Nhân dịp 33 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2008), ngày 26/4/2008, huyện đảo Trường Sa và các lực lượng vũ trang trên đảo đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng lịch sử này tại đảo Trường Sa, nay là Thị trấn huyện Trường Sa
Vững vàng nơi đầu sóng
Nhân dịp 33 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2008), ngày 26/4/2008, huyện đảo Trường Sa và các lực lượng vũ trang trên đảo đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng lịch sử này tại đảo Trường Sa, nay là Thị trấn huyện Trường Sa.
Giữa trùng khơi sóng gió, nằm về phía đông - nam của Tổ quốc, Quần đảo Trường Sa như một chuỗi ngọc bích lẫn vào trời mây, lẫn vào sóng xanh nước biếc, tạo nên luỹ thành nghìn đời cho đất nước Việt Nam. Một Trường Sa với những đảo nổi, đảo chìm, được tạo nên bởi san hô hay cát trắng, với những tấm bia chủ quyền mang quốc huy Việt Nam uy nghiêm sừng sững và bóng người lính đảo đêm ngày bồng súng lồng lộng trước biển khơi…
Một Trường Sa hôm nay xanh tươi sự sống, vững vàng trước bão táp phong ba, trước sự nhòm ngó tranh giành của các quốc gia láng giềng, ngày càng ổn định và phát triển là niềm mong mỏi và tự hào của cả nước bởi Trường Sa là ruột rà, máu thịt, là thành quả của nhiều thế hệ người Việt bảo vệ, dựng xây.
33 năm trước, hoà cùng tiếng súng tổng công kích của đại quân vào hang ổ cuối cùng của Mỹ - Ngụy ở miền Nam, ngày 14/4/1975, một đơn vị của Hải quân nhân dân Việt Nam phối hợp cùng bộ đội Quân khu V xé sóng băng khơi, mưu trí, táo bạo, bất ngờ đổ bộ vào các đảo ở Trường Sa, tiêu diệt bọn địch đồn trú ở đây, giải phóng hoàn toàn quần đảo từ tay quân ngụy Sài Gòn. Cũng từ ngày đó, bộ đội Hải quân nhận sứ mệnh thiêng liêng: giữ gìn quần đảo, cùng nhân dân Trường Sa xây dựng và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc trong sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân cả nước. Do ở cách xa đất liền, giao thông vận tải đặc biệt khó khăn, mọi nhu cầu cho cuộc sống chiến đấu và xây dựng thiếu thốn đủ bề: thiếu thông tin của đất liền, của người thân; thiếu điện, thiếu nước ngọt, thiếu nguyên vật liệu để xây dựng doanh trại, xây dựng công sự phòng thủ và che đỡ sóng gió; thiếu rau xanh, thực phẩm tươi sống… Lại nữa, Trường Sa là “rốn” bão của biển Đông, khí hậu khắc nghiệt cả 2 mùa mưa nắng, hiểm nguy rình rập cuộc sống của người lính ngoài đảo xa, trên biển dữ. Các đảo nhỏ nằm rải rác cách xa nhau hàng trăm hải lý, có nhiều đảo chìm sâu dưới nước biển, đồn của chiến sĩ là những căn nhà nhỏ xây chênh vênh trên sóng nước. Để bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc trước sự nhòm ngó, xâm phạm của nước ngoài, Hải quân ta đã làm nhiều nhà giàn trên biển và giữa mênh mông sóng gió ấy, những trạm gác nổi do những người lính thường trực canh giữ ngày đêm, khẳng định chủ quyền của Việt Nam, ngăn chặn mọi mưu đồ chiếm đoạt của nước ngoài, canh giữ cuộc sống cho ngư dân, cho các dự án kinh tế trên biển, cho thuyền bè đi lại trong khu vực.
Chưa vượt ra khỏi khó khăn sau chiến tranh để đối phó cùng thiên tai khắc nghiệt nhằm xây dựng một Trường Sa vững mạnh thì những sự kiện khiêu khích, lấn chiếm đảo và các khu vực trong lãnh hải Việt Nam của tàu chiến Trung Quốc liên tục diễn ra. Đặc biệt nghiêm trọng, họ đã chủ động tấn công các tàu vận tải của ta và tấn công cướp một số đảo. Máu chiến sĩ lại đổ để giữ gìn từng mét vuông biển, đảo; nhiều tấm gương hy sinh chiến đấu để giữ gìn mối tình hữu nghị Việt - Trung vốn có tự ngàn xưa; giữ gìn môi trường hoà bình trong khu vực... Rồi những cơn bão như biển sôi đất sập tàn phá Trường Sa. Lán trại, cây xanh trên đảo vốn đã ít, lại bị bão lôi gió giật. Đảo bị cào bên nọ, bị xé phía kia. ở những đảo chìm, những nhà giàn chênh vênh trên biển, sóng gió mặc sức tàn phá. Các chiến sĩ chúng ta nhỏ nhoi trước biển cả vẫn quyết liệt chống giữ, bám trụ làm nhiệm vụ đến cùng. Không chịu đựng nỗi sóng to gió lớn, 4 nhà giàn đã bị đổ ập xuống biển sâu, hàng chục chiến sĩ anh dũng hy sinh. Họ ra đi như những người anh hùng trong chiến đấu, nhiều người để lại cho đồng đội và nhân dân những tấm gương ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng khi nhường cho bạn miếng lương khô cuối cùng và chiếc phao nhỏ bé để chấp nhận hy sinh; có đồng chí chỉ huy lệnh cho chiến sĩ của mình rút xuống tàu cứu hộ, còn mình ở lại thu gom tài liệu, vũ khí, giành giật cùng sóng gió những tài sản quý báu của quân đội giao cho mà không kịp xuống tàu khi nhà giàn đổ vùi xuống đáy sóng. Thiếu tá Bùi Văn Bổng, nay là Cụm trưởng nhà giàn DKI 17 bị sóng đánh trôi khi nhà bị sập đã kiên cường chống chọi với bão tố 17 ngày ròng trên biển để trở về đội ngũ chiến đấu hôm nay…
33 năm xây dựng và chiến đấu, bộ đội và nhân dân Trường Sa đã trả lại cho quần đảo màu xanh của cuộc sống. Tất cả các đảo nổi đã có cơ ngơi khang trang, hệ thống phòng thủ ngày càng hoàn thiện, sự liên hoàn giữa các đảo trong toàn huyện đảo càng được quan tâm, củng cố. Đời sống vật chất, tinh thần và ý thức phục vụ Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngày một cao. Đặc biệt gần đây, khi tình hình biển Đông có những diễn biến phức tạp, quân và dân huyện đảo Trường Sa nói riêng và các lực lượng làm nhiệm vụ trên quần đảo nói chung càng chắc tay súng, tăng cường huấn luyện, nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với những thành tích trong chiến đấu và xây dựng, huyện đảo Trường Sa và 3 đảo trực thuộc: Nam Yết, Trường Sa, Song Tử Tây vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND”.
Bài và ảnh: Quang Thanh