnh Quảng Nam: Vừa qua, VKSND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến hai cấp để đánh giá kết quả thực hiện công tác trong 11 tháng năm 2024.
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Các, Chánh Văn phòng VKSND tỉnh Quảng Nam báo cáo kết quả VKS hai cấp Quảng Nam đã đạt được trong 11 tháng năm 2024, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đề ra phương hướng, giải pháp trong thời gian sắp tới. Hội nghị cũng được nghe Trưởng các phòng nghiệp vụ trình bày chuyên đề: “Đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm”; “Đánh giá nguyên nhân để xảy ra án hủy, sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát trong 11 tháng năm 2024, đề ra các giải pháp hiệu quả và thực chất khắc phục”; đồng thời nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tỉnh theo từng lĩnh vực được phân công phụ trách.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Trần Hoài Nam, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tập trung kiểm tra, rà soát kết quả công tác của đơn vị; quyết tâm thực hiện đạt các chỉ tiêu công tác còn lại; đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trong đó triển khai thực hiện nghiêm túc việc số hóa hồ sơ trong các khâu công tác kiểm sát hoạt động tư pháp và các vụ án hình sự đã xét xử xong. Thủ trưởng các đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên quán triệt, kiểm tra, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ; khẩn trương thực hiện đánh giá, xếp loại công chức, đảng viên một cách minh bạch và thực chất nhằm tạo động lực để công chức, đảng viên tiếp tục phấn đấu.
VKSND tỉnh Gia Lai: Vừa qua, VKSND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị góp ý về những nội dung liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát trong khởi tố vụ án dân sự trước năm 2004 và thực hiện các quyền kiến nghị kiểm sát, để bảo vệ lợi ích Nhà nước và lợi ích người yếu thế.
Các ý kiến tại Hội nghị đã đánh giá sâu sắc về vai trò và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhóm yếu thế và lợi ích công, nhất là trong những vụ án dân sự trước năm 2004, khi khung pháp lý còn nhiều bất cập và chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp và kiến nghị để hoàn thiện pháp luật liên quan đến quyền khởi kiện vụ án dân sự của Viện kiểm sát, nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế rõ ràng trong việc xác định các trường hợp liên quan đến lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương cũng như việc thu thập tài liệu, chứng cứ khi Viện kiểm sát khởi tố.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai thay mặt đơn vị tiếp thu các ý kiến đóng góp và khẳng định VKSND tỉnh Gia Lai sẽ tích cực tham gia góp ý xây dựng, đề xuất các biện pháp và sửa đổi bổ sung cần thiết để hoàn thiện Đề án. Hội nghị kết thúc với sự nhất trí cao về các phương án và nội dung đóng góp, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác bảo vệ công lý, đảm bảo quyền lợi của các nhóm yếu thế, cũng như sự quyết tâm góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
VKSND tỉnh Bình Phước: Vừa qua, tại VKSND tỉnh Bình Phước, Đoàn công tác của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước đã tiến hành giám sát tình hình thực thi pháp luật của 04 cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh, gồm: Công an, VKSND, Toà án nhân dân, Cục thi hành án dân sự.
Tại buổi giám sát, Đoàn đã được nghe Công an tỉnh, Công an, VKSND, Toà án nhân dân, Cục thi hành án dân sự báo cáo về kết quả thực thi nhiệm vụ năm 2024. Theo đó, các cơ quan thực thi pháp luật đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và cấp trên giao; tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng điều tra, xét xử, thi hành án và thực hành quyền công tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2024, các cơ quan chức năng đã khởi tố 1.435/2.296 bị can, số loại tội phạm khởi tố nhiều nhất là trộm cắp tài sản, đánh bạc, cố ý gây thương tích. Tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý 9.614 vụ, việc; giải quyết 7.552 vụ, việc. Thi hành án xong 9.570 việc với tổng số tiền hơn 882,4 tỷ đồng, đạt hơn 49% số tiền phải thi hành án.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn giám sát đã chất vấn một số nội dung và được đại diện các cơ quan tư pháp báo cáo giải trình. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ và đưa ra đề xuất, kiến nghị để Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ nhằm giúp các cơ quan tư pháp hoạt động tốt hơn.
Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Vũ Long Sơn, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh ghi nhận kết quả công tác của cơ quan tư pháp đạt được trong năm 2024. Đồng chí nhấn mạnh, thành tích trong hoạt động thực thi nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp đã góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đề nghị các cơ quan tư pháp tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy tốt quan hệ phối hợp trong công tác để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đoàn giám sát cũng ghi nhận những kiến nghị của các đơn vị để báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh có giải pháp tháo gỡ.
VKSND tỉnh Hậu Giang: Vừa qua, VKSND tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên tòa phúc thẩm rút kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại đối với vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng hứa bán, mua sản nghiệp Công ty” giữa nguyên đơn là Ngân hàng B, bị đơn là Công ty TNHHMTV xây dựng thương mại dịch vụ K.H, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là Công ty T.B.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ quyết định về việc tuyên vô hiệu hợp đồng hứa mua, bán ngày 26/01/2015 giữa Công ty T.B với Công ty K.H; Công ty T.B không đồng ý trả phần lãi vay Ngân hàng B thay cho Công ty K.H.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án cấp phúc thẩm và xem xét đơn kháng cáo của Công ty K.H, Công ty T.B, Kiểm sát viên đã tìm hiểu các văn bản pháp luật có liên quan để đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm; quan điểm giải quyết đối với bản án sơ thẩm bị kháng cáo.
Trên cơ sở đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã tuyên chấp nhận kháng cáo của bị đơn và chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, sửa Bản án sơ thẩm theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.
Sau khi kết thúc phiên tòa, Phòng 9 VKSND tỉnh đã tổ chức họp rút kinh nghiệm nhằm đưa ra nhận xét, đánh giá về mặt tích cực, hạn chế của Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Thông qua phiên tòa rút kinh nghiệm, các Kiểm sát viên trong đơn vị học hỏi được kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng xử lý tình huống tại phiên tòa, đồng thời tích lũy kinh nghiệm cho bản thân trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự nói chung và vụ án kinh doanh thương mại nói riêng, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của Ngành trong tình hình mới.