Ngày 20/01/2025, Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Mai Thị Nam, Chánh Thanh tra VKSND tối cao, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo là Lãnh đạo Vụ 15, Vụ 1, Cục 3, Văn phòng VKSND tối cao và các thành viên Tổ Thư ký của Ban Chỉ đạo.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã theo dõi video clip về kết quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Trong đó nêu rõ, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND các cấp, Thủ trưởng đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành phối hợp với cấp ủy cùng cấp tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các văn bản của Đảng, Nhà nước và quy định của Ngành về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở ngành Kiểm sát nhân dân xác định nhiệm vụ trọng tâm là người đứng đầu các đơn vị kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở trong quản lý, điều hành, công khai, dân chủ những nội dung theo quy định; tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động được bàn và quyết định, tham gia ý kiến, đồng thời thực hiện vai trò giám sát, kiểm tra; chủ động, linh hoạt, sáng tạo triển khai nhiệm vụ công tác phù hợp với đặc thù của đơn vị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đi đầu, gương mẫu trong thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, các quy định của ngành Kiểm sát nhân dân.
Về công tác kiểm tra, Ban Chỉ đạo đã xây dựng Kế hoạch và hoàn thành kiểm tra trực tiếp chuyên đề thực hiện dân chủ ở cơ sở tại 12 đơn vị trong Ngành. Các đơn vị đã chủ động triển khai các cuộc kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo chuyên đề hoặc lồng ghép trong các cuộc thanh tra, kiểm tra của đơn vị. Kết quả kiểm tra đã ghi nhận những kết quả đạt được, chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót trong thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với công tác quản lý nội bộ, công tác quản lý tài chính, tài sản công và đầu tư xây dựng của đơn vị được kiểm tra để yêu cầu khắc phục kip thời. Sau kiểm tra, Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở ngành Kiểm sát nhân dân đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm về một số hạn chế, thiếu sót trong thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2024 để rút kinh nghiệm chung trong toàn Ngành.
Về kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của VKSND, Viện trưởng VKSND các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên các mặt công tác quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động đúng quy định của pháp luật và quy chế của Ngành. Công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân cơ bản có trình độ nghiệp vụ vững, được rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật cao, chấp hành tốt pháp luật, có trách nhiệm trong thực hiện các quyền theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tích cực đóng góp xây dựng cơ quan, đơn vị, xây dựng Ngành.
Trong công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, VKSND tối cao đã thực hiện chủ trương không thành lập mới các đơn vị, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy làm việc cấp phòng thuộc các đơn vị VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh theo hướng giảm đầu mối, sáp nhập các đơn vị thực hiện nhiệm vụ công tác có tính chất tương đồng.
Ngành Kiểm sát nhân dân đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực công tác, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số. Các đơn vị đều nắm chắc quy chế của Ngành, quy định của pháp luật và thực hiện tốt công tác tiếp dân. Tăng cường kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, nâng chất lượng kiến nghị; kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật, hạn chế, thiếu sót trong hoạt động tư pháp, góp phần quan trọng chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong lĩnh vực tư pháp.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở ngành Kiểm sát nhân dân ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong toàn Ngành. Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở của Ngành đã chủ động, tích cực tham mưu trong triển khai các quy định của pháp luật về dân chủ, chỉ đạo các đơn vị cơ sở trong Ngành tổ chức thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có trọng tâm, có chuyên đề, đảm bảo thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong năm 2025, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Ban Chỉ đạo xây dựng Chương trình công tác, Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và triển khai thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân. Tổ chức kiểm tra trực tiếp các đơn vị theo Kế hoạch kiểm tra năm 2025, tăng cường chỉ đạo theo dõi, đôn đốc các đơn vị trong toàn Ngành nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở trong đơn vị, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, phát huy tính chủ động, tích cực của các Ủy viên Ban Chỉ đạo và thành viên Tổ thư ký trong địa bàn và lĩnh vực phụ trách. Tham mưu Viện trưởng VKSND tối cao xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, của Ngành về thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời khen thưởng đối với đơn vị, cá nhân có thành tích.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đã trao Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, thực hiện dân chủ ở cơ sở ngành Kiểm sát nhân dân.