CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện KSND cấp tỉnh theo Kết luận 79-KL/TW

04/10/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Trong quá trình đổi mới, cùng với công cuộc cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, đòi hỏi tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình mới và xu thế hội nhập quốc tế.
Trong quá trình đổi mới, cùng với công cuộc cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, đòi hỏi tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình mới và xu thế hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở chỉ đạo của Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 28/7/2010 Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW về đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra. Theo đó, Ban chấp hành Trung ương đã khẳng định: “Viện kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp như hiện nay”. Như vậy, chức năng và nhiệm vụ của Viện kiểm sát không thay đổi và vẫn giữ nguyên như quy định tại Điều 137 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung và Điều 1 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Kết luận số 79-KL/TW cũng định hướng: Tổ chức hệ thống Viện kiểm sát nhân dân thành 4 cấp, phù hợp với hệ thống tổ chức của Toà án nhân dân. Giữ cụm từ “nhân dân” trong tên gọi của Viện kiểm sát. Cụ thể là: Viện kiểm sát nhân dân khu vực (số lượng và địa hạt tư pháp tương ứng với số lượng và địa hạt tư pháp của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực); Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (số lượng và địa hạt tư pháp tương ứng với số lượng và địa hạt tư pháp của Toà án nhân dân cấp cao); Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Về tổ chức và thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh: Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực có kháng cáo, kháng nghị và xét xử sơ thẩm một số vụ án không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực thuộc địa hạt của tỉnh; không thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm. Mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh có một Toà án nhân dân cấp tỉnh như hiện nay, nhưng không còn Uỷ ban Thẩm phán. Với những nội dung đã nêu tại Kết luận 79-KL/TW cho thấy:
 Về tên gọi: Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh vẫn giữ nguyên như hiện nay;
 Về phạm vi theo lãnh thổ: giữ nguyên theo địa hạt hành chính của cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do đó số lượng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh sẽ không thay đổi (có 63 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương);
Về thẩm quyền: trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phải tương ứng với thẩm quyền của Toà án, do đó Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh không có thẩm quyền kháng nghị và thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Thẩm quyền này được chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; việc không thực hiện thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm là để Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh tập trung làm tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm, kiểm sát xét xử phúc thẩm, kiểm sát hoạt động tư pháp...
Về cơ cấu tổ chức bộ máy: Kết luận số 79-NQ/TW chỉ xác định không có Uỷ ban Thẩm phán của Toà án nhân dân cấp tỉnh, không xác định ở Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Uỷ ban Kiểm sát hay không. Do đó, vấn đề đặt ra là: ở Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Uỷ ban Kiểm sát hay không? Qua nghiên cứu cho thấy, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh vẫn cần phải có Uỷ ban Kiểm sát, bởi lẽ: theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Uỷ ban Kiểm sát có nhiệm vụ thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng sau đây: “Thực hiện phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác, chỉ thị, thông tư và quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo tổng kết công tác với Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp; những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động quan trọng; những vấn đề quan trọng khác do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định”. Như vậy, khác với Uỷ ban Thẩm phán của Toà án nhân dân cấp tỉnh là một cơ quan có nhiệm vụ chính là giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp dưới bị kháng nghị (đây là chức năng xét xử - Điều 29 Luật tổ chức Toà án nhân dân). Nay Kết luận 79-KL/TW định hướng bỏ chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án cấp tỉnh thì đương nhiên không cần thiết phải thành lập Uỷ ban Thẩm phán của Toà án nhân dân cấp tỉnh. Ngoài việc giữ nguyên Ủy ban Kiểm sát như hiện nay, cần nghiên cứu việc bổ sung thêm thành viên của Uỷ ban Kiểm sát gồm một số Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực. Vì đây là những đồng chí có kinh nghiệm trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở địa phương; hơn nữa, theo Pháp lệnh Kiểm sát viên mới thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp quận, huyện (sau này là khu vực) có thể là Kiểm sát viên trung cấp, do đó cần tăng số lượng Uỷ viên Ủy ban Kiểm sát từ 9 lên 12 người.
Về sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử: hiện nay, tổ chức Đảng ở Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gồm có: Ban cán sự Đảng thuộc sự lãnh đạo của Thường trực Tỉnh uỷ (Thành uỷ); Đảng bộ cơ quan (gồm các tổ chức Đảng của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh) trực thuộc Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh (thành phố). Theo định hướng tại Kết luận số 79-KL/TW, nếu mô hình các cơ quan tư pháp trở thành hiện thực sẽ thành lập Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (gồm các tổ chức đảng của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân các khu vực). Các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân khu vực sẽ chịu sự lãnh đạo của Đảng bộ cấp tỉnh. Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ hình thành các mối quan hệ mới:
Mối quan hệ giữa Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh với các Chi bộ hoặc Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực (mối quan hệ trực tiếp);
Mối quan hệ giữa Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh với Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (mối quan hệ trực tiếp), Đảng bộ Viện kiểm sát cấp tỉnh không trực thuộc Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh, thành phố như hiện nay;
Mối quan hệ giữa Chi bộ (hoặc Đảng bộ) Viện kiểm sát sơ thẩm khu vực, Đảng bộ Viện kiểm sát cấp tỉnh với Đảng bộ cấp quận, huyện thuộc địa bàn của Viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực (đây là quan hệ phối quản), vì có thể một Viện kiểm sát sơ thẩm khu vực sẽ bao gồm một hay nhiều đơn vị hành chính cấp huyện.
Định hướng mô hình sự lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh như Kết luận số 79-KL/TW sẽ tăng tính độc lập cho các cơ quan tư pháp cấp tỉnh nói chung và Viện kiểm sát cấp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực vẫn phải bảo đảm thực hiện Nghị quyết của các cấp uỷ Đảng địa phương và phải có mối quan hệ với cấp uỷ Đảng quận, huyện, bởi vì công tác kiểm sát là công tác phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Mặt khác, Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh cần phải có bộ máy giúp việc chuyên trách, như: Văn phòng Đảng uỷ…
Về sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng không có vướng mắc lớn. Bởi lẽ, theo Nghị quyết số 725/2009-UBTVQH12 ngày 16/02/1009 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung nhiệm vụ đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường; trong đó giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cấp quận, huyện trên địa bàn. Ngày 01/4/2009, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 13/HD-VKSTC-V8 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 725/2009-UBTVQH12. Theo đó, các Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện có trách nhiệm báo cáo trước Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp quận, huyện và trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác của Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện.
Thực tiễn cho thấy với mô hình thí điểm nêu trên vẫn bảo đảm sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp, nếu Viện kiểm sát cấp huyện chuyển sang mô hình Viện kiểm sát sơ thẩm khu vực sẽ không gặp khó khăn về sự giám sát của Hội đồng nhân dân đối với các Viện kiểm sát sơ thẩm khu vực.
Nguyễn Văn Quảng
Phó Viện trưởng VKSNDTP Hải Phòng
 
Tìm kiếm